Từ 'cá mập' triệu USD đến vòng lao lý của Shark Thủy

Từ một "cá mập" cực thoáng tay trong việc rót vốn đầu tư hàng triệu USD, ông Nguyễn Ngọc Thủy liên tiếp vướng lùm xùm lừa đảo nhà đầu tư, nợ lương và nay là bị bắt tạm giam.

Mới đây, Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Ngọc Thủy (tức Shark Thủy) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Vụ án nêu trên xảy ra tại CTCP tập đoàn giáo dục Egroup và CTCP đầu tư và phân phối Egame.

Trước đó, từ cuối năm 2022, công ty của vị "cá mập" này đã vướng nhiều lùm xùm liên quan đến chất lượng dạy học, chậm trả lương giáo viên... Nhiều nhà đầu tư cũng đã gửi đơn tố cáo Chủ tịch Egroup về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các loại hợp đồng dưới hình thức tiền gửi.

"Cá mập" triệu USD

Ông Nguyễn Ngọc Thủy sinh năm 1982 tại Hà Nội, là Chủ tịch Tập đoàn Egroup và Tổng giám đốc CTCP Anh ngữ Apax. Hệ sinh thái của vị doanh nhân này bao gồm hàng loạt công ty con hoạt động trong nhiều lĩnh vực từ giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe và kinh doanh thực phẩm sạch.

Trong đó, một trong những công ty nổi bật là CTCP Đầu tư Apax Holdings (UPCoM: IBC) kinh doanh chủ yếu trong lĩnh vực giáo dục, sở hữu các chuỗi thương hiệu trung tâm dạy tiếng Anh như Apax Holdings, Apax Leaders và hệ thống mầm non Igarten, trường liên cấp Firbank Australia...

Ngoài ra, hệ sinh thái này còn có các công ty thành viên như CTCP đầu tư và phân phối Egame, CTCP tập đoàn đầu tư Ecapital, CTCT Apax Global...

Đáng chú ý, ông Thủy từng nổi tiếng với vai trò nhà đầu tư khách mời trong chương trình Shark Tank Việt Nam. Ngay mùa đầu tiên, Shark Thủy trở thành "cá mập" chi tiền nhiều thứ 4 trong số 7 nhà đầu tư khách mời với số vốn cam kết lên tới 19,2 tỷ đồng.

Trong mùa 2, ông cũng tham gia rót vốn cho nhiều startup trong lĩnh vực giáo dục. Thương vụ lớn nhất chính là cam kết rót tổng cộng 500.000 USD vào Công ty Magic Book, trong đó 200.000 USD để đổi lấy 30% vốn công ty và 300.000 USD là trái phiếu chuyển đổi.

Từ cá mập triệu USD đến vòng lao lý của Shark Thủy-1
Shark Thủy là một trong những "cá mập" đầu tư rất thoáng tay với các startup. Ảnh: Shark Tank Việt Nam.

Ngoài ra, các thương vụ nổi bật của Shark Thủy còn có rót 5 tỷ đồng để đổi lấy 36% vốn của We Escape; 5 tỷ đồng cho 46% của Talk cafe English; 3 tỷ đồng cho 80% chuỗi nhà hàng chay Pema...

Trong mùa 3, ông cũng quyết định chi 43,15 tỷ đồng đồng hành cùng các startup. Tổng cộng trong 3 mùa tham gia (2017-2019), Shark Thủy đã rót tiền vào 9 startup với số vốn lên tới hàng chục tỷ đồng. Trong đó, khẩu vị rủi ro chính của vị "cá mập" này là các starup trong mảng giáo dục, thực phẩm.

Lùm xùm chây ì trả nợ

Tuy nhiên, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát ảnh hưởng tới nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp trong nước nói riêng, hệ thống kinh doanh của vị "cá mập" cũng không phải ngoại lệ. Doanh nghiệp của Shark Thủy sau đó rơi vào tình cảnh khó khăn do các hệ thống giáo dục bị đóng cửa vì dịch bệnh, tạo áp lực tài chính, đứt gãy dòng tiền.

Cuối năm 2022, hàng trăm nhà đầu tư cá nhân từng rót tiền vào các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái của ông Thủy thông qua trái phiếu và "thỏa thuận hợp tác chiến lược" đã kéo đến trụ sở Egroup và nơi ở của gia đình vị doanh nhân đòi quyền lợi.

Cùng thời điểm, chuỗi trung tâm tiếng Anh của Shark Thủy cũng vướng vào bê bối khi phải đóng cửa hàng loạt. Nhiều phụ huynh tố chất lượng giảng dạy giảm sút, yêu cầu bồi hoàn học phí, nhân viên và giáo viên nghỉ việc vì bị nợ lương...

