Chương trình giáo dục phổ thông mới: Sao không mạnh dạn hơn?

Dựa trên sự so sánh với giáo dục nước ngoài, chủ yếu là giáo dục Nhật Bản hiện đại, tôi muốn đưa ra một vài bình luận và góp ý về những điểm mới của dự kiến chương trình phổ thông tổng thể.

Dựa trên sự so sánh với giáo dục nước ngoài, chủ yếu là giáo dục Nhật Bản hiện đại, tôi muốn đưa ra một vài bình luận và góp ý về những điểm mới của dự kiến chương trình phổ thông tổng thể.

Theo những thông tin mới nhất, chương trình phổ thông tổng thể mới sẽ có một số điểm sửa đổi hoặc những điểm trọng tâm như: nhấn mạnh sự phân biệt giữa giai đoạn giáo dục cơ bản (tiểu học và THCS) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (THPT); không tích hợp môn Lịch sử và Địa lý thành môn Khoa học xã hội ở THCS và gộp môn Lịch sử vào môn học mới là Công dân ở tổ quốc ở THPT.

Chương trình giáo dục phổ thông mới: Sao không mạnh dạn hơn?
Chương trình phổ thông mới dự kiến có nhiều thay đổi (Ảnh Đinh Quang Tuấn)

Chương trình mới cũng sẽ giảm số môn học và cho phép học sinh lựa chọn các môn.

Ở đây, dựa trên sự so sánh với giáo dục nước ngoài chủ yếu là giáo dục Nhật Bản hiện đại, tôi muốn đưa ra một vài quan sát và góp ý về những điểm mới nói trên.

Lựa chọn môn học chỉ ý nghĩa khi có thiết kế phù hợp

Về việc giảm số môn học và cho phép học sinh chọn môn học, nhiều người háo hức và lạc quan. Tuy nhiên, nếu nghĩ kĩ thì đây là chuyện tất yếu vì khi gộp một số môn lại để tạo thành môn tích hợp đương nhiên số môn học sẽ giảm đi.

Xu hướng học sinh được lựa chọn các môn học ở bậc học THPT là xu hướng chung của thế giới. Cần phải chờ toàn văn bản chương trình chính thức để biết học sinh Việt Nam sẽ được lựa chọn những môn học gì và lựa chọn như thế nào.

Tuy nhiên, ở đây tôi vẫn muốn lưu ý một điều tới các nhà làm chương trình rằng việc lựa chọn môn học chỉ có ý nghĩa khi việc thiết kế các môn học đó có sự phân hóa sâu về nội dung và phù hợp theo các nhóm đối tượng. Nếu không nó sẽ rơi vào sự lựa chọn hình thức.

Chẳng hạn ở Nhật Bản cùng là môn Lịch sử, nhưng ở đó có Lịch sử Nhật Bản A, Lịch sử Nhật Bản B, Lịch sử thế giới A, Lịch sử thế giới B với cách tiếp cận, xây dựng nội dung phong phú phục vụ các nhóm đối tượng học sinh khác nhau.

Để làm được điều đó cần đến sự nghiên cứu sâu nếu không sẽ lặp lại sai lầm như cách phân ban và viết sách phân ban như đã thấy.

Giới sử học nặng trách nhiệm

Về sự thay đổi các môn học, việc biến mất môn Khoa học xã hội ở cấp THCS và thay vào đó là môn có cái tên rất lạ - Lịch sử và Địa Lý, cùng việc không “tích hợp” môn Lịch sử vào môn Công dân với Tổ quốc là chỉ dấu cho thấy Bộ GD-ĐT đã phải nhượng bộ trước các ý kiến phản biện và phản đối của giới sử học, giáo dục lịch sử.

Như vậy, giờ đây trách nhiệm nâng cao chất lượng học tập môn Lịch sử ở trường phổ thông ở phía giới sử học và giáo dục lịch sử sẽ ngày một nặng. Chương trình mới, sách giáo khoa mới trong lần cải cách này sẽ là dịp để nhân dân cả nước kiểm chứng điều ấy.

Để làm được điều đó cần phải có sự cải cách lớn cả về lý luận lẫn các “thực tiễn giáo dục”, thứ vốn gần như vắng bóng ở Việt Nam do hệ quả của cơ chế “một chương trình - một sách giáo khoa” được thực hiện trong thời gian dài tạo ra.

Một vấn đề nữa cần đặt ra ở đây là môn Khoa học xã hội có còn lý luận tích hợp nâng đỡ, vậy khi đặt ra môn Lịch sử Địa lý thì cơ sở lý thuyết nào sẽ là nền tảng cho sự tồn tại của môn học này? Cơ sở nào để ghép hai môn học này lại làm một? Khi ghép như vậy thì sẽ ghép theo nguyên lý nào?

