Câu chuyện xúc động về mẹ: 36 năm nuôi con trai lớn tồng ngồng vẫn ngây dại bên mẹ già bệnh tật

Dù 36 tuổi nhưng anh Vọ chẳng khác nào trẻ lên ba, chỉ biết ú ớ cười nói suốt ngày.

Nghe thấy tiếng con trai la hét, bà Quăn vội bỏ tô cơm chiều chưa kịp ăn vội vã chạy lại bên con. Chiếc lồng sắt được mở ra cũng là lúc người con trai trạc tuổi, không quần áo trên người òa vào lòng bà Quăn để nũng nịu. Dù 36 tuổi nhưng anh Vọ chẳng khác nào trẻ lên ba, chỉ biết ú ớ cười nói suốt ngày.

Con dù lớn thế nào, với mẹ vẫn là đứa trẻ lên ba

Nhiều năm nay, người dân ở ấp Giữa, xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh không còn xa lạ với hình ảnh một người mẹ già còng lưng, đi lang thang bán từng tấm vé số để về nuôi người con trai khờ bệnh tật. Dù đã ở tuổi xế chiều nhưng cuộc sống của bà Sơn Thị Quăn (72 tuổi, dân tộc Khơ-me) chưa một ngày nhàn hạ khi phải chạy vạy từng ngày để lo cơm nước, thuốc men cho anh Thạch Vọ (36 tuổi, bị viêm não thần kinh).

Suốt 36 năm qua, anh Vọ lớn lên trong tình yêu thương vô bờ bến của bà Sơn Thị Quăn.

Dù đã lớn tuổi nhưng anh Vọ chẳng khác nào đứa trẻ lên ba, chỉ biết cười nói suốt ngày.

Ngồi lặng lẽ một góc trong căn nhà lá, bà Quăn cố nheo đôi mắt lờ mờ của mình, đếm đi đếm lại những tấm vé số còn trên tay. Cách đó vài bước chân, anh Vọ đưa đôi tay thò ra ngoài lồng sắt, ú ớ gọi bà Quăn rồi chỉ vào chiếc bụng đói, chốc chốc phá lên cười sằng sặc. Dù đã 36 tuổi nhưng anh Vọ chẳng khác gì một đứa con nít, chỉ biết quanh quẩn trong chiếc lồng sắt rồi đợi mẹ cho ăn uống, tắm rửa mỗi ngày.

Bỏ xấp vé số xuống giường, bà Quăn vội bới tô cơm rồi xúc vài muỗng đường trộn vào, lụi hụi đi tới chỗ anh Vọ, miệng lẩm bẩm: "Út ngoan của mẹ ăn cơm nào, đừng la nữa, ăn xong ở nhà ngoan để mẹ đi bán vé số mua thịt cá cho út ăn".

Được mẹ cho ăn cơm, anh Vọ lại ngoan hiền, nũng nịu dưới đôi tay gầy của mẹ.

Từng miếng ăn, giấc ngủ của anh Vọ đều một tay bà Quăn chăm sóc.

Lết lại chỗ bà Quăn, anh Vọ múa đôi tay, vừa ra vẻ mừng rỡ rồi cười tít mắt. Mỗi lần nhìn thấy con như vậy, bà Quăn lại rớt nước mắt. "Bà tới 7 người con lận, một đứa chết rồi, những đứa kia có vợ có chồng cả, chỉ có mỗi thằng út chịu ở với bà già này. Có vui buồn gì hai mẹ con cũng nói với nhau, nó khờ khạo vậy chứ biết hết".

Theo bà Quăn, bệnh của anh Vọ tái phát từ năm 3 tuổi, anh bị sốt cấp tính viêm não thần kinh. Dù được gia đình đưa đi bệnh viện cứu chữa nhưng không khỏi, sau đó anh Vọ như một đứa trẻ, chỉ biết ú ớ cười nói suốt ngày.

Chiếc lồng sắt vô hình là nơi ngăn cách cuộc sống của hai mẹ con.

Từ khi chồng mất, gần 20 năm qua, một mình bà Quăn phải lo toan tất cả.

"Sau khi chồng bà mất, mấy đứa con cũng lập gia đình cả, bà chỉ còn mỗi thằng Vọ ở bên. Nó lớn thế rồi chứ chẳng bao giờ chịu mặc quần áo đâu, cứ mặc vô là xé rách cả. Có nó tuy cực mà vui, chứ sống lủi thủi một mình sao bà chịu nổi", bà Quăn nghẹn ngào nói.

Để có tiền trang trải cuộc sống, mỗi ngày bà Quăn phải thức dậy từ sáng sớm, sau khi lo cơm nước cho anh Vọ, bà lại lang thang khắp xóm để bán từng tấm vé số. Dù có đông con nhưng ai cũng nghèo khổ, lo lắng cho gia đình riêng ở xa nên chẳng phụ giúp gì cho bà. Mấy chục năm qua, dù trời mưa hay nắng, bà Quăn chẳng một ngày nào dám nghỉ ngơi bởi bà biết, một ngày không đi làm là ngày đó hai mẹ con bà phải nhịn đói.

Những tấm vé số bán được mỗi ngày là cần câu cơm cho hai mẹ con bà Quăn.

Đôi chân già yếu, mỏi mệt của mẹ không biết phải đi bao nhiêu lâu nữa để nuôi con khờ khạo.

"Bà già rồi có nhịn đói cũng được chứ thằng Vọ đang tuổi ăn tuổi lớn, để nó đói bụng bà không đành. Hôm nào hết gạo thì hai mẹ con ăn cháo, cơm mắm như vậy qua ngày là hạnh phúc rồi", bà Quăn tâm sự.

