Tấm bằng đại học trở về với thầy giáo già sau 50 năm "quên" ở thư viện ĐHQG

Chủ nhân của tấm bằng tốt nghiệp đại học đã không thể ngờ rằng, sau 50 năm mình lại thành nhân vật được cư dân mạng “săn” tìm trao trả lại tấm bằng tốt nghiệp bị để quên trong thư viện.

Chủ nhân của tấm bằng tốt nghiệp đại học đã không thể ngờ rằng, sau 50 năm mình lại thành nhân vật được cư dân mạng “săn” tìm trao trả lại tấm bằng tốt nghiệp bị để quên trong thư viện.

Hành trình tấm bằng đại học của một thầy giáo bị “thất lạc”

Suốt mấy ngày qua, trên mạng xã hội xuất hiện lời kêu gọi đi tìm chủ nhân của tấm bằng đại học bị thất lạc sau 50 năm của một facebooker Sinh Vu.

Câu chuyện hấp dẫn hơn khi người đăng trạng thái đi tìm chủ nhân của tấm bằng kể lại hoàn cảnh “nhặt” được tấm bằng này. Tại GÓC TRẢ ĐỒ trên facebook, Sinh Vu chia sẻ: Em đi đọc sách thư viện ĐHQG thấy có bằng đại học bỏ quên kẹp trong quyển sách tư liệu đã gần 50 năm.

Tấm bằng này năm 1966 - 1969, thời điểm đó hẳn là vô cùng ý nghĩa, không có nó cuộc đời bác này có lẽ đã theo bước ngoặt mới. Ai thấy quen bác thì nhận lại bằng đại học nhé”.

Kèm theo đó, Sinh Vu đã đăng hình ảnh tấm bằng tốt nghiệp màu đỏ còn tươi màu với thông tin Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1 cấp bằng Tốt nghiệp Đại học cho Vũ Duy Hùng, sinh 17/06/1948 tại Liên Am, Vĩnh Bảo, Hải Phòng, ngành Văn, hệ 3 năm 1966-1969 được cấp năm 1971.

HI HỮU: Tấm bằng đại học trở về với thầy giáo già sau 50 năm "quên" ở thư viện ĐHQG - 1

Thầy Hùng bất ngờ khi biết thông tin về tấm bằng tốt nghiệp đại học bị thất lạc. Ảnh: TL

Ngay sau khi nội dung kèm hình ảnh về tấm bằng được đăng tải, nó đã thu hút hơn 216 lượt share với nhiều bình luận rất thiện chí, tò mò và cả phỏng đoán về số phận của chủ nhân tấm bằng này đã ra sao kể từ khi thất lạc nó.

Có người còn suy đoán, thời điểm năm 1971 cấp bằng, chắc chủ nhân của nó đã cất vội trong cuốn sách ở thư viện để ra chiến trường…. Họ bày tỏ sự lo lắng, sốt sắng mong muốn tìm được chủ nhân tấm bằng này và cả tên cuốn sách đã dùng để kẹp tấm bằng trên.

Điều kỳ diệu đã xảy ra

Trong số những người tham gia bình luận về nội dung trên facebook của Sinh Vu có một bạn tên Jane Janny . Thật hữu duyên, khi đọc tên chủ nhân tấm bằng và phần thông tin quê quán, Jane Jany đã ngờ ngợ đó là người chú của mình. Không kìm nổi cảm xúc, Jane Jany đã gọi điện thoại ngay cho chú để giải tỏa những linh tính trong cô.

Vừa bật máy đáp lời điện thoại của cháu gái, ông Hùng hết sức ngạc nhiên và bất ngờ khi cô bé hỏi “ông có mất tấm bằng tốt nghiệp đại học cách đây 50 năm không?”.

“Lúc đó, tôi thực sự không hiểu cháu mình đang nói gì. Hình như nó nhầm lẫn điều gì đó, tôi đã nghĩ vậy. Nhưng rồi con bé bắt đầu kể ngọn ngành sự việc trên facebook có người tìm thấy tấm bằng tốt nghiệp mang tên Vũ Duy Hùng giống tên tôi và quê quán thì đúng quá rồi.

Lúc này, tôi đã hiểu và dần dần nhớ ra chuyện tấm bằng tốt nghiệp này. Chuyện là, thời tôi học Văn ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1 lúc đó chỉ có hệ 3 năm. Tôi học khóa 1966-1969. Cầm tấm bằng tốt nghiệp trên tay, tôi được phân công về giảng dạy ở Lào Cai (9/1969-10/1974). Năm 1974 , tôi được cử về công tác tại trường Hải An (sau này đổi tên là trường THPT Lê Quý Đôn) ở Hải Phòng.

