Sữa được xem là một phần quan trọng trong chế độ dinh dưỡng cân bằng, giúp tăng cường sức khỏe và thúc đẩy quá trình trao đổi chất của con người. Song, nhiều gian thương đã cố tình làm sữa giả để thu lời bất chính.
Bài 1: 'Tội ác nối tiếp tội ác' trong chuỗi bê bối sản xuất sữa giả ở Trung Quốc
Bài 2: Ấn Độ 'rúng động' trước đường dây làm sữa giả siêu lợi nhuận từ hóa chất
Vào tháng 4/2018, cảnh sát thành phố Girona của Tây Ban Nha đã bắt giữ 4 đối tượng về hành vi đóng gói sữa bột giả dành cho trẻ em và chủ yếu xuất sang Trung Quốc. Trong vụ việc, nhà chức trách đã phát hiện và thu giữ 8 tấn sữa giả. Một trong 4 đối tượng bị bắt từng có tiền án.
Theo CGTN, cảnh sát Tây Ban Nha mở cuộc điều tra sau khi nhận được cảnh báo từ Europol và cơ quan chính phủ Liên minh châu Âu (EU). Trước đó, chính quyền Ba Lan từng cho đóng cửa một nhà máy sản xuất sữa giả ở nước này nhưng không ai bị bắt giữ.
Video: Europol
Trong quá trình điều tra, cảnh sát Tây Ban Nha đã nhanh chóng bắt giữ một thương nhân đáng ngờ và chặn một tàu hàng đang chở theo 13.320 hộp sữa bột giả, dán nhãn của nhiều thương hiệu khác nhau tại khu cảng ở Girona. Thương nhân này đang chuẩn bị phân phối sữa bột giả đến nhiều nơi. Ngoài ra, tại một ngôi nhà ở Lloret de Mar, cảnh sát cũng phát hiện các tài liệu liên quan đến vụ việc bất hợp pháp.
Theo đó, sữa giả được mua với số lượng lớn ở Ba Lan với giá 1 Euro/kg và được chuyển đến Barcelona để đóng gói. Sau quá trình đóng gói, sữa giả được bán với giá 10 euro/600 gram. Cảnh sát xác định điểm đến chính của lô sữa giả là Trung Quốc.
Các chuyên gia cho biết, thành phần trong sữa giả thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ sơ sinh, từ đó ảnh hưởng gián tiếp đến sự phát triển của trẻ. Bên cạnh đó, việc thiếu giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm và kiểm tra chất lượng cũng sẽ dẫn đến nguy cơ cao về sức khỏe của trẻ như sốt và phát ban sau khi uống sữa.

Dù Trung Quốc là quốc gia sản xuất sữa lớn thứ 4 thế giới, nhưng các công ty sữa ở nước này vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu lớn từ người tiêu dùng.
Ngoài ra, các quy định an toàn mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, vốn khiến ngành công nghiệp sữa bột trẻ em của Trung Quốc loại bỏ khoảng 1.400 sản phẩm khỏi các kệ hàng, đã mở đường cho các thương hiệu quốc tế, đặc biệt từ Mỹ và các nước châu Âu tiến vào thị trường trị giá 20 tỷ USD vào thời điểm đó.
Đặc biệt, các bậc cha mẹ Trung Quốc sẵn sàng chi tiền nhiều hơn để mua sữa và sữa bột nhập khẩu, sau khi xảy ra một loạt vụ bê bối sữa giả ở nước này. Điển hình là vụ sữa bột chứa hóa chất công nghiệp melamine, khiến ít nhất 6 trẻ tử vong và 500.000 trẻ khác phải nhập viện vào năm 2008.
Trong mắt nhiều phụ huynh Trung Quốc, thương hiệu sữa từ các nước châu Âu và Mỹ có thành phần tốt hơn và vượt qua các cuộc kiểm tra an toàn nghiêm ngặt hơn so với sản phẩm nội địa.
“Nếu chất lượng tốt, tôi sẽ mua, ngay cả khi giá cao hơn. Tôi chưa bao giờ cân nhắc sữa công thức thương hiệu nội địa. An toàn là vấn đề lớn nhất”, cô Zhou Liwen, 34 tuổi, mẹ của một cầu con trai 3 tuổi, nói với Bloomberg trong một cuộc phỏng vấn.

Theo VietNamNet