Cô giáo trẻ viết thư gửi 'những người còn sống mãi'

“Lần đầu đến Thành cổ Quảng Trị, nghe hướng dẫn viên nói mỗi tấc đất đều là xương thịt các anh, thắp nén hương, tôi chợt thấy đau và hơi thẹn trong lòng”, cô giáo Lan Phương viết.

“Lần đầu đến Thành cổ Quảng Trị, nghe hướng dẫn viên nói mỗi tấc đất đều là xương thịt các anh, thắp nén hương, tôi chợt thấy đau và hơi thẹn trong lòng”, cô giáo Lan Phương viết.

Tri ân những ngày đã ngã xuống trong ngày 27/7, cô Nguyễn Lan Phương, giáo viên trường THCS Đoàn Kết (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã viết bức thư mang tên: "Gửi những người còn sống mãi".

Cô Lan Phương kể khi đọc lại "Bức thư gửi người đang sống" - những dòng chữ để lại giữa cánh rừng nguyên sinh tại thượng nguồn sông Đồng Nai bên cạnh 3 bộ hài cốt của 3 chiến sĩ thuộc Tiểu đội 1 (Trung đội Ký Con, Trung đoàn Bình Giã, Quân giải phóng miền Nam) đăng trên báo năm 2005, cô có cảm xúc dâng trào.

Tự thôi thúc trong lòng phải viết, cô Lan Phương gửi gắm tất cả tình cảm chân thành tới các anh - những người sống mãi trong trái tim mình và hàng triệu người con đất Việt.

Chúng tôi đã xứng đáng với mỗi tấc đất dưới chân?

Kính gửi các anh!

Tôi là Nguyễn Lan Phương - giáo viên trường THCS Đoàn Kết, Hà Nội - một người đang sống trong hoà bình được xây bởi xương máu các anh.

Cách đây ít lâu, tôi tình cờ được đọc lại "Bức thư gửi người đang sống" của các anh - những người chiến sĩ trung đội "Ký con", đăng trên báo từ năm 2005.

Trong lúc cận kề với cái chết vì bị thương, đói và khát, các anh đã dùng chút sức lực còn lại để thay nhau chấp bút. Ở đó, các anh kể lại cuộc chiến đấu của mình, tình cảm với những người thân yêu và niềm tin với chúng tôi - những người đang sống.

Co giao tre viet thu gui 'nhung nguoi con song mai' hinh anh 1
Cô giáo Lan Phương viết thư thể hiện sự trân trọng với thế hệ đi trước.

Tôi đã bật khóc khi đọc những dòng của anh Dũng - người viết cuối cùng: "Nhưng rồi các bạn giục kết thúc lá thư đi thôi. Thời gian không chờ chúng tôi nữa. Chúng tôi cảm thấy sắp đến giờ phải từ giã cõi đời này rồi. Trước khi ra đi, thư phải được bảo quản cẩn thận tránh mưa nắng phũ phàng. Thư phải đến được tay người đang sống”.

Vâng, và lá thư đó đã đến tay chúng tôi các anh ạ. Nay, tôi viết thư này hồi âm, để các anh chạm tay vào thế giới của hoà bình mà các anh hằng mong ước. Và để tôi - một người trẻ của hiện tại - được chạm tay vào quá khứ hào hùng và nhìn lại bản thân.

Sinh ra vào thời bình, tôi chỉ biết về chiến tranh qua những trang sách lịch sử, qua lời kể của ông bà cha mẹ, qua hình hài cằn cỗi của những bác thương binh và qua các ngọn đồi trắng xoá những bia mộ. Dù vậy, các anh ạ, tôi vẫn cảm nhận được rằng cái giá phải trả để đổi lấy hoà bình là quá đắt.

Hẳn rằng ở nơi xa xôi, các anh nhớ nhà, nhớ quê, muốn được đi khắp ba miền, muốn thấy bộ mặt của hoà bình. Đất nước chúng ta đã có nhiều đổi thay. Những thành phố hiện đại với các cao ốc, phố xá đông vui. Xa xa những con đường làng sạch sẽ, những nụ cười của các em bé được tới trường.

Các anh, các anh có thấy không? Đó là một bức tranh đẹp nhưng chưa hẳn hoàn thiện. Còn nhiều mảng màu chưa đẹp đây đó chúng tôi dây bẩn cần phải xoá đi, nhiều khoảng trống cần phải bù đắp.

