Những cách làm bánh trôi, bánh chay cho Tết Hàn thực thêm ý nghĩa

Để Tết Hàn thực thêm ý nghĩa, chị em hãy tự tay làm bánh trôi, bánh chay cho cả nhà thưởng thức nhé!

1. BÁNH TRÔI, BÁNH CHAY TRUYỀN THỐNG

Nguyên liệu:

- Đậu xanh bỏ vỏ: 100g

- Dừa nạo: 100g - Vani: 1 ống - Bột sắn dây: 2 thìa canh - Đường phên - Đường trắng: 150g 

Cách làm:

Chuẩn bị bột và nhân bánh:

Vì là bột pha sẵn để làm bánh trôi, bánh chay nên chúng ta cho bột ra một chiếc bát to, thêm từ từ nước nóng để trộn bột. Khi thấy bột dẻo, mịn, ấn không dính tay là được. Để bột nghỉ 15 phút.

- Đậu xanh vo sạch, ngâm nước ấm khoảng 1 tiếng cho nở (ngâm đậu trước khi nhào bột), sau đó cho vào nồi cơm điện đổ xâm xấp mặt nước nấu như nấu cơm cho đậu chín. 

- Khi đậu xanh chín thì dùng máy xay, xay nhuyễn rồi cho đậu vào chảo chống dính đảo đều cùng 50g đường. Đường và đậu nhuyễn vào nhau thì cho thêm dừa nạo cắt nhỏ vào đảo đều rồi thêm chút vani, sau đó tắt bếp. 

- Để đậu xanh nguội bớt rồi vê thành từng viên tròn bằng ngón tay cái, xếp vào đĩa để lát làm nhân cho bánh chay. 

- Đường phên cắt hạt lựu để làm nhân cho bánh trôi.

- Sau khi các nguyên liệu đã chuẩn bị đầy đủ, chúng ta tiến hành nặn bánh.

Làm bánh trôi: Vê bột thành những viên nhỏ vừa ăn. Ấn dẹt ở giữa viên bột rồi cho viên đường phên cắt hạt lựu ở trên vào. Bao viên bột lại và vê tròn cho kín viên bột, tránh vê quá kỹ, bánh có thể bị vỡ khi đun.

Làm bánh chay: Vê bột thành những viên tròn to gấp đôi viên đậu xanh vừa làm ở bước 4. Ấn dẹt viên bột, đặt viên đậu xanh vào giữa, miết bột phủ kín đậu xanh, dùng lòng bàn tay vê tròn viên bột. Cũng lưu ý không vê quá kỹ, bánh có thể bị vỡ khi đun. 

Luộc bánh:

Đặt nồi nước lên bếp đun sôi, thả bánh trôi đã nặn vào luộc đến khi bánh nổi lên là chín. Vớt bánh ra thả ngay vào bát nước lạnh để bánh không bị dính vào nhau. Bánh chay cũng làm tương tự.

Cho bánh trôi ra đĩa, gạn hết nước đọng trên đĩa rồi dùng đầu ngón tay chấm vừng rang chấm lên trên mặt bánh trôi là xong.

Bánh chay cho vào bát, rưới nước sắn dây lên trên, thêm đậu xanh đã hấp chín, dừa nạo để món bánh thêm thơm, ngậy.

Những cách làm bánh trôi, bánh chay cho Tết Hàn thực thêm ý nghĩa-1


2. BÁNH TRÔI, BÁNH CHAY NGŨ SẮC, CHÈ TRÔI NƯỚC NGŨ SẮC

Nguyên liệu:

- Bột gạo nếp một gói khoảng 400gr

- Bột bắp (có thể thay thế bằng bột năng)

- Đường phên để làm nhân bánh mua ở các chợ, cắt thành các viên nhỏ

- Đường cát trắng

- Hạt vừng đã tách vỏ và rang chín vàng

- Dừa nạo (nếu có và không bắt buộc)

- Cơm gấc (ruột gấc): 100gr, thêm chút nước và chút rượu trắng để gấc được đỏ hơn.

- Hạt dành dành một thìa cà phê, nếu không có hạt dành dành thì thay bằng 50gr bí đỏ.

