
Tôi là nhân viên văn phòng, làm việc tại một cơ quan nhà nước ở thành phố nhỏ. Công việc của tôi không quá áp lực, lương tuy không cao nhưng đều đặn, đủ để gia đình sống thoải mái. Vợ tôi là bạn học cùng lớp, cô ấy tính tình hiền lành, đảm đang. Ba năm trước, vợ là giáo viên mầm non nhưng do đồng lương thấp, cô ấy quyết định nghỉ việc mở một quán ăn nhỏ.
Mặc dù vợ tôi nấu ăn khá ngon và sạch sẽ nhưng thời gian đầu mở quán, vợ gặp nhiều khó khăn, có tháng lỗ nặng tôi phải bù vào động viên vợ. Tôi liên tục động viên: "Em cứ kiên trì, rồi mọi chuyện sẽ tốt lên thôi. Em an tâm, cho dù thế nào, anh cũng ủng hộ quyết định của em. Khó quá, sau anh lại xin việc khác cho em làm".
Nhờ sự kiên trì, chất lượng món ăn ngon và phục vụ tận tình, quán của vợ tôi bắt đầu có tiếng. Khách ngày một tăng lên, từ một quán nhỏ, vợ thuê thêm nhà hàng xóm để mở rộng không gian, nhân viên cũng vài chục người. Phải thừa nhận, khi công việc kinh doanh khấm khá, thu nhập của vợ giờ đây gấp nhiều lần lương của tôi. Tôi tự hào vì những gì vợ làm được và vẫn tiếp tục công việc của mình. Hàng ngày, tôi đi làm từ sáng sớm đến tối muộn. Vợ vẫn mải mê với việc bán hàng, thu tiền và quản lý nhân viên mà không một lời than vãn.
Một tối, sau khi đóng quán, vợ gọi tôi lại nói chuyện với vẻ mặt nghiêm túc: "Anh à, em muốn bàn chuyện này. Dạo này quán đông, em không quản lý hết được. Trước có thuê kế toán nhưng cô ta không trung thực, ăn bớt tiền hàng. Em nghĩ, anh có kinh nghiệm làm sổ sách, nếu anh nghỉ việc về phụ em, mình sẽ yên tâm hơn".
Tôi giật mình bởi chưa bao giờ nghĩ tới việc rời bỏ công việc ổn định của mình. Tôi nói: "Nhưng em ơi, kinh doanh bấp bênh lắm. Giờ quán đang tốt, nhưng không biết đâu sau này thế nào".
Vợ cầm tay tôi: "Em hiểu nhưng nếu mình cùng nhau làm, em tin sẽ ổn. Hơn nữa, thu nhập bây giờ đủ để gia đình mình sống tốt cho dù có gặp khó khăn. Từ trước đến giờ, em chưa yêu cầu anh việc gì cả, anh đừng suy nghĩ nhiều nữa. Các con giờ lớn rồi, em kiếm tiền cũng chỉ với mong ước mua cho con nhà riêng ở Hà Nội. Sau này chúng nó đi học đại học thì có chỗ ăn ở, không phải đi thuê".
Đêm đó, tôi trằn trọc không ngủ nhưng cũng chưa vội quyết định gì.

Sáng hôm sau, tôi đến cơ quan trong tâm trạng nặng trĩu. Tôi tâm sự với đồng nghiệp thân thiết:"Mày nghĩ sao nếu tao nghỉ việc về phụ vợ kinh doanh?". Bạn tôi thẳng thừng: "Vợ cậu làm ăn phát đạt thế cơ à? Nhưng mà, công việc nhà nước ổn định, nghỉ thì tiếc đấy. Giờ đang cắt giảm, bao nhiêu người còn mất chỗ. Đàn ông mà nghỉ làm ở nhà nhiều khi cũng bí bức lắm, ra ngoài thoải mái hơn. Dù gì chủ quán cũng là vợ cậu, chỉ e sau này mang tiếng sống phụ thuộc, đó mới là điều quan trọng".
Những lời nói của bạn đồng nghiệp tôi thấy đúng với suy nghĩ của mình. Nhưng lời vợ nói cũng đúng, cô ấy đề nghị tôi ở nhà cùng kinh doanh là lo cho tương lai của con cái sau này.
Cuối tuần đó, tôi dậy từ sớm, quan sát vợ làm việc. Vợ bận rộn ghi đơn, kiểm tra nguyên liệu, tính toán chi phí. Tôi thấy vợ đã trưởng thành hơn rất nhiều, nhưng cô ấy thực sự vất vả, hầu như không có thời giản nghỉ ngơi.
Trong lòng tôi rất thương vợ nhưng đúng là tôi không dám từ bỏ công việc ổn định ở cơ quan nhà nước, nơi đã gắn bó nhiều năm qua.
Giờ trong đầu tôi đặt ra nhiều câu hỏi: "Nếu mình nghỉ việc, rồi một ngày quán ăn gặp khó khăn, cả nhà sẽ ra sao?"; "Vợ giỏi giang, quán đã ổn định, nhưng thị trường ăn uống thay đổi liên tục, hôm nay đông khách, ngày mai biết đâu sẽ vắng tanh?"; Giống như thời dịch bệnh, bao nhiêu quán hàng phải đóng cửa"; "Tôi sẽ không còn chủ động được vấn đề tiền nong như lúc tôi đi làm, lúc lĩnh lương, tôi tự chi tiêu tiền của mình"; “Ở nhà rồi tôi sẽ là người sống phụ thuộc vợ”….
Người ta nói, khi hai vợ chồng biết tin tưởng, chia sẻ và cùng nhau đối mặt với thử thách thì sẽ thành công, hạnh phúc lâu dài. Liệu tôi có làm được không, tôi rối bời quá, hãy cho tôi lời khuyên.

Theo Thương trường