Cai nghiện ma túy: Những... kỷ lục buồn

Cai nghiện ma túy chưa bao giờ là dễ đối với người nghiện và người làm công tác cai nghiện

Cai nghiện ma túy chưa bao giờ là dễ đối với người nghiện và người làm công tác cai nghiện. Một điều buồn là những thầy cô giáo ở đây thỉnh thoảng vẫn gặp lại học trò. Nhưng có người đến 8 lần đi cai thì cũng được gọi là kỷ lục buồn.

8 lần đi cai vẫn chưa hết nghiện

Tôi gặp Nguyễn Văn Thu (35 tuổi, quê ở huyện Kinh Môn, Hải Dương), đang làm lớp trưởng một lớp học ở Trung tâm cai nghiện Hải Dương. So với các học viên khác, Thu nhìn rất nổi bật, anh giống như một vận động viên bóng chuyền bởi chiều cao gần 1,9m, rất khỏe mạnh. Được hỏi là lần thứ mấy đi cai rồi, Thu thật thà nói đã... 8 lần vào đây.

Cai nghiện ma túy: Những... kỷ lục buồn-1

 Các học viên nữ trên đường trở về sau buổi lao động. Ảnh: G.T

Thu kể: “Nhà em có 3 chị em, chị gái đang làm huấn luyện viên bóng chuyền của đội tuyển than Quảng Ninh, em trai làm doanh nghiệp. Chỉ còn mỗi em là… chưa nên người thôi”.

Với “bề dày” kinh nghiệm bản thân, Thu nhận định, để cắt được cơn thèm ma túy không phải là dễ nhưng cũng không quá khó, chỉ độ 1 tuần là không còn cảm giác thèm ma túy nữa. Nhưng ra ngoài đời phải có môi trường sống phù hợp thì người nghiện mới có nghị lực để vượt qua được.

Thu cho biết thêm: “Em nghiện từ hồi đi học cấp 3 chỉ vì thích thể hiện là người lớn, là người hùng nên chơi ma túy. Rồi từ đó, cứ trượt dài không bỏ được. Có một lần em đã bỏ ma túy được độ 3 năm, đi làm vệ sĩ trên Hà Nội, được mọi người rất quý. Em cũng đã tính đến chuyện tìm ai đó để yêu rồi xây dựng gia đình. Trung thu 2015, tự nhiên em bị sốt cao, nhà anh chị giám đốc công ty vệ sĩ tổ chức trung thu mà em không dự được, người cứ sốt đùng đùng. Anh chị đưa em vào Bệnh viện 354 khám, sau khi có kết quả xét nghiệm máu, bác sĩ thông báo em bị nhiễm HIV. Nghe tin đó em như người chết đuối, không biết bấu víu vào đâu. Mà cũng không nhớ được là mình bị HIV trong hoàn cảnh nào. Buồn chán, nghĩ mình sắp chết, em lại lao vào ma túy để và nghĩ sẽ nghiện cho đến lúc nào hết sức thì thôi".

Cách đây 2 năm, một cú sốc nữa xảy ra với Thu. Cha Thu đột ngột qua đời. Thấy mình nghiện ngập làm cho mẹ lo lắng quá, Thu đã xin mẹ tự nguyện đưa mình vào trung tâm cai nghiện. Từ ngày vào trung tâm, Thu là một trong những học viên tích cực, hoạt động gương mẫu, được bầu làm lớp trưởng tham gia giúp đỡ nhiều học viên khác cùng tiến bộ.

Khi tiếp xúc với chúng tôi, Thu khoe em vào trung tâm được các thầy đưa vào chế độ chạy thuốc ARV, đã tăng được hơn 10kg và giờ thấy sức khỏe rất ổn. "Hôm trước mẹ em lên thăm, nói Tết này mẹ em đón về. Em cũng đã xác định, mình nhiều tuổi rồi, sức khỏe đã xuống, về lần này sẽ ra công ty của bạn học cấp 3 làm và dứt khoát cai nghiện ma túy".

Chuyện của Linh

Chúng tôi vào phòng ở của các nữ học viên tại Trung tâm cai nghiện Hải Dương đúng giờ nấu cơm trưa và gặp cô bé Trịnh Thị Mỹ Linh (sinh năm 1998). Năm nay Linh tròn 20 tuổi nhưng đã có con trai 4 tuổi đang gửi bà ngoại. Học lớp 7 Linh đã bắt đầu dùng ma túy. Sau những lần đi bay lắc và sống không kiểm soát, đang học lớp 10 thì Linh mang bầu, rồi nghỉ học làm mẹ ở tuổi vị thành niên.

Do còn trẻ cộng với cuộc sống gia đình nhiều xung khắc, Linh bỏ chồng, đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan. Được 7 tháng thì em trốn ra ngoài làm lao động tự do rồi bị bắt và bị trục xuất về Việt Nam. Về nhà được một thời gian thì Linh sử dụng ma túy mất kiểm soát, cãi nhau với mẹ đẻ, cầm dao đâm vào tay mẹ.

Linh kể, trước kia nhà em ở Quảng Ninh, bố em là lái xe ở trong mỏ than, mẹ làm ăn buôn bán. Mọi tai ương ập đến khi anh trai Linh 7 tuổi bị tai nạn chết, bố em bị trầm cảm nặng, không tỉnh táo được nữa. Không chịu được cảnh đó, mẹ Linh bế em về quê ngoại ở Tứ Kỳ, Hải Dương để sống.

Vào một buối tối, mẹ bỏ đi chơi với người đàn ông khác, em chạy theo mẹ khóc đòi được đi theo, nhưng mẹ đã đánh em và đuổi về. Từ đó, Linh lầm lì không nói gì, mẹ cũng mặc kệ, suốt ngày mắng mỏ và đánh đập em. Tới năm lớp 7, thấy em lúc nào cũng buồn, mấy chú hàng xóm bảo dùng ma túy đá sẽ vui và không còn buồn nữa, thế là em nghiện.

“Lần gần đây nhất là khi em bị trục xuất từ Đài Loan về tới sân bay, em mượn điện thoại gọi cho mẹ nói: “Mẹ ơi mẹ đến đón con đi!”. Mẹ em trả lời: “Mày đừng về nhà tao nữa, muốn đi đâu thì đi”. Thế là em không được về nhà với mẹ và con trai em”, Linh kể.

Linh phải thuê nhà trọ ở gần nhà mẹ, mở cửa hàng xăm nghệ thuật. Lúc nào mẹ đi vắng em mới trốn về thăm con trai, xong lại đi. Sau những phút trải lòng với chúng tôi, Linh bộc bạch: “Nói thật, bây giờ em hoàn toàn bình thường và chắc chắn không còn nghiện ma túy nữa. Em chỉ ước mẹ em không nóng tính, em được nói chuyện bình tĩnh với mẹ. Ước gì mẹ tin em 1 lần thôi là không bao giờ em sa ngã, tìm niềm vui trong ma túy nữa. Em chỉ ước được mẹ em thấu hiểu lòng em, Tết này cho em về nhà với con trai, với mẹ, được ăn Tết cùng gia đình”.

Theo Dân Việt


kỷ lục

cai nghiện ma túy


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.