- 50gr lá cẩm tím, tùy theo mùa, nếu không có lá cẩm tím thì dùng bắp cải tím

- 8gr bột mat cha trà xanh, nếu không có bột trà xanh thay bằng 50gr lá nếp hay lá dứa (nhưng màu của lá dứa sẽ không lên màu đậm như trà xanh

- 4gr bột ca cao để làm màu nâu

- 50gr củ dền để tạo màu hồng.

CÁCH LÀM:

Cách làm bánh trôi ngũ sắc

Bước 1: Tạo màu cho bột

- Tạo bột màu đỏ từ gấc: Cho 100gr bột nếp vào âu, thêm 40gr đường cát trắng, 30gr bột bắp; gấc sau khi ngâm chút rượu và chút nước thì bóp nhuyễn lấy phần thịt đổ vào âu bột. Nhào qua thấy bột còn khô thì thêm 60-70ml nước ấm khoảng 40 độ C. Đổ từ từ, vừa đổ vừa nhào không nên đổ hết một lần, nếu bột đủ nước thì dừng lại lấy tay nhào, còn bột ướt thì thêm chút bột khô vào nhào đến khi bột dẻo mịn không dính tay là được (gói bột trong màng bọc thực phẩm tránh bột bị khô).

- Tạo bột màu xanh từ bột trà xanh: Cho bột trà xanh vào bát thêm 50ml nước nóng hoà tan bột trà xanh. Lọc qua một lần rây để bỏ bớt cặn trà xanh. Đổ 100gr bột nếp ra âu, thêm 30gr bột bắp, 40gr đường cát trắng trộn đều các nguyên liệu rồi từ từ đổ nước trà xanh vào. Vừa đổ vừa dùng thìa khuấy nếu đủ nước dừng lại, thiếu nước thì thêm chút nước ấm khoảng 40 độ vào nhào đến khi bột dẻo mịn không bị dính tay là được. Nếu khô thì thêm nước, nhão thêm bột, cứ thế cho đến khi nhào xong. Sau đó bọc bột vào màng bọc thực phẩm tránh bột bị khô.

- Tạo bột màu nâu từ ca cao: Cũng tương tự như trà xanh, đổ bột ca cao ra bát nhỏ, thêm 50ml nước nóng hoà tan ca cao rồi đổ vào bột, tỉ lệ như các màu khác.

- Tạo màu hồng từ củ dền: Củ dền gọt vỏ, rửa sạch, thái miếng nhỏ, thêm chút nước cho vào máy xay nhuyễn, lọc qua rây lấy phần nước cốt. Nếu muốn đậm thì thêm ít nước, còn muốn nhạt hơn thì hoà thêm nước cho màu nhạt bớt. Nước củ dền khi đun sôi và chưa đun cho hai màu khác nhau. (Bản thân mình thích màu chưa đun hơn vì nó tươi hơn).

Cho 100gr bột nếp vào âu, thêm 30gr bột bắp, 40gr đường, trộn đều các nguyên liệu rồi đổ từ từ nước củ dền vào, nhào bột đến khi mịn dẻo rồi bọc lại bằng màng bọc thực phẩm, cách làm và lượng bột giống như các màu khác.

- Tạo màu vàng từ hạt dành dành: Hạt dành dành cho ra bát, thêm chút nước nóng, để một lúc cho hạt ra màu vàng như ý muốn, rồi đổ vào phần bột nhào đến khi dẻo mịn không dính tay. Bọc màng bọc thực phẩm để tránh bột khô (nếu không có hạt dành dành thì thay bằng bí đỏ. Xay sống bí đỏ, thêm chút nước để dễ xay, sau đó lọc qua rây thu được phần nước cốt bí đỏ sẽ cho ra màu vàng nhưng với điều kiện là phải lọc hết phần bã bỏ đi).

- Tạo màu tím từ lá cẩm: Lá cẩm rửa sạch, cho nước và lá cẩm vào nồi đun khoảng 15 phút cho ra màu thì tắt bếp, chắt phần nước màu bỏ phần lá. Cẩn thận lọc qua rây (nếu không có lá cẩm tím thì thay thế bằng lá bắp cải tím nhưng mùi hơi hăng, khắc phục cho thêm vani, cho bắp cải tím vào máy xay sinh tố, thêm chút nước rồi xay nhuyễn lọc qua rây thu được phần nước cốt).

