Vụ học sinh nhiều ngày liền bị cô giáo bạo hành: Nếu không kiên nhẫn thì đừng theo nghề giáo

Đó là ý kiến của rất nhiều nhà giáo xoay quanh vụ cô giáo N.H.H. liên tục dùng bạo lực với học sinh lớp 2/11 Trường tiểu học Phan Chu Trinh (Q.Tân Phú, TP.HCM)

Đó là ý kiến của rất nhiều nhà giáo xoay quanh vụ cô giáo N.H.H. liên tục dùng bạo lực với học sinh lớp 2/11 Trường tiểu học Phan Chu Trinh (Q.Tân Phú, TP.HCM).
 

Phụ huynh lớp 2/11 đã lén đặt máy quay phim trong lớp và ghi lại được hình ảnh khiến họ không thể ngờ. Chỉ trong bốn ngày từ 27/8 đến 30/8, cô N.H.H., giáo viên chủ nhiệm lớp 2/11 liên tục đánh đập học sinh. Thời điểm này, học sinh chỉ mới nhập học được một tuần, nhưng đã phải đối diện với phương pháp giáo dục đầy bạo lực từ cô giáo. Hết nhéo đến xách lỗ tai, đánh liên tục vào đầu, dùng thước khẻ liên tục vào bất kỳ chỗ nào trên tay học sinh, phạt đứng… 

Áp lực không phải là lý do để đánh học trò

Cô Tô Thụy Diễm Quyên, người được Microsoft công nhận là chuyên gia giáo dục toàn cầu, sau khi xem clip đã thảng thốt: “Là do cô không đủ tình yêu trẻ, không có phương pháp sư phạm nên hành xử bằng hành động bạo lực, hằn học đối với học trò”. 

Cô Quyên cũng phủ nhận việc viện dẫn những lý do như áp lực công việc, sĩ số lớp quá đông, thu nhập thấp, quá tải… để giải thích cho hành động này. Bởi cô cho rằng, không ai không gặp áp lực nhưng đâu phải ai có áp lực đều có quyền xả vào người khác. Học sinh đi học cũng gặp áp lực với bài vở, thành tích… chẳng lẽ có quyền xả lên bạn bè hay cha mẹ? Hàng trăm ngàn giáo viên đang đứng lớp đều chịu những áp lực của nghề giáo nhưng không phải ai cũng đánh học trò. 

“Nếu không đủ yêu trò, không đủ năng lực sư phạm, không có khả năng kiềm chế thì không nên theo nghề giáo. Nhưng đôi khi, không phải ai cũng đủ ý thức để xin ra khỏi ngành. Lúc này đòi hỏi hiệu trưởng phải có biện pháp sử dụng nhân sự hợp lý, phải có phương pháp khắc phục không để hành vi đánh học sinh của cô tái phạm nhiều lần - đây là trách nhiệm của nhà quản lý. Trong câu chuyện này, lỗi một phần nằm ở lãnh đạo trường đã để sự việc xảy ra nhiều lần”, cô Quyên nói.

Vụ học sinh nhiều ngày liền bị cô giáo bạo hành: Nếu không kiên nhẫn thì đừng theo nghề giáo-1

Phụ huynh lớp 2/11 đã lén đặt máy quay phim trong lớp và ghi lại được hình ảnh khiến họ không thể ngờ

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền, Phó tổng hiệu trưởng Trường quốc tế Việt Nam - Phần Lan, từng nhiều lần dạy bài học đầu tiên mà sinh viên sư phạm phải nằm lòng là kiên nhẫn, bình tĩnh. Làm giáo viên, nếu không có phẩm chất này thì sớm muộn cũng thất bại hoặc phải bỏ nghề. Theo cô, là người thì ai cũng có lúc nóng giận, nhưng giới hạn sự nóng giận của người làm nghề giáo thì hẹp hơn rất nhiều. “Chúng ta cũng không có quyền dùng những cái sai của học trò để bào chữa cho những vi phạm chuẩn mực nghề giáo. Éo le ở chỗ đó nhưng đã theo nghề thì phải chấp nhận”, cô Huyền nói. 

