Nữ sinh bị bạn bắt liếm dép không dám nói vì sợ bị đánh giết

Trẻ bị hăm dọa, đánh hội đồng, làm nhục nơi công cộng thường có dấu hiệu báo trước, nhưng vì sự thờ ơ, hoặc “khoảng cách vô hình” do người lớn tạo ra đã ngăn cản sự sẻ chia của trẻ.

Trẻ bị hăm dọa, đánh hội đồng, làm nhục nơi công cộng thường có dấu hiệu báo trước, nhưng vì sự thờ ơ, hoặc “khoảng cách vô hình” do người lớn tạo ra đã ngăn cản sự sẻ chia của trẻ.

Trẻ bị hăm dọa, đánh hội đồng, làm nhục nơi công cộng thường có dấu hiệu báo trước, nhưng vì sự thờ ơ, hoặc “khoảng cách vô hình” do người lớn tạo ra đã ngăn cản sự sẻ chia của trẻ. Đến khi mọi việc vỡ lở, người lớn mới “vào cuộc” và nạn nhân trong các vụ hành hung bị chấn thương thể xác lẫn tâm lý nặng nề.

“Nếu kể chuyện sẽ bị đánh giết”

Chiều 30/10, chúng tôi tìm đến nhà nữ sinh V.T.T.U. (15 tuổi, học sinh Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, H.Nhà Bè, TP.HCM) sau khi xuất hiện clip T.U. bị đánh hội đồng và bắt liếm chân phát tán trên mạng. Nhớ lại sự việc mình bị nhóm thiếu nữ do T.N.H.Y.Y. (biệt danh Nhí Tinô, 16 tuổi, ngụ Q.1) cầm đầu đánh hội đồng, T.U. vẫn chưa hết hoảng loạng: “Cháu không có bất cứ mâu thuẫn gì với nhóm bạn đó cả. Qua facebook, cháu chỉ khen một nhóm bạn nam đẹp trai. Không biết thế nào mà các bạn cho rằng cháu thích nhóm bạn đó… Hình như một bạn trong nhóm của Nhí Tinô thích bạn trai đó nên thường xuyên đe dọa cháu”.

Theo lời kể của T.U., ngày 28/8, nhóm thiếu nữ nói trên nhắn tin qua facebook hẹn gặp T.U. để nói chuyện. Lúc đầu T.U. từ chối nhưng nhóm thiếu nữ nói trên đe dọa, nếu T.U. không đến gặp sẽ bị đánh. Khoảng 14h ngày 28/8, T.U. đến đường số 15 (ấp 3, xã Phú Xuân, H.Nhà Bè) để gặp mặt nhóm này. “Cháu vừa tới nơi, liền bị đánh. Cháu chỉ nhớ có hai người đánh là T.Nh. (biệt danh là Bà Dảnh, 15 tuổi) và Nhí Tinô. Cháu bị đánh tới tấp, giật tóc, đập đầu và bắt quỳ xuống liếm chân”, T.U. bật khóc nức nở.

Khi chúng tôi hỏi vì sao bị đánh dã man như vậy mà không báo lại sự việc với thầy cô, cha mẹ, T.U. cho hay: “Sau khi đánh, Nhí Tinô dọa cháu nếu để lộ sự việc ra bên ngoài sẽ giết cháu nên cháu không dám nói. Ngoài ra cháu cũng sợ kể ra sẽ bị ba mẹ la, nói với thầy cô thì cũng không giải quyết được gì vì nhóm đánh cháu đã nghỉ học. Nhóm của Nhí Tinô dữ tợn lắm…”.

Khi nhắc đến việc con gái mình bị hành hung dã man, ông Võ Văn Bích (SN 1965, ngụ H.Nhà Bè) thẫn thờ: “Tôi không ngờ nhóm thiếu nữ mới 15, 16 tuổi mà lại có hành vi đánh người tàn độc như vậy. Là cha mẹ, ai thấy con mình bị như vậy mà không đau xót”.

Cũng theo ông Bích, dù sự việc đã xảy ra cách đây hơn hai tháng nhưng gia đình ông mới biết cách nay vài ngày. Ngay sau khi biết con gái mình bị nhóm thiếu nữ đánh dã man, gia đình ông Bích đã làm đơn trình báo sự việc lên công an H.Nhà Bè.