“Đến năm 1982, Sở Giáo dục & Đào tạo Hải Phòng có cử một số nhà giáo ưu tú đi học lớp Hàm thụ năm thứ 4 khoa văn của trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 để chuyển đổi bằng đại học từ hệ 3 năm sang hệ 4 năm, trong đó có tôi”, thầy Hùng nhớ lại kể.

HI HỮU: Tấm bằng đại học trở về với thầy giáo già sau 50 năm "quên" ở thư viện ĐHQG - 2

Thầy Hùng vui mừng khi biết có người hiện đang giữ tấm bằng và muốn trả lại tận tay thầy. Ảnh: TG

Thời điểm đó, vì có sáng kiến kinh nghiệm về công tác chủ nhiệm, giảng dạy đoạt giải cấp Bộ nên thầy Hùng được đặc cách cấp bằng trực tiếp - tấm bằng có màu xanh và đồng. Rồi Sở Giáo dục & Đào tạo Hải Phòng yêu cầu thầy Hùng nộp lại tấm bằng đại học hệ 3 năm màu đỏ trước đó.

Theo thầy Hùng, tấm bằng thất lạc mà facebook Sinh Vu tìm thấy trong một cuốn sổ ở thư viện quốc gia, rất có thể do cán bộ lưu trữ của Bộ hoặc Sở Giáo dục, hay trường Đại học đã để quên, kẹp nhầm trong đó chứ không thể nào là do bỏ quên được.

"Việc mọi người lo lắng cho tôi sẽ ra sao khi không có tấm bằng này thực sự khiến tôi cảm động. Với bất cứ sinh viên nào ra trường, tấm bằng là sinh mạng chính trị và sự nghiệp của họ. May mắn với tôi, bằng hệ 3 năm đó đã được đổi. Người để quên nó chắc cũng không hình dung ra, sau này chính mình đã tạo nên một câu chuyện đẹp giữa đời thường như thế này.

Người giữ tấm bằng đã liên lạc với tôi chiều qua (10/7) và tìm cách chuyển tấm bằng về trao lại. Từ lúc nghe chuyện tấm bằng thất lạc, tôi cứ thấy vui vui với những gì đang diễn ra quanh mình. Cuộc sống thật thú vị. Tôi mong chờ có dịp gặp được người đã tìm và giữ tấm bằng kia từng ấy năm. Chắc lúc đó cả 2 sẽ vui lắm!” - thầy Hùng chia sẻ.

Người luôn trăn trở và mong sớm trả lại tấm bằng cho chủ nhân của nó

Từ thông tin của thầy Hùng, chúng tôi đã liên lạc với anh Vũ Ngọc Sinh – người đã vô tình nhặt được tấm bằng Đại học của thầy Hùng.

Anh Sinh tâm sự: “Tấm bằng này, vợ tôi đã vô tình nhặt được cách đây 8 năm khi vào thư viện ĐHQG Hà Nội tìm tài liệu ôn thi chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Lúc lật giở tài liệu, cô ấy đã vô cùng kinh ngạc khi ai đó đã để quên 1 tài sản quá giá trị đối với họ. Khi mang tấm bằng về nhà, nhìn mốc thời gian của nó (ký năm 1971), vợ chồng tôi cảm thấy lo lắng cho chủ nhân của tấm bằng.

Ngay sau đó, chúng tôi đăng thông tin tìm chủ nhân tấm bằng này lên mạng xã hội nhưng mọi sự đều rơi vào quên lãng. Thời gian trôi qua, vợ chồng tôi cũng quên bẵng đi câu chuyện tìm chủ nhân tấm bằng đại học năm đó.

Rất vô tình, hôm qua (9/7) trong lúc dọn nhà, dọn dẹp lại giấy tờ, tôi đã thấy lại tấm bằng màu đỏ đó. Chẳng suy nghĩ nhiều, tôi liền đăng nội dung tìm chủ nhân của tấm bằng một lần nữa. May sao, chỉ sau 1 đêm, danh tính chủ nhân tấm bằng bị thất lạc đã được lộ diện.

Thì ra, chủ nhân tấm bằng là thầy Vũ Duy Hùng, nguyên hiệu trưởng trường THPT Lê Quý Đôn nay đã nghỉ hưu, nhà ở gần trường. Tôi vui quá, xin số điện thoại của thầy và gọi ngay, thông báo sẽ chuyển phát nhanh tấm bằng trao lại cho đúng chủ nhân của nó.

Theo Gia đình và Xã hội


Giáo dục

Tấm bằng thất lạc

bằng đại học thất lạc


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.