Những mẩu chuyện đáng yêu của bé vào lớp một được kể qua lời của một bà mẹ thương con hết nấc

Những mẩu chuyện đáng yêu của bé vào lớp một được kể qua lời của một bà mẹ thương con hết nấc

vào lớp một, mẹ háo hức thì ít mà lo lắng thì nhiều, đặc biệt là chuyện bài vở của con. Ôi, sao mà nhiều đến ngộp thở vậy!

>> Hỏi trẻ những câu này mỗi ngày đảm bảo con vừa yêu bố mẹ vừa ngoan ngoãn, thông minh

Mỗi dịp tựu trường, thay vì vui mừng, các mẹ lại thấy lo lắng nhiều hơn cả. Nhưng đảm bảo mẹ nào cũng sẽ thở phào nhẹ nhõm khi đọc những dòng ký sự hết sức đáng yêu về tuần đi học đầu tiên của bé qua lời kể của bà mẹ trẻ có cô con gái tên Lạc - mới bước chân vào lớp một sau.

Bé Lạc chuyển từ lớp mầm lên tiểu học, vợ chồng mình háo hức thì ít mà lo lắng thì nhiều. Lo vì giai đoạn này luôn có đủ thứ “thượng vàng hạ cám” đổ dồn lên đầu. Nào là chọn trường, chuẩn bị cho Lạc đi học rồi đến khi bé vào lớp được mấy buổi thì ở nhà cứ nơm nớp không biết con học hành ra sao. Ấy thế mà, bé luôn miệng cười toe, bảo đi học vui lắm, chẳng muốn về nhà nữa. Cũng đã sắp hết một tuần con đi học rồi, mình chia sẻ vài mẩu chuyện “ngô nghê" của bé Lạc ở trên lớp để các mẹ thấy rằng chuyện “con vào lớp 1” thực chất chẳng có gì đáng lo cả.

1. Ngày đầu tiên đi học, không phải con mà là mẹ mắt ướt nhạt nhoà

Vừa dẫn con vào lớp học, mình còn chẳng nỡ buông tay Lạc vì sợ con không quen ở nơi toàn người lạ. Thậm chí, mình còn tưởng tượng cảnh bé sẽ khóc lóc, ỉ ôi, nhất quyết không cho mẹ đi như hồi mới vào mẫu giáo. Nhưng không, Lạc thấy mấy bạn chơi đùa là đòi mẹ cho ra chơi cùng bằng được làm mình “shock nặng". Cô giáo còn chưa kịp hỏi tên mà bé đã tự giới thiệu họ tên đầy đủ rất “chuyên nghiệp". Lúc ấy mình thầm cảm ơn môi trường mầm non đã cho con đủ sự mạnh dạn để đỡ bỡ ngỡ hơn khi mới đặt chân vào lớp một.

Những mẩu chuyện đáng yêu của bé vào lớp một được kể qua lời của một bà mẹ thương con hết nấc - Ảnh 1.

Vậy là, ngày đầu tiên đi học, con thì vô tư chạy tuột vào lớp làm quen với bạn bè, còn mình thì đứng ngẩn tò te, mắt nhòe đi vì nhớ và xúc động. Nhìn con tự tin hòa nhập nhanh chóng vào môi trường tiểu học như vậy, mình lại nhớ đến ngày Lạc còn đỏ hỏn, bé xíu trong vòng tay ẵm bồng của mẹ. Thế mà, bẵng đi một cái, nay con đã lớn bằng nửa người mẹ, đã mặc lên mình chiếc áo trắng và khoác ba lô đến trường. Chỉ riêng dấu mốc đó thôi cũng đủ khiến mình xúc động, lặng nhìn bóng con khuất hẳn mới chịu ra về.

2. Mẹ ơi, cô không cho con làm lớp trưởng!

Mình luôn tâm niệm phải dạy Lạc luôn biết phấn đấu ngay từ tấm bé, dù là chuyện nhỏ nhất. Mỗi lần đóng tiền học lớp mẫu giáo, mình lại giúi tiền vào tay con rồi động viên bé tự ra nộp cho cô. Ban đầu, bé thút thít chẳng chịu đi nhưng mình cứ thế đẩy bé lại chỗ cô giáo. Rồi con cũng ấp úng nói được mấy câu xong đưa tiền cho cô rồi chạy vội về phía mẹ. Cô thì nín cười, còn mình đứng vừa căng thẳng vừa vui mừng khi thấy con đã dần mạnh dạn hơn.

Những mẩu chuyện đáng yêu của bé vào lớp một được kể qua lời của một bà mẹ thương con hết nấc - Ảnh 2.

Ngày đầu tiên bé vào lớp một, mình biết chắc cô chủ nghiệm sẽ chọn một bạn làm lớp trưởng nên mớm lời sẵn cho Lạc ở nhà là cứ giơ tay xin cô đi rồi hứa thế này thế nọ, đảm bảo thành công. Vậy mà tan học, Lạc vừa nhìn thấy mẹ đã òa khóc. Mình dỗ dành, gặng hỏi mãi con mới ấp úng: “Mẹ ơi, cô không cho con làm lớp trưởng".

