39 người chết trong container: "Từ giờ không bố mẹ nào dám cho con đi nước ngoài nữa"

Rất nhiều những ông bố, bà mẹ và người thân đang từng ngày, từng giờ đau đáu chờ tin tức về con cái mình

"Tiền rất quan trọng. Nhưng có điều còn quan trọng hơn, đó là con người, là mạng sống", câu nói của người đàn ông về thảm kịch 39 người chết trong container ở Anh, nghi có người Việt Nam, khiến bất cứ ai cũng đau xót và suy ngẫm.

>> Toàn cảnh: 39 người chết trong container ở Anh

Xã Đô Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An những ngày này ảm đạm và nhuốm màu tang tóc hơn bao giờ hết. Rất nhiều những ông bố, bà mẹ và người thân đang từng ngày, từng giờ đau đáu chờ tin tức về con cái mình sau thông tin về 39 người chết trong container khi cố gắng nhập cư trái phép vào Anh, nghi ngờ có người Việt Nam.

Ông Phan Văn Thượng, 64 tuổi, ngồi trong phòng khách rót rượu cho các phóng viên đến chơi nhà. Người đàn ông đã nhiều tuổi với hình xăm cây thánh giá trên tay chia sẻ: "Tôi đã gửi 3 đứa con trai sang nước ngoài". Tuy nhiên, hai người trong số đó đã phải quay lại vì bị bắt trong quá trình nhập lậu, cuối cùng bị trục xuất về nước. 

39 người chết trong container: Từ giờ không bố mẹ nào dám cho con đi nước ngoài nữa-1
Ông Thượng có một con trai đang làm việc tại Đức.

Mặc dù chỉ còn 1 cậu con trai sinh sống và làm việc tại Đức nhưng chừng đó dường như đã đủ để nuôi sống gia đình này. Nhờ tiền của con trai gửi về, ông Thượng xây dựng một ngôi nhà 3 tầng vô cùng khang trang giữa cánh đồng quê. Trong xã của ông, nhiều ngôi biệt thự tương tự cũng dần dần mọc lên trong khoảng 10 năm trở lại đây, chủ yếu từ tiền của những đứa con tha hương gửi về. 

Đứng trên ban công ngôi nhà, hướng mắt ra cánh đồng lúa mênh mông, ông Thượng nói: "Nông dân ở đây không thể kiếm đủ tiền để sinh sống từ việc làm ruộng nữa". Ông Thượng đang muốn ám chỉ tới con đường đi nước ngoài, sang châu Âu để làm việc, mang về số tiền "khủng" với cơ hội đổi đời mà không biết rằng đằng sau đó là bao nhiêu giọt mồ hôi, nước mắt, thậm chí là máu và tính mạng.

Ước mơ đổi đời trả giá bằng cả tính mạng

Mimi Vu, người làm việc về các vấn đề liên quan đến buôn người và di cư, hiện sống tại thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ rằng rất nhiều người trẻ ở Việt Nam cho rằng những rủi ro khi làm việc ở nước ngoài là đáng giá. Bởi lẽ, dù có phải làm công việc bất hợp pháp ở châu Âu, họ vẫn kiếm được nhiều tiền hơn so với ở trong nước.

 

39 người chết trong container: Từ giờ không bố mẹ nào dám cho con đi nước ngoài nữa-2

Xã Đô Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An.

Cô Mimi Vu nói: "Họ đã có một truyền thống khá lâu đời là đi lao động nước ngoài để kiếm tiền và gửi về cho bố mẹ ở quê nhà. Bằng chứng là những ngôi nhà cao tầng ngày một mọc lên, rồi cả những chiếc xe máy mới, những doanh nghiệp nhỏ mở ra nhờ số tiền gửi về đó".

Thế nhưng không có thứ gì sẵn có mà không phải trả giá cả. Cái giá phải trả cho những đồng tiền, những ngôi nhà lớn đó có khi là tính mạng của cả một con người. Hôm 23/10, khi thông tin về chiếc container chứa 39 thi thể của người nhập cư trái phép vào Anh được phát hiện, cả thế giới đã chấn động trước những điều kinh khủng mà các nạn nhân phải trải qua. Ban đầu, cảnh sát Anh nhận định 39 thi thể có thể là người Trung Quốc nhưng hiện nay, trọng tâm điều tra đã chuyển sang Việt Nam sau khi hàng loạt gia đình ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh trình báo mất liên lạc với con cái.