Giấu người lớn vì sợ trả thù

Liên quan đến vụ việc nói trên, Công an H.Nhà Bè đã triệu tập 14 thiếu nữ cùng người giám hộ để lấy lời khai điều tra vụ việc. Riêng T.N.H.Y.Y. (Nhí Tinô) hiện đã bỏ trốn. Theo kết quả điều tra bước đầu của cơ quan công an, nguyên nhân của việc T.U. bị nhóm thiếu nữ nói trên đánh hội đồng là do mâu thuẫn trên facebook.

Cơ quan công an xác định hai thiếu nữ trực tiếp tham gia vụ đánh nữ sinh T.U. là T.N.H.Y.Y. và T.Nh. Ngoài vụ đánh hội đồng nữ sinh T.U., cơ quan công an cũng đang điều tra nhóm thiếu nữ này liên quan đến vụ đánh một số nữ sinh khác.

Tre bidanh, ha nhuc khong dam noi - Vi sao?
Nhí Tinô châm thuốc vào tay T.U để cảnh cáo

Chúng tôi đã liên lạc với K.Ng. (15 tuổi, ngụ H.Nhà Bè), thiếu nữ trong nhóm đánh em T.U. để tìm hiểu thông tin vụ việc. Mở đầu câu chuyện với chúng tôi, K.Ng nói: “Cháu sẽ kể hết cho chú nghe, nhưng chú đừng tiết lộ là cháu kể nhé… Nhí Tinô mà biết cháu kể cho chú, nó giết cháu mất”.

Theo lời kể của K.Ng., Nhí Tinô là “đàn chị” đối với các học sinh ở Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (H.Nhà Bè). Thường ngày Nhí Tinô hay sống lang thang và lui tới khu vực H.Nhà Bè để chơi với các nữ sinh tại đây. Nhí Tinô có quan hệ yêu đương đồng tính với các nữ sinh ở H.Nhà Bè nên thường thể hiện và sẵn sàng đánh bất cứ ai nếu thấy chướng mắt.

K.Ng. cho hay: “Khi thấy Nhí Tinô đánh bạn T.U. cháu rất sợ, cháu cũng muốn ngăn ra nhưng sợ Nhí Tinô sẽ đánh luôn mình nên chỉ dám đứng nhìn. Mấy bạn khác cũng sợ nên không dám làm trái ý Nhí Tinô”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên mạng xã hội đang lan truyền hàng loạt clip đánh hội đồng các nữ sinh và thủ phạm gây ra những vụ việc này cũng là nhóm thiếu nữ do Nhí Tinô cầm đầu.

“Theo quy định của Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi bổ sung 2009, người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Sau khi có kết quả điều tra cụ thể về tính chất của hành vi, hậu quả gây ra cho xã hội và xác định độ tuổi cụ thể của các thiếu nữ đánh hội đồng nữ sinh V.T.T.U., cơ quan chức năng có thể xem xét xử lý hình sự”.

Luật sư Trần Minh Hùng (Văn phòng luật sư Gia Đình - Đoàn Luật sư TP.HCM)

Nguyễn Thị Tuyết Xuân, nguyên Trưởng phòng tham vấn tâm lý Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3, TP.HCM): Mức độ tàn nhẫn tỷ lệ thuận với sự “ đói khát” trong tâm hồn

Vấn nạn trẻ vị thành niên đánh nhau rồi quay clip tung lên mạng xã hội đang trở nên rất nhức nhối.

Dấu hiệu đáng lo ngại là các clip xuất hiện ngày càng nhiều, hành động của các em ngày càng tàn nhẫn hơn. Không những tàn nhẫn qua cách “ra tay” mà còn thể hiện ở cách làm nhục nhau như lột quần áo trước đám đông, bắt nạn nhân liếm chân... Tàn nhẫn còn thể hiện qua việc kẻ có mặt tại hiện trường thản nhiên quay clip, xem những gì đang diễn ra như trước mắt chỉ là một cảnh phim. Đối tượng học sinh tham gia các vụ việc rải đều từ cấp II đến cấp III. Đặc biệt, số vụ xảy ra ở những trẻ nữ nhiều hơn hẳn nam.

