- Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
- Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
- Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
- Mục này không có nhuận bút.
Mùa thu dịu mát nhất định phải đến gặp bà chủ quán cháo sườn chợ Đồng Xuân, mỗi đêm bán hết 300 bát
Biết bao thế hệ người dân Hà Nội thích cái cảm giác đến quán ngồi, gọi suất cháo sườn kèm trà chanh trà đá
Hà Nội chuyển mùa se se, mỗi khi trời tối dần kèm theo những cơn gió mát lạnh là ai nấy đều cảm thấy thèm thèm mấy món ấm dạ ấm lòng, như lẩu, phở, đồ nướng… và không thể không kể đến một món ăn quen thuộc, được cả người lớn lẫn trẻ nhỏ yêu thích, đó là cháo.
Nhắc đến cháo thì khắp Hà thành đều có hàng quán nổi danh, như cháo trai Trần Xuân Soạn, cháo sườn Lý Quốc Sư, cháo chim Cửa Bắc, cháo cá Hàng Bông… Toàn địa chỉ lâu đời quen thuộc đến cũ mèm, nhưng chắc hẳn mọi người vẫn thấy thiêu thiếu phải không? Kể tên đủ các quán cháo mà bỏ quên cháo sườn Đồng Xuân chưa thể tính là sành ăn được đâu nha!Nằm đối diện với chợ Đồng Xuân, đoạn giao Hàng Khoai, hàng cháo sườn huyền thoại phố cổ nằm lọt thỏm sau tán cây cổ thụ xanh rì. Cứ nhập nhoạng tối là quán bắt đầu rục rịch bàn ghế, bưng bếp, kê đồ để chào đón những vị khách đầu tiên. Tuy không đủ tuổi đề ngồi “chung chiếu” với những hàng cháo cổ thâm niên đến cả vài chục năm, nhưng xét về mức độ phủ sóng và chất lượng tuyệt ngon cũng đủ giúp thương hiệu cháo sườn Đồng Xuân chiếm được cảm tình của hàng nghìn thực khách, thậm chí đủ mọi thế hệ người dân sinh sống tại thủ đô.
Tranh thủ trò chuyện với cô Huyền Anh (48 tuổi), chủ quán cháo sườn nức tiếng phố chợ khi cô được nghỉ ngơi ít phút lúc thưa khách, cô rất vui vẻ thoải mái chia sẻ câu chuyện về nồi cháo bên vỉa hè nhà mình:
“Mọi người ai cũng tưởng là hàng cháo nhà cô có lâu rồi, nhưng thực ra mới mở cách đây tầm 5 năm thôi. Trước đó cô bán hàng nước, cũng rất đông khách, sẵn đó rồi cô nghĩ thêm món kinh doanh khác, chả biết sao lại thích nấu cháo, tự làm theo kiểu của mình rồi cứ thế bán thôi. Dần dà theo nhu cầu của khách thì các thành viên trong gia đình cô cũng mở quán bán thêm đồ uống phục vụ ngay bên cạnh, chị em con cái bận rộn luôn tay.
Cô không hề quảng cáo rầm rộ gì, khách họ ăn 1 lần khen ngon lại tới tiếp, mách cho cả người nọ người kia, thành ra mọi người vừa tò mò vừa thích ăn ở đây nên quán luôn đông đúc từ ngày khai trương đến giờ”.
Vừa nói tay vừa thoăn thoắt múc cháo, rắc ruốc, cô Huyền Anh nháy mắt kể thêm, để làm ra được một nồi cháo sườn “made by chính cô” thường mất 2 – 3 tiếng, với khá nhiều công đoạn, phải huy động thêm 4 – 5 người hỗ trợ, nào là chặt sườn, cắt sụn, ninh xương, nấu cháo… Một suất cháo sườn đầy đủ do cô Huyền Anh chuẩn bị theo “order” của khách gồm có cháo, sườn sụn, ruốc thịt, quẩy cắt nhỏ, kèm thêm tiêu hành tuỳ sở thích người ăn, với mức giá tầm 30.000 – 35.000 đồng/ bát. Quầy bán cháo khá sạch sẽ gọn gàng, nên mọi người tới ăn cũng chẳng bao giờ lăn tăn lo nghĩ.