Nhớ lại ngày là sinh viên sư phạm, lần đầu tôi được đặt chân đến Thành cổ Quảng Trị. Nghe hướng dẫn viên nói mỗi tấc đất nơi đây đều là xương thịt các anh, thắp nén hương ngay mặt đất dưới chân mình đứng, tôi chợt thấy đau và hơi thẹn trong lòng.

Ở thế giới bên kia, các anh nhìn chúng tôi - tuổi trẻ của hôm nay thế nào? Hòa bình đến với chúng tôi từ khi lọt lòng êm ái như khúc hát ru, nhiều người thấm khúc hát ấy mà lớn lên, mà đền đáp ân tình của Tổ quốc. Nhưng đôi lúc một số người trong chúng tôi ngủ quên, nhụt chí, không cống hiến, không sáng tạo... Chúng tôi liệu đã xứng với những tấc đất dưới chân?

Gần đây, tôi cần thuê xe chở cây hoa về nhà trồng. Tôi thuê xe thương binh, bác lái xe bị mất một chân. Đến nơi, nhà tôi ở chung cư trên cao, bác nói: "Để tôi", rồi tập tễnh khuân từng cái cây lên nhà giúp tôi. Tôi trả bác thêm tiền, bác cúi rạp người cảm ơn tôi, mân mê từng đồng tiền, nở nụ cười thật tươi. Lòng tôi đau nhói.

Bác, con phải cảm ơn bác mới đúng. Không có những người như bác chẳng thể nào chúng con có cuộc sống này. Như lời bài hát có câu: "Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên, cơn bão chưa ngưng trong tâm hồn biết bao người...". Nỗi đau, vết thương còn đó đợi chúng tôi của hôm nay... khâu lại.

Tôi nhớ mãi lời các anh viết cuối thư: "Còn như chúng tôi được phát hiện muộn hơn sau 5 năm 10 năm tự do quý giá, thì xin cho chúng tôi gởi đến những người đang sống, sống đúng ý nghĩa của nó, trong một thời đại vinh quang, lời biết ơn sâu sắc vì các bạn đã làm cho cái chết của chúng tôi được đầy đủ ý nghĩa.

Các bạn đang lao động quên mình, cũng như chúng tôi đã chiến đấu quên mình cho đất nước ta ngày nay tươi đẹp, cho dân ta ngày càng ấm no, hạnh phúc, cho xã hội ta ngày càng dân chủ công bằng".

Phải, "sống đúng ý nghĩa", "lao động quên mình"... có lẽ là điều chúng tôi cần làm ngay lúc này đây để mọi sự hi sinh quý giá không là vô ích.

Ngày 27/7, cả đất nước nghiêng mình trước các anh.

Co giao tre viet thu gui 'nhung nguoi con song mai' hinh anh 2

Cô giáo Lan Phương có nhiều bài giảng về lòng yêu nước, trong đó có biển đảo quê hương, khi lên lớp về Lịch sử, Địa lý. Đồ họa: Phượng Nguyễn.
Lòng yêu nước từ bài học tri ân

Là giáo viên dạy Văn học, Lịch sử, Địa lý thuộc trường THCS Đoàn Kết (Hà Nội), cô giáo Lan Phương bày tỏ: “Tôi luôn tâm niệm lời của nhà văn Ilia Grigor'evich Erenburg: "Lòng yêu nước bắt nguồn từ lòng yêu những vật tầm thường nhất”.

Mỗi giờ dạy Lịch sử, Địa lý, cô giáo Lan Phương cố gắng truyền cho học sinh những rung cảm với điều giản dị. Trong những chuyên đề học tập lớn, cô giáo Phương cũng cố gắng đưa nội dung giáo dục tình yêu tổ quốc vào bài học sao cho thật tự nhiên, không khiên cưỡng, chủ yếu hướng dẫn học sinh tự tìm hiểu và tự thể hiện hiểu biết.

Trong đó, chuyên đề "Biển đảo Việt Nam", "Bảo vệ tài nguyên sinh vật Việt Nam" của cô giáo Lan Phương đã đạt giải nhất toàn quốc trong kỳ thi "Dạy học theo chủ đề tích hợp" do Bộ GD&ĐT chức năm 2014 và 2016. Chuyên đề môn Văn "Lòng yêu nước" cũng được học sinh yêu thích. Sau buổi tổng kết chuyên đề, nhiều thầy cô dự giờ và học sinh đã khóc.

Từ đó, nữ giáo viên muốn nhắn nhủ đến các bạn trẻ và chính bản thân mình, cần sống sao cho ý nghĩa và lao động hết mình.

Theo Zing


cô giáo

Thương binh

ngày 27/7


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.