"Nhiều thầy cô bây giờ sợ phụ huynh lắm!"

Không chỉ nhiều lần chảy nước mắt trước những đòi hỏi quá đáng của phụ huynh, nhiều thầy cô giáo còn phải nhận những lời quát chửi, thậm chí là dọa kiện ra tòa.

Không chỉ nhiều lần chảy nước mắt trước những đòi hỏi quá đáng của phụ huynh, nhiều thầy cô giáo còn phải nhận những lời quát chửi, thậm chí là dọa kiện ra tòa.

Những giọt nước mắt ấm ức

Chia sẻ với VietNamNet, nhiều giáo viên cho rằng nhiều lần khổ sở với những đòi hỏi quá đáng từ các bậc phụ huynh.

Các thầy cô đã giãi bày những ấm ức mà mình phải kìm nén trong lòng.

Cô Nguyễn Hằng Nga (giáo viên đang công tác ở Hải Dương) đến nay vẫn ám ảnh và đau lòng mỗi khi nhớ đến chuyện từng bị phụ huynh xúc phạm đầy oan ức.

Lần ấy, một phụ huynh gọi điện đang lúc tôi đi trên đường. Về đến nhà, thấy 2 cuộc gọi nhỡ, tôi lập tức gọi lại ngay. Phụ huynh lập tức nổi khùng và to tiếng nói rằng tôi không tôn trọng. Mặc cho tôi trình bày lý do, phụ huynh cũng không chút thông cảm".

Trong khi đó, cuộc điện thoại khá đơn giản báo rằng hôm nay anh đến đóng tiền cho cô nhưng không gặp. Tôi có nói "Anh không nên nói tôi không tôn trọng" thì vị phụ huynh đáp luôn: "Cô muốn gì, thích trù con cứ trù, thích nói với ông to bà lớn nào cũng chấp tất". 

Cảm thấy bị xúc phạm cô Nga khóc tại chỗ, chồng cô biết chuyện dỗ mãi mới thôi.

Sau hỏi ra thì mới biết một phần cũng vì phụ huynh này đang bức xúc chuyện gia đình. Nhưng theo cô Nga, dù sao giáo viên cũng không phải là nơi để trút giận.

“Lúc đó vì quá ấm ức tôi định đến tận nhà phụ huynh luôn, nhưng nghĩ lại rồi thôi.

Sau đó, tôi vẫn quan tâm dạy dỗ chu đáo cho em học sinh đó. 

Cũng sau lần đó, các lần đóng tiền học phụ huynh đều không dám dến mà nhờ người giúp hộ. 

Vụ thứ 2 của cô Nga liên quan đến suất ăn bán trú của các con.

“Mình luôn chia đều thức ăn cho học sinh, tất cả rất công bằng, thậm chí luôn cố để học sinh ăn nhiều hơn. Vậy mà hôm đó, 1 học sinh về kêu bị đói và nói không có thịt ăn. Phụ huynh tin lời con gọi điện nói rằng tôi làm không tốt và quy trách nhiệm để con họ bị đói. Mặc cho tôi nói rõ chuyện cho các con ăn như thế nào thì phụ huynh vẫn khẳng định con họ không sai và cũng không bao giờ nói dối bố mẹ.

Hôm sau, tôi phải hỏi cả bàn ăn hôm đó có chứng kiến chia thức ăn cho từng bạn, thậm chí mời học sinh đó ăn thêm không. Và hỏi tại sao bạn về nói với bố mẹ như thế. Sau khi nghe các học sinh nói sự thật, bố học sinh căng thẳng với cô giáo, còn mẹ em ấy đã ra xin lỗi rằng vì bố hôm đó nghe không kĩ nên đã có những lời không đúng”.

Việc bị phụ huynh nói lời không hay không chỉ riêng mình cô Nga mà các đồng nghiệp chị cũng trải qua khá nhiều.

“Giáo viên chúng tôi than thở với nhau, giờ chỉ động phải tí là bị dọa kiện cáo. Đơn giản như chuyện có cái áo học sinh tìm không thấy nhưng không thèm nói với giáo viên mà lên thằng hiệu trưởng luôn. Mà cuối cùng hóa ra nguyên nhân là do hôm nay em học sinh quên không mang đến lớp”.

Cô Ngọc Lý , một cô giáo ở Hà Nội, cho rằng không phải đôi khi mà thậm chí nhiều đòi hỏi quá đáng. Không ít phụ huynh rất oái oăm:

“Giờ lớp có 40-50 học sinh, giáo viên tiểu học chúng tôi không chỉ phải dạy dỗ chăm sóc tới 40 em mà còn chiều lòng, giải quyết đòi hỏi khoảng 80 phụ huynh nữa. Từng phụ huynh luôn bắt giáo viên phải quan tâm, chăm sóc con họ như họ chăm con họ vậy. Điều đó là rất khó. Chưa kể còn để ý soi mói nhất cử nhất động các hành động, lời nói của cô giáo".