Bà chết rồi, thằng Vọ không biết sống với ai

Đưa đôi tay nắm lấy chiếc lồng sắt, anh Vọ cố tìm cách thoát ra ngoài, suốt mấy chục năm qua, cuộc sống của anh chỉ gói gọn trong chiếc lồng sắt bé nhỏ, nơi anh chỉ biết có một người mẹ già mỗi ngày đều cặm cụi lo cơm nước, tắm rửa cho mình.

Không có tiền mua cá thịt, bữa cơm trắng trộn với đường cũng đủ để hai mẹ con có được một bữa no.

Cuộc sống của anh Vọ gói gọn trong chiếc lồng sắt được mọi người đóng cho.

Nhìn đứa con trai trần truồng, ngây ngô như một đứa trẻ, bà Quăn ứa nước mắt: "Bà không biết sau này chết đi, thằng Vọ sẽ sống như thế nào nữa. Mấy chục năm nay, bà là người thân duy nhất của nó, nó có tiếp xúc với ai nữa đâu. Nó có điên, có dại cũng là khúc ruột của bà, sao mà nỡ bỏ nó được. Nhìn khùng điên vậy thôi chứ biết hết, nó thương bà lắm", nói đoạn, bà Quăn ôm anh Vọ vào lòng, khẽ xoa đầu rồi nói tiếp.

"Mấy năm trước bà để nó ở nhà một mình, không có nhốt như vầy đâu. Mà nó đi lạc hoài, có đợt bà phải đi kiếm nó tận mấy hôm, sợ mất con quá nên sau này không dám nữa, người dân ở đây thương bà nên mới mua cái khung sắt làm chỗ ăn ngủ cho thằng Vọ để nó khỏi bỏ đi. Vệ sinh tắm rửa cho nó, bà đều làm hết, riết rồi quen, có cực khổ gì đâu, con của mình mà", bà Quăn nói.

Bà Quăn rớt nước mắt mỗi khi chứng kiến con trai phát bệnh, la hét mỗi ngày.

Những đồ ăn được hàng xóm cho được bà Quăn kho lại kỹ lưỡng để cho anh Vọ dùng cơm.

Dường như cảm nhận được tất cả tình cảm của người mẹ già dành cho mình, anh Vọ ngoan ngoãn ngồi yên trong lòng mẹ, chốc chốc lại đưa đôi bàn tay khều lấy tay mẹ để biểu hiện tình thương.

36 năm có mặt trên đời, chưa một ngày nào anh Vọ sống thiếu bàn tay chăm sóc của mẹ. Dẫu cho người mẹ ấy mỗi ngày một già đi, sức khỏe cũng không còn được như trước nhưng tình yêu thương, sự chăm sóc dành cho anh không hề thay đổi.

Tuổi cao sức yếu, cái bụng bà Quăn lại bị chướng, to bất thường nhưng bà không có tiền để đi khám.

Không biết một mai bà Quăn lỡ có mất đi, anh Vọ sẽ nương tựa vào ai?

Chỉ tiếc là: "Mấy tháng nay bà bị đau bụng, nó sưng lên to lắm, giống bị chướng trong bụng nhưng bà không có tiền để đi khám. Ngày nào đau lắm thì ra tiệm thuốc tây để mua cầm chừng để đi bán vé số để mua gạo về nấu cơm cho thằng Vọ. Bà già rồi chết đi không sao, chỉ tội cho thằng Vọ, không biết nó sẽ thế nào", bà Quăn bật khóc.

Theo bà Quăn, để có tiền lo cơm ngày ba bữa, thuốc men cho anh Vọ mỗi lúc ốm đau, bà phải đi bán vé số mỗi ngày. Dù tuổi đã cao, lại bệnh tật nhưng bà Quăn không còn sự lựa chọn nào khác. Bà chỉ ước có được một số tiền để bà đi lên TP.HCM khám cái bụng, anh Vọ có được một bữa cơm đầy đủ hơn là bà hạnh phúc lắm rồi.

Con dù lớn vẫn là con của mẹ...

Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con...

"Nhiều hôm thằng Vọ không chịu ăn cơm với mắm, phải dỗ ngọt nó mới chịu ăn, nó đòi cá thịt mà bà làm gì có tiền mà mua. Nhiều lúc nghĩ quẩn, bà chỉ muốn hai mẹ con chết đi cho bớt khổ", bà Quăn nghẹn lời.

Trước hoàn cảnh khó khăn của hai mẹ con bà Quăn khi phải chạy lo cơm ngày ba bữa, bà Quăn lại mang bệnh trong người nhưng gia đình không có tiền để thăm khám, chúng tôi tha thiết kêu gọi quý độc giả gần xa quan tâm, hỗ trợ để cuộc sống của hai mẹ con bà Quăn được tốt hơn.

Chỉ mong hai mẹ con bà Quăn có được một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Trước mắt là bà Quăn có được ít tiền để đi lên TP.HCM khám bệnh, anh Vọ cũng đầy đủ cơm ăn ngày ba bữa.

Mọi đóng góp xin vui lòng liên hệ số điện thoại bà Sơn Thị Quăn: 01696042193.

Hoặc thông qua số tài khoản ngân hàng Vietcombank: 0741000665101.

Chủ tài khoản: Sơn Thị Quăn, chi nhánh ngân hàng tỉnh Trà Vinh.

Xin chân thành cảm ơn!

 

Theo Thời đại


ngây dại

bán vé số

bệnh tật

Nuôi con


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.