Cũng theo cô Huyền, ở các nước tiên tiến thỉnh thoảng cũng có giáo viên dùng bạo lực với học sinh và tất nhiên sẽ bị xử lý rất nặng. Một số giáo viên ở Anh nói, cũng có lúc bốc hỏa nhưng phải kiềm chế, người ra khỏi lớp lúc đó không phải là học sinh mà là giáo viên, để hít thở cho bình tĩnh rồi vào nói chuyện tử tế với học sinh. 

Một trong những lý do lớn nhất khiến giáo viên ở Anh bỏ nghề là do nhận ra họ không đủ kiên nhẫn. Nhiều sinh viên sư phạm của Anh khi xuống trường thực tập, hoặc những giáo viên mới, họ nhận ra không có phẩm chất này và không tự tin có thể cải thiện thì từ bỏ nghề giáo. Nếu tiếp tục rất có thể họ phạm sai lầm không thể sửa chữa được.

Sở GD-ĐT TP.HCM đề xuất: Buộc thôi việc

Ông Nguyễn Thành Trung, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM, người phát ngôn sở này, cho biết: “Ngay khi báo đăng thì phía Sở GD-ĐT liên lạc ngay với Q.Tân Phú để xác minh sự việc. Hành vi và ứng xử của cô H. là không thể chấp nhận trong môi trường sư phạm. Chúng tôi đã trao đổi với quận rằng, quan điểm của Sở GD-ĐT là xử lý thật nghiêm khắc, hình thức xử lý cao nhất là buộc thôi việc. Vì tác phong, hành động của cô không phù hợp để đứng lớp”.

Ông Trung nhấn mạnh: quan điểm xử lý của sở là triệt để nghiêm khắc, đủ sức răn đe. Sở cũng đề nghị Q.Tân Phú nhanh chóng xử lý, tránh dây dưa gây dư luận không tốt nơi phụ huynh, học sinh. Theo phân cấp quản lý thì quận sẽ ra quyết định xử lý trường hợp này.  

Cũng theo ông Trung, văn bản hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ chuyên môn, từ cấp sở đến cấp phòng GD-ĐT, đến các trường đều triển khai và thực hiện thường xuyên nhưng có những trường hợp cá biệt vẫn phạm lỗi. Luật ràng buộc hay hướng dẫn đều có đủ, là một giáo viên lâu năm chắc chắn cô H. cũng biết những quy định này nhưng ứng xử mỗi người mỗi khác. 
 

Nhìn nhận vấn đề ở góc độ chuyên môn, tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy cho rằng: “Theo tìm hiểu, cô giáo này đã có một thời gian dài có thái độ không đúng với học sinh lẫn đồng nghiệp. Gần đây nhất là hành vi bạo lực với học sinh. Tôi cho rằng cô có khả năng gặp vấn đề về tâm lý, nếu bình thường sẽ chẳng thể nào có những hành động như thế trong một thời gian dài. 

Tất nhiên, đã gặp vấn đề tâm lý thì không thể tiếp tục đứng lớp, đình chỉ giảng dạy cô ngay không chỉ giải thoát cho nhiều học trò mà cũng phù hợp với cô. Nhưng, chúng ta không nên vội "ném đá" cô giáo bởi chúng ta chỉ nhìn thấy phần ngọn, chưa hiểu sâu xa vấn đề của cô, nếu đó là bệnh lý về mặt tâm lý thì sao? Nhà trường hoặc gia đình cần phải giúp cô tiếp nhận các bước kiểm tra vấn đề này”.

 


Theo Phụ nữ TP.HCM

 


cô giáo đánh học sinh

bạo lực học đường

đạo đức nhà giáo


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.