Vì sao nhiều lao động từ Nhật trở về thất nghiệp?

Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 100 nghìn lao động sang Nhật Bản làm việc. Tuy nhiên, cứ 4 lao động trở về, có tới 3 lao động không tìm được việc làm.

Tỉ lệ lao động Việt Nam đi làm việc ở Nhật sau khi về nước “thất nghiệp” cũng cao nhất khu vực, khiến chúng ta đang lãng phí nguồn lao động lớn có tay nghề.

Về nước đã hơn 3 năm nay, anh Nguyễn Tiến Thanh (34 tuổi, ở huyện Nghi Lộc, Nghệ An), cựu thực tập sinh ngành chế biến thực phẩm tại Nhật Bản vẫn lầm lụi làm thợ xây. Anh Thanh cho biết, sau khi hết thời hạn làm việc tại Nhật, anh hy vọng trở về sẽ xin làm việc tại một doanh nghiệp của Nhật tại Việt Nam. Tuy nhiên, với vốn tiếng Nhật ít ỏi, hồ sơ của anh không được các công ty lựa chọn.

Vì sao nhiều lao động từ Nhật trở về thất nghiệp?-1
Theo thống kê, hiện cứ 4 lao động Việt đi làm việc tại Nhật, có tới 3 lao động về nước thất nghiệp

“Cuối cùng tôi về quê làm thợ xây, nhưng công việc cũng bữa đực bữa cái. Có đợt thất nghiệp ở nhà mấy tháng liền. Nhiều người bảo tôi nên trở lại Nhật làm việc nhưng ở tuổi này, tôi cũng không muốn xa gia đình”, anh Thanh cho hay. Tình trạng lao động đi làm việc ở Nhật về nước rơi vào cảnh thất nghiệp hoặc làm công việc không đúng như từng được đào tạo, làm việc ở Nhật diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương.

Theo khảo sát của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) vừa công bố, hiện nay, số lượng thực tập sinh Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc, trở thành quốc gia cung cấp lao động lớn nhất cho Nhật Bản. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, tỉ lệ thực tập sinh Việt Nam về nước tìm được việc làm ở mức thấp nhất, chỉ 26,7%, trong khi Trung Quốc, Thái Lan, Philippines có tỉ lệ rất cao, hơn 50%.

Đáng chú ý, thực tập sinh Việt Nam sang Nhật làm việc nhiều nhất trong ngành xây dựng, nhưng gần 80% các công ty trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản tại Việt Nam không tuyển dụng những lao động này khi họ trở về nước. So với các quốc gia khác, tỉ lệ thực tập sinh của Việt Nam trở về làm công việc tương tự như đã làm ở Nhật Bản thấp hơn nhiều.

“Đây có thể được coi là sự lãng phí kinh nghiệm của nguồn nhân lực của Việt Nam và không thể đáp ứng được mục đích ban đầu của chương trình thực tập sinh kỹ năng là chuyển giao kỹ năng từ Nhật Bản cho lao động Việt Nam”, JICA nhận xét.

Theo JICA, nguyên nhân khiến thực tập sinh Việt Nam thất nghiệp khi trở về nước chủ yếu do kinh nghiệm làm việc không phù hợp. Ngoài ra, việc kỳ vọng vào mức lương cao như khi làm việc tại Nhật cũng khiến lao động “vỡ mộng”. Đặc biệt, tổ chức này cho rằng, dù chương trình thực tập sinh kỹ năng đã có từ lâu nhưng đến nay, Chính phủ và các bộ, ngành Việt Nam chưa có bất kỳ hỗ trợ rõ ràng nào để tận dụng kỹ năng, kinh nghiệm đối với nhóm thực tập sinh trở về từ Nhật Bản.

Cần thay đổi chính sách

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nghiêm Quốc Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Cung ứng Nhân lực Hoàng Long cho biết, hiện nay phần lớn người lao động coi đi làm việc ở nước ngoài với mục đích kiếm tiền đổi đời là chính, mà chưa có kế hoạch tiếp thu, nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm để phát triển nghề nghiệp tương lai. Đặc biệt, nhiều học sinh học xong THPT đã chọn cách đi làm việc ở nước ngoài ngay nên chỉ có thể lao động phổ thông với những công việc đơn giản, thu nhập thấp.

Theo ông Hưng, qua hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực phái cử lao động, DN đang tìm hướng mới, không chỉ lựa chọn những lao động có trình độ, chuyên môn tốt để tuyển dụng, mà còn hợp tác với các DN Nhật Bản, DN FDI…đang đầu tư tại Việt Nam để giới thiệu việc làm cho những lao động ở nước ngoài về nước.

“Đã đến lúc, chúng ta cần tính toán tăng tỷ lệ lao động chất lượng cao. Việt Nam có thể đưa sinh viên đại học, cao đẳng tham gia các chương trình phái cử. Xuất khẩu lao động giờ nên nhìn nhận ở góc độ chuyển dịch lao động quốc tế, để tiếp thu các kỹ thuật, kinh nghiệm tiến bộ từ các nước phát triển trở về phục vụ sản xuất trong nước mới đúng ý nghĩa”, ông Hưng nói.

Ông Nguyễn Xuân Lanh, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Esuhai cho rằng, Chính phủ cần có lộ trình đàm phán mở rộng hợp tác các ngành nghề chuyên môn để tăng tỷ lệ lao động kỹ thuật cao đi làm việc tại nước ngoài. Nhóm này sẽ là nguồn lực giúp Việt Nam tiếp cận nền sản xuất tiên tiến của các nước, về phục vụ cho quê hương, trở thành lực lượng trọng yếu trong cơ cấu lao động Việt Nam.

Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, hiện có khoảng 500.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản. Tuy nhiên, đến nay chưa có thống kê nào về số lượng lao động tìm được việc làm khi về nước. Người lao động trở về chủ yếu tự lực cánh sinh hoặc tìm kiếm công việc mới.

Ông Liêm thừa nhận, chủ trương hỗ trợ giải quyết việc làm cho lao động sau khi về nước đã có, song chưa hiệu quả, cũng chưa có chế tài ràng buộc các cấp ngành phải làm.

Đề nghị Nhật Bản mở rộng thêm ngành nghề tiếp nhận lao động Việt

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản, ngày 5/9, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã có cuộc gặp, trao đổi với Bộ trưởng Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản Kato Katsunobu.

Tại cuộc gặp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị Bộ trưởng Kato Katsunobu báo cáo Chính phủ Nhật thống nhất đề xuất một số nội dung như mở rộng thêm các ngành nghề tiếp nhận nhân lực Việt Nam, nhất là đối với các lĩnh vực mà Nhật Bản thiếu hụt như dịch vụ nhà hàng khách sạn, lái xe buýt…

 

Theo Tiền Phong

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/vi-sao-nhieu-lao-dong-tu-nhat-tro-ve-that-nghiep-2058959.html?fbclid=IwAR3GPKZdtKdFHJnw0M7dOQ3Uo35ISyZ98aARRT6PTYzaWdKPU2epLLD0HH4

thất nghiệp


Cảnh giác chiêu lừa của người nước ngoài giả vờ mua hàng, đổi ngoại tệ
Thủ đoạn của các đối tượng người nước ngoài lợi dụng các điểm bán hàng hoặc các điểm dịch vụ đổi tiền có ít người quản lý, giả vờ vào mua hàng hoặc đổi tiền, sau đó tạo các tình huống khiến người bán hàng phân tâm, mất cảnh giác để chiếm đoạt tài sản.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.