Photo 8 cuốn giáo trình: Đình chỉ học một năm là quá nặng?

Mức kỷ luật đình chỉ học một năm do photo 8 cuốn giáo trình khác nhau mang vào trường học mà Trường ĐH Luật TP.HCM đưa ra với một nữ sinh đang gây ra dư luận ồn ào.

Mức kỷ luật đình chỉ học một năm do photo 8 cuốn giáo trình khác nhau mang vào trường học mà Trường ĐH Luật TP.HCM đưa ra với một nữ sinh đang gây ra dư luận ồn ào.

Anh Nguyễn Mạnh Cường, cựu sinh viên luật, nhìn nhận trường hợp của “đàn em” bị xử như vậy là quá nặng.

Photo 8 cuốn giáo trình: Đình chỉ học một năm là quá nặng?

Nội quy của Trường ĐH Luật TP. HCM

“Các quy chế của Bộ GD-ĐT không quy định về việc này. Thậm chí, các “tội” khác nặng hơn như đánh bạc… cũng chỉ bị cảnh cáo, đến lần thứ ba mới đuổi học.

Quy chế Công tác sinh viên Bộ GD-ĐT ban hành tháng 10/2016 có quy định về việc "Đình chỉ học tập có thời hạn” áp dụng đối với các trường hợp: những sinh viên đang trong thời gian bị cảnh cáo mà vẫn vi phạm kỷ luật hoặc vi phạm nghiêm trọng các hành vi sinh viên không được làm; sinh viên vi phạm pháp luật bị xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo...

Trong trường hợp này, sinh viên rõ ràng không phạm vào ba lỗi nói trên. Như vậy, Quyết định kỷ luật của trường đã áp dụng không đúng ngay cả quy định của Bộ GD-ĐT…

Trong khi trường Luật là nơi không chỉ dạy sinh viên về nghề nghiệp, mà còn có nhiệm vụ dạy sinh viên về tính nhân văn nữa, thì việc kỷ luật này cần phải được xem xét lại.

Từ trước tới nay chỉ có mỗi trường ĐH Luật TP.HCM làm việc này mà cũng chưa thật sự chặt chẽ theo đúng các quy định hiện hành nên tạo dư luận không hay.

Nếu bị phạt theo Luật Sở hữu trí tuệ, em sinh viên đó cũng chỉ phải nộp một số tiền nhất định, mà không khó để so sánh số tiền nộp phạt nêu có với một năm học bị đình lại” – anh Cường cho biết.

“Đình chỉ học một năm là quá nặng” – Nguyễn Thu Trang, sinh viên Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM đồng quan điểm.

“Tại sao trường không nhắc nhở hoặc cảnh cáo bạn đó trước đã mà lại đình chỉ học như vậy? Với nhà trường, một năm học của một sinh viên có thể không là chuyện gì to tát, nhưng với sinh viên đó là tiền bạc phải chi phí trong một năm chờ đợi đó, là cơ hội bạn đó có thể mất đi nếu ra trường chậm một năm, là thu nhập hàng chục triệu đồng bạn có thể có được nếu ra trường và đi làm đúng “thời hạn” – Trang bày tỏ.

Nhưng hơn hết, theo Trang, vấn đề là “Em và nhiều bạn không thấy việc phạt như vậy là thỏa đáng.

“Ở trường em, nếu không có điều kiện mua sách mới, mọi người vẫn photo tài liệu để học ngay tại thư viện. Việc photo tài liệu chỉ để học chứ không phải để mua bán thì đâu có gì sai?”.

Lãnh đạo trường đại học: Nên xử nhẹ nhàng hơn

Ông Phan Thành Công, giảng viên một trường đại học ở TP.HCM cho rằng về mặt pháp lý, sở hữu trí tuệ thì sinh viên photo giáo trình là sai. “Nhưng trong trường đại học, ở khía cạnh tình - tiền - tiện thì việc cấm photo tài liệu là điều khó thực hiện”.

Photo 8 cuốn giáo trình: Đình chỉ học một năm là quá nặng?

Ông Công phân tích “Về tình cảm thầy trò - thầy sẽ rất thương sinh viên. Về mặt tiền bạc, các em có thể gặp khó khăn về tài chính, cũng nên "lơ" đi để hỗ trợ các em. Còn nói về chuyện tiện, có thể không gặp khó khăn về tài chính nhưng người đọc rất cần sự tiện lợi, vì vậy nếu ra ngay cổng có tiệm photo chắc chắn tiện hơn phải chạy tìm tài liệu ở các nhà sách”.

Với cách nhìn này, theo ông Công, các trường nên có quy định về sở hữu trí tuệ, thậm chí có thể quy định cứng, “nhưng thực hiện không thể cứng”.

Còn ông Phạm Thái Sơn, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM thì nhìn  nhận vấn đề xử lý vi phạm sở hữu trí tuệ của Trường ĐH Luật TP.HCM là đúng luật.

“Sinh viên không được sử dụng tài liệu không có bản quyền, không được vi phạm bản quyền” – ông Sơn khẳng định. “Tuy nhiên, vấn đề này cần giáo dục sinh viên trước và có biện pháp nhẹ nhàng hơn. Thói quen này đã có từ lâu nay, nếu kỷ luật mạnh quá thì tội nghiệp các em”.

Ông Sơn cũng cho biết Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm chỉ có thông báo khuyến cáo sinh viên về việc sử dụng tài liệu không được vi phạm bản quyền và cá nhân tự chịu trách nhiệm về vấn đề này. Nhà trường có cung cấp tài liệu cho sinh viên. Với giáo trình của giảng viên, trường có bộ phận của thư viện photo cho sinh viên. “Đương nhiên thư viện có thỏa thuận với giảng viên về sở hữu trí tuệ” – ông Sơn chia sẻ.

Ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, thì cho rằng Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ đã quy định các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao được tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân.

“Như vậy sinh viên sao chép ở đây không vì mục đích thương mại nên không sai” – ông Dũng nêu quan điểm.

“Mặt khác, Công ước Bener cũng cho photo một số trang, một số phần, nhưng đây là áp dụng ở các nước tư bản. Việt Nam còn nghèo, không thể áp dụng cứng nhắc như các nước khác. Sinh viên ngoài tiền học hành, ăn uống…, nếu làm cứng như vậy thì rất khó”.

Ông Dũng cho biết bản thân ông đã từng viết thư cho rất nhiều nhà nghiên cứu quốc tế, đề nghị rằng do không có điều kiện mua bản quyền nên xin họ được sap chép tài liệu để giảng dạy và họ rất vui lòng. “Tôi cũng khẳng định rất ít giảng viên Việt Nam tự soạn được giáo trình, sách nếu không có sự tham khảo trích dẫn từ quốc tế" – ông Dũng nhấn mạnh.

Theo ông Dũng, luật đã cho phép thế nào thì cứ vậy thực hiện. “Trường đại học dù làm gì thì tất cả cũng vì sinh viên, nhưng về lâu dài nên thực hiện theo luật quốc tế và làm đồng bộ”.

Theo VietNamNet



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.