Chương trình và sách giáo khoa sẽ gồm có hai phần Lịch sử, Địa lý độc lập như ở bậc tiểu học hiện hành hay ngoài hai phần độc lập đó sẽ có một vài chủ đề chung cho cả lịch sử và địa lý ở phần sau? Nếu vậy, ai sẽ là người dạy chủ đề chung đó, giáo viên lịch sử hay giáo viên địa lý? Dạy theo phương pháp nào? Đấy là vấn đề cần phải suy nghĩ kĩ.

Nếu không có cơ sở lý luận để ghép hai môn thì việc ghép lại nói trên không có tác dụng gì lớn và trong thực tế nó vẫn là hai môn tồn tại độc lập. Có khác chăng là học sinh dùng một cuốn sách giáo khoa thay cho hai cuốn như truyền thống.

Chương trình giáo dục phổ thông mới: Sao không mạnh dạn hơn?
Ảnh Đinh Quang Tuấn

Hy vọng ở tổng chủ biên

Có lẽ đây là lần đầu tiên trong lịch sử Bộ GD-ĐT công bố chính thức vị trí tổng chủ biên chương trình.

Trước kia, mỗi khi bàn về những nhược điểm của chương trình, sách giáo khoa người ta thường phàn nàn rằng những nhược điểm đó một phần là do thiếu “tổng chỉ huy”, thiếu “nhạc trưởng”. Cũng vì thế trách nhiệm của những sai sót thường được quy chung chung về phía Bộ GD-ĐT hoặc tập thể những người biên soạn.

Lần này, GS. Nguyễn Minh Thuyết, trong cương vị tổng chủ biên chương trình sẽ là người gánh trách nhiệm rất nặng nề.

Hy vọng trong cương vị này ông sẽ khắc phục được các nhược điểm của các chương trình cũ như làm theo kiểu chắp vá và thiếu thống nhất về triết lý do thiếu cơ sở lý luận cũng như thực tiễn.

Tại sao không mạnh dạn hơn?

Có một câu tôi muốn hỏi là "Tại sao trong chương trình giáo dục phổ thông lại chỉ có “định hướng nghề nghiệp” mà không mạnh dạn nhấn mạnh là chương trình bao gồm nội dung “giáo dục nghề nghiệp"".

Giáo dục nghề nghiệp có nội hàm rất rộng không chỉ bao gồm đào tạo các kĩ năng để làm một nghề nghiệp nào đó. Giáo dục nghề nghiệp có thể bao gồm cả nhận thức về các nghề phổ biến trong xã hội, tri thức về các nghề chủ yếu, gần gũi với bản thân, khám phá năng lực và khí chất của bản thân trong các nghề nghiệp thông qua trải nghiệm và quan trọng nhất là tạo ra ở học sinh ý thức về nghề nghiệp.

Ở Nhật Bản ngay từ tiểu học nội dung giáo dục nghề nghiệp đã được đưa vào trong các môn học khác nhau như Xã hội, Khoa học. Đến bậc THCS học sinh được trải nghiệm làm việc trong thực tế với thời gian nhất định và để khám phá tư chất của bản thân và đến THPT thì học sinh được học nghề thực sự.

Chính vì vậy mà ngay cả chỉ tốt nghiệp THPT, ý thức về nghề nghiệp, về sự tự lập kinh tế của thanh niên Nhật vẫn tương đối tốt và họ có thể trở thành người lao động ở nhiều ngành, nghề, lĩnh vực khác nhau.

Phải tạo điều kiện cho các “thực tiễn giáo dục” phát triển

Cuối cùng,cũng cần phải nhắc lại rằng trên thế giới cho dù là ở những nước có nền giáo dục tiên tiến nhất cũng không ở đâu có một chương trình giáo dục phổ thông và các bộ sách giáo khoa hoàn hảo.

Suy cho cùng chương trình hay sách giáo khoa cũng chỉ là một phương án tham khảo quan trọng đối với giáo viên khi tiến hành hướng dẫn học sinh học tập.

Trong nền giáo dục hiện đại, chương trình và sách giáo khoa phải đảm bảo và phát triển được tính năng động, tự chủ, sáng tạo ở cả giáo viên và học sinh. Chương trình và sách giáo khoa mới của Việt Nam cũng phải đáp ứng được yêu cầu đó nếu muốn đưa giáo dục Việt Nam hòa nhập với thế giới.

Chương trình và sách giáo khoa này trong thực tế phải đảm bảo và tạo điều kiện cho các “thực tiễn giáo dục” của các giáo viên ở hiện trường phát triển. Đấy cũng điều kiện cơ bản để đảm bảo cho cơ chế “Một chương trình - nhiều sách giáo khoa” không trở thành thứ chỉ có tính chất hình thức.

Theo VietNamNet


giáo dục phổ thông

Giáo dục

phổ thông


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.