Yếu tố làm nên sự khác biệt trong bát cháo nhà cô Huyền Anh chính là nằm ở bí quyết nấu gạo nhuyễn như bột, trắng tinh như sữa, nấu lên sền sệt, sánh mịn, dậy mùi thơm nguyên sơ quyến rũ vị giác vô cùng. Một vài nơi khác có thể cũng nấu cháo kiểu này, song hương vị vẫn không giống cô chủ quán phố chợ làm ra. Ẩn hiện dưới lớp cháo hấp dẫn đó là những khúc sườn non được cắt vuông vắn vừa miệng, ninh mềm, không quá dai cũng không quá nhừ, nhai sần sật rất thích. Cháo ngọt lịm, vừa đưa một thìa đã tan ngay nơi đầu lưỡi, hoà quyện với sườn sụn chua chua tạo nên cảm giác mãn nguyện khó tả, xứng đáng để bon chen thưởng thức bằng được trong ngày thu man mát trong lành.
Có một điều cực thú vị là khách tới quán cô Huyền Anh ăn quanh năm suốt tháng không thấy chán, bất kể mùa đông hay mùa hè. Thường trời nóng mọi người đều chỉ thích ăn uống giải nhiệt, nhưng riêng nơi này thì ngược lại, khách sẵn sàng ngồi “toát mồ hôi” dù xung quanh mấy chiếc quạt công nghiệp chạy ầm ầm hết công suất, chỉ để thỏa mãn cơn “nghiện” cháo sườn số 14 Đồng Xuân. Quán mở bán suốt 364 ngày bất kể mưa nắng, nghỉ phép duy nhất vào chiều 30 Tết hàng năm, thế nên đừng lo rằng hôm nay lên kế hoạch tới đó ăn cháo nhưng lại đổ bể vì mưa to gió lớn nhé, cô chủ quán và nhân viên luôn sẵn sàng tay ô tay bạt để phục vụ khách yên tâm ngồi ăn.
Ba cô gái trẻ Thanh Hằng (21 tuổi, ở Thái Thịnh), Thu Trang (21 tuổi) và Thùy Giang (20 tuổi) không hẹn mà cùng mê mẩn món cháo sườn Đồng Xuân từ cách đây khá lâu rồi, số năm lê la ăn ở địa chỉ này cũng gần bằng tuổi của quán. Thanh Hằng bảo: “Dù bận rộn đi học, và nhà ở khá xa, nhưng bọn em thường rủ nhau tụ tập tới đây ăn khá đều đặn. Thỉnh thoảng cũng rủ thêm nhiều bạn khác cho vui, rỉ tai mọi người về món ăn tụi em thích, khiến họ cũng thích theo”.
Cũng giống như Hằng, là "khách ruột" của quán từ hơn 2 năm nay, bạn Kim (22 tuổi, ở đường Láng) cũng thích cháo ở đây đến mức thường xuyên lặn lội cả chục cây số để tới gọi một bát ăn cho đỡ thèm. Cô nàng hay rủ cả bạn trai đi cùng, ăn chung bát cháo cho "nâng cao tình cảm". Suốt 5 năm qua, ở vỉa hè này, đã chứng kiến biết bao câu chuyện ngọt ngào bên tô cháo sườn giống thế...
Quán cháo sườn chỉ vỏn vẹn khoảng 20m2 ngay trước sân nhà cô Huyền Anh, bàn không có, dùng những chiếc ghế cao để mâm cháo và ghế thấp để ngồi ăn, nhưng hôm nào cũng chật ních. Giờ cao điểm của quán rơi vào khoảng 8 – 9 giờ tối, khi mọi người đã xuôi bớt cơm chiều và rủ nhau đi dạo mát, lượn phố, tụ tập ăn chơi.
“Có nhiều khách quen cô nhớ rõ mặt và thói quen ăn cháo, vì họ tới đây hầu như đủ 30 ngày trong tháng không thiếu 1 buổi. Người già, trẻ con, thanh niên… và có cả khách Tây khách Tàu nữa. Mấy anh Tây vào quán ăn cứ tò mò dòm nồi cháo, nói tiếng Anh cô không hiểu nên họ ra dấu bằng tay, chỉ vào nguyên liệu, muốn ăn ruốc, quẩy hay gì khác thì cứ khua tay múa chân là ok hết (cười)”. Bà chủ quán phúc hậu chia sẻ niềm vui trong lòng mình khi được thực khách yêu quý, tin tưởng suốt bao năm qua, với những kỉ niệm khó quên như thế.
