Bé gái bị mẹ nuôi đánh gãy chân: Nụ cười bé thơ và nỗi xót xa

Sức khỏe của bé T. đã dần hồi phục sau hơn nửa tháng được các bảo mẫu ở Trung bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè chăm sóc, nuôi dưỡng.

Sức khỏe của bé T. đã dần hồi phục sau hơn nửa tháng được các bảo mẫu ở Trung bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè (quận Bình Thạnh, TP.HCM) chăm sóc, nuôi dưỡng.

Bé N.T.B.T là bé gái bị người mẹ nuôi của mình là bà Nguyễn Thị Mỹ Lan đánh đến gãy chân chỉ vì biếng ăn, hay khóc.

Ngày 13-4 vừa qua, Công an quận 9 (TP.HCM) đã khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Mỹ Lan về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác. Bà Lan đang có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi nên được tại ngoại.

Bé gái bị mẹ nuôi đánh gãy chân: Nụ cười bé thơ và nỗi xót xa-1

Bé T. khi vừa được đưa vào BV Nhi đồng 2. Hiện bé được đưa vào Trung tâm bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè (quận Bình Thạnh, TP.HCM). ẢNH: CACC.

Bé gái đã chịu cười đùa

Sau khi tiếp nhận thông tin từ phía công an, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội quận 9 đã báo cáo sự việc lên Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP. Sau đó, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP nhanh chóng đưa bé T. vào Trung tâm bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè để chăm sóc theo diện “cần được bảo vệ khẩn cấp”.

Một cán bộ của Phòng Lao động-Thương Binh và Xã hội quận 9- người trực tiếp đưa bé đến Trung tâm bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè khi nhắc đến em đã rất đau xót: “Mình chưa bao giờ nghĩ là người ta có thể đánh một đứa bé mới hơn một năm tuổi như vậy”.

Chúng tôi đến thăm bé với mong muốn được biết sức khỏe của em tiến triển như thế nào. Thật mừng! Sắc mặt T. đã tươi tắn hơn, em đã biết cười khi các cô ở trung tâm đùa giỡn. Hiện T. chỉ uống sữa, vẫn chưa ăn uống được nhiều.

Bế bé T. trên tay, người bảo mẫu hiện đang trực tiếp chăm sóc cho bé nhớ lại ngày đầu mới tiếp nhận em: “Lúc mới đưa bé T. vô trung tâm, ánh mắt hốt hoảng, vẫn còn ám ảnh rất nhiều. Cứ đến đêm là bé hay giật mình rồi khóc ré lên, dỗ dành mấy cũng không nín được. Bé bị sổ mũi, mỗi lần mấy cô lấy khăn lau mũi cho bé thì bé sợ, cứ lấy tay gạt ra. Nhìn lại mới thấy chỗ đó trúng ngay vết thương bé bị đánh giờ để lại sẹo, càng thấy vậy mình lại càng thương. Con gái mà có cái sẹo ngay trên miệng vậy sau này lớn lên chắc mất tự tin với mọi người lắm”.

Rồi cô bảo mẫu nói thêm: “Giờ thì bé quen rồi, đã chịu giỡn với mấy cô. Giỡn mà cái gì trúng ý là bé cười to lắm, rất dễ thương. Khi cái chân được tháo bột, các cô sẽ tập để bé đi lại từ từ”.

Đồng hồ điểm 11 giờ trưa, đã đến giờ cho bé bú sữa và đi ngủ. Cô bảo mẫu ẵm T. trên tay, cười đùa rồi bế em vào giường. Gương mặt bé lúc đó rạng rỡ hẳn, nhoẻn miệng cười, nằm gọn trong vòng tay của cô bảo mẫu.   

Bố mong sẽ có ngày đón con về

Khi đến trung tâm thăm T., tôi có hỏi cán bộ ở đây rằng từ đó đến nay có bố mẹ đến thăm em chưa?. Ai cũng lắc đầu…

Tôi bấm số gọi vào máy của anh Nguyễn Bá D. (quê Thanh Hóa), bố của bé thì được biết hiện anh đã về Đăk Nông.  

Anh D. nói, hiện tại anh và vợ là chị và Nguyễn Thị V. (quê Đắk Nông) đã không còn chung sống với nhau. “Tôi về Đăk Nông kéo loa đi hát, bán kẹo kéo kiếm tiền sống qua ngày, còn V. thì về miền Tây ở”, anh D. nói.

