Vụ án Vạn Thịnh Phát: Tiền đã cho không cần nhớ

Trả lời của các bị cáo tại tòa tiếp tục làm rõ nhiều tình tiết trong vụ án.

Sáng 13-3, phiên xét xử 86 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng Thương mại CP Sài Gòn (SCB) bước vào ngày làm việc thứ 7. Các luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhóm bị cáo là cựu cán bộ Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, SCB tiếp tục tham gia xét hỏi.

"Mắt xích" Trần Thị Mỹ Dung

Bị cáo Trần Thị Mỹ Dung, cựu phó tổng giám đốc SCB, được xác định là một trong những mắt xích quan trọng của vụ án. Những ngày vừa qua, bị cáo liên tục được các luật sư lựa chọn xét hỏi nhằm làm rõ một số tình tiết trong vụ án.

Trả lời luật sư, bị cáo Trần Thị Mỹ Dung giải thích về khoản vay cơ cấu. Theo đó, các khoản vay đã tới thời hạn nhưng không trả thì được cơ cấu thời gian dài hơn (cơ cấu lại thời gian trả nợ). Hầu hết khoản vay tại SCB đều cơ cấu cả gốc lẫn lãi.

Cũng theo bị cáo Dung, từ tháng 9-2019 đến tháng 8-2022 được giao quyền phê duyệt 617 khoản vay (VKSND Tối cao cáo buộc đã giúp bị cáo Trương Mỹ Lan, cựu chủ tịch HĐQT Vạn Thịnh Phát, chiếm đoạt hơn 200.000 tỉ đồng, gây thiệt hại cho SCB với nợ lãi phát sinh trên 69.000 tỉ đồng) thì không nhớ chính xác bao nhiêu khoản không giải ngân mà chỉ để tất toán nợ cũ. Tuy nhiên, hầu hết khoản vay mà bị cáo ký thời điểm đó dùng để thanh toán lại những khoản vay cũ.

"Bị cáo quan niệm mình làm sai mình chịu, không né tránh nhưng số tiền thất thoát được xác định quá lớn... Bị cáo đã tất toán khoản nợ cũ, tạo khoản nợ vay mới chứ không phải đem tiền ra khỏi SCB" - bị cáo Dung nói.

Bị cáo đồng thời thừa nhận làm sai quy trình tín dụng đối với khoản vay 1.500 tỉ đồng của Công ty Tường Việt. Bị cáo này kể thời điểm đó công ty này có nhiều bất động sản, dự án lớn ở TP Thủ Đức mà giá trị cổ phần thấp nhất cũng hơn 3.900 tỉ đồng, dư rất nhiều để bảo đảm khoản vay. Sau đó, tài sản này bị rút ra để bảo đảm bằng những tài sản khác có giá trị thấp hơn. Bị cáo phân trần hành vi rút ra không phải do bản thân thực hiện, từ đó đề nghị HĐXX xem xét mức độ phạm tội, số tiền thiệt hại bị cáo gây ra.

Bị cáo Dung cũng thừa nhận nội dung cáo buộc rằng mình là người trực tiếp nhận chỉ đạo, thường xuyên liên hệ, bàn bạc với bị cáo Trương Mỹ Lan để truyền đạt, chỉ đạo các đối tượng tại SCB hợp thức hóa hồ sơ khống, giải ngân để rút tiền cho bị cáo Lan sử dụng. Sau những lần gặp bị cáo Lan thì bị cáo tổ chức họp hội đồng kinh doanh, đầu tư rồi mới tiến hành thực hiện hồ sơ thủ tục. Các lần họp ấy bị cáo nói rõ "Đây là chỉ đạo của chị Lan". Sau đó, từng người có mặt sẽ tham gia ý kiến và bị cáo Bùi Anh Dũng với vai trò Chủ tịch HĐQT sẽ là người đầu tiên phát biểu.

Bị cáo Dung nhận sai khi cấp tín dụng cho các công ty thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát theo chỉ đạo của bị cáo Trương Mỹ Lan nhưng không có bất kỳ lợi ích nào liên quan đến giải ngân sai. Vì vậy, bị cáo cho rằng mình không phải chiếm đoạt tài sản mà là giúp sức cho bị cáo Lan lấy tiền của SCB.

