"Thế giới kinh dị" và nỗi ám ảnh quanh bãi rác Nam Sơn

Sống gần bãi rác, người dân Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội) phải đối mặt với nhiều bệnh hiểm nghèo.

Sống gần bãi rác, người dân Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội) phải đối mặt với nhiều bệnh hiểm nghèo. Và khi bạo bệnh ung thư bùng phát, người dân ở đây đã thực sự hoang mang.

Con phải đi làng SOS vì bố mẹ lần lượt qua đời vì ung thư

Ba năm trước, cháu Nguyễn Thị Phương Thúy (SN 2000, thôn Đông Hạ, xã Nam Sơn) cũng có một tổ ấm gia đình rất hạnh phúc.

Ngày đó, Thúy có bố, có mẹ, có ông bà nội và 2 người em ở bên. Thế nhưng bây giờ, bố mẹ Thúy là anh Nguyễn Bình Tuân và chị Đỗ Thị Bích Ngọc cùng ông nội là Nguyễn Bình Do đã lần lượt qua đời vì căn bệnh ung thư quái ác.

Sau khi chồng, con trai, con dâu mất, một mình bà Đặng Thị Ngâm (70 tuổi) không thể nuôi 3 đứa cháu thơ dại.

Nuốt nước mắt, bà Ngâm đành gửi 2 cháu nhỏ là Nguyễn Thị Phương Thảo (SN 2004) và Nguyễn Bình Khiêm (SN 2006) là em ruột của cháu Thúy vào trại trẻ SOS Hà Nội.

Thế giới kinh dị và nỗi ám ảnh quanh bãi rác Nam Sơn - Ảnh 1.

Bà Ngâm phải gửi hai đứa cháu vào làng SOS vì con trai và con dâu mất bởi bệnh ung thư.

Bây giờ, trong nhà chỉ còn lại bà Ngâm và cháu Thúy.

Bà Ngâm có tất cả 7 người con, 4 trai 3 gái. Sau khi lần lượt dựng vợ gả chồng cho các con, vợ chồng bà Ngâm ở cùng người con trai út là anh Nguyễn Bình Tuân.

Sống bằng nghề nông, tuy nghèo nhưng tổ ấm của anh Tuân luôn ngập tràn tiếng cười.

"Gia đình đang yên đang lành bỗng chốc tai họa ập xuống. Căn bệnh ung thư đã cướp đi 3 người thân của tôi chỉ trong vòng có vài năm", bà Ngâm nói trong nước mắt.

Nhà bà Ngâm đông con nhưng ngặt nỗi ai cũng khó khăn. Lo cho cuộc sống gia đình mình còn chật vật nói gì đến chuyện cưu mang người khác. Bởi thế, tai ương ập xuống, dù thương các cháu lắm nhưng họ đành bất lực.

Nhìn các cháu thơ dại đã phải gửi vào trại SOS, họ cũng không cầm được nước mắt.

Bà Ngâm lo lắng, nếu một mai bà ngã xuống không biết 3 đứa cháu biết nương tựa vào ai.

Theo bà Ngâm, năm 2013, khi đó mới được 42 tuổi, anh Tuân con bà mất vì ung thư phổi. Hai năm sau chị Ngọc vợ anh Tuân mất vì ung thư dạ dày khi mới 38 tuổi. Đầu năm 2016, bố anh Tuân cũng lìa trần bởi căn bệnh ung thư tuyến giáp.

"Chồng tôi tuổi cũng đã cao nhưng vợ chồng thằng Tuân mất trẻ quá! Nhà có 3 người chết vì ung thư khiến ai cũng hoang mang", bà Ngâm chia sẻ.

Lo tiền chữa bệnh cũng đủ… đau đầu

Nhà ông Nguyễn Văn Thơm ở đội 16 nằm khuất dưới tán cây xanh rì. Ở ngoại ô, lại hưởng bóng cây mướt mát thì ai cũng nghĩ gia đình ông Thơm quanh năm được hít thở bầu không khí trong lành, dễ chịu. Thế nhưng không phải vậy.

Thế giới kinh dị và nỗi ám ảnh quanh bãi rác Nam Sơn - Ảnh 2.

Ông Thơm dùng thuốc thay cơm.

Hôm chúng tôi đến, bà Nguyễn Thị Mỹ, vợ ông Thơm đang còng lưng phơi thóc ngoài sân. Thấy có khách lạ, buông cào thóc, bà tỏ vẻ mừng rỡ.

"Các anh đến để lắp đặt ống nước đấy à? Bao giờ thì nhà tôi có nước sạch đấy?", người đàn bà có tấm lưng song song với mặt đất ấy vồ vập.

Khi biết chúng tôi không phải là những người mà mình mong đợi, bà Mỹ đã buông tiếng thở dài não nề. Bà bảo, nhiều năm nay, gia đình bà đã sống trong tận cùng khổ cực, hoang mang.

Tất cả những khốn khó ấy, theo bà Mỹ là do bãi rác Nam Sơn đem lại.

Chỉ vào đứa cháu tuổi mới lên ba đang chơi trong nhà, bà Mỹ bảo: "Mới tí tuổi đầu mà nó đã không chịu nổi sự ô nhiễm đây này. Cứ bế nó ra sân là nó khóc toáng lên bảo, bế cháu vào, ở đây thối lắm!".

Trò chuyện với bà Mỹ hồi lâu thì ông Thơm mới loạng quạng bước ra. Ông bảo, mấy ngày nay ông mệt nên cứ nằm bẹp trong buồng. Hai năm nay, ông Thơm bị bạo bệnh ung thư dạ dày hành hạ.

