Giáo sư không làm hết đề thi toán THPT quốc gia, Bộ Giáo dục nói gì?

Buổi họp báo kết thúc công tác coi thi của kỳ thi THPT quốc gia 2018 diễn ra lúc 16h chiều 27/6 thu hút sự quan tâm đông đảo của báo giới.

Buổi họp báo kết thúc công tác coi thi của kỳ thi THPT quốc gia 2018 diễn ra lúc 16h chiều 27/6 thu hút sự quan tâm đông đảo của báo giới. Các vấn đề được đặt ra xoay quanh độ khó dễ của đề thi, cách thức chấm bài thi môn Ngữ văn, chính sách đặc cách cho các TS vùng lũ, nguyên nhân lọt đề…

Một số câu hỏi tăng độ khó lên

Hầu hết các câu hỏi tập trung vào đề thi với các thắc mắc về độ khó, độ dài và độ đồng đều của đề thi năm nay. Bên cạnh đó, phóng viên cũng đặt vấn đề: Qua 2 năm thi trắc nghiệm môn Toán, đã có những phân tích và cảnh báo của giới toán học về nguy cơ thi trắc nghiệm toán đã làm ảnh hưởng đến tư duy của môn học này. Sau kì thi năm nay GS Nguyễn Hữu Việt Hưng, một nhà khoa học đạt giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2015 nói rằng ông không thể giải đầy đủ 50 câu trong 90 phút.

Ông Sái Công Hồng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT cho biết, nội dung đề thi các môn năm nay không vượt quá chương trình học. Cấu trúc đề thi không thay đổi.

“Có ý kiến cho rằng Bộ lại thay đổi là không đúng. Đề thi vẫn phân bố 60% là kiến thức cơ bản, 40% kiến thức nâng cao. Dù 40% là kiến thức nâng cao nhưng nội dung này vẫn nằm trong chương trình lớp 11 và lớp 12”.

“Môn Ngữ văn cũng có cấp độ các câu hỏi, từ yêu cầu nhận biết đến vận dụng. Đề thi trắc nghiệm vẫn như năm trước. Nhóm các câu hỏi dễ được phân bố ở phía trên, khó dần xuống phía dưới. Mục đích để giúp các em làm lần lượt từ dễ đến khó”.

Ông Hồng cho biết, hội đồng ra đề thi đã tuân thủ đúng chỉ đạo của Ban chỉ đạo đề thi quốc gia, là đề phải có độ phân hoá. Chính vì thế, để tăng cường phân loại TS, phải có một số câu hỏi được tăng độ khó lên.

“Không phải tất cả các câu trong học sinh trung bình hoàn toàn có thể làm được dễ dàng. Một số câu khác dùng để phân loại. Muốn phân loại được thì độ khó phải tăng lên” – ông Hồng khẳng định.

Trưởng ban chỉ đạo làm đề cho biết, nếu so sánh với năm 2017 thì độ khó của đề năm nay tăng lên là điều hiển nhiên. Vì nội dung kiến thức được mở rộng ra thêm phần kiến thức lớp 11. Tuy nhiên, ông cho rằng, việc này đã được thông báo sớm từ khi các em còn đang học lớp 11.
 

TS Sái Công Hồng trao đổi: "Đề thi chuẩn hóa bản thân chúng ta còn non trẻ"

Ông Hồng cho biết, đây là năm thứ hai Bộ sử dụng ngân hàng đề thi chuẩn hóa mà nhiều nước tiên tiến trên thế giới áp dụng. Ông đưa ví dụ về nước sử dụng nhiều nhất ngân hàng đề thi chuẩn hóa là Mỹ ví dụ ACT, SAT...

“Việc cân bằng độ khó giữa các đề thi, chúng tôi học tập quốc tế, chính là 4 tổ chức uy tín của quốc tế về ngân hàng đề thi chuẩn hóa, vì bản thân chúng ta còn non trẻ. Về cân bằng độ khó ngân hàng đề thi, chúng tôi tiếp tục cập nhật, tập huấn nâng cao năng lực ra đề".

"Còn để trả lời câu hỏi “Cân bằng thế nào?” thì có khi phải giải thích 4 ngày với nhiều tiêu chuẩn như: độ lệch chuẩn, phân hóa, sai số, áp dụng khoa học tâm trắc học..." - ông Hồng nói trước câu hỏi liệu các mã đề trắc nghiệm có đảm bảo sự đồng đều.

Môn Ngữ văn: Đề mở sẽ có đáp án mở

Trước câu hỏi đề thi Ngữ văn có chấp nhận những câu trả lời mang tính phản biện hay không, ông Sái Công Hồng khẳng định: “Đề mở thì đáp án cũng phải mở. Với môn Ngữ văn, Bộ đã ra đề mở nhiều năm gần đây, chứ không riêng gì năm nay. Đề Ngữ văn cũng có các câu hỏi được chia thành 4 cấp độ, đòi hỏi từ khả năng nhận biết cho đến vận dụng cao”.

