Cuối tháng 7/2024, sau ca can thiệp cho bệnh nhân bệnh lý mạch máu, bác sĩ Đoàn Dư Mạnh, Phó giám đốc Trung tâm tim mạch và Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa Phương Đông nhận được cuộc gọi từ một người giới thiệu đang làm truyền thông cho một nhãn hàng sữa dinh dưỡng mới ra mắt.

"Bác sĩ chỉ cần mặc áo blouse, cầm hộp sữa, cười tươi và nói vài câu đơn giản như: Tôi là bác sĩ, tôi khuyên dùng sản phẩm này mỗi ngày để tăng cường sức đề kháng, trí não khỏe mạnh. Quay clip chưa tới một phút, tiền chuyển liền tay", người ở đầu dây bên kia cố gắng thuyết phục bác sĩ Mạnh.

Kết thúc cuộc gọi, người này không quên gửi tới anh hình ảnh hộp sữa để tham khảo thêm thông tin. Điều khiến anh Mạnh lăn tăn không nằm ở đoạn kịch bản ngắn, cũng không phải ở số tiền vài chục triệu đồng mà là ở hộp sữa được gọi tên.

Trên bao bì, sản phẩm được in chữ lớn: “Sữa dinh dưỡng cao cấp, tốt cho trí não”, nhưng dòng chữ nhỏ bên dưới lại ghi rõ “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, không phải là sữa công thức”. Bảng thành phần là hỗn hợp của ngũ cốc, maltodextrin, vitamin tổng hợp, men vi sinh, hương liệu và chất tạo ngọt không có gì quá nguy hiểm, nhưng cũng không đủ căn cứ để đưa ra khuyến nghị chuyên môn.

Bác sĩ Đoàn Dư Mạnh khám và tư vấn sức khoẻ cho người bệnh. (Ảnh: BSCC)

Bác sĩ Đoàn Dư Mạnh khám và tư vấn sức khoẻ cho người bệnh. (Ảnh: BSCC)

"Không có bất kỳ nghiên cứu nào công bố công dụng thực sự của sản phẩm, vậy tại sao tôi lại phải đứng ra xác nhận?", bác sĩ Mạnh nói.

Anh lặng lẽ từ chối, không kịch liệt phản bác, cũng không lên mạng chỉ trích, chỉ nhắn lại một câu: “Cảm ơn, nhưng tôi không hợp với những nội dung kiểu này”.

Trong bối cảnh mạng xã hội phát triển, hình ảnh bác sĩ bị lôi kéo ngày càng nhiều vào các chiến dịch tiếp thị trá hình. Người mặc blouse, nói giọng nhẹ nhàng, cầm sản phẩm lên và khẳng định "đây là sản phẩm tôi tin dùng, tôi khuyên bệnh nhân nên dùng mỗi ngày" xuất hiện dày đặc trên các nền tảng số.

Bác sĩ Mạnh cho rằng, hình ảnh đó phản ánh một sự đánh đổi âm thầm giữa lương tâm nghề nghiệp và lợi ích cá nhân. "Bác sĩ là nghề đặc biệt, dựa trên niềm tin. Khi khoác áo blouse và phát ngôn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, thậm chí là sinh mạng người khác", bác sĩ Mạnh nói.

Đạo đức nghề y không chỉ nằm trong phòng khám hay ca trực, mà còn thể hiện ở mỗi hành vi công khai với cộng đồng, nhất là trong thời đại mà người dân có thể dễ dàng tiếp cận bác sĩ qua mạng xã hội.

"Chúng tôi học 6 năm đại học, 3-5 năm sau đại học không phải để cầm sản phẩm đọc lời thoại. Sự thật là chỉ cần một câu nói sai, một clip quảng cáo lệch chuẩn, niềm tin người bệnh gây dựng suốt nhiều năm có thể sụp đổ trong vài giây", anh nói.

Quy định hiện hành cũng rất rõ ràng, nghị định 15/2018 của Chính phủ nêu không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh để quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng. Điều này có nghĩa là bác sĩ không được sử dụng danh xưng, hình ảnh, hoặc kiến thức chuyên môn của để xác nhận công dụng của thực phẩm chức năng, đặc biệt là trong các quảng cáo hướng đến người tiêu dùng.

Truyền thông y tế là cần thiết, nhưng theo bác sĩ phải dựa trên tri thức và lương tâm. Không ai cấm bác sĩ nói chuyện với cộng đồng, chỉ là phải tỉnh táo biết bản thân đang nói với tư cách nào, một người chia sẻ kiến thức hay một người bán hàng.

Trong số hàng nghìn bác sĩ đang hoạt động trên mạng xã hội, không ít người vẫn giữ được nguyên tắc: Không quảng cáo thực phẩm chức năng dưới danh nghĩa chuyên môn. Với bác sĩ Mạnh, điều đó không chỉ là quy định pháp luật, mà còn là lời cam kết thầm lặng với người bệnh. "Chúng tôi khoác áo blouse không phải để nổi tiếng, mà để người bệnh biết rằng họ có thể tin vào những gì chúng tôi nói. Tôi sẽ không đánh đổi điều đó, kể cả chỉ trong một phút quay video”, anh nói.

Hình ảnh một bác sĩ về hưu quảng cáo cho doanh nghiệp sữa.

Hình ảnh một bác sĩ về hưu quảng cáo cho doanh nghiệp sữa.

Gần đây báo chí phản ánh tình trạng bác sĩ xuất hiện trong các video quảng cáo thực phẩm chức năng, đặc biệt là sữa gây hoang mang dư luận. Một số bác sĩ, cả người đã nghỉ hưu, cho biết họ "bị lợi dụng" khi hình ảnh và danh tiếng bị sử dụng để quảng bá cho các sản phẩm không rõ nguồn gốc.

Ngày 17/4, Bộ Y tế đã có công văn gửi các bệnh viện, trường đại học, yêu cầu quán triệt nhân viên y tế (kể cả người nghỉ hưu) không tham gia quảng cáo thực phẩm chức năng.

Động thái này nhằm chấn chỉnh tình trạng bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế xuất hiện trong các quảng cáo gây hiểu lầm cho người tiêu dùng, khiến nhiều người nhầm tưởng sản phẩm có tác dụng điều trị bệnh. "Y bác sĩ, dược sĩ tham gia quảng cáo thực phẩm là vi phạm pháp luật", Bộ Y tế lưu ý và đề nghị các bệnh viện kiểm tra xử lý nhân sự kể cả với người đã về hưu hoặc nghỉ công tác.

Động thái trên cho thấy sự quyết liệt của cơ quan chức năng trong việc bảo vệ uy tín của ngành y và quyền lợi của người tiêu dùng. Đồng thời, cũng là lời nhắc nhở đến các bác sĩ về trách nhiệm đạo đức và pháp lý khi tham gia vào các hoạt động quảng cáo.​

Theo VTC News