Cho 100gr bột nếp, 40gr đường cát, 30 gr bột bắp trộn đều các nguyên liệu rồi từ từ đổ nước cốt lá cẩm tím hoặc nước cốt bắp cải tím vào, vừa đổ vừa dùng thìa khuấy đến khi đủ nước dừng lại, tiếp tục nhào đến khi bột dẻo mịn, nếu bột khô thêm nước, ướt thì thêm một nếp, sau đó bọc vào màng bọc thực phẩm tránh bột bị khô.

- Vậy là đã xong các màu, nếu muốn màu trắng thì chỉ cần nhào bột với nước trắng ấm.

Bước 2: Nặn bánh và luộc

Chuẩn bị một nồi nước và một âu nước lạnh. Đun sôi nồi nước.

Lấy từng màu, nếu các bạn muốn làm màu trắng thì làm màu trắng trước. Cho lượng bột nhỏ ra tay, vê tròn rồi ấn dẹt miếng bột đặt viên đường vào giữa nhẹ nhàng gấp các mép bao viên đường lại rồi lại vê tròn thả vào nồi nước đang sôi, lần lượt làm đến hết bột. Làm từng màu một.

Bước 3: Hoàn thiện

Sau khi bánh chín nổi lên trên thì dùng muôi thủng vớt ra âu nước lạnh bên cạnh (lưu ý, vì làm bột khô bánh lâu chín hơn so với bột tươi nên các bạn để thời gian luộc lâu hơn so với bột tươi nhé. Sau đó mới vớt ra. Nếu vớt sớm bên ngoài bánh chín nhưng bên trong vẫn cứng).

Sau khi luộc bánh xong thì xếp lẫn lộn các màu ra đĩa, nhẹ nhàng chấm nhẹ ngón tay trỏ vào nước rồi lại chấm vào vừng rang chín tiếp tục chấm nhẹ vào bánh là bánh sẽ đều vừng. Vừng bám chặt vào bánh làm cho bánh đẹp hơn là rắc. Nếu thích ăn thêm dừa nạo thì rắc lên trên.

Những cách làm bánh trôi, bánh chay cho Tết Hàn thực thêm ý nghĩa-2

Cách làm bánh chay

- Với bánh chay thì khi làm bột bánh trôi, hãy để lại mỗi phần bột đã pha màu một chút ít.

- Phần bánh: 100gr đậu xanh không vỏ đem ngâm nước khoảng 2h rồi đem đi hấp chín, tán nhuyễn đậu xanh, cho đậu xanh đã tán nhuyễn vào chảo thêm 40gr đường cát trắng và xào đậu xanh với đường cho tan. Thêm chút vani rồi tắt bếp. Vê đậu xanh thành những viên tròn nhỏ bằng quả trứng chim cút. Lấy lượng bột gấp đôi viên đậu xanh, vê tròn và ấn dẹt, đặt viên nhân đậu xanh vào giữa và lại vê tròn lại ấn dẹt và lõm. Cũng luộc như cách luộc bánh trôi.

- Nấu phần nước cho bánh chay: Cho chút nước vào nồi, thêm đường, khi nước sôi nêm nếm cho vừa miệng. Hoà bột sắn dây/bột năng/bột đao ra bát rồi đổ vào nồi nước đường, lưu ý, căn không cho nước bị đặc quánh. Cho bánh chay ra bát, chan nước đường bột năng vào, rắc thêm chút đậu xanh đã hấp chín, thêm dừa nạo và vừng rang theo ý thích.

Những cách làm bánh trôi, bánh chay cho Tết Hàn thực thêm ý nghĩa-3

Cách làm chè trôi nước ngũ sắc

- Phần bánh: Cách làm giống hệt với bánh trôi, cũng tỉ lệ bột và các màu như vậy, chỉ khác là thay nhân đường viên bằng nhân đậu xanh nghiền nát vo tròn.

- Phần nước: Cho đường thốt nốt và nước vào nồi đun sôi. Vị ngọt hay nhạt mọi người có thể điều chỉnh được. Thêm vài lát gừng thái mỏng cho thơm.

Khi nước đường bắt đầu sôi thì vớt bánh từ bát vào nồi, đun sôi trở lại rồi tắt bếp. Cứ để nguyên như vậy trên bếp khi ăn thì múc ra bát, thêm nước cốt dừa chan vào rất ngon ngọt và béo ngậy.

