Mưa lạp rạp trên mái rồi òa òa đáp xuống những tấm tôn. Những dòng nước theo cái ống chảy xuống mấy chiếc thùng nhựa hứng bên dưới.

Thương thương...
ảnh minh họa

Cảm giác hơi nóng từ chiếc sân hấp lên như người ta dội nước vào cái chảo khô đang trên bếp lửa. Mưa đúng lúc tan học làm cả lớp nán lại trông ra dòng nước đang xối.

Mấy học trò nam léo nhéo: - Ra tắm mưa... tắm mưa! Ánh mắt cô giáo Hiền dịu lại: - Cẩn thận kẻo cảm lạnh đó nghen! Cả gần chục học sinh cởi trần mặc quần đùi ùa ra sân, đứa nào đứa ấy đen nhẻm, gầy gò. Tiếng cười giòn tan theo bong bóng vỡ. Tụi con gái bụm miệng cười ngó qua cửa sổ.

Có tiếng chèo ì oạp ngoài vàm sông. Hiền trùm tạm mảnh ni-lông, quần xắn quá gối rồi chạy tới con thuyền nhỏ ướt mưa đang tròng trành neo quanh cái dây thừng buộc gá vào chiếc cột. Mưa vậy mà thím Ba vẫn mang hàng vào ấp Thiềng Liềng này.

Cái ấp người ta gọi là đảo trong đảo vì nằm mãi ngoài mé cửa sông, chung quanh mấp mô sóng nước với đước. Những mái nhà thấp nhỏ không thể nào chen được với rừng đước ken nhau.

- Mưa lớn quá, thím Ba. Thím vô tạm trong này...

Người phụ nữ luống tuổi vừa chuyển bịch gạo trong bọc ni-lông vừa vuốt nước chảy dòng trên mặt, chảy xuống cổ: - Nhằm nhò chi... Bão biển tao còn chẳng ngán huống chi ba cái giọt nước lành trên trời rớt xuống...

Thường ngày, chiếc đò của thím Ba cập bến khi Hiền đang trong giờ dạy.

Thím mang món hàng lỉnh kỉnh lên bờ, để vào cái bếp nhỏ của trường học.

Nghe tiếng thím cụng mái chèo vào lòng thuyền lục cục và tiếng bước chân bình bịch, Hiền thường thấy ái ngại nhưng thím gạt đi: - Cô giáo vào tận ấp mà dạy học, huống hồ tui ngày vô đây có một bận thui mà. Trước kia, nhà tui ở ngay đầu chái mấy cái phòng của các thầy cô giờ đó. Ai cũng bỏ đi như tui thì sao còn gọi là ấp cho đặng...

- Mỗi người mỗi nghề sanh sống thím áy náy làm chi. Hơn nữa, nếu không có bác thì lấy ai chở hàng tới đây?

Hai nụ cười mát lạnh nước mưa chào nhau. Hiền cắp mấy quả dừa, ít đậu xanh và bịch gạo mang vào nhà.

Bữa nay mưa không dứt ngay mà dai dẳng đến tối. Nghe tiếng nước tí ta tí tách như thử lòng kiên nhẫn của người ta vậy. Cái ấp này biệt lập hẳn với bên ngoài, cả ấp chỉ có duy nhất cái bến xuống sông nơi thím Ba hay cập thuyền ở đó mua bán. Gọi là mua bán nhưng cũng chỉ lác đác vài người trong ấp, có khi ra đổi cá, muối lấy những thứ thiết yếu khác. Ở đây gì chứ cá với muối thì nhiều, không khí cũng mặn mòi mùi biển. Chỉ có một trường học dạy tuốt luốt cả mẫu giáo cấp một và cấp hai. Các thầy cô cứ thay nhau mà đứng lớp. Tiếng muỗi vo vo từ ngoài rừng đước mò vào.

Chiếc bóng điện vặn vừa đủ sáng. Dịu vừa đi vừa quay tóc rồi ngồi trước tấm gương, hai tay xoa liên hồi lên hai gò má, đoạn khẽ thở dài: - Không biết có ai đoán em mới hai mươi ba không nhỉ? Nhìn coi giống người ngoài tuổi băm quá trời! Hiền dừng bút ngửng lên, mắt đã loáng ướt. Tính cô dễ mủi lòng: - Cái con nhỏ này nói chi kỳ quá trời? Con gái còn phây phây nhường kia...

