Trúng tuyển cả ĐHQG Hà Nội và Trường ĐH Y Hà Nội trong mùa tuyển sinh năm ngoái, Trần Hoàng Hà lựa chọn theo học Trường ĐH Y Hà Nội và hiện là sinh viên năm nhất ngành Bác sĩ đa khoa.
Chia sẻ về cách ôn thi, Hà cho rằng không nên học theo quá nhiều sách tham khảo, mà thay vào đó học vừa phải và cơ bản phải nắm chắc bí quyết. Đối với Hà, việc học như “đào sâu quốc bẫm”, chính vì vậy không được phép bỏ qua bất cứ phần nào trong sách giáo khoa.Học bằng cách làm đề tham khảo
Chỉ còn khoảng 2 tháng nữa các sĩ tử sẽ bước vào kỳ thi, trong khi cách thi liên quan đến nhiều môn, do đó theo Hà việc học thêm các kiến thức ở thời điểm này có phần hơi muộn. “Nếu bây giờ bắt đầu học thì khá là khó, nhưng khó không có nghĩa là chúng ta bỏ qua hoàn toàn”.
Theo Hà, trong giai đoạn nước rút này thì cách học hợp lý nhất là làm các đề tham khảo của trường hoặc trong các cuốn sách, thấy mình hổng chỗ nào thì bổ sung kiến thức chỗ đó.
“Với cách học này, thay vì tập trung vào phần mình chưa biết sẽ hơi gấp rút và hiệu quả chưa chắc đã cao, thì các bạn có thể ôn luyện những kiến thức mà mình đã có, cái gì chưa có thì sẽ bổ sung thêm”.
Tuy nhiên, Hà cho rằng không nên làm quá nhiều đề tham khảo mà quan trọng là làm xong đề nào phải nhận ra những phần nào mình chưa chắc.
“Các bạn cũng đừng quá buồn khi gặp tình huống đề thì được điểm cao, đề thì bị điểm thấp. Với những đề chỉ đạt điểm thấp, mình sẽ xem yếu ở phần nào để tập trung phần đó”.
Ở những bài thi tổ hợp, có thể tìm ra mối liên quan giữa những môn học với nhau.
“Ví dụ, trong quá trình làm đề Vật lý hoàn toàn có thể vận dụng kiến thức của Toán để bổ trợ. Văn học, Lịch sử và Địa lý càng có liên quan nhiều, như một vùng đất này thì có những danh nhân gắn liền với những sự kiện lịch sử nào, tái hiện trong các tác phẩm văn học ra làm sao...
Khi chúng ta biết dựa trên các mối liên quan đó thì sẽ dễ dàng hơn là học rời rạc từng môn. Những mối liên hệ này đôi khi cũng do vô tình trải nghiệm và nhận ra, chứ không phải học là biết ngay. Đặc biệt, nên nhờ sự hỗ trợ của thầy cô, để hiểu nhiều ngóc ngách, ngọn ngành vấn đề hơn, qua đó dễ nhớ hơn” - Hà chia sẻ.
Kinh nghiệm trong phòng thi
Hoàng Hà đặc biệt lưu ý việc chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho việc làm bài thi.
"Khi bắt đầu làm bài sẽ chọn những câu đơn giản để làm trước lấy tâm lý. Những câu làm được sẽ làm rất nhanh, những câu nào không biết cách làm hoặc biết cách làm nhưng các bước tính toán dài dòng thì để lại sau. Sau khi “lội” qua được hết tất cả các câu thì sẽ quay lại làm những câu chắc chắn biết làm trước, sau mới tìm cách làm những câu chưa biết làm hoặc cần thời gian để tìm hiểu thêm. Để đỡ mất thời gian lần lại có thể đánh dấu câu tạm bỏ qua".
“Có 2 lỗi mà nhiều bạn hay mắc phải. Một là quá tập trung vào những câu khó. Hai là làm lướt qua quá nhanh và không đủ chắc chắn, nên làm bị sai”.
Bài thi trắc nghiệm khi không yêu cầu cao việc trình bày như làm tự luận và quan trọng kết quả cuối cùng. “Vì vậy, trong quá trình giải, bỏ qua những bước suy luận trung gian trừ khi bài quá khó, sẽ bớt được thời gian dành cho việc viết. Số liệu nào quan trọng hãy ghi ra giấy nháp chứ đừng để ở đề bài, đọc sẽ bị rối”.
Trần Hoàng Hà và cô giáo của mình thời THPT. |
Nói về cách nhớ, Hà cho biết em học thuộc thông qua mối liên quan suy luận, logic. “Hãy nhớ cái mà bạn thấy dễ nhớ nhất và chỉ cần nắm vững một quy luật là hoàn toàn suy luận ra được những quy luật còn lại”.
Hà cho biết hướng dẫn về cách sử dụng máy tính cầm tay để giải một số bài tập được chia sẻ rất nhiều trên mạng, và thí sinh hoàn toàn có thể tìm xem và tự học. Tuy nhiên, việc này rất dễ dẫn đến chuyện chỉ thuộc công thức mà không hiểu bản chất.
Theo Hà, với một số câu hỏi không nhất thiết phải tính toán quá chi tiết hoặc phải biết cách làm, mà hoàn toàn có thể dựa vào những dữ kiện trong đề bài để phân tích, dự đoán, loại trừ kết quả.
“Với những câu hỏi hoàn toàn trong khả năng, các bạn vẫn nên làm ra kết quả cuối cùng để chắc chắn 100%, bởi số lượng câu hỏi trắc nghiệm rất lớn và thời gian có hạn. Nên đặt suy nghĩ làm xong câu nào chắc chắn luôn câu đấy để không mất thời gian quay lại từ đầu. Khi quay lại sẽ chỉ dành thời gian cho những câu hỏi nào mà cảm thấy phân vân. Đặc biệt, luôn nhớ câu khó thì bỏ qua để làm sau”.
Những câu khó không giải được sẽ dựa vào dữ kiện đề bài để dự đoán, khoanh vùng kết quả.
“Ví dụ, ở môn Toán, đề bài cho một tam giác cho biết một số thông số góc và cạnh nào đấy và yêu cầu tính cạnh còn lại. Bỏ qua tất cả, ta có thể dựa vào bất đẳng thức tam giác là một cạnh phải bé hơn tổng 2 cạnh và lớn hơn hiệu 2 cạnh còn lại, để từ đó có thể loại trừ bớt đáp án. Việc này có thể không đưa ra đáp án cuối cùng, nhưng giúp khoanh vùng được và tăng xác suất chọn đúng đáp án”.
Theo VietNamNet