Bác sĩ cấp cứu vụ cháy ở Trung Kính ám ảnh '14 chiếc cáng không một ai sống sót'

Trừ 3 người được đưa ra đầu tiên, những chiếc cáng còn lại của kíp cấp cứu rạng sáng nay không thêm một ai sống sót, hình ảnh ấy sẽ mãi ám ảnh bác sĩ Phúc.

5 giờ đồng hồ trong đám cháy hỗ trợ cấp cứu các nạn nhân, bác sĩ Hoàng Phúc, 44 tuổi, Trung tâm cấp cứu 115 - trạm cấp cứu khu vực Từ Liêm (Hà Nội), trở về đơn vị trong tiếng thở dài bất lực. Tham gia hàng trăm cuộc cấp cứu, đứng giữa lằn ranh sinh tử, anh vẫn không hết ám ảnh khi chứng kiến những nạn nhân bị lửa "nuốt" trọn.

Rạng sáng 24/5, ngay khi nhận được thông tin về đám cháy xảy ra ở khu nhà trọ trên phố Trung Kính, bác sĩ Phúc cùng đồng nghiệp chuẩn bị đồ tức tốc lên đường, hy vọng sớm nhất tiếp cận hiện trường, cấp cứu nạn nhân.

“Tôi không nghĩ đám cháy lớn đến như vậy ”, bác sĩ Phúc nói.

Bác sĩ cấp cứu vụ cháy ở Trung Kính ám ảnh 14 chiếc cáng không một ai sống sót-1
Kíp cấp cứu đưa nạn nhân ra khỏi hiện trường.

Xe cứu thương dừng lại mặt đường lớn, vụ cháy nằm sâu trong ngõ nhỏ, các kíp cấp cứu khẩn trương di chuyển vào bên trong. Đi khoảng 200m, toà nhà bị cháy hiện ra, khói đen, lửa bốc lên ngùn ngụt, tiếng la hét vang khắp ngõ, ai có chậu dùng chậu, ai có bình cứu hoả dùng bình cứu hỏa, tất cả nỗ lực mong cứu người thoát khỏi đám cháy sớm nhất.

Thấy đám cháy phức tạp, khu trọ đông người, bác sĩ Phúc dự liệu số người bị thương không nhỏ, nên gọi về tổng đài 115 để yêu cầu điều thêm nhân lực đến ứng cứu.

Thời điểm ấy theo thông tin từ đội cứu hộ có khoảng 24 người mắc kẹt trong đám cháy, gồm 7 người nhà chủ và 17 người thuê trọ. Trung tâm cấp cứu 115 điều động thêm 8 kíp cấp cứu từ các trạm trung tâm, Đống Đa, Thanh Trì, Hà Đông, Tây Hồ, Đông Anh đến hiện trường hỗ trợ. Tổng cộng 9 kíp cấp cứu, gần 30 nhân viên y tế sẵn sàng băng ca, thuốc để hỗ trợ nạn nhân.

Khi các kíp cấp cứu lần lượt đến, thì ngọn lửa đã bao trùm hai ngôi nhà. Nhìn đám cháy và cánh cửa đóng chặt lòng anh nóng như lửa đốt, dự cảm chẳng lành.

Ít phút sau, lực lượng cứu hộ đưa được cặp vợ chồng ra ngoài, may mắn nạn nhân tỉnh táo, tự đi lại và thở được, nhân viên y tế đưa họ đến nơi thoáng khí. Tiếp đến là cụ bà 84 tuổi, được đưa ra trong tình trạng khó thở, miệng mũi đầy khói bụi.

Kíp cấp cứu, vệ sinh mũi miệng bằng khăn ướt, cho cụ thở oxy mask, đánh giá tình trạng đường thở, tim mạch của bà. Cụ bà có biểu hiện suy hô hấp, ngạt khí, nguy cơ tử vong cao nên nhanh chóng được chuyển tới cứu tại Bệnh viện Giao thông Vận tải.

Bác sĩ cấp cứu vụ cháy ở Trung Kính ám ảnh 14 chiếc cáng không một ai sống sót-2
Cụ bà được anh Phúc sơ cứu đang nằm điều trị tại Bệnh viện Giao thông Vận tải.

Đội cứu hoả vẫn nỗ lực chiến đấu với giặc lửa, ít phút bên trong đám cháy lại đưa ra một người, thân hình đen, bám đầy khói không còn nhìn ra khuôn mặt. Các bác sĩ khẩn trương tiếp cận, hô hấp nhân tạo, sơ cứu mong phép màu đưa nạn nhân trở lại, nhưng bao nhiêu nỗ lực đều không tác dụng.

14 chiếc cáng đưa ra, phủ khăn kín người, không một ai sống sót. Cứ thế, 9 chiếc xe cứu thương không ngừng lăn bánh, nhưng thay vì đưa người đến khoa cấp cứu, thì đưa họ vào nhà tang lễ tại Cầu Giấy, Viện 198 chờ người thân nhận diện.

Ngôi nhà tại ngõ 119 Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy (Hà Nội) bốc cháy dữ dội khoảng 0h30 ngày 24/5. Chỉ trong ít phút, lửa bùng lên dữ dội kèm nhiều tiếng nổ. Nguyên nhân ban đầu được cho là có thể xuất phát từ chập, cháy xe đạp điện.

Ít nhất 14 người thiệt mạng. 6 người bị thương cấp cứu tại Bệnh viện Giao thông Vận tải, trong đó, có 4 người lớn, 2 trẻ nhỏ. Người nặng nhất là cụ bà 84 tuổi, bị suy hô hấp nặng đang được điều trị tại khoa Hồi sức tích cực, 5 người còn lại nhẹ hơn nằm thở oxy tại khoa Cấp cứu.

Theo VTC News

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vtcnews.vn/bac-si-cap-cuu-vu-chay-o-trung-kinh-am-anh-14-chiec-cang-khong-mot-ai-song-sot-ar873126.html

Trung Kính

cháy nhà

Hà Nội


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.