Hé lộ về những 'bóng hồng' quyền lực trong đường dây đánh bạc nghìn tỉ

Các nữ bị can rơi vào vòng lao lý khi tiếp tay cho đường dây đánh bạc ngàn tỉ.

Các nữ bị can rơi vào vòng lao lý khi tiếp tay cho đường dây đánh bạc ngàn tỉ.

Ngày 31/8, VKSND tỉnh Phú Thọ hoàn tất cáo trạng trong vụ án đánh bạc nghìn tỉ xảy ra ở Phú Thọ và một số tỉnh, thành phố trên cả nước.

Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Phú Thọ, 92 bị can bị truy tố với 6 tội danh, trong đó, 16 nữ bị can bị cơ quan công tố truy tố các tội danh như Tổ chức đánh bạc, Rửa tiền, Mua bán trái phép hóa đơn,…

Nữ doanh nhân "nhúng chàm"

Lưu Thị Hồng (42 tuổi, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) là một trong 16 nữ bị can sẽ phải hầu tòa trong vụ đánh bạc nghìn tỷ. Hồng từng là cổ đông góp vốn 1,52% vào Công ty TNHH đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao (CNC) do Nguyễn Văn Dương sáng lập.

Tài liệu truy tố xác định, sau khi Dương và Phan Sào Nam (Chủ tịch Công ty VTC Online) thống nhất hợp tác phát hành phần mềm đánh bạc trực tuyến, Dương đã chỉ đạo Lưu Thị Hồng ký hợp đồng với Công ty VTC Online về việc cung cấp dịch vụ cho hệ thống Rikvip.

Theo thỏa thuận trong hợp đồng được nữ Tổng giám đốc ký với đối tác, CNC hưởng lợi từ 30-40% tùy mức doanh thu nhiều hay ít.

Quá trình vận hành game bài Rikvip (giai đoạn 2 là Tip.club), Lưu Thị Hồng còn thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch CNC, ký nhiều hợp đồng cung cấp các dịch vụ liên quan đến Rikvip/ Tip.club với nhà mạng nhằm thu hút người chơi để thu lời bất chính.

Theo cáo buộc, trong thời gian CNC được ông Phan Văn Vĩnh và ông Nguyễn Thanh Hóa tạo điều kiện để đánh bạc trên mạng, nữ Tổng giám đốc sinh năm 1976 còn nhận chỉ đạo của Nguyễn Văn Dương, đưa 600 triệu đồng tiền Tết cho C50. Số tiền này được ông Võ Tuấn Dũng (lúc đó là Trưởng phòng 1 của Cục C50) nhận 2 lần vào các năm 2015 và 2016.

Quá trình điều tra, Hồng đã chủ động khai báo về nội dung này. Từ đó, cơ quan điều tra đã chứng minh việc Lưu Thị Hồng đưa 600 triệu đồng cho C50 là có thực.

VKSND quy buộc Lưu Thị Hồng phạm tội Tổ chức đánh bạc với vai trò đồng phạm giúp sức. Nữ bị can đã thành khẩn khai báo, có nhân thân tốt nên được xem xét tình tiết giảm nhẹ.

Trong số những nữ doanh nhân vướng lao lý vì đường dây của 2 trùm cờ bạc nghìn tỷ, Châu Nguyên Anh nguyên là Giám đốc điều hành Công ty CP thanh toán điện tử VNPT EPAY.

Cơ quan điều tra thực hiện lệnh bắt để tạm giam đối với bị can Châu Nguyên Anh - Ảnh: Công an Nhân dân

Cơ quan công tố cáo buộc, cuối 2015, Nguyễn Văn Dương chỉ đạo cấp dưới kết nối thêm với các công ty thanh toán trực tuyến để người chơi có thêm lựa chọn khi mua thẻ cào viễn thông phục vụ game bài Rikvip.

Theo thỏa thuận, các công ty thanh toán giao dịch tiền với Công ty CNC nhưng không xuất hóa đơn. Hàng loạt doanh nghiệp đã từ chối, chỉ có VNPT EPAY và một số công ty khác đồng ý sẽ thanh toán một phần sản lượng bằng tiền mặt cho Công ty CNC nhưng không xuất hóa đơn.

Để hợp thức khoản tiền không có hóa đơn này, nữ giám đốc điều hành 39 tuổi cùng đồng phạm đã thỏa thuận để nâng khống doanh số hóa đơn lên 1.200 tỷ đồng. Trong đó, doanh số nâng khống xác định là 650 tỷ.

VKS xác định Châu Nguyên Anh là Giám đốc điều hành VNPT EPAY. Tuy nhiên, nữ bị can không trực tiếp bàn bạc hay thống nhất thỏa thuận với các đối tác trong việc tổ chức đánh bạc. Trong vụ án, Nguyên Anh không được hưởng lợi.

Do hết thời hạn điều tra, Cơ quan chức năng đã đình chỉ điều tra đối với Châu Nguyên Anh về hành vi Tổ chức đánh bạc.

Tại cơ quan điều tra, nữ giám đốc sinh năm 1979 đã thừa nhận hành vi Mua bán trái phép hóa đơn. VNPT EPAY đã nộp khắc phục hậu quả số tiền 53 tỷ đồng.