Chia sẻ hồi tháng 12/2022, Shark Thủy nhận định năm 2019, Apax đã tăng trưởng nóng, đầu tư nhiều tiền để mở trung tâm mới. Chỉ sau vài tháng đã xảy ra dịch Covid-19 và phải đóng cửa. "Chúng tôi trên đà chiến thắng, thành công nên đã đi khá nhanh, cộng với tâm lý chủ quan, hậu quả là chúng tôi gặp cú vấp khá lớn", Shark Thủy khi đó bộc bạch.

Trong bối cảnh đó, vị doanh nhân này đã xin phụ huynh, học viên, nhà đầu tư, cán bộ nhân viên và đối tác... thêm thời gian để tái cấu trúc doanh nghiệp dồn tâm sức đưa hệ thống quay trở lại.

Đối với các nhà đầu tư, ông Thủy đưa ra nhiều dự án bất động sản, đồ gia dụng để đề xuất gạt nợ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này còn kêu gọi nhà đầu tư tiếp tục rót tiền tham gia tái cấu trúc hệ thống Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders hay đưa ra chương trình gạt nợ bằng gói học phí tiếng Anh.

Tuy nhiên, sau khoảng 1 năm tuyên bố kế hoạch tái cấu trúc để trả nợ cho phụ huynh và nhà đầu tư, công ty của vị "cá mập" vẫn tiếp tục chây ì nợ trả lãi và gốc cho nhà đầu tư, đồng thời liên tục lùi thời hạn trả học phí của phụ huynh. Apax Leaders mới đây cũng cho biết đã mất khả năng hoàn phí các đợt tiếp theo.

Tình hình tài chính của Shark Thủy thế nào?

Trước dịch Covid-19, doanh thu hợp nhất từ các công ty thuộc hệ sinh thái Egroup của Shark Thủy lên tới hơn 1.000 tỷ đồng/năm, đỉnh điểm năm 2019, doanh thu toàn hệ thống này lên tới gần 2.000 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu lợi nhuận đóng góp từ nhóm công ty của Apax Holdings.

Thời điểm đó, Apax Holdings tăng trưởng thần tốc, liên tục mở rộng hệ thống các trung tâm đào tạo tiếng Anh và trở thành chuỗi tiếng Anh lớn nhất Việt Nam với hơn 120.000 học viên, 750 giáo viên bản ngữ trên toàn quốc. Đặc biệt, chỉ riêng năm 2019, Apax đã cho ra mắt hơn 60 trung tâm mới, tăng gấp đôi số trung tâm hiện hữu.

Tuy vậy, đến năm 2022, công ty sở hữu chuỗi trung tâm tiếng Anh Apax English báo lỗ sau thuế hơn 81 tỷ đồng, cũng là mức lỗ kỷ lục trong lịch sử hoạt động của chuỗi.

Từ cá mập triệu USD đến vòng lao lý của Shark Thủy-2

Tại thời điểm cuối năm 2022, công ty của Shark Thủy có tổng tài sản gần 4.600 tỷ đồng. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm gần 2.500 tỷ đồng, báo cáo tài chính cũng cho biết công ty vẫn có khoản tiền mặt xấp xỉ 700 tỷ đồng. Nếu tính cả khoản tương đương tiền, giá trị khoản mục này của công ty Shark Thủy là gần 737 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nợ phải trả của Apax Holdings đến cuối năm 2022 cũng lên gần 3.100 tỷ đồng. Trong đó tổng nợ vay và thuê tài chính là hơn 1.900 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu IBC của Apax Holdings cũng liên tục lao dốc không phanh. IBC từng ghi nhận chuỗi giảm sàn 25 phiên liên tiếp sau loạt lùm xùm của các công ty thuộc sở hữu và liên quan đến ông Nguyễn Ngọc Thủy.

Hiện, thị giá IBC đã rơi từ vùng 20.000 đồng xuống dưới vùng 1.700 đồng/cổ phiếu. Mã chứng khoán này cũng đã buộc phải rời sàn HoSE xuống giao dịch tại UPCoM, nhưng cũng đang bị đình chỉ giao dịch do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin.

Sau nhiều đợt bị bán giải chấp, hiện Egroup đã mất quyền công ty mẹ tại Apax Holdings khi tỷ lệ sở hữu giảm về 17,66%. Đến nay, Apax Holdings vẫn chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 cùng một loạt báo cáo tài chính quý, báo cáo quản trị năm 2023. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng chưa tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023.

Đáng chú ý, nhiều công ty liên quan đến Shark Thủy cũng đang nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của nhân viên tới hàng chục tỷ đồng.

Theo Tạp trí tri thức

Xem link gốc Ẩn link gốc https://znews.vn/tu-ca-map-trieu-usd-den-vong-lao-ly-cua-shark-thuy-post1466915.html?fbclid=IwAR0Yyz_nAwcH6iqSkitBHsY1zRfXRIVMHmJWOoGp0_bf2kwRB-1YxF6JLvA

Shark Thủy

lừa đảo chiếm đoạt tài sản


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.