
Tôi năm nay 35 tuổi, làm giáo viên tiểu học ở một thị trấn nhỏ. Chồng tôi là kỹ sư công trình, công việc thường phải đi công tác xa. Cuộc sống hai vợ chồng không quá dư dả nhưng cũng đủ đầy, ổn định. Chúng tôi có một bé gái 6 tuổi, ngoan ngoãn và hiểu chuyện.
Hồi yêu nhau, tôi từng bị gia đình chồng phản đối gay gắt. Lý do là khoảng cách giữa nhà tôi và nhà chồng gần 100km. Với mẹ chồng và chị chồng, điều đó là quá xa để có thể gắn bó và chăm sóc nhau. Nhưng vì tình yêu, tôi và chồng vẫn quyết định đến với nhau. Từ khi về làm dâu, tôi luôn cố gắng vun vén cho gia đình, bố mẹ chồng vì vậy mà cũng bớt khắt khe với tôi hơn.
Hôm ấy, vừa đi làm về nhà, con gái tôi đã hớt hải chạy lại thì thầm: “Mẹ ơi, con thấy bà nội khóc thút thít trong phòng…”. Tôi giật mình. Mẹ chồng tôi, người phụ nữ luôn điềm đạm, tươi cười và chưa từng để lộ phiền muộn nay lại âm thầm rơi nước mắt?
Sau bữa tối, tôi khéo léo hỏi chuyện. Mẹ chồng lưỡng lự rồi cuối cùng cũng nói: Chị chồng tôi vừa ly hôn. Chị đang thuê phòng trọ ở tạm, không có nơi nào để về. Tôi sững người. Chị chồng tôi, người từng mạnh mẽ, quyết liệt như vậy nhưng giờ lại lặng lẽ rời khỏi một cuộc hôn nhân mà không mang theo gì ngoài quyền nuôi con.

Chị từng bị gia đình chồng ép sinh con trai thứ hai khi bé đầu mới 1 tuổi. Khi từ chối, mẹ chồng cũ chị dọa bỏ nhà đi, còn chồng chị vốn chịu sự điều khiển của mẹ cuối cùng cũng buông tay, chấp nhận ly hôn để "tròn chữ hiếu".
Ngày trước, chị từng khắt khe với tôi, không tin tôi đủ tốt với em trai chị. Nhưng từ khi tôi chăm sóc mẹ chồng trong bệnh viện, quán xuyên việc nhà, đối nội đối ngoại vẹn tròn thì thái độ của chị cũng dần thay đổi. Dù vậy, giữa chúng tôi vẫn luôn có một khoảng cách.
Nhưng hôm ấy, nghe mẹ chồng nghẹn ngào kể lại hoàn cảnh chị, lòng tôi bỗng trùng xuống. Là phụ nữ, ai mà chẳng có lúc yếu lòng? Làm sao tôi có thể để chị phải đơn độc sống trong cảnh tạm bợ?
Sáng hôm sau, tôi đưa chồng đến gặp chị. Chị từ chối, nói sẽ sớm tìm được nơi ở mới. Nhưng tôi kiên quyết: “Chị ly hôn rồi, không thể quay lại nhà chồng. Nếu không về đây, chị định đi đâu? Nhà có chật một chút, nhưng tình nghĩa thì không bao giờ thiếu chỗ.”
Chị ấy nghẹn ngào, đôi mắt đỏ hoe, chỉ nắm tay tôi mà không nói nên lời.
Từ ngày chị và cháu gái dọn về, nhà tôi trở nên đông đúc hơn, ồn ào hơn, nhưng cũng ấm áp hơn. Mẹ chồng tôi lần đầu tiên nắm tay tôi thật chặt, nói nhỏ: “May mà có con”.
Đến khi tôi nhập viện vì cơn mệt kéo dài, chồng đi công tác xa, người túc trực bên tôi từng đêm lại chính là chị chồng,người từng không tin tôi, từng giữ khoảng cách với tôi. Chị chăm tôi từng bữa cháo, từng viên thuốc, như thể tôi là ruột thịt.
Khi tôi xuất viện, chị cười bảo: “Chị từng nghĩ em không đủ tốt… Bây giờ mới thấy, ngày xưa chị và mẹ đã không phải với em”.
Tình thân là vậy. Không cần ồn ào, không cần toan tính. Chỉ cần một người đưa tay ra đúng lúc, thì khoảng cách 100 cây số hay 100 hiểu lầm ngày trước, cũng chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Chúng tôi, cuối cùng đã thực sự là một gia đình.

Theo Thương Trường