Cô Lý mong rằng các cha mẹ có sự thông cảm, sẻ chia hơn với các giáo viên với tính chất công việc căng thẳng suốt ngày.

Vũ Thị Giang, một giáo viên ở Hải Phòng chia sẻ:

“Có phụ huynh con học ở mức bình thường nhưng cứ gây áp lực cho cô phải làm sao cho con đạt học sinh giỏi. Khi không được thì phụ huynh tỏ ý không vui. Rồi nhiều cháu ở nhà ngoan nhưng đến lớp có bạn mới nghịch phá, cô giáo nhắc nhở thì cũng tỏ vẻ không hài lòng.

"Giáo viên chúng tôi nhiều áp lực lắm! Phụ huynh cứ bảo cháu ở nhà nhanh nhẹn, ngoan ngoãn, không như cô nhận xét và rồi chính điều đó khiến cho bản thân tôi và nhiều đồng nghiệp khác dần không dám đưa ra những lời nhận xét thật lòng. Mà không có sự phối hợp và thông hiểu giữa phụ huynh và giáo viên, dần như vậy bảo sao khó giáo dục các con tốt lên được”.

Bị phụ huynh dạo kiện ra tòa

Thầy Nguyễn Viết Đăng Du (Trường THPT Lê Quý Đôn, Quận 3, TP.HCM), đến giờ vẫn còn nhớ việc bị phụ huynh tố lên ban giám hiệu và đòi kiện mình ra tòa chỉ vì tổ chức cho học sinh đi dã ngoại.

“Ngoài học ở trên lớp, thỉnh thoảng tôi tổ chức cho các em đi dã ngoại. Khi tổ chức tôi lấy ý kiến của phụ huynh xem có đồng thuận không. Một lần, tôi tổ chức cho lớp đi dã ngoại ở Phan Thiết, trong tất cả các phụ huynh có một người không đồng ý. Vị phụ huynh này nói rằng tôi làm vậy là sai nguyên tắc của giáo viên. Chỉ một phụ huynh phản đối nên lớp vẫn tổ chức đi vì không để một cá nhân làm ảnh hưởng tới tập thể. Sau đó, vị phụ huynh đã lên gặp ban giám hiệu nhà trường và nói rằng tôi vi phạm nguyên tắc nhà giáo và còn đòi kiện tôi ra tòa vì cho rằng tôi sai”- anh Du kể.

Anh Du cho biết, sau đó trường đã làm việc với phụ huynh và anh. Khi thấy việc làm của anh được phụ huynh trong lớp ủng hộ thì vị phụ huynh kia mới thôi.

“Dù sự việc chưa đi quá xa nhưng tôi thấy tổn thương lắm. Nhà giáo chúng tôi chỉ mong cuộc sống bình yên để toàn tâm, toàn trí cống hiến cho giáo dục, dạy cho các em. Nên khi phụ huynh nói kiện tụng chúng tôi rất sợ. Phản ứng của phụ huynh này ít nhiều ảnh hưởng tới cảm hứng dạy học và tôi cứ nghĩ rằng mình sẽ bị kiện bất cứ lúc nào”- anh Du nói.

Anh chia sẻ thêm: 

“Chúng tôi có tình thương với học trò nên kể cả khi phạt cũng có lý do. Chúng tôi chấp nhận cho các em mắc lỗi vì tuổi các em còn trẻ, dễ nông nổi. Nhưng cũng mong phụ huynh hãy để chúng tôi dạy học sinh để các em hiểu được rằng nếu làm sai thì phải chịu trách nhiệm”.

Cô Phạm Thúy Hà (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Quận 4, TP.HCM) cho biết khi ở trên cương vị của giáo viên rồi đến hiệu trưởng, cô từng chứng kiến nhiều cảnh “rơi nước mắt” vì ứng xử của phụ huynh.

Tại trường tiểu học chuyện các bé chơi với nhau rồi xô xát nhau là bình thường nhưng phụ huynh lại không nghĩ vậy. 

Nhiều sự việc dù giáo viên phân xử nhưng phụ huynh vì bênh con sẵn sàng xông vào lớp đánh các mẹ trước mặt giáo viên. Bắt buộc giáo viên phải mời phụ huynh cả hai bên để giải quyết. 