- Em sợ ở hoài đây, không lấy được chồng mất chị Hai...

Dịu hay gọi Hiền là chị Hai như người trong một nhà vậy. Dịu là cô giáo mới ra trường và về ấp Thiềng Liềng này chưa chẵn một năm. Con bé cũng siêng năng, chỉ có điều nó còn quá trẻ để thích nghi với cuộc sống lặng lẽ nơi này. Con gái đang tuổi yêu đương cứ tối tối lẻ bóng nên nhiều khi cũng sinh ra tủi lòng. Hiền an ủi: - Đẹp như em lo gì không lấy được chồng chứ. Mà chị thấy ảnh Hưng cũng được, ảnh thương em hết lòng đó mà.

- Nhưng...

Hiền biết Dịu đang phân vân. Hưng là người trong ấp, nếu hai đứa có thực bụng thương về ở với nhau thì Dịu sẽ thành người ở ấp này. Người ta nói dạy học ở ấp Thiềng Liềng như bị giam giữ tuổi xuân. Từ đây ra trung tâm xã cũng mất 45 phút đi đò, ngày chỉ có hai chuyến, đến trung tâm huyện cũng mất gần một giờ đi đò nữa. Muốn nhanh đi ca-nô cũng có, chỉ có điều gần năm trăm ngàn đồng một chuyến.

Mấy đồng lương giáo viên mà tháng lên huyện một lần bằng ca-nô thì xa xỉ quá. Dịu quấn quấn mấy cọng tóc buông xõa vào hai ngón tay rồi thả ra lưỡng lự. Có tiếng chân bên ngoài, tiếng gõ cửa rụt rè nhát ngừng: - Ủa, anh Hưng. Anh vô đi! Người thanh niên khỏe mạnh có nước da nâu rắn rỏi gãi đầu hơi ngại ngùng rồi giơ xóc cá: - Hồi chiều tui có mớ cá ngon, đem qua cho hai cô giáo với mấy trò cải thiện bữa mai.

Hiền đứng dậy đỡ lấy: - Anh ngồi chơi... Dịu rót nước cho khách dùm chị đi em. Để chị mang cá đi làm.

Rồi cô ý tứ tránh đi cho đôi trẻ nói chuyện. Dịu lúng túng cầm lấy cây viết hơi cúi mặt. Hưng vốn là chàng trai nhút nhát nên cũng chẳng biết nên chuyện trò ra làm sao: - Mai tui lên huyện, Dịu có cần mua gì không?

Dịu khẽ lắc đầu vờ cắm cúi vào trang giáo án.

Bỗng cây viết hết mực. Hưng thấy vậy thật thà: - Để mai tui mua cho Dịu cây viết khác nghen? Mai tui sẽ mua bồ kết cho Dịu nữa...

Tự nhiên Dịu suýt khóc vì thấy tủi, Hưng bèn xin phép về sớm: - Thôi tui về nghen cô Dịu! - Dạ...

Ngày ngày gặp nhau, thỉnh thoảng Hưng cũng sang giúp khi dựng cái giàn phơi khi rọi lại mái cho đỡ dột, khi sửa cái bàn cái ghế cho lớp. Chị Hiền thì rất ưng Hưng.

- Con gái có thì em à... Nếu thương ảnh thì đừng làm khó dễ người ta nữa...

Dịu nằm quay lưng vào tường vờ ngủ nhưng trong bụng đang nghĩ rối lên. Thực lòng mỗi khi thấy Hưng, Dịu cũng đã đem bụng thương rồi nhưng cô cứ nghĩ đến sống ở đây cách xa phố xá, dân cư có vài trăm nóc nhà chụm lại. Muốn mua bán gì cũng trông vào chiếc đò nhỏ ngày ngày chở mấy thứ hàng thiết yếu vô bán.