Vụ án Vạn Thịnh Phát: Tiền đã cho không cần nhớ-1
Ngày làm việc thứ 7 của phiên tòa xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát Ảnh: Hoàng Triều

"Không cần chứng minh vì nó rất nhỏ với tôi"

Xét hỏi bị cáo Trương Mỹ Lan, luật sư dẫn lời khai của bị cáo Bùi Anh Dũng về việc được thưởng Tết 20 tỉ đồng vào năm 2020 và 20 tỉ đồng vào năm 2021. Bị cáo Lan trả lời không nhớ là đã thưởng 2 tỉ hay 20 tỉ đồng và giải thích đó không phải tiền thưởng Tết mà là tiền để bị cáo Dũng lo cho gia đình.

Theo lời bị cáo Lan, thời điểm bị cáo Dũng làm Chủ tịch HĐQT SCB thì vợ và con cũng là nhân viên SCB. Thấy không ổn, không muốn làm SCB lộn xộn, bị cáo đưa tiền cho bị cáo Dũng và nói nếu gia đình khó khăn thì cầm tiền này về để lo cho vợ con, gia đình yên ổn cuộc sống.

Bị cáo Lan cũng thừa nhận ngoài trả lương, thưởng Tết khoảng 5 tỉ đồng còn cho bị cáo Trương Khánh Hoàng, cựu quyền tổng giám đốc SCB, 300.000 cổ phần SCB (tương đương 3 tỉ đồng) vào năm 2021 và 10 triệu cổ phần (tương đương 100 tỉ đồng theo mệnh giá) vào tháng 7-2022. Tuy nhiên, bị cáo Lan nói việc cho cổ phần, cho tiền không nhằm mục đích gì. Ngoài bị cáo Hoàng, bị cáo còn cho cổ phần, cho tiền toàn thể nhân viên, lãnh đạo SCB vì thấy công sức, sự cống hiến của họ.

Luật sư hỏi lãnh đạo ngân hàng có xét duyệt số tiền, số cổ phần bị cáo lấy cho không, cựu chủ tịch HĐQT Vạn Thịnh Phát cho hay chỉ nhớ là có cho, không nhớ có cần xét duyệt gì không. Bị cáo này khẳng định đó là tiền của mình, luật sư đề nghị chứng minh thì được trả lời: "Tôi không cần chứng minh bởi vì nó rất nhỏ so với tôi".

"Có lần chuyển thùng xốp đựng tiền đến nhưng bà Nhàn không có nhà thì bị cáo gọi điện, bà Nhàn cho password để vào nhà đặt thùng xốp" - bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn, cựu tổng giám đốc SCB, kể về việc chuyển tiền hối lộ tới bị cáo Đỗ Thị Nhàn, cựu cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II.

Phát biểu "thuộc lòng"

Trước lời khai của bị cáo Trần Thị Mỹ Dung, bị cáo Bùi Anh Dũng thừa nhận có tham gia các cuộc họp hội đồng kinh doanh, đầu tư và thường phát biểu: "Anh tin tưởng chị Lan". Sau đó, căn cứ các dấu hiệu được quy ước để ký khống hợp đồng vay của bị cáo Lan. Bị cáo Dũng nói không nhận chỉ đạo trực tiếp từ bị cáo Lan mà chỉ "nhận thông báo từ bà Dung".

Bị cáo Dũng còn trần tình cảm thấy mình làm việc như một bù nhìn, được triển khai thì thực hiện chứ hoàn toàn không được phát biểu ý kiến.

Liên quan đến lời khai phủ nhận việc quyết định vị trí Chủ tịch HĐQT của bị cáo Lan, bị cáo Dũng nói sau khi bị cáo Lan đồng ý thì SCB tổ chức họp Hội đồng quản trị. Tại cuộc họp này, gần như các thành viên đồng ý hết.

 

Theo Người lao động

Xem link gốc Ẩn link gốc https://nld.com.vn/vu-an-van-thinh-phat-tien-da-cho-khong-can-nho-196240313213804587.htm

Vạn Thịnh Phát


Người đàn ông bị đánh hội đồng dã man tại cây xăng
Công an thành phố Lai Châu đang điều tra vụ việc người đàn ông bị đánh hội đồng dã man ở một cây xăng trên địa bàn. Người dân và cộng đồng mạng rất bất bình về tính côn đồ, hung hãn của nhóm người sau khi clip được chia sẻ trên mạng xã hội.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.