Cô giáo dùng dép đánh trẻ mầm non và nỗi lo của người làm cha mẹ

Cô giáo như mẹ hiền mà sao lại ra những đòn thủ ác với các cháu bé như vậy? Ai còn dám tin tưởng để gửi con ở các nhà trẻ nữa?

Cô giáo như mẹ hiền mà sao lại ra những đòn thủ ác với các cháu bé như vậy? Ai còn dám tin tưởng để gửi con ở các nhà trẻ nữa?

Hai sự việc, một mới xảy ra và một đã xảy ra trước Tết nguyên đán trong trường mẫu giáo và trường tiểu học ở Hà Nội khiến những bậc làm cha mẹ giật mình, bức xúc xen lẫn hoảng sợ.

Bức xúc vì trong môi trường sư phạm ở Thủ đô mà lại xảy ra những hành động bạo lực, phi sư phạm đến thế. Hoảng sợ vì không biết con mình ở trường liệu đã có an toàn, đã lần nào bị hành hung như vậy mà không dám nói ra hay chưa?

co giao dung dep danh tre mam non va noi lo cua cha me hinh 1
Cô giáo đánh trẻ ở trường Sen Vàng (Ảnh cắt từ clip)


Con tôi học một trường tiểu học, là trường điểm của quận nội đô Hà Nội. Lớp 1 của cháu thuộc diện “ngoại giao” được vào lớp có cô giáo chủ nhiệm có danh tiếng nhất nhì trường. Giữa học kỳ 1, con về hỏi: Mẹ ơi “Đầu to óc quả nho, Đầu voi óc chim sẻ” nghĩa là gì hả mẹ. Tôi tròn mắt hỏi lại con: “Con học ở đâu mấy câu ấy vậy?”. Con bảo, cô mắng bạn A đấy ạ.

Năm học đầu tiên của con trôi qua, tôi không dám tìm hiểu hay hỏi han thêm những gì cô hay mắng mỏ ở lớp nữa vì sợ làm con ghi nhớ thêm những ký ức không đẹp.

Năm học lớp 2, tôi thấy con đi học vui vẻ, hay kể chuyện về cô giáo. Và tôi cũng thấy cô giáo lớp 2 của con thân thiện hơn hẳn. Cuối năm, trong buổi họp phụ huynh, một phụ huynh rớm nước mắt đứng lên bảo rằng, năm nay con đi học với tâm thế vui vẻ hơn, con không bị nghe những câu như “Đầu voi óc chim sẻ nữa”…

Các con tôi có lẽ không bị cô giáo đánh và cũng không phải chứng kiến cảnh cô giáo đánh các bạn, nhưng trong đầu chúng đã hằn một suy nghĩ về sự đay nghiến, cay độc của cô giáo với học trò. Đó là một ký ức không đẹp. Và tôi thấy buồn vì cách giáo dục đó.

Nay, một em bé mới mười mấy tháng tuổi, việc chưa tự chủ được vệ sinh là rất bình thường.

Còn cô giáo, khi cô đã chọn nghề nuôi dạy trẻ thì chắc chắn phải xác định được trước những khó khăn, vất vả mình phải đương đầu. Vậy sao cô lại ra những đòn thủ ác với những bé thơ như vậy?

Các cô còn trẻ và cũng sẽ làm vợ, làm mẹ. Có khi nào trong đầu các cô mảy may suy nghĩ, con mình cũng bị đánh đập như vậy ở trường thì sao? Hành động của các cô, dù không bị gia đình các bé yêu cầu pháp luật xử lý, nhưng cũng cần có hình thức xử lý nghiêm minh để làm gương cho những đồng nghiệp khác; để những đứa trẻ không phải nửa đêm hoảng hốt thức dậy vì sợ đi học.

Nhiều người đặt câu hỏi vì sao bây giờ giới trẻ lại dễ nổi cáu, hơi tí là xông vào đánh nhau, giải quyết bằng bạo lực, đoạt mạng người đơn giản như cỏ rác? “Hiền dữ đâu phải do có sẵn/Phần nhiều do giáo dục mà nên”. Từ bé thơ đã bị ăn đòn, sống trong sợ hãi thì sao các em có thể phát triển nhân cách, tư duy, trí tuệ một cách bình thường. Các cô chính là người đã “gieo nhân” để sau này xã hội phải “gánh quả”.

Là cha mẹ, chúng tôi cũng phải bươn trải để kiếm sống, nuôi con. Ước mong lớn nhất của chúng tôi là con mình được học tập trong một môi trường sư phạm thân thiện, an toàn. Ai ngờ rằng, con mình đi học ở trường mà bị ô tô đâm, bị cô giáo đánh mắng, phỉ báng.

Đạo đức nhà giáo vô cùng quan trọng, vì nghề giáo là nghề ươm mầm tương lai của xã hội, của đất nước. Khi đạo đức ấy bị một số kẻ làm vấy bẩn thì sẽ gây nên những hậu quả khôn lường. Mong rằng, việc tuyển dụng, đào tạo, giám sát đối với giáo viên ở các cấp học sẽ được chú trọng hơn để các em không bị tổn thương từ chính những con người ươm mầm nhân cách.

Theo VOV


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.