Công bố dịch Covid-19 trên toàn quốc

Thủ tướng chính thức ký quyết định công bố dịch Covid-19 trên phạm vi toàn quốc. Đây là đại dịch có quy mô toàn cầu, xảy ra tại Việt Nam từ 23/1, thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm A.

Ngày 1/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định về việc công bố dịch Covid-19 trên phạm vi toàn quốc.

Theo Quyết định này, dịch Covid-19 (dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra) xảy ra tại Việt Nam từ ngày 23/1 (thời điểm xác định ca nhiễm đầu tiên).

Về tính chất, mức độ nguy hiểm, đây là dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ đại dịch toàn cầu.

Đường lây truyền qua đường hô hấp từ người sang người.

Công bố dịch Covid-19 trên toàn quốc-1
Thủ tướng chính thức ký quyết định công bố dịch Covid-19 trên phạm vi toàn quốc. Ảnh: Việt Hùng.

Các biện pháp phòng, chống dịch được thực hiện gồm: Thành lập Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch; Khai báo, báo cáo dịch; Tổ chức cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh; Tổ chức cách ly y tế; Vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch; Các biện pháp bảo vệ cá nhân.

Ngoài ra là giải pháp kiểm soát ra, vào vùng có dịch; Huy động, trưng dụng các nguồn lực cho hoạt động chống dịch; Hợp tác quốc tế trong hoạt động chống dịch; Các biện pháp chống dịch khác trong thời gian có dịch.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện việc tiếp nhận, cách ly, theo dõi, điều trị người mắc bệnh là bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến Trung ương, bệnh viện trong ngành Công an, Quân đội và các bệnh viện khác có điều kiện. Bệnh viện dã chiến sẽ được huy động khi cần thiết.

Trước đó, ngày 1/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra. Quy mô dịch thời điểm này được xác định ở 3 tỉnh Khánh Hòa, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa. Tổng số ca nhiễm lúc đó là 6. Lần này, Thủ tướng công bố dịch trên quy mô cả nước bởi dịch bệnh đã diễn biến phức tạp tại 25 tỉnh, thành trên cả nước, số ca nhiễm đã tăng lên 212.

Theo Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Thủ tướng công bố dịch theo đề nghị của Bộ trưởng Y tế đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, khi dịch lây lan nhanh từ tỉnh này sang tỉnh khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe người dân.

Ở cấp độ cao hơn, Ủy ban thường vụ Quốc hội ra nghị quyết ban bố tình trạng khẩn cấp theo đề nghị của Thủ tướng. Trong trường hợp Ủy ban thường vụ Quốc hội không thể họp ngay, Chủ tịch nước ra lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp. Một ngày trước khi ban hành quyết định công bố dịch, Thủ tướng đã ra Chỉ thị 16 với hàng loạt giải pháp cấp bách nhằm phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó có giải pháp cách ly toàn xã hội từ 1/4 đến 15/4.

Người đứng đầu Chính phủ giải thích khoảng thời gian 15 ngày này chính là “thời gian vàng” để hạn chế việc lây nhiễm ra cộng đồng - vấn đề một số nước đã vấp phải. Theo ông, cách ly xã hội mang ý nghĩa giữ khoảng cách trong xã hội giữa người với người, giữa cộng đồng với cộng đồng để đối phó với tình huống nguy hiểm, bùng phát dịch bệnh. Đây chưa phải phong tỏa, cũng không phải là ngăn cấm giao thông mà chỉ hạn chế.

Tính đến sáng 1/4, Việt Nam ghi nhân 212 ca mắc Covid-19. 60 người đã chữa khỏi bệnh. Các bệnh nhân còn lại điều trị tại 22 cơ sở y tế, 51 người có kết quả âm tính, đa số trong tình trạng sức khỏe ổn định.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/cong-bo-dich-covid-19-tren-toan-quoc-post1066789.html?fbclid=IwAR0xVrUZaKHL5qr7WdgZLyFpgCBcVjDVel_vAzzikyy2qBgUaTICf7y4ABc

Covid-19

virus corona

dịch bệnh


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.