Hiền cũng đang nghĩ về gia đình, ở nhà có mưa không? Chẳng biết hai ba con ở nhà xoay xở ra sao. Từ ngày chuyển ra đây dạy học, cứ cuối tuần cô lại bắt đò ngược về nhà. Mấy lần Hiền tính xin chuyển công tác cho gần nhà còn tiện chăm sóc chồng con nhưng nghĩ tới mươi đứa học trò lại thương nên chẳng nỡ lòng. Không phải thầy cô nào cũng chịu về đây dạy học, một cái ấp xa tít quanh năm chỉ làm bạn với muối, với cá, với đước và chừng ấy khuôn mặt quen thuộc.

Cái nghề của cô tiền bạc chẳng nhiều, ngoài lòng yêu nghề người ta còn có tình thương và lòng nhân ái nữa mới có thể kham nổi công việc.

Cô đã quá quen với cái vị mặn của hơi nước ở đây, nước chỗ nào cũng mặn hơn cả mồ hôi người. Mồ hôi mặn như vị của những hạt muối óng ánh trên cánh đồng muối trắng xóa kia. Những đứa trẻ tóc vàng xơ cua cứng ngắc cứng ngơ, mà mắt thì cứ lay láy đen nhìn người ta nhức nhối.

Thời gian đầu, Hiền cũng thấy cực quá trời. Chòm ấp gì mà nhà cửa thưa thớt, học sinh mấy ấp bên cũng tới học ở đây luôn. Hôm nào học chiều thì học sinh ở lại cô trò ăn trưa trong căn nhà ăn lợp lá của trường. Những đứa trẻ lớn hồn nhiên như cá nước chim trời mà tình cảm thì thiệt thà quá.

Đến khi quen với những tiếng trẻ "Cô giáo Hiền à, cô đừng bỏ tụi con đi nghen...". "Cô bỏ tụi con, biết chừng nào bọn con mới lại tìm được cô giáo mới". Chà, cái tụi nhỏ ấy thiệt là... Sao làm cho người ta thương hết biết.

Cũng bằng chừng này năm ngoái, cấp trên cử thêm Dịu về phụ trách lớp. Ban đầu cô gái trẻ trung mới ra trường lòng đầy nhiệt huyết và hăm hở. Dăm tháng, Hiền đọc được sự buồn rầu trong mắt Dịu nhưng cũng không thấy Dịu nói muốn chuyển đi.

Có lẽ giờ Dịu đã quen với tiếng máy nổ phát điện, quen với sự vắng lặng mỗi tối ở nơi này rồi. Hẳn Dịu cũng bị cái tấm lòng chân thành của bà con chòm xóm nơi đây làm cho cảm động quá, muốn dứt đi mà cũng không đi nổi.

Hưng vác lưới đi qua. Cái dáng đi chậm từng bước chân bám chắc vào mặt đất. Đôi mắt nâu to, cái mũi thon nhỏ và má rám nắng, cái gì nhìn cũng thấy thương hết trơn, mà nó cứ ám ảnh trong lòng làm sao đó. Thà từ đầu đừng nhìn thấy, đừng sống cộng kham cộng khổ mỗi ngày thì lòng còn có thể dửng dưng. Đằng này đã thấy, đã khắc sâu trong lòng rồi, muốn gạt nhưng mà cứ day dứt mãi trong lòng không làm sao mặc kệ nổi. Nhìn đã thấy thương. Thương rồi thấy giận vì mình chẳng làm gì thay đổi được những điều đó. Phải chi có phép màu mà biến hóa thì sẽ làm cho tất cả những người ở đây sung sướng hết để Dịu không cần cảm thấy bứt rứt nữa.

Dịu lui cui hái mớ khoai bạc hà trước doi đất gần trường. Hưng đứng đó từ hồi nào chẳng rõ. Dịu ngẩng lên thấy Hưng đứng ngó mình trân trân, bỗng cảm giác thấy má mình nóng lên đỏ bừng nhưng cũng vờ hứ cái cóc rồi quanh chỗ khác: - Dịu coi bộ cái mặt tui dễ ghét lắm sao?

- Đâu có! - Vậy sao cứ tránh mặt tui hoài thế?

