Thông tin tiêm chủng sẽ được tích hợp trên căn cước gắn chip

Nhận thấy căn cước công dân gắn chip tích hợp nhiều tiện ích, Công an TP.HCM đang nghiên cứu đề xuất thay thế hoàn toàn chứng minh nhân dân 9 số, 12 số.

“Chúng tôi đang nghiên cứu đề xuất thay đổi hoàn toàn chứng minh nhân dân 9 số, 12 số sang căn cước công dân gắn chip. Hiện, CMND 9 số, 12 số vẫn còn giá trị sử dụng nhưng đến thời điểm nào đó sẽ được thay thế. Việc làm này nhằm đồng bộ trong công tác quản lý, phục vụ cho người dân và việc quản lý Nhà nước tốt hơn”, thiếu tướng Trần Đức Tài, Phó giám đốc Công an TP.HCM, trả lời tại cuộc họp báo sáng 5/11.

Cũng tại cuộc họp, ông Tài cho biết CCCD gắn chip đã được Bộ Công an triển khai đồng loạt. Giai đoạn 1, Công an TP.HCM đã nỗ lực, tổ chức ra quân nhưng vì dịch Covid-19 nên công việc bị gián đoạn, qua đó chưa hoàn thành chỉ tiêu cấp CCCD gắn chip.

Thông tin tiêm chủng sẽ được tích hợp trên căn cước gắn chip-1
Thiếu tướng Trần Đức Tài cho biết Công an TP.HCM đang nghiên cứu đề xuất thay thế CMND 9 số, 12 số sang CCCD gắn chip. Ảnh: Chí Hùng.

Theo Phó giám đốc Công an TP.HCM, CCCD gắn chip phù hợp với thời đại, đem lại nhiều tiền ích đặc biệt cho người dân. Chính vì vậy, Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương, đặc biệt là Công an TP.HCM, Hà Nội mở cao điểm để hoàn thành việc cấp CCCD trong cuối tháng 11, đầu tháng 12.

Để hoàn thành việc này, ông Tài cho rằng cần báo chí thông tin nhanh, chính xác nhất để người dân hiểu và ủng hộ.

“Sau dịch, dữ liệu tiêm chủng sẽ được tích hợp vào CCCD gắn chip. Nếu chúng ta làm tốt thì người dân đến nơi công cộng, lao động, sản xuất, du lịch, làm hộ chiếu đi nước ngoài được thuận tiện hơn”, ông Tài nhấn mạnh.

Thượng tá Trần Trung Hiếu, Phó phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TP.HCM (PC06), cho biết đến nay, Công an TP.HCM đã nhận hơn 3 triệu hồ sơ cấp, đổi thẻ CCCD. Trong đó, cảnh sát đã hoàn thành, cấp trả cho gần 2,2 triệu người.

Thông tin tiêm chủng sẽ được tích hợp trên căn cước gắn chip-2
Thượng tá Trần Trung Hiếu, Phó phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TP.HCM. Ảnh: Chí Hùng.

Dự kiến từ nay đến cuối tháng 11, Công an TP.HCM huy động tối đa lực lượng để tham gia cấp gần 3,5 triệu CCCD cho người đủ 14 tuổi trở lên chưa được cấp CCCD; người đang sử dụng CMND 9 số, 12 số, mã vạch; người đã có CCCD gắn chip nhưng bị mất, hết hạn sử dụng, mất, thay đổi về thông tin nhân khẩu.

Công an TP.HCM lên phương án sắp xếp, chú trọng đến việc chuẩn bị dữ liệu, thông tin công dân trước khi tổ chức cấp phát.

Bên cạnh đó, ông Hiếu cho biết Công an TP.HCM giao nhiệm vụ cụ thể cho cảnh sát khu vực, trưởng công an phường, xã, thị trấn, tổ chức cấp CCCD lưu động, không để công dân xếp hàng, chờ đợi lâu hoặc không có công dân đến làm CCCD dẫn đến không đạt chỉ tiêu đề ra.

Theo Công an TP.HCM, CCCD gắn chip có nhiều ưu điểm hơn so với thẻ CCCD dùng mã vạch vì có dung lượng lưu trữ lớn, độ bảo mật cao, cho phép tích hợp nhiều ứng dụng đi kèm như: Ứng dụng chữ ký số, sinh trắc học, dữ liệu tiêm chủng, giấy phép lái xe, dữ liệu hưởng chế độ, chính sách xã hội... có thể được sử dụng và kết nối rộng rãi trong các dịch vụ công cộng và tư nhân.

Bên cạnh đó, CCCD gắn chip tích hợp đầy đủ những thông tin, người dân đi giao dịch và làm các thủ tục không cần mang nhiều loại giấy tờ mà chỉ sử dụng thẻ CCCD. Dữ liệu trên chip có thể được truy cập ngay lập tức mà không bị phụ thuộc vào kết nối mạng thông qua các thiết bị cho phép đọc thông tin trên chip, giúp cho việc xác thực danh tính được thực hiện ngay lập tức, hạn chế việc giả mạo.

Ngoài ra, chip gắn trên CCCD không có chức năng định vị, theo dõi; việc tích hợp, sử dụng thông tin trên chip tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin.

>>> Mời độc giả xem tin tức mới nhất trong ngày chính xác nhất

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/thong-tin-tiem-chung-se-duoc-tich-hop-tren-can-cuoc-gan-chip-post1275369.html?fbclid=IwAR1z7PNAvCeST5B021PNuqsOBbg7HcCt0jvz8s0__cbGWOF61pFllSMq4u0

thẻ Căn cước công dân


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.