Đỗ Bích Thủy (46 tuổi, trú quận Tân Bình, TP.HCM) là Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ phát triển đầu tư Nam Việt. Thủy là con chị gái ruột mẹ Phan Sào Nam (một trong 2 "ông trùm" đường dây đánh bạc nghìn tỷ).

Theo cáo trạng, năm 2015, Phan Sào Nam đến gặp chị họ, trao đổi cho Nam mượn pháp nhân Công ty Nam Việt để xây dựng phần mềm trò chơi trực tuyến. Thủy đã đồng ý với đề nghị đó.

Giữa 2015, Nam ký hợp đồng với Đỗ Bích Thủy về việc phát triển và khai thác kinh doanh phần mềm thương mại Rikvip. Trong đó, phí bản quyền phần mềm theo thảo thuận là 600 triệu đồng. Công ty Nam Việt được hưởng 30% doanh thu.

Sau khi ký hợp đồng, Thủy phân công Hoàng Thành Trung (Phó giám đốc Công ty Nam Việt) phụ trách Văn phòng đại diện tại Hà Nội. Từ đó, Thủy và Trung tiếp nhận 36 nhân viên từ công ty của Phan Sào Nam vào làm việc và tuyển dụng thêm hàng chục người khác để vận hành game bài Rikvip.

Trong vụ án, VKSND tỉnh Phú Thọ cáo buộc sau khi đồng ý cho Phan Sào Nam mượn pháp nhân Công ty Nam Việt, Đỗ Bích Thủy đã chỉ đạo cấp dưới xây dựng phần mềm, vận hành hệ thống Rikvip để tổ chức đánh bạc trên mạng.

Thủy bị cáo buộc hành vi Tổ chức đánh bạc khi giúp ông trùm đường dây đánh bạc quản lý một phần doanh thu từ hành vi trái phép này.

Quá trình thực hiện, Nam bảo Thủy rút 50 tỷ đồng từ tài khoản của Công ty Nam Việt để gửi tiết kiệm, người hưởng thụ khoản tiền bất chính này là Thủy.

"Cha đẻ” của game bài Rikvip và Tip.Club vẫn đang bỏ trốn

Theo cáo trạng, do có mối quan hệ trước đây cùng công tác ở Công ty VTC công nghệ và nội dung số (gọi tắt là VTC Intecom) nên cuối năm 2014, Hoàng Thành Trung (SN 1978, ở Hoàng Mai – Hà Nội) đã chủ động gặp Phan Sào Nam bàn về việc có phần mềm và đội ngũ kỹ thuật giỏi, có thể triển khai phát triển, kinh doanh hệ thống phần mềm đánh bạc trực tuyến trên mạng internet bằng hình thức game bài nhưng cần đối tác phát hành.

Nam đồng ý và nói còn phải tìm đối tác phát hành vì loại hình game này phải được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép, duyệt nội dung, kịch bản. Trung đề nghị Nam nếu được thì tìm pháp nhân cho Trung xây dựng và phát triển phần mềm đánh bạc trực tuyến vì Trung còn đang làm trong Công ty VTC Intercom.

Từ trái qua phải: Hoàng Thành Trung, Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam - Ảnh: Công an Nhân dân

Sau đó, Trung tuyển đội ngũ kỹ thuật giỏi của Công ty VTC intercom sang Công ty Nam Việt để xây dựng phần mềm đánh bạc trực tuyến bằng game bài Rikvip/Tip.Club, 23Zdo, Zon/Pen; phối hợp vận hành hệ thống máy chủ; xây dựng và quản lý hệ thống 25 “đại lý cấp 1”, 5.877 “đại lý cấp 2” trên toàn quốc để tổ chức đánh bạc trực tuyến.

Đầu năm 2015, Phan Sào Nam gặp Nguyễn Văn Dương. Qua giới thiệu, Nam biết Công ty CNC là Công ty bình phong của C50 nên Nam đề nghị Dương hợp tác phát hành phần mềm đánh bạc trực tuyến trên mạng internet bằng hình thức game bài và đưa cho Dương bản tóm tắt về dự án game để Dương nghiên cứu trước khi quyết định. Sau khi nghiên cứu dự án, Nguyễn Văn Dương đã đồng ý, thống nhất nội dung hợp tác với Phan Sào Nam.

Phan Sào Nam khai đã chuyển cho Hoàng Thành Trung và Lê Văn Kiên để chi phí và cất giữ vàng, đô la Mỹ, trị giá 530 tỷ đồng.

“Hành vi trên của Hoàng Thành Trung đủ yếu tố cấu thành tội phạm “Tổ chức đánh bạc”, quy định tại điểm b, khoản 2 Điều 249 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).

Do Hoàng Thành Trung đã bỏ trốn ra nước ngoài, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định truy nã toàn quốc, đề nghị Ban Thư ký Interpol ban hành lệnh truy nã quốc tế nhưng chưa bắt được nên ra quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can, khi nào bắt được sẽ phục hồi điều tra, xử lý sau” – cáo trạng nêu rõ.

Theo Đời sống & Pháp luật


bóng hồng

Đường dây đánh bạc


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.