Hay có nhiều học sinh dù đã dặn dò rất kỹ nhưng đến lớp không học bài. Khi giáo viên gọi điện cho phụ huynh với mong muốn lưu ý thì phụ huynh lại phản ứng “gọi cái gì mà gọi, có gì cứ bảo lên trường giải quyết”.

Chị Hà kể, nhiều giáo viên nói với chị ngoài phản ứng thì họ cũng bị phụ huynh coi thường.

“Thú thực, chúng tôi rất sợ cuộc họp phụ huynh đầu năm vì nhiều phụ huynh chửi bới. Khi công bố các khoản thu hộ và chịu hộ, thấy cô giáo đi ngang qua, nhiều phụ huynh còn nói với nhau cố cho giáo viên nghe rằng “họp phụ huynh chỉ vì tiền, chắc lại vẽ ra để thu tiền ấy mà”, chị Hà nói

“Hay như năm ngoái, một giáo viên lên gặp tôi và khóc thút thít vì bị phụ huynh chống đối. Cô nói rằng trong lớp có một bé không chịu học nên sức học sa sút. Cô góp ý thì phụ huynh cứ khăng khăng cách dạy của cô không đúng. Vì thương học trò, cô sẵn sàng dạy phụ đạo miễn phí cho bé nhưng phụ huynh không đồng ý. Vị phụ huynh còn không cho con tham gia bất kỳ hoạt động nào của lớp. Lúc này, tôi lại phải giảng hòa cho phụ huynh và giáo viên nhưng phụ huynh vẫn không chịu”- chị Hà kể.

Theo chị Hà, giờ dù học sinh có sai thì nhiều giáo viên cũng không dám mắng, vì khi các em về mách lại, có phụ huynh không tìm hiểu kỹ đã xông lên trường chửi giáo viên.

“Phụ huynh luôn cho rằng con họ hoàn toàn đúng và chỉ có giáo viên mới sai. Nhiều thầy cô bây giờ sợ phụ huynh lắm! Vì vậy giáo viên chỉ mong được nghỉ hè. Có giáo viên trước khi nghỉ hưu đã phát biểu cảm nghĩ rằng “vậy là tôi đã thoát được nỗi sợ hãi khi không phải đối mặt với phụ huynh nữa rồi” - chị Hà kể.

Bàn về điều này, một giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng cũng chính vì một số phụ huynh coi giáo dục như là một thứ dịch vụ mới dẫn đến có không ít trường hợp có những hành xử không đúng.

“Nhiều phụ huynh đòi hỏi quá đáng bởi coi giáo dục như một hình thức dịch vụ và rồi họ lên mặt bởi đồng tiền. Phụ huynh không dạy chữ cho con được nên phải nhờ tới nhà trường và giáo viên mà khi nhờ thì phải tôn trọng, chứ không phải là đòi hỏi, thậm chí quát, chửi bới giáo viên như một nhân viên chăm sóc khách hàng".

Nhà văn Hồ Thị Hải Âu: "Cha mẹ đừng đổ lỗi, vào vai "nạn nhân"...
Mặc dù bây giờ tôi đã "thoát" khỏi những vấn đề giáo dục xét trên phương diện phụ huynh, nhưng tôi hiểu mỗi người đều đang đứng nơi của mình và nhìn nhận vấn đề, mỗi người một nỗi niềm khác nhau, song tất cả dường như đều gặp nhau ở chỗ: Cùng lo lắng và không ít trong đó là tâm trạng bất an, hoang mang khi chọn trường chọn lớp cho con cái học.

Trước những bất cập của giáo dục nước nhà, bạn chứ không ai khác sẽ là người bổ khuyết, lấp đầy những khiếm khuyết mà trường học không thể cung cấp hết cho con bạn. Tôi vẫn hay nói, không nên dễ dàng đặt cược niềm tin và vì thế, hãy đề cao tính trách nhiệm của cha mẹ để không đổ lỗi, không phải vào vai "nạn nhân" khi kết quả mang lại không như ý!

Nhà giáo Nguyễn Quốc Vương: "Phụ huynh cần bình tĩnh..."

Ở Nhật hiện nay, giáo viên trẻ bỏ nghề nhiều vì gặp phải các “monster-parents”, những phụ huynh đáng sợ! Họ đã can thiệp sâu vào các hoạt động giáo dục của giáo viên, phàn nàn quá mức độ cần thiết về công việc của giáo viên. Phụ huynh cũng cần bình tĩnh để suy xét sự việc và cân nhắc đến mục tiêu giáo dục. Sự hợp tác và thống nhất giữa phụ huynh và giáo viên có ý nghĩa lớn đối với việc giáo dục học sinh

Theo VietNamNet


phụ huynh

học sinh

thầy cô


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.