Mới kể được dăm ba chuyện thì nồi cháo của quán cũng gần cạn đáy, dù nó to vật vã đến khó tin. Một buổi bán hàng thường hết khoảng 3 nồi cháo, tương đương với khoảng 300 bát, cũng vài tạ gạo chứ không ít! Bán đến tầm 12h khuya thì cô Huyền Anh cùng nhân viên chuyển quán sang bên kia đường, sát góc chợ Đồng Xuân, đến tầm 2h sáng thì nghỉ. Bận rộn vất vả, nhưng cô Huyền Anh luôn tươi cười, sẵn sàng trò chuyện với bất kỳ ai muốn hỏi về quán, chẳng giấu nghề và cũng không “kiêu chảnh”. Ở cô toát lên vẻ gần gũi, thanh lịch và khéo léo của người con gái Hà Nội. Cô không tự nhận món cháo mình chế biến ra là tinh hoa ẩm thực phố cổ, nhưng người phụ nữ ấy đã mang cả tấm lòng của mình vào bát cháo thơm thảo, nên thực khách mới dành tình cảm chân thành cho món cháo của cô đến vậy.
Vài tuần nữa là sang đông, lại có cớ để rủ nhau lên phố chợ Đồng Xuân hẹn hò, xì xụp bát cháo sườn ấm nóng thơm phức, sau đó đi bộ ra Hàng Khoai ăn chè, uống trà chanh tám chuyện. Vậy là cuộc sống đủ vui rồi, phải không nhỉ?
Theo Trí Thức Trẻ
-
Vào bếp15 giờ trướcCàng ghẹ rang me là món ăn hấp dẫn được nhiều người yêu thích, món ăn ngon này lại có cách chế biến cực kỳ đơn giản, nhanh gọn.
-
Vào bếp22 giờ trướcMón ức gà xào nấm sốt tiêu đen đáp ứng cả 3 tiêu chí: Dễ làm, ngon miệng và lành mạnh, vừa thỏa mãn thú vui ăn uống vừa không lo tăng cân.
-
Vào bếp1 ngày trướcChanh đào ngâm đường phèn mật ong là một phương thuốc dân gian có hiệu quả cao trong việc giảm ho, đau họng và tăng cường hệ miễn dịch trong mùa đông.
-
Vào bếp2 ngày trướcNhiều gia đình rất thích ăn sữa chua và tự làm sữa chua tại nhà, sau đây chúng tôi sẽ cùng bạn tìm hiểu cách làm sữa chua đơn giản nhất.
-
Vào bếp2 ngày trướcCá kèo kho nghệ là món ăn dân dã, dễ chế biến được nhiều gia đình yêu thích, món ăn này vô cùng hao cơm.
-
Vào bếp3 ngày trướcThịt lợn kho sữa chua Yakul là món ăn đang gây sốt dữ dội trên mạng xã hội Trung Quốc, mọi người đua nhau làm thử, chia sẻ công thức và kinh nghiệm.
-
Vào bếp4 ngày trướcBún mắm là món ăn đặc trưng của người dân miền Tây Nam Bộ, mang hương vị đậm đà từ mắm cá linh, cá sặc kết hợp với các loại hải sản và rau sống tươi ngon.
-
Vào bếp4 ngày trướcThực đơn cỗ cưới không những cần ngon, chất lượng mà còn cần sự bắt mắt và phù hợp với văn hóa địa phương từng vùng miền. Dưới đây là những mâm cỗ cưới ở miền Bắc được nhiều người lựa chọn để các cặp đôi có thể tham khảo cho đám cưới của mình.
-
Vào bếp5 ngày trướcLẩu gà lá é vốn là món đặc sản Phú Yên sau đó lan rộng ra nhiều nơi. Cùng VietNamNet tìm hiểu cách nấu lẩu gà lá é ngon chuẩn vị tại nhà.
-
Vào bếp5 ngày trướcẾch nướng lá lốt là món ăn thơm ngon, nhiều chất dinh dưỡng và rất dễ làm tại nhà, mọi người đều có thể thực hiện dễ dàng
-
Vào bếp6 ngày trướcKhông thể đơn giản hơn, món thịt ba rọi sốt tắc (quất) hot rần rần khiến chị em văn phòng chỉ mong đến chiều để bữa cơm gia đình có thêm món ngon.
-
Vào bếp15/11/2024Cá trắm nhúng mẻ là món ăn ngon, đặc trưng của người dân miền Bắc được nhiều gia đình ưa chuộng, nhất là trong những ngày mùa đông lạnh giá.
-
Vào bếp15/11/2024Giấm quả lê không chỉ có hương vị tinh tế, hấp dẫn mà còn có tác dụng làm đẹp da, phòng chống bệnh tật; cách làm giấm quả lê rất dễ, không gây tốn thời gian của bạn.