Thất bại 0-6 trước 1 nền bóng đá mạnh như Hàn Quốc không phải điều gì đó quá ghê gớm. Có chăng, nó chỉ lột tả một sự thực phũ phàng rằng U19 Việt Nam vẫn chỉ là chiếc thuyền nhỏ giữa đại dương lắm sóng nhiều gió… |
Một trong những hình ảnh đáng nhớ nhất ở SVĐ Wunna Theikdi chiều qua là cảnh HLV Guillaume Graechen ôm mặt chết lặng trước thất bại nặng nề của U19 Việt Nam. Nó thể hiện nỗi buồn đơn thuần hay sự thất vọng? Có thể là thất vọng nếu nhớ lại những phát biểu đầy tự tin của ông trước ngày lên đường sang Myanmar. Thực tế, trong quá trình chuẩn bị cho trận mở màn vòng bảng với U19 Hàn Quốc, HLV Graechen đã nghiên cứu khá kĩ về đối thủ qua những đoạn video. Tuy nhiên, đó đều là những thước phim cũ kĩ, mang tính tư liệu, tham khảo nhiều hơn là giá trị chuyên môn. Nếu coi độ tuổi 19 là giai đoạn tiến bộ nhanh nhất của đời cầu thủ thì Hàn Quốc đã là một tập thể khác so với thời điểm họ làm “vua châu Á” vào năm 2012. Sự tiến bộ không ngừng của một nền bóng đá mạnh như Hàn Quốc đã khiến HLV Graechen “việt vị” khi nghĩ rằng họ không quá mạnh do chỉ thắng Thái Lan sát nút 2-1 cách đây 2 năm. Và càng tệ hại khi nghĩ rằng U19 Việt Nam đã có thể hướng tầm châu lục chỉ qua 2 năm gây sốt. Không thể phủ nhận tài năng của các cầu thủ trẻ U19 Việt Nam. Họ đã thể hiện được tinh thần, tố chất và lối chơi quyến rũ hút hồn hàng triệu trái tim NHM. Nhưng đó là trong biên giới dải đất hình chữ S, nơi mà bóng đá đang mất dần niềm tin và tầm ảnh hưởng. Còn khi ra khu vực và châu lục, U19 Việt Nam vẫn là con thuyền quá nhỏ bé. Trận thảm bại 0-6 trước Hàn Quốc chiều qua đã thể hiện rõ điều đó! U19 Việt Nam đã tiếp cận trận đấu của kẻ yếu, chủ động bó chặt hàng tiền vệ, chơi phòng ngự để rình rập cơ hội phản công. Cách phản ứng của thầy trò Graechen chỉ gây khó cho Hàn Quốc ở hiệp đấu thứ nhất. Thậm chí, chúng ta còn chút nữa mở tỉ số từ cú đánh đầu dội xà ngang của Tiến Dũng. Nhưng về cơ bản, U19 Việt Nam thua thiệt đối thủ ở mọi yếu tố. Trong đó, đáng kể nhất là bản lĩnh thi đấu ở 1 trận đấu lớn. Nói như Jose Mourinho “biểu hiện rõ nhất của kẻ yếu bản lĩnh là sai lầm”. Và chiều qua, chúng ta đã mắc quá nhiều sai lầm, từ quả bắt bóng “vô duyên” của thủ thành Văn Trường (ở bàn thua đầu tiên) cho tới hàng loạt sai lầm vị trí của các hậu vệ. 6 bàn thua là cái kết xứng đáng mà U19 Việt Nam phải nhận cho những điểm yếu cố hữu chưa thể giải quyết. Thua vì kém đối phương đã đành, nhưng thua vì quá nhiều sai lầm là cái thua đau đớn nhất. Tất nhiên, không thể trách các cầu thủ U19 Việt Nam bởi để có bản lĩnh và cái tầm vươn ra châu lục, chúng ta cần quá nhiều yếu tố, không thể ảo tưởng chỉ trong 1-2 năm gây sốt. Cũng giống như Nhật Bản, Hàn Quốc có mô hình đào tạo trẻ theo kiểu xã hội hóa. Họ sở hữu vô số Học viện kiểu HAGL Arsenal JMG, được lồng ghép với hệ thống các trường đại học chuyên nghiệp. Bởi vậy, đã không ít lần chúng ta chứng kiến 1 đội bóng SV Hàn Quốc đánh bại ĐTQG Việt Nam. Đến Myanmar với tâm thế Nhà ĐKVĐ, cứ cho U19 Hàn Quốc là thử thách khắc nghiệt nhất thì U19 Việt Nam chỉ là “kẻ lót đường”. Phải thừa nhận thực tại phũ phàng đó để thấy rằng bóng đá Việt Nam cần một lộ trình rất dài, rất xa để đứng vững ở đấu trường châu lục chứ chưa nói tới chuyện vươn tầm thế giới. Ngay cả ở khu vực Đông Nam Á, U19 Việt Nam vẫn chưa phải là nhất. Chúng ta chơi hay, chơi đẹp nhưng đội bạn thể hiện được sự hiệu quả cần có của môn bóng đá. Chiều qua, trong khi chúng ta để thua U19 Hàn Quốc 0-6 thì U19 Myanmar đã cầm hòa U19 Yemen 0-0. Thậm chí, U19 Thái Lan còn đánh bại cả U19 Iran. Chưa rõ ở xứ sở Chùa Vàng, CĐV đã ăn mừng ra sao về chiến thắng này. Nhưng nếu ở Việt Nam, đó sẽ là “chiến tích vĩ đại”! Thất bại chiều qua không phải điều gì đó quá ghê gớm mà chỉ là sự thực buộc chúng ta phải nhìn nhận để thấy rằng U19 Việt Nam còn quá nhiều việc phải làm. Chúng ta cần nhiều thế hệ tiếp theo như Công Phượng, thậm chí xuất sắc hơn mới có hi vọng trở thành “chiến hạm lớn” làm nên những điều kì diệu giữa đại dương đầy sóng gió… |