Sự biến mất bí ẩn của chuyến bay MH370 khiến cộng đồng mạng Trung Quốc đồn đoán về khả năng những phần tử cực đoan người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương gây nên thảm kịch. 154 trong tổng số 227 trên chuyến bay là người Trung Quốc.
"Tôi sợ rằng những người ở Tân Cương đã khiến máy bay mất tích", Chen Lei, một người Trung Quốc, phán đoán như vậy trên mạng xã hội Tencent.
![]() |
Nhân viên cứu hộ của một tổ chức Phật giáo cầu nguyện cho những hành khách trên chuyến bay MH370 tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur hôm 9/3. Ảnh: Reuters |
Hôm 10/3, ông Tần Cương, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cảnh báo rằng người dân không nên đồn đại tùy tiện về khả năng khủng bố trên máy bay mất tích, Christian Science Monitor đưa tin.
"Cuộc điều tra đang tiếp tục. Đưa ra kết luận bây giờ là hành động vội vàng. Mọi người nên bình tĩnh và không đồn thổi những thông tin mà nhà chức trách chưa kiểm chứng", ông Tần nói.
Tổng giám đốc Cục Hàng không dân dụng Malaysia, ông Azharuddin Abdul Rahman, cũng tỏ ra thận trọng như ông Tần Cương trong cuộc họp báo hôm 10/3.
"Để kết luận việc đã xảy ra trên phi cơ xấu số, chúng ta cần bằng chứng cụ thể và xác đáng. Vụ mất tích máy bay này là một bí ẩn mà chúng tôi chưa từng gặp", ông nói.
Rohan Guneratna, một chuyên gia khủng bố của Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, nhận định các chuyên gia chống khủng bố phải tham gia nỗ lực điều tra vụ mất tích của chuyến bay MH370.
Huang Huikang, Đại sứ Trung Quốc tại Malaysia, nói với kênh truyền hình vệ tinh Hong Kong rằng các nhân viên của Cục Tình báo Trung ương Mỹ đang hỗ trợ công tác điều tra do những lời đồn đoán về hành động bắt cóc hoặc khủng bố trên chuyến bay MH370.
"Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM) là tổ chức duy nhất có khả năng và ý đồ thực hiện những vụ tấn công như thế này", ông Huang nhận định.
ETIM là một tổ chức của người Duy Ngô Nhĩ ở Trung Á và Tây Á. Đây là một tổ chức Hồi giáo quá khích. Chính phủ Trung Quốc khẳng định ETIM là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh ở đại lục.
Tổng thanh tra cảnh sát Malaysia, ông Tan Sri Khalid Abu Bakar, xác nhận rằng các nhà điều tra đã xem mặt của một trong hai hành khách mang hộ chiếu đánh cắp trong video từ camera an ninh tại sân bay.
"Anh ta không phải là người ở Tân Cương, Trung Quốc và cũng không phải là người Malaysia", ông nói.