Huyện Thạch Thất dùng môi trường đổi lấy sự phát triển kinh tế?

Tình trạng ô nhiễm môi trường tại các cụm công nghiệp, làng nghề ở huyện Thạch Thất, Hà Nội đang báo động đỏ, nhưng chính quyền huyện có coi đó là vấn đề cấp bách cần giải quyết hay không?

Tình trạng ô nhiễm môi trường tại các cụm công nghiệp, làng nghề ở huyện Thạch Thất, Hà Nội đang báo động đỏ, nhưng chính quyền huyện có coi đó là vấn đề cấp bách cần giải quyết hay không?

Những năm qua, báo chí phản ánh rất nhiều về tình trạng ô nhiễm môi trường đến mức "báo động” tại rất nhiều cụm công nghiệp và làng nghề tại huyện Thạch Thất. Mọi yếu tố từ không khí, nước đến tiếng ồn tại địa phương này đều ô nhiễm vượt ngưỡng cho phép, và rác thải thì có thể dễ dàng bắt gặp ở nhiều nơi. Bài toán được đặt ra là như thế và nó cần có lời giải, đó chính là các biện pháp, phương án khắc phục để hạn chế, thậm chí chấm dứt sự ô nhiễm này.

Huyen Thach That dung moi truong doi lay su phat trien kinh te? - Anh 1

Ô nhiễm rác thải tại Phùng Xá - Thạch Thất (Ảnh: báo TNMT)

Trước hết, trách nhiệm này thuộc về UBND huyện Thạch Thất nói chung và phòng Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) huyện nói riêng. Thế nhưng, có vẻ như chính quyền huyện này đang bỏ mặc môi trường và đặt sự phát triển kinh tế lên trước nhất, minh chứng cho nghi ngờ này là cho đến nay, tình trạng ô nhiễm môi trường tại các cụm công nghiệp và làng nghề huyện Thạch Thất vẫn chưa có biến chuyển gì tích cực, còn kinh tế huyện thì ngày càng đi lên.

Tại Thông tư liên tịch số 50/2014/TTLT- BTNMT-BNV (khoản 7, điều 5, chương II) có quy định rõ một trong các chức năng, nhiệm vụ của Phòng TN&MT đó là: “Thực hiện công tác bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn, lập báo cáo hiện trạng môi trường theo định kỳ, đề xuất các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề, các cụm công nghiệp, khu du lịch trên địa bàn, thu thập, quản lý lưu trữ dữ liệu về tài nguyên nước, môi trường và đa dạng sinh học trên địa bàn”.

Quy định là như vậy nhưng trong buổi làm việc đầu tiên giữa Phóng viên (PV) và chị Nguyễn Thị Thu Hoài, Chuyên viên phòng TN&MT huyện Thạch Thất được Trưởng phòng ủy quyền làm việc với PV, chị này không cung cấp được các văn bản quan trắc môi trường định kỳ (báo cáo hiện trạng môi trường định kỳ) và đề án bảo vệ môi trường với lý do không thực hiện nên không có.

Khi được hỏi rằng tại sao không thực hiện quan trắc môi trường thì chị Nguyễn Thị Thu Hoài trả lời rằng: “Mỗi năm UBND huyện Thạch Thất chỉ phân bổ xuống cho Phòng 400 triệu đồng nên chúng tôi không có tiền làm, thậm chí là bây giờ xuống tận nơi, bảo các cơ sở sản xuất trong các làng nghề hay cụm công nghiệp kia bỏ tiền triệu ra để làm quan trắc theo quy định cũng khó”.

Vấn đề này cũng được chính ông Đào Xuân Ban, Trưởng phòng TN&MT huyện này xác nhận và thậm chí còn “chia sẻ” một cách thành thật rằng: “Chúng tôi chỉ dựa vào cảm quan để đánh giá thôi, kiểu như nghe, nhìn, ngửi, thấy; nhìn thấy nước bẩn thì nó là ô nhiễm nước, thấy họ phun sơn thì là ô nhiễm không khí, thực tế là bây giờ ở các cụm công nghiệp và làng nghề thì người ta đều xả trực tiếp nước thải ra bên ngoài, ngân sách cũng chỉ được phân bổ có đến thế, cũng khó khăn lắm”. Khi được PV đề nghị đánh giá một cách khách quan về việc Phòng TN&MT huyện Thạch Thất đã thực hiện tròn chức năng, nhiệm vụ của mình hay chưa, chưa nói đến việc thực hiện tốt thì ông Ban không trả lời.

Báo cáo hàng năm chỉ là báo cáo "khống", con số ảo?

Câu trả lời trên của vị Trưởng phòng và chuyên viên phòng TN&MT huyện Thạch Thất tiếp tục minh chứng cho khẳng định huyện này đang coi nhẹ một vấn đề mà cả xã hội đang quan tâm, đó là dùng môi trường để đổi lấy sự phát triển về kinh tế. Ngày 28/6, PV tiếp tục làm việc với Chánh văn phòng huyện, ông Nguyễn Minh Hồng. Đáng ngạc nhiên là khi PV vừa đề cập đến vấn đề thì vị này tỏ vẻ sửng sốt và hỏi PV: “Đâu, ở đâu ô nhiễm, anh tưởng các chú làm việc với anh Ban rồi chứ?”, và “Thì đấy, anh Ban anh ý trả lời thế còn gì, đấy là trả lời đấy!”.

Đến khi PV hỏi rằng "Vì sao Phòng TN&MT khẳng định không có tiền làm quan trắc bởi UBND huyện không cấp đủ ngân sách nhưng hàng năm, huyện vẫn có đầy đủ báo cáo lên UBND thành phố? Nếu không quan trắc thì dựa vào đâu, yếu tố nào, số liệu nào để biết mức độ ô nhiễm của Huyện ra sao rồi lập báo cáo? Liệu có việc lập báo cáo khống với các con số ảo ở đây hay không?", ngay lập tức, ông Nguyễn Minh Hồng cáo bận và sẽ chuyển câu hỏi này lên cho Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất và “không có thời gian tiếp các chú nữa, thông cảm cho anh nhé!”

Ngày 30/6 vừa qua, PV đã liên lạc rất nhiều lần với ông Nguyễn Minh Hồng để tìm hiểu về việc vấn đề này đã được chuyển đến cho Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất hay chưa thì ông này không nghe máy, ngoài ra số điện thoại của Trưởng phòng cũng như Chuyên viên phòng TN&MT huyện này cũng trong tình trạng tương tự.

Đây rõ ràng là một hành động né tránh những câu hỏi của báo chí từ phía những người có chức trách tại huyện Thạch Thất, phải chăng, đằng sau việc không thực hiện đúng nhiệm vụ, chức năng của phòng TN&MT huyện còn nhiều vấn đề khuất tất?

Chúng tôi sẽ tiếp tục làm rõ vụ việc!

Theo GĐ&PL


nhiễm môi trường


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.