Gia đình phá sản, sinh viên ở lại thủ đô làm thêm dịp Tết

“Năm nay, ba mẹ làm ăn thua lỗ, gia đình phá sản. Tớ ở lại làm Tết kiếm tiền đóng học phí kỳ tới”, Trần Thị Lan, sinh viên năm cuối Đại học Lao động Xã hội buồn bã nói.

 “Năm nay, ba mẹ làm ăn thua lỗ, gia đình phá sản. Tớ ở lại làm Tết kiếm tiền đóng học phí kỳ tới”, Trần Thị Lan, sinh viên năm cuối Đại học Lao động Xã hội buồn bã nói.

Tết là thời điểm sinh viên mong ngóng để được đoàn tụ với gia đình. Nhưng không phải ai cũng có cơ hội được đón giao thừa cùng bố mẹ, người thân. Nhiều bạn trẻ chọn ở lại thành phố làm thêm để kiếm tiền trang trải học tập.

Muốn tự trả học phí vì ba mẹ phá sản

Với sinh viên năm cuối Trần Thị Lan, đây là lần đầu tiên cô quyết định không về nhà ăn Tết. “Bố mẹ phá sản, tớ ở lại làm thêm dịp Tết tiết kiệm chút tiền đóng học phí”, Lan tâm sự.

Sinh ra trong gia đình có 2 chị em, bố mẹ Lan làm nghề kinh doanh đồ gỗ. Nữ sinh kể công việc không như mong đợi, bố mẹ cô phá sản, phải bán tháo đồ đạc, nhà cửa để trả nợ. Bố Lan mắc bệnh huyết áp cao, em gái mới học lớp 5, gánh nặng kinh tế đè nặng lên đôi vai mẹ.

Thương ba mẹ, Lan nhận dạy thêm hoặc tư vấn bán hàng. Tết này, nữ sinh đăng ký làm giúp việc gia đình với mức lương 300.000 đến 400.000 đồng/ngày.

"Những ngày Tết, nhiều gia đình cần người giúp việc, lương rất cao nên mình tranh thủ kiếm thêm thu nhập", nữ sinh năm cuối cho hay.

Gia dinh pha san, sinh vien o lai thu do lam them dip Tet hinh anh 1
Lan chọn làm giúp việc gia đình đón Tết xa nhà lần đầu tiên. Ảnh: H.N.


Với Ngô Bảo Anh, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, đây là năm thứ tư cô không về quê đón Tết. Nhà Bảo Anh ở vùng biển Thanh Hóa, có 3 anh em. Kinh tế khó khăn, em gái cô phải nghỉ học để giúp gia đình. Vì thế, nữ sinh thường không về Tết mà tranh thủ ở lại thủ đô kiếm việc làm thêm.

Bảo Anh kể nhưng năm trước, cô đi làm dịp này được trả từ 300.000 đến 500.000 đồng - mức khá cao so với ngày thường. Trong năm qua, ngoài thời gian học, cô làm phục vụ tại một quán cơm trên phố Mã Mây (Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Cũng lâm hoàn cảnh khó khăn, Phạm Văn Đức, sinh viên một trường cao đẳng ở Hà Nội, không thể về quê đón Tết. Bố đang cai nghiện, mẹ mắc bệnh tim, chàng trai này nhận làm phục vụ cho một nhà hàng với giá 20.000 đồng/giờ.

Chạnh lòng giây phút giao thừa xa gia đình

Năm đầu tiên quyết định không đón Tết ở nhà, Lan cũng rất lo lắng khi nói với bố mẹ về quyết định của mình. Ban đầu, phụ huynh không đồng ý, nhưng vì hoàn cảnh quá khó khăn nên cuối cùng nữ sinh cũng thuyết phục được họ.

Lan rất buồn vì không được ở bên người thân trong ngày đầu năm mới nhưng đây là cách duy nhất có thể giúp cô tạm thời giải quyết vấn đề kinh tế.

Nguyễn Đình Bắc, sinh viên năm 2 Đại học Luật Hà Nội, cũng không về quê đón Tết mà tất bật với công việc chạy bàn tại một quán ăn trên đường Huỳnh Thúc Kháng (Ba Đình, Hà Nội).

“Quán rất đông khách, mình chạy mướt mồ hôi để bưng bê phục vụ, thỉnh thoảng phải trốn vào cầu thang ngồi nghỉ cho đỡ tê chân. Tuy nhiên, quản lý bắt được, mình sẽ bị phạt. Tết năm trước, đúng ngày 29 Tết, mình phải đền 1.000.0000 đồng vì khách ăn xong không thanh toán. Số tiền ấy mình định gửi về quê biếu bố mẹ, vậy mà…”, Bắc ngậm ngùi kể.

Chàng trai cũng cho hay đi làm đêm giao thừa thấy các gia đình, đôi tình nhân bên nhau, bạn lại chạnh lòng nhớ nhà và muốn về ngay lập tức.

Còn đối với Bảo Anh, làm thêm dịp Tết chẳng biết thời gian là gì vì quá bận. Nhiều khi làm ca đêm từ 17h hôm trước đến 4h sáng hôm sau nên cứ "ngủ ngày cày đêm", không còn biết Tết đến hay chưa nữa.

Nhìn các bạn dọn đồ đạc về quê, trong phòng chỉ còn một mình, Bảo Anh nhớ về năm đầu tiên đi làm mà nước mắt đỏ hoe.

“Đêm giao thừa trông xe gần cầu Chương Dương, đường vắng tanh, một mình cầm hộp cơm ngồi ăn mà nhớ nhà quá. Nghe điện thoại của bố mẹ, mình không cầm được nước mắt”, Bảo Anh tâm sự.

Nữ sinh kể năm nào bố mẹ cũng bảo đừng đi làm Tết nữa nhưng nếu về thì gia đình lại thêm khoản lo cho mình nên không đành lòng.

Theo Zing


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.