Các em muốn tìm gì qua việc đánh nhau ấy? Tại sao các em hành động một cách ác nghiệt như thế? Chắc chắn sự hung hãn, tàn bạo không là bản chất của các em, nó chỉ đang cho thấy sự “quẫy đạp” vì “đói khát” trong tâm hồn. Trẻ có hành vi bạo lực vì thiếu thốn tình thương, thiếu sự tôn trọng phẩm giá. Do đó, bên trong các em thường trực sự giận dữ muốn được lấp đầy một cách vô thức và sẵn sàng bùng nổ khi có cớ. Và, mức độ tàn nhẫn sẽ tỷ lệ thuận với sự “đói khát” trong tâm hồn này.

Các nghiên cứu đã chứng minh, không có trẻ em nào được ấm áp trong tình thương yêu của gia đình, được tôn trọng một cách đúng đắn từ những người chung quanh, ý thức ở mức độ nào đó về ý nghĩa cuộc sống mà lại là thủ phạm gây ra các vụ việc tàn bạo cả. Cũng xin phân biệt tình thương yêu của gia đình, chứ không phải sự nuông chiều vì một mặc cảm thiếu sót nào đó của cha mẹ đối với con. Sự tôn trọng mà tôi muốn nói ở đây là tôn trọng phẩm giá chứ không phải cái tôn trọng vì sức mạnh cơ bắp, khả năng bạo lực, tiền bạc của đứa trẻ hoặc gia đình đứa trẻ.

Ở khía cạnh chính sách, Nhà nước phải tạo điều kiện để các tổ chức “thực sự yêu trẻ, vì trẻ” phát triển. Cổ vũ các tổ chức giáo dục xã hội hướng thiện, nhân bản, có sức thu hút trẻ, để các hoạt động đó trẻ được hướng dẫn khát khao những điều tốt đẹp, phù hợp đặc điểm tâm lý của trẻ vị thành niên là luôn hướng thiện, khắt khe trong đòi hỏi sự thật.

Nhiều bậc cha mẹ, thầy cô luôn quan niệm khi trẻ có vấn đề gì, thì trẻ phải là người thay đổi, họ không liên quan gì cả. Nhưng nếu thực sự các việc đang diễn ra là do trẻ “đói khát”, trẻ đang mất phương hướng vì tâm hồn trống rỗng, làm sao thay đổi? Trách nhiệm tạo ra sự “đói khát” ấy hoàn toàn thuộc về người lớn.

Một điều cần lưu ý, thông thường trẻ bị bạo hành, bị bạn bè đánh đập thường giấu giếm người lớn sự việc vì kinh nghiệm “hễ nói ra thì y như rằng mình là kẻ có lỗi”. Do đó, chỉ cần để tâm quan sát bố mẹ hoặc thậm chí thầy cô sẽ dễ dàng nhận ra biểu hiện trầm cảm, buồn rầu, tách biệt xung quanh khi vừa xảy ra vụ việc. Phụ huynh tuyệt đối không la mắng trẻ trong mọi tình huống nhằm tránh cho trẻ mang tâm lý cái gì cũng là do lỗi của mình. Việc giấu giếm sẽ tạo ra rất nhiều hệ lụy nghiêm trọng.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Nhất, Đại học Saint Thomas, Philippines: Cần giáo dục lại phẩm giá làm người cho trẻ

Đừng khái quát hóa vấn đề bởi có thể khiến thực tế bị bóp méo, mà chỉ nên xem các vụ việc trẻ đánh bạn vừa qua là hiện tượng cá biệt, có giới hạn nhất định về khu vực dân cư và thành phần xã hội.

Bên cạnh việc khởi tố một vài vụ việc bạo lực trong học sinh, giải pháp lâu dài chính là phải giáo dục việc làm người cho trẻ. Các em chỉ là nạn nhân của các tác động ngoại cảnh, lớn nhất là xã hội. Hơn nữa, giáo dục hiện nay quá chú trọng đến thành tích, bằng cấp, nặng hình thức mà không quan tâm đủ đến giáo dục nhân cách và tâm hồn.

Giáo dục cần giúp trẻ biết tôn trọng chính bản thân mình như là một bản thể cao quý. Từ đó, trẻ cũng nhìn nhận, tôn trọng phẩm giá của người khác.


Theo PNO


bạo lực học đường

bắt nạt

đánh bạn


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.