Bạo lực học đường và nỗi lo đến từ giáo viên

Với tình trạng giáo viên bạo hành học sinh gia tăng, nhiều phụ huynh bất an khi phải gửi con đến trường.

Với tình trạng giáo viên bạo hành học sinh gia tăng, nhiều phụ huynh bất an khi phải gửi con đến trường.

Thời gian gần đây, nhiều vụ bạo hành học sinh xảy ra gây ảnh hưởng xấu đến chuẩn mực đạo đức nhà giáo và khiến dư luận bất bình, phụ huynh hoang mang.

Những vụ bạo lực học đường, sự vô trách nhiệm của giáo viên đặt ra yêu cầu phải tăng cường giám sát xã hội đối với môi trường giáo dục.
Mối nguy bạo hành từ giáo viên

Đầu tháng 2, cộng đồng mạng bức xúc khi clip cô giáo ở trường Mầm non Sen Vàng (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) dùng dép đánh trẻ được đăng trên mạng xã hội.

Hành vi bạo lực của giáo viên khiến nhiều người lo ngại về đạo đức nhà giáo và sự an toàn của trẻ khi đến trường.

Cũng trong tháng này, vụ em Trần Chí Kiên, học sinh trường Tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội), bị ôtô đâm trên sân trường một lần nữa được đưa ra bàn luận, giải quyết.

Sự việc xảy ra cách đây hơn một tháng song hiện tại, Kiên vẫn chưa thể đi lại bình thường. Theo lời kể của Kiên cùng một số học sinh khác, em bị ôtô chở cô hiệu trưởng và hiệu phó đâm trên sân trường.

Bao luc hoc duong va noi lo den tu giao vien hinh anh 1
Hơn một tháng sau khi bị đâm, em Kiên vẫn chưa thể đi lại bình thường. Ảnh: Người Lao Động.


Ban đầu, cô hiệu trưởng bác bỏ điều này, cho rằng học sinh tự ngã, đồng thời phát giấy khảo sát cho học sinh và các cá nhân liên quan để chứng minh cho điều mình nói.

Sau khi báo chí đưa tin, dưới sức ép của dư luận, nữ hiệu trưởng thừa nhận đi ôtô vào trường nhưng không biết xe có đâm phải học sinh trong sân hay không.

Tại buổi làm việc giữa UBND TP Hà Nội với các sở ngành ngày 6/2, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung yêu cầu lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội đình chỉ chức vụ hiệu trưởng của cô giáo trong quá trình công an điều tra vụ việc.

Trước đó, tháng 11 năm ngoái, clip ghi cảnh thầy giám thị trường THCS Nguyễn Hiền ở TP. HCM đánh mạnh vào đầu một nam sinh được đăng lên mạnh xã hội cũng gây hoang mang dư luận.

Đến tháng 12, một vụ bạo hành trẻ khác bị phát hiện tại trường Mầm non Hoa Phượng, thuộc phường Quang Trung, TP Kon Tum. Cũng như nhiều vụ bạo hành khác, nhà trường và cơ quan chức năng chỉ biết đến hoặc tìm cách giải quyết khi vụ việc được đưa lên mạng.

Các vụ bạo hành xuất phát từ người thầy cho thấy tình trạng nhiều giáo viên thiếu kỹ năng sư phạm, vi phạm nghiêm trọng những chuẩn mực đạo đức của ngành.

Điều đáng nói, không ít nhà giáo đang dần bộc lộ sự vô cảm, tính thiếu trách nhiệm cùng biểu hiện gian dối trong quá trình dạy dỗ trẻ.

Trả lời phỏng vấn VTV, nhà giáo nhân dân Trần Đình Sử khẳng định cách làm của hiệu trưởng trường Nam Trung Yên rất nghiêm trọng và không thể chấp nhận.