Tuổi mới 65, bình thường ở quê còn lao động như con trâu, con ngựa nhưng trông ông Thơm đã lụ khụ như ông lão 80. Nói như lời bà Mỹ thì từ khi vướng vào trọng bệnh, chồng bà "một ngày béo, chín ngày gày"

Lôi trong nhà ra một bọc thuốc tướng, ông Thơm bảo, giờ ông uống thuốc thay cơm.

"Tôi xạ trị 6 lần rồi, hơn trăm triệu đi tong rồi mà giờ thì vẫn chả biết sống chết thế nào", giọng bi ai, ông Thơm nặng nhọc nói.

Thế giới kinh dị và nỗi ám ảnh quanh bãi rác Nam Sơn - Ảnh 3.

Tuổi cao, nhưng bà Mỹ vẫn phải lao động vất vả để kiếm tiền cho chồng trị bệnh.

Ông Thơm bảo, bây giờ cứ chừng 3 tháng ông lại xuống viện một lần. Mỗi lần như thế phải giắt theo 4-5 triệu bạc. Nhà làm nông chỉ đủ ăn, nên tiền ấy phải huy động con cháu vay mượn.

"Cứ ở viện về là tôi lại phải nghĩ xem lần tới đi thì lấy tiền ở đâu? Chỉ nghĩ đến việc tìm chỗ vay mượn cũng đủ mệt rồi", ông Thơm nghẹn giọng.

Nhà chị Nguyễn Thị Túc (SN 1974) nằm đối diện ngay bãi rác Nam Sơn. Ở "xứ xở bãi rác" này có nhiều cảnh ngộ bi thảm nhưng khi nhắc đến gia cảnh chị Túc, ai cũng rớm nước mắt xót xa.

Dù qua hai lần đò nhưng chị vẫn một thân một mình vò võ. Không có được mái ấm như bao người, đã vậy trời vẫn chẳng thương. Năm ngoái, chị như ngã gục khi biết mình bị ung thư tuyến giáp.

Hôm chúng tôi đến, chị Túc không có nhà. Vừa hết đợt truyền hóa chất là chị lại bổ đi làm.

"Mẹ em làm tạp vụ ở nhà máy Sam Sung trên Thái Nguyên. Lương chẳng được bao nhiêu nhưng không làm thì chẳng biết lấy gì chữa bệnh", em Nguyễn Đức Mạnh, con trai chị Túc chia sẻ.

Tiền hỗ trợ độc hại chỉ đủ mua chiếc… khẩu trang

Nhà bà Ngâm chỉ cách bãi rác mấy trăm mét. Suốt nhiều năm qua, môi trường tại khu vực nhà bà Ngâm bị ô nhiễm nghiêm trọng. Mùi hôi thối bốc lên nồng nặc đặc biệt là những lúc trái nắng, trở trời.

Như nhiều gia đình khác, nhà bà Ngâm cũng nằm trong diện được nhận tiền hỗ trợ môi trường hằng tháng. Tuy nhiên, theo bà Ngâm, số tiền mỗi tháng bà nhận được chỉ đủ mua… một chiếc khẩu trang.

"Tám nghìn đồng một tháng thì chỉ đủ mua khẩu trang thôi anh ạ", bà Ngâm chua chát.

Thế giới kinh dị và nỗi ám ảnh quanh bãi rác Nam Sơn - Ảnh 4.

Môi trường ô nhiễm đang khiến người dân Nam Sơn lo lắng.

Theo những người dân sống quanh bãi rác khổng lồ Nam Sơn thì thì nhiều năm nay, họ có thêm một kẻ thù đáng sợ khác đó là… ruồi.

"Mùa hè còn đỡ chứ mùa thu hoặc mùa xuân thì ruồi nhiều kinh khủng, không thuốc nào diệt được", ông Nguyễn Văn Hiền, quyền Trạm trưởng trạm y tế xã Nam Sơn cho biết.

Theo lời ông Hiền thì "vào vụ ruồi", ngay ở trạm y tế cũng điên đầu vì loài côn trùng đáng ghét này. Dùng hóa chất xua đuổi không ăn thua nên trạm cứ phải đóng kín các cửa, trên bàn làm việc thì hở chỗ nào là đặt miếng nhựa dính ruổi chỗ đó.

Trạm y tế Nam Sơn có mấy nhân viên ở nơi khác đến đây công tác. Theo những nhân viên này thì khi mới lên đây, họ như lạc vào… thế giới khác mà phải mất một thời gian dài mới quen được.

"Mới lên, buổi tối em không ngủ được đâu. Cửa đã dán kín rồi mà mùi hôi thối vẫn ập vào, rồi ruồi bu tứ phía nữa, kinh lắm!", anh Nguyễn Văn Duy, cán bộ trạm y tế chia sẻ.

Thế giới kinh dị và nỗi ám ảnh quanh bãi rác Nam Sơn - Ảnh 5.

Theo người dân Nam Sơn, nước thải từ bãi rác đã ngấm vào mạch nước ngầm của xã.

Bạo bệnh ung thư đang khiến người dân Nam Sơn hoang mang tột độ. Vài năm gần đây, số người chết về căn bệnh này tăng đột biến.

Nếu như năm 2015 có 10 người chết vì ung thư thì chỉ riêng mấy tháng 2016 đã có 7 người ra đi vì căn bệnh quái ác này.

Ngoài bạo bệnh ung thư thì theo ông Hiền, quyền Trạm trưởng trạm y tế xã Nam Sơn thì người dân xã ông thường xuyên mắc bệnh liên quan đến hô hấp, bệnh phụ khoa và bệnh ngoài da.

Theo Trí Thức Trẻ


bãi rác

thế giới kinh dị

nỗi ám ảnh

bãi rác Nam Sơn


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.