Chị V. từng có con riêng với người khác, sau khi về sống chung như vợ chồng với D. thì hai người có thêm hai đứa con chung. Hai người không có công việc ổn định lại phải nuôi ba đứa con nhỏ nên hoàn cảnh rất khó khăn.

Sau khi sự việc không hay xảy ra, bé T. được đưa vào nuôi dưỡng ở Trung tâm, một bé thì được anh D. đưa về quê Thanh Hóa cho bà nội nuôi nấng. Riêng chị V. thì dẫn theo đứa con riêng về miền Tây.

Tâm sự với chúng tôi, anh D. bảo đứa bé được bà nội nuôi dưỡng ở quê hiện đang theo học mầm non. Số tiền anh kiếm được từ việc đi hát rong, bán kẹo kéo chỉ vừa đủ để trang trải cuộc sống của anh và gửi về để chăm lo cho bé.

Khi tôi nhắc đến T. thì anh nói: “Nói thật là lúc đó tôi nhận của bà Lan 5 triệu đồng là vì quá túng quẫn. Vợ tôi bị bệnh động kinh, cứ mỗi lần ẵm con là lại co giật liên tục. Một mình tôi đi làm nuôi ba đứa con, lại thêm người vợ bị bệnh, cảm thấy không đủ khả năng chăm sóc con nên tôi giao lại cho bà Lan. Ai ngờ đâu…”.

Anh D. nói với tôi về dự định của mình, rằng anh cố gắng kiếm thêm việc làm, để dành tiền rồi về TP.HCM một chuyến. “Tôi cũng muốn đến thăm T. và muốn được đưa con về để nuôi. Nhưng tôi không biết chính xác là khi nào cả… Có khi con ở đó lại tốt hơn là về bên tôi, phải không chị?”, anh D. hỏi tôi qua điện thoại.

Ừ thì, tôi đành thừa nhận với D. rằng để T. ở Trung tâm bảo trợ sẽ tốt hơn cho em, và cho cả anh với điều kiện như hiện nay. D. trả lời tôi bằng một tiếng: “Ừ!”.

D. cúp máy, khi tôi chưa kịp hỏi anh một câu cuối, rằng: “Liệu có bao giờ anh nghĩ đến những tổn thương mà con gái anh đang phải gánh chịu?”.

Những trận đòn đến gãy chân, vết thương ngoài da theo thời gian rồi cũng sẽ lành lặn. Thế nhưng, còn vết sẹo trong lòng khi sau này con lớn lên thì sao?. Khi không thể sống trọn vẹn trong tình thương của bố mẹ - đó mới là nỗi đau dai dẳng suốt cuộc đời của cô con gái bé bỏng cho đến tận sau này!

Như đã thông tin, vào tháng 3-2019, Công an phường Bến Nghé (quận 1) thông tin với Công an phường Phú Hữu (quận 9) về trường hợp một bé gái 1 tuổi, quê Đắk Nông có dấu hiệu bị bạo hành đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2.

Phía công an sau khi tiếp nhận thông tin đã đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 thăm hỏi, lấy lời khai những người liên quan làm rõ vụ việc. Qua điều tra bước đầu, cháu bé bị bạo hành là con của anh Nguyễn Bá D. (quê Thanh Hóa) và chị Nguyễn Thị V. (quê Đắk Nông).

Công an đã mời bà Lan lên làm việc, đưa cháu bé đi giám định thương tích để phục vụ quá trình điều tra. Tại trụ sở làm việc, bà Lan đã thừa nhận hành vi đánh cháu bé đến gãy chân, đa chấn thương phần mềm vì cháu bé biếng ăn, hay khóc.

Kết quả giám định pháp y cho thấy, cháu bé chấn thương gãy thân xương đùi trái, đa chấn thương phần mềm. Ngoài ra, công an còn phát hiện nhiều vết thương cũ ở tay, chân... với tổng tỉ lệ thương tích trên 58%.

Ngày 13-4, Công an quận 9 (TP.HCM) đã khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Mỹ Lan về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác. Bà Lan đang có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi nên được tại ngoại. Riêng bé T., Công an quận 9 đã phối hợp với UBND quận 9 làm thủ tục gửi vào Trung tâm Bảo trợ xã hội chăm sóc.

 
Theo Pháp luật TPHCM


bạo hành trẻ em

mẹ nuôi


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.