Những cách làm bánh trôi, bánh chay cho Tết Hàn thực thêm ý nghĩa-4

3. BÁNH CHAY RIM ĐƯỜNG

Nguyên liệu:

- 300gr bột gạo nếp

- 130gr nước

- 70gr đường nâu

- 1 củ gừng tươi nhỏ

- 50gr lạc rang chín

- Một ít vừng trắng và vừng đen rang chín

- 20g dừa nạo sợi.

Cách làm:

- Cho bột nếp vào âu, từ từ thêm nước nhào bột thành hỗn hợp dẻo mịn, hơi dính tay. Sau đó chia bột thành những viên bột tròn nhỏ.

- Đun sôi nồi nước (chừng 1 lít nước), thả từng viên bột vào luộc cho đến khi bột nổi lên.

- Vớt bột ra bát nước nguội có thả vài lát gừng tươi cho viên bột khỏi dính và thơm.

- Bắc chảo hoặc nồi nhỏ lên bếp, thêm 70gr đường nâu đun cho đường tan chảy cho đến khi đường chuyển màu cánh gián. Từ từ cho 50gr nước vào, khuấy đều tay, thêm ít gừng tươi băm nhỏ vào, tiếp tục đun nhỏ lửa.

- Trong lúc chờ đường sôi, trộn đều lạc rang giã dập, đường kính, vừng đen và trắng trong một bát nhỏ.

- Khi hỗn hợp đường sôi, thả từng viên bánh trôi vào chảo, đun nhỏ lửa một lúc. Lưu ý là thỉnh thoảng lắc nhẹ chảo để cho mật đường bọc đều từng viên bánh. Khi thấy viên bánh đều màu, phần mật đường cũng hơi sánh lại thì tắt bếp.

- Gắp viên bánh chay rim đường ra đĩa, rắc phần vừng lạc đã trộn ở bước 2 lên trên mặt bánh, nếu thích các bạn có thể rắc thêm chút dừa nạo sợi lên trên mặt bánh thưởng thức sẽ rất ngon.

Những cách làm bánh trôi, bánh chay cho Tết Hàn thực thêm ý nghĩa-5

Bánh chay rim đường nóng hổi, sóng sánh nước mật vàng óng hấp dẫn. Từng viên bánh đẫm ngọt, lẫn trong vị bùi béo của lạc vừng, thơm cái thơm đặc trưng của bột gạo nếp, và thoảng vị cay ấm của gừng.

4. BÁNH NHÓT

Chuẩn bị:

- 200gr bột nếp

- 200ml nước ấm, 100gr đường miếng nâu, 50g lạc rang.

Cách làm:

- 200gr bột nếp ta trộn cùng với 200ml nước ấm, sau đó trộn hỗn hợp bột mịn đều đến khi bột không dính tay là được.

- Tiếp sau đó nặn bánh thành hình thoi nhỏ như những quả nhót.

- Sau đó, đặt lên bếp một nồi nước đun sôi, đến khi nước sôi già, bắc đầu thả những chiếc bánh vào luộc đến khi bánh chính sẽ nổi lên mặt nước.

Cùng lúc đó, nấu nước đường nâu, cho 800ml nước vào xoong và cho đường bánh nâu vào, khuấy đều cho đường bánh nâu hoà tan cùng nước.

- Đến khi nước đường sôi, bắt đầu múc bánh nhót vào và nấu thêm 10 phút nữa cho bánh nhót được ngấu đường.

Những cách làm bánh trôi, bánh chay cho Tết Hàn thực thêm ý nghĩa-6

- Sau khi bánh đã ngấu đường và chín mềm, bắt đầu múc bánh và nước đường ra bát nhỏ, khi ăn, rắc lạc rang dã dập vào.

 

Theo Phụ Nữ Việt Nam

Xem link gốc Ẩn link gốc https://phunuvietnam.vn/nhung-cach-lam-banh-troi-banh-chay-cho-tet-han-thuc-them-y-nghia-512020243105659384.htm

Tết hàn thực

bánh trôi bánh chay


Không muốn làm mẹ vì nỗi đau quá khứ đeo bám
Anh đã đến phá "lớp băng giá" quanh cô. Và cô đã hoàn toàn đổ gục vì anh đồng ý chỉ cần hai vợ chồng là đủ. Nhưng mới cưới hơn 2 tháng thì cô đã dính bầu. Cô thực sự không muốn sinh con vì những ám ảnh trong quá khứ…

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.