"Giáo viên gì mà lúc nào cũng tiền, tiền..."

Nhà giáo Khánh Ngọc cho biết, giáo viên chủ nhiệm ở nhiều trường phải gánh thêm việc của “nhân viên bảo hiểm”. Đây thực sự gây áp lực cho giáo viên.

Nhà giáo Khánh Ngọc cho biết, giáo viên chủ nhiệm ở nhiều trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đang phải gánh thêm việc của “nhân viên bảo hiểm”. Việc phải thu đủ 100% thực sự gây áp lực cho giáo viên.

>>Nỗi niềm giáo viên phải ép trò mua bảo hiểm

Thời gian gần đây, nhiều đồng nghiệp của tôi thường than thở: “Giáo viên ở trường làm không hết việc, giờ lại cột vào trách nhiệm phải đốc thúc việc nộp bảo hiểm y tế của học sinh”.

Sau khi rà soát những trường học trên địa bàn chưa đóng đủ 100% bảo hiểm y tế, nhiều trường liên tục nhận được công văn nhắc nhở của Ủy ban các xã phường. Việc thu bảo hiểm trở thành nhiệm vụ bắt buộc…

Vì thế trường học nào cũng phải thu đủ 100%. Yêu cầu này liên tục được nhắc nhở trong các cuộc họp chi bộ, họp hội đồng nhà trường.

Một đồng nghiệp bức xúc kể: “Trường mình còn 20 em chưa mua bảo hiểm y tế, lớp mình có 2 em nên được ban giám hiệu mời suốt. Ngày nào cũng nhắc học sinh nhưng họ nhất quyết không đóng. Một đứa thì đóng quách cho xong, đóng cho hai đứa gần triệu bạc biết lấy ở đâu?”

Chỉ tiêu buộc về trường, trường buộc về các lớp, giáo viên chủ nhiệm là người chịu trách nhiệm chính. Thế là, thầy cô phải áp dụng đủ các biện pháp với mục đích phụ huynh sẽ phải mua bảo hiểm y tế cho con.

Người thì lên lớp việc đầu tiên không phải dạy mà liên tục nhắc nhở học sinh chưa mua bảo hiểm, người thì viết giấy, gọi điện thoại cho phụ huynh trực tiếp tư vấn, nhắc nhở, thậm chí năn nỉ phụ huynh thương giùm giáo viên cố gắng mua bảo hiểm cho con. Người may mắn gặp phụ huynh dễ chịu, nể giáo viên đã có lời nên đồng ý.

Nhiều gia đình gọi điện thoại lại không bắt máy, viết giấy gửi về nhà họ chẳng trả lời. cuối cùng thầy cô phải tranh thủ tiết nghỉ giữa giờ, nghỉ buổi, lặn lội vào từng nhà để thuyết phục phụ huynh. Trong số những gia đình không mua bảo hiểm cho con, có người nói: “Những năm trước, con tôi mua bảo hiểm nhưng mỗi lần bệnh vẫn phải ra ngoài lấy thuốc bởi nhà xa, lấy vài liều thuốc tận bệnh viện phải đi sớm, xếp hàng rồi chờ đợi mất cả buổi đi làm…”, người cho rằng khám bệnh bằng bảo hiểm chưa được nhiệt tình rồi họ dẫn chứng những lần mình đã gặp phải…

Trong số những em không mua bảo hiểm, có không ít những hoàn cảnh rất khó khăn, phụ huynh nói họ rất muốn mua bảo hiểm cho con nhưng do không thể chạy đâu ra tiền vì có nhiều con đi học, tiền nợ đã vay mượn khắp nơi nên cũng chẳng còn chổ nào để vay nợ nữa. Có phụ huynh nể nang thầy cô còn nhẹ nhàng tiếp chuyện.

Nhiều người tức giận vì con họ ngày nào cũng về nhà đòi mẹ đóng tiền nên họ đã lời nói không đẹp với giáo viên: “Tôi thích thì tôi mua, cớ gì thầy cô phải ép? Giáo viên gì mà suốt ngày lúc nào cũng tiền, tiền...”

Không thuyết phục được phụ huynh, có giáo viên muốn bản thân mình không bị nhắc nhở nên bỏ tiền túi đóng cho học sinh luôn. Một số trường học thu không được cũng trích quỹ đóng hỗ trợ cho một số em có hoàn cảnh khó khăn.

Triển khai nhiệm vụ bảo hiểm y tế toàn dân không có nghĩa là cột trách nhiệm phải thu bảo hiểm về các trường học để gánh nặng lại đè lên vai các thầy cô giáo đặc biệt là thầy cô làm công tác chủ nhiệm.

Hãy để giáo viên toàn tâm vào từng bài giảng, dành thời gian chăm lo giáo dục học sinh của mình.

Trách nhiệm của bảo hiểm y tế phải làm sao để người dân thấy được lợi ích của việc mua bảo hiểm mang lại. Có như thế, phụ huynh sẽ sẵn sàng đến đăng kí, xin mua mà không cần phải dùng những biện pháp bắt buộc đang áp dụng như hiện nay.

Theo Vietnamnet


bảo hiểm y tế

BHYT

giáo viên chủ nhiệm


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.