Dịu lầm nhẩm trong bụng "Không lẽ nói toạc móng heo ra là nhìn anh tui thấy thương không chịu được nên đành ngó lơ hay sao".

- Tui mua viết với bồ kết cho Dịu rồi đó. Suốt đời này đi mua viết cho Dịu tui cũng chịu.

Dịu thầm cười trong bụng "Bộ không lẽ tôi viết nhiều dữ vậy sao".

***

Chiều nay, chị Hiền về thăm nhà.

Còn một mình ngồi soạn bài Dịu thấy buồn quá. Gió thổi mơn mơn man man vị mằn mặn trên má, trên tóc. Dịu cố gạt đi ý nghĩ đang lởn vởn trong đầu về người thanh niên có đôi mắt đen, nước da nâu và mái tóc khô cứng qoeo nhưng chỉ nghĩ đến chuyện mua bồ kết cho Dịu gội đầu. Người đâu mà cứ khiến người ta thương như thế...

Thằng @t chạy vào: - Thưa cô, bạn Tí bị đau bụng! Dịu chạy vào lớp. Tí đang nằm gục trên bàn. Mồ hôi túa ra đọng giọt. Dịu nắn quanh bụng, hỏi vài điều rồi phỏng đoán có lẽ đau ruột thừa, phải đưa tới trạm y tế ngay. Dịu luýnh quýnh xốc thằng Tí lên chạy xuống bậc thềm thì gặp Hưng vừa đi đâu về liền la lớn "Anh Hưng, nhờ anh đi gọi ca-nô...

Nhanh lên...". Hưng tới đỡ thằng nhỏ trên tay Dịu rồi lẹ làng lên chiếc ca-nô duy nhất của cả ấp. Dịu định lên cùng nhưng Hưng đã nói lớn như ra lệnh: - Cô ở lại với mấy đứa, việc này để tui lo liệu.

Dịu đứng lại với những học sinh đang ngóng theo bóng chiếc ca-nô xé nước trắng xóa chạy đi. Cái dáng người vạm vỡ che chở của Hưng khiến Dịu thầm nghĩ không ngờ anh chàng cũng quyết đoán dữ vậy. Dịu cho học sinh về rồi tới báo gia đình của Tí.

Dịu nóng lòng đợi. Mãi tối đêm Hưng mới về tới trường. Đã thấy Dịu đang ngóng ở cửa. Ánh điện trong nhà hắt ra sáng bật một khoảng vàng võ trước thềm.

- Dịu yên tâm. Thằng nhỏ bị đau ruột thừa nhưng may là đưa tới kịp. Giờ này có lẽ đã mổ xong. Ba má thằng bé cũng đã tới...

- Cảm ơn anh! Không có anh tui cũng không biết nhờ ai nữa.

- Chỉ cần Dịu đừng khách sáo với tui như vậy nữa.

Dịu ngượng ngùng nhìn mãi ngoài xa.

***

Hiền trở lại trường được nghe qua việc có học sinh phải đi trạm cấp cứu cũng thấy sợ. Hiền không ngờ thường ngày Dịu ít nói và nhút nhát như vậy nhưng khi không có cô vẫn có thể quán xuyến tốt mọi việc. Mấy ngày nay, Dịu hay hát nho nhỏ trong miệng vẻ rất vui. Dịu chìa cho Hiền xem tấm vải hoa mới: - Chị giúp em cắt mấy cái áo nghen. Em với anh Hưng định tuần tới chọn ngày xin phép ba má cho tụi em về với nhau. Lấy ảnh rồi em sẽ ở đây miết với ảnh luôn. Thuyền theo lái gái theo chồng mà chị.

Ở đây, cái gì cũng thiếu chỉ có tình cảm mà người ta dành cho nhau là nhiều và chân thật. Nó thành thực quá nên cứ níu chị không sao bỏ lớp mà đi được. Trời ơi, ai biểu những đứa trẻ ở đây và cả anh ấy nữa thương không chịu được. Khuôn mặt cô giáo trẻ ánh lên niềm vui khi được là người gieo con chữ nơi đầu ngọn sóng.

Theo nhandan.org.vn