"Từ giờ không bố mẹ nào dám cho con đi nước ngoài nữa"

Cách nhà của ông Thượng không xa, ông Lê Minh Tuấn, 58 tuổi, đang thắp hương trước bàn thờ tạm của anh con trai Lê Văn Hà, sinh năm 1991. Anh Hà bị nghi là một trong số những người bỏ mạng trên chiếc container tại Anh.

Ông Tuấn kể lại: "Vào hôm 21/10, Hà đã gọi điện về nhà nói rằng chuẩn bị lên một chiếc xe tải để vào Anh". Kể từ đó, gia đình ông Tuấn không liên lạc được với con trai nữa. Ông Tuấn nói rằng có người thân báo về anh Hà đã ở trên chuyến xe tử thần đó.

39 người chết trong container: Từ giờ không bố mẹ nào dám cho con đi nước ngoài nữa-3

39 người chết trong container: Từ giờ không bố mẹ nào dám cho con đi nước ngoài nữa-4

Ông Tuấn và chị Hà không thể cầm được nước mắt khi nhắc đến con trai, chồng.

Trước khi sang nước ngoài làm việc, anh Hà đã lấy vợ và có một cậu con trai. Tháng 7 năm ngoái, anh Hà đã bay sang Malaysia, sau đó tiếp tục sang Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. Để trả 700 triệu đồng phí môi giới cho đường dây buôn người sang nước ngoài, gia đình anh phải đi vay ngân hàng và thế chấp đất đai, nhà cửa cho ngân hàng. 

Khi anh Hà đặt chân đến Hy Lạp, người vợ Trần Thị Hà ở nhà đã sinh thêm một cậu con trai nữa. Bé trai 10 tuần tuổi mũm mĩm và kháu khỉnh, nằm ngủ trong vòng tay của người ông nội đang ứa nước mắt nói: "Bạn bè đã rủ thằng bé sang nước ngoài làm việc để có cuộc sống tốt hơn. Nó nói sẽ đến Anh để kiếm tiền và xây một ngôi nhà mới. Nó rất quyết tâm. Nhưng giờ tôi đã mất con trai rồi. Tôi mất cả tiền và giờ không biết nuôi gia đình mình như thế nào".

39 người chết trong container: Từ giờ không bố mẹ nào dám cho con đi nước ngoài nữa-5

Bàn thờ tạm của anh Hà được gia đình lập nên.

Nước Anh là điểm đến phổ biến cho những lao động Việt Nam nhập cư trái phép. Theo Cơ quan chống tội phạm quốc gia Anh (NCA), năm 2018, hơn 700 trường hợp nghi ngờ là nạn nhân của nô lệ thời hiện đại và buôn bán người đến từ Việt Nam, cao thứ 2 chỉ sau Albania. Theo số liệu của chính phủ Anh, hầu hết các trường hợp này đều bị nghi ngờ là nạn nhân của việc bóc lột sức lao động, thậm chí là tệ nạn xã hội.

Ông Hồ Văn Thành, chủ một cửa hàng tạp hóa tại xã Đô Thành cũng bùi ngùi và chua xót khi nghĩ về những người đã bỏ mạng nơi đất khách quê người. Ông Thành tin rằng vụ việc 39 người tử vong trong container ở Anh chắc chắc sẽ có ảnh hưởng lớn và lâu dài tới suy nghĩ của những người dân trong vùng.

"Chắc từ giờ sẽ không có bố mẹ nào dám cho con cái mình đi nước ngoài làm việc nữa. Nó quá rủi ro. Tiền thì quan trọng đấy. Nhưng có thứ còn quan trọng hơn nhiều, đó là con người, là mạng sống", ông Thành nói.

Theo Khám phá


39 người chết ở Anh

buôn người

vụ giết người


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.