“Cô giáo không chỉ nói dối, lấp liếm mà còn giáo dục học trò nói dối, bắt các em phục tùng sự dối trá. Tôi nghĩ điều này làm hỏng hoàn toàn nền giáo dục”, ông nhấn mạnh.
Góc tối học đường và nỗi lo của cha mẹ

Các clip giáo viên bạo hành trẻ xuất hiện nhiều trên mạng xã hội khiến dư luận lo ngại về tình trạng thoái hóa đạo đức của một bộ phận giáo viên.

Những vụ bạo hành bị phanh phui khiến phụ huynh bất an, đồng thời đặt ra nhu cầu tăng cường giám sát đối với môi trường giáo dục. Nhiều người không dám cho con học tại nhà trẻ không có camera theo dõi.

Bao luc hoc duong va noi lo den tu giao vien hinh anh 2
Các lớp học luôn tồn tại góc khuất mà camera không thể ghi hình. Ảnh cắt từ clip.


Trao đổi với Zing.vn, chị Bích Phượng, một phụ huynh ở Hà Nội, cho biết camera giám sát là tiêu chí bắt buộc trong quá trình chọn lựa nơi gửi con.

“Cha mẹ chăm con bằng tình thương nhưng giáo viên nhiều khi chỉ ràng buộc vì trách nhiệm. Tôi không thể yên tâm nếu không được biết con sinh hoạt ra sao tại nhà trẻ”, chị Phượng nói.

Nắm được tâm lý này, các trường mẫu giáo, đặc biệt trường tư thục, coi đây là thế mạnh để thu hút học sinh. Nhiều phụ huynh bị thuyết phục và dần trở nên phụ thuộc vào chiếc camera.

Tuy nhiên, thiết bị công nghệ không đủ để tạo lòng tin và giúp người làm cha mẹ hoàn toàn yên tâm. Làm việc trong lĩnh vực công nghệ, anh Phan Tuấn, một phụ huynh ở Hà Nội, khẳng định camera không thể bảo vệ trẻ an toàn.

“Các phòng học có góc khuất mà camera không thể ghi hình được. Yếu tố chính vẫn là trách nhiệm của giáo viên”, anh Tuấn nói.

Vị phụ huynh này cho biết thêm anh cũng không đòi hỏi thầy cô phải tận tình chăm sóc trẻ như con ruột mà chỉ mong họ làm hết phận sự.

Chính cách hành xử thô bạo, phản giáo dục của một số giáo viên khiến xã hội mất dần lòng tin và buộc phải có biện pháp giám sát thường xuyên.

Chị Thu Phương ở Hà Tĩnh chia sẻ hàng ngày, dù bận rộn tới đâu, chị cũng dành thời gian quan sát cháu của mình, đặc biệt trong giờ ăn và nghỉ trưa. Không thấy bé xuất hiện trên màn hình, chị Phương không yên tâm.

Người này tâm sự: “Tôi chỉ sợ ở một góc khuất nào đó, cháu mình phải gánh chịu cơn giận của cô giáo chỉ vì những lỗi nhỏ”.

Trách nhiệm giáo viên mầm non

Sự giám sát bằng công nghệ chỉ mang tính tương đối. Mức độ an toàn cùng hiệu quả học tập của trẻ phụ thuộc phần lớn vào đạo đức giáo viên và trách nhiệm của nhà trường.

Tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của giáo viên mầm non được quy định trong quyết định số 14 năm 2008 của Bộ GD&ĐT.

Theo đó, giáo viên có trách nhiệm bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng của trẻ em trong thời gian trẻ em trong nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập.

Bên cạnh đó, họ phải trau dồi đạo đức, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo; gương mẫu, thương yêu trẻ em, đối xử công bằng và tôn trọng nhân cách của trẻ em, đồng thời bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của trẻ.

Quyết định này cũng nêu rõ các hành vi giáo viên không được làm, bao gồm xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể trẻ em, đối xử không công bằng với trẻ, bớt xén khẩu phần ăn của trẻ, làm việc riêng khi đang tổ chức các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Theo Zing


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.