Mình lặng nghĩ hồi lâu, phải chăng vì đã đặt quá nhiều kỳ vọng chuyện “xin làm lớp trưởng" nên mới khiến con bị áp lực như vậy. Điều này cũng coi như một thất bại đầu tiên trong cuộc sống mà con phải đối mặt nên một lời động viên theo kiểu xoa dịu sẽ là điều bé cần nhất. Mình lập tức ôm con vào lòng, an ủi: “Lạc đừng buồn, cô không chọn con không phải vì con kém cỏi mà là vì có bạn khác, phù hợp làm lớp trưởng hơn ấy mà. Với lại, nghe mẹ nói nè, thay vì làm lớp trưởng, Lạc vẫn có thể cố gắng để được là học sinh giỏi nhất lớp phải không nào?”

3. Kinh hoàng chuyện bài vở của con

Mình đến chóng cả mặt vì sự cải cách liên tục của nền giáo dục Việt Nam. Mỗi lần đổi mới là một lần bài vở của con thêm nặng ký. Còn nhớ, khi bé đầu tiên của mình đi học lớp một, con chỉ đeo cái ba lô nhẹ xíu xiu gồm vài ba cuốn vở tập tô chữ. Vậy mà đến bé Lạc thì trời ơi, mình hét toán lên sau khi soạn xong sách cho con theo yêu cầu của cô. Nào sách giáo khoa, sách bài tập, vở tập tô, vở chuyện chữ, các thể loại bút, thước. Nhìn Lạc đeo ba lô đến oằn cả vai mà mình xót con vô cùng.

Những mẩu chuyện đáng yêu của bé vào lớp một được kể qua lời của một bà mẹ thương con hết nấc - Ảnh 3.

Vụ bài tập về nhà của con mới là “chuyện kinh dị" nè. Mới đi học mấy buổi thôi mà cô cho liền tù tì bài lớn, bài bé với độ khó liên tục tăng dần. Đến nỗi, cứ ngồi vào bàn là con lại méo mặt quay sang xin mẹ “cứu con". Vâng, là “cứu" chứ không phải “giúp" thì đủ để thấy bé đang bị quá tải và khổ sở trong vấn đề bài vở như thế nào.

Đến buổi thứ 3, mình thấy bài tập của con ngày càng “dày hơn" nên bốc điện thoại gọi cho cô hỏi luôn rằng tại sao bé mới vào lớp một mà bài về nhà nhiều thế, cũng khó hơn so với tư duy hiện tại của trẻ. Cô phân trần rằng làm vậy là vì muốn học sinh có gốc từ lớp 1, để có thể thi vào những trường chuyên có tiếng.

Mình thấy nực cười hết sức, giai đoạn tiểu học rất quan trọng vì sẽ góp phần rất lớn vào việc hình thành nên tính cách của trẻ. Việc học quá tải sẽ khiến bé dễ chán nản và mất hết hứng thú. Khi không đạt kết quả tốt, bé cũng đâm ra tự ti và mất dần niềm tin vào khả năng của mình. Đó là còn chưa kể đến sự mất cân bằng trong sự phát triển nhận thức, tư duy và thể chất khi bé suốt ngày chỉ biết cắm cúi vào sách vở mà bỏ bê việc vận động, hòa nhập với cuộc sống xung quanh.

Vậy là mình đánh liều bảo con bỏ bút xuống, ra ngoài chơi với bạn bè nhiều hơn. Buổi tối chỉ học đến 22 giờ rồi giục con đi ngủ sớm luôn, không phải chong đèn ngồi học làm gì khuya quá cho ảnh hưởng sức khỏe.

Những mẩu chuyện đáng yêu của bé vào lớp một được kể qua lời của một bà mẹ thương con hết nấc - Ảnh 4.

Nhiều mẹ có thể phản đối mình vì quá nới lỏng chuyện học hành, sẽ khiến bé khó đạt kết quả cao. Nhưng quan điểm của mình là thà để bé phát triển toàn diện về cả tư duy, thể chất lẫn tinh thần ở những năm tháng đầu đời còn hơn nhồi nhét đến mức bé trở thành đứa trẻ “đầu to, mắt cận", chẳng biết gì ngoài học.

Hiện tại, bé Lạc đã bi bô đọc được khá nhiều chữ, mỗi ngày con đến trường mình đều tạo tâm lý cho bé thấy đó là một ngày vui chứ không phải một ngày áp lực chỉ có học, học, học. Nhìn bóng con khuất sau cánh cửa, mình nhoẻn một nụ cười hi vọng. Trong lòng khởi lên những ước mong nhỏ bé về một ngày không xa, con sẽ đủ cứng cáp rời khỏi vòng tay cha mẹ và tự bước đi trên đôi chân của chính mình. Để ngày ấy trở thành hiện thực, những nền tảng trong suốt những năm tháng tiểu học càng cần thật vững chắc và mình sẽ luôn sát cánh bên cạnh để cho con đạt được điều đó.

Theo Trí thức trẻ


Dạy con

mẫu giáo

vào lớp 1

chuẩn bị cho con vào lớp 1

Nuôi Dạy Con


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.