Phóng viên đặt câu hỏi: Năm ngoái đề thi được đánh giá là dễ, chúng ta có "mưa điểm 10", năm nay đề thi được đánh giá là khó và dài, thậm chí các giáo sư trong ngành cũng không thể giải được trong thời gian quy định. Vậy đâu là tiêu chí ra đề của Bộ? Phải chăng Bộ đang lúng túng trước 2 mục tiêu của kỳ thi: vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa cần độ phân hóa cao để tuyển sinh ĐH, CĐ?

Trước ý kiến của dư luận về cách sử dụng từ ngữ trong phần Đọc hiểu đề thi Ngữ văn – giữa “thành phần tự nhiên” hay “yếu tố tự nhiên”, ông Hồng cho biết, tổ ra đề Ngữ văn đã khẳng định cách đặt câu hỏi trong đề là hoàn toàn chính xác.Ông Hồng chia sẻ quan điểm, một đề thi mà tất cả các em làm được chưa phải là một đề tốt, vì không có tính phân loại. Ngược lại, đề thi mà không em nào làm được cũng không phải là một đề tốt.

Trả lời câu hỏi về cách cân bằng độ khó dễ của các mã đề thi, ông Sái Công Hồng cho biết, đây là vấn đề kỹ thuật rất phức tạp, không thể giải thích trong vài ba câu.

“Năm nay mới là năm thứ 2 chúng ta sử dụng ngân hàng câu hỏi thi, trong khi lịch sử xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa của các nước phát triển đã lên đến 60-100 năm. Vì thế, việc cân bằng độ khó dễ giữa các mã đề, chúng tôi cần phải học tập các tổ chức quốc tế, tiếp tục cập nhật, tập huấn, nâng cao dần năng lực ra đề, phân tích, cân bằng độ khó”.

Nguyên nhân lọt đề?

Trước nghi vấn đề thi các môn Vật lý, Lịch sử, Hóa học bị đưa ra ngoài khi chưa kết thúc thời gian làm bài thi tổ hợp, ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, cho biết đây không phải là lộ đề. “Đề thi các môn Vật lý, Lịch sử, Hóa học được đưa ra ngoài sau khi thời gian các môn thi này đã kết thúc. Như vậy là lọt đề, chứ không phải lộ đề”. Theo ông Trinh, nguyên nhân lọt đề là do ở điểm B khoản 4 điều 14 quy định TS được phép mang vào phòng các thiết bị có chức năng ghi âm, ghi hình, có chức năng thu chứ không có chức năng phát.

Ông Mai Văn Trinh

Quy định này xuất phát từ thực tiễn nhằm tăng cường giám sát TS và cán bộ, có tác dụng tốt trong việc duy trì kỷ cương phòng thi. Ông Trinh cho rằng, có thể nguyên nhân lọt đề là do lý do này. Và với các TS tự do, sau khi hoàn thành xong bài thi thành phần có thể ra ngoài nên đề thi có thể ra theo nguồn đó.

Ông cho biết, khi các bài thi hầu hết đã làm theo hình thức trắc nghiệm khách quan, trong tương lai sẽ cân nhắc những năm tới có đưa quy định này vào nữa hay không.

Xem xét đặc cách tốt nghiệp cho thí sinh vùng lũ

Về điều kiện thời tiết bão lũ khiến một số TS ở Lai Châu, Hà Giang không thể đến điểm thi, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng báo cáo, có tất cả 13 TS nằm trong trường hợp này, trong đó Lai Châu có 9 em, Hà Giang có 4 em.

“13 TS này chỉ đăng ký thi để xét tốt nghiệp, không có em nào đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ. Những trường hợp bất thường này sẽ xét đặc cách tốt nghiệp dựa trên đề xuất của ban chỉ đạo thi cấp tỉnh. Ban chỉ đạo thi cấp Bộ sẽ có phương án chỉ đạo vừa đảm bảo quy chế, vừa đảm bảo quyền lợi cho TS. Các Sở sẽ thành lập hội đồng để xét duyệt và báo cáo lên Bộ”.

Trả lời câu hỏi của báo Vietnamnet về việc 1  kỳ thi 2 mục đích vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển đại học có còn phù hợp nữa hay không khi mà cách ra đề của Bộ trong 2 năm qua được nhìn nhận là dễ quá hoặc khó quá, ông Mai Văn Trinh cho biết: “Chính phủ ra Nghị quyết 44, trong có giải pháp nói rất rõ: Đổi mới hình thức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ theo hướng tổ chức một kỳ thi chung, lấy kết quả làm cơ sở xét tuyển THPT và xét tuyển ĐH, CĐ. Kỳ thi này đã tổ chức 4 năm. Hiện nay trung ương đang chỉ đạo sơ kết 5 năm thực hiện. Hiện nay chúng ta tổ chức kỳ thi THPT quốc gia như những năm vừa rồi là phù hợp. Sau khi chúng ta có sơ kết 5 năm, có chương trình sách giáo khoa mới sẽ có phương án phù hợp cho giai đoạn đó”.


Theo VietNamNet


kỳ thi THPT Quốc gia

thi THPT quốc gia

kỳ thi THPT quốc gia 2018


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.