Một ngày cuối năm 2018, chị Lương Thị C. bắt xe đi Móng Cái (Quảng Ninh). Đến địa điểm đã hẹn trước qua điện thoại với người phụ nữ cùng bản đang làm ăn bên kia biên giới, chị được một người tới đón và đưa sang Trung Quốc.
Lúc ấy, chị đang mang bầu 8 tháng. 21 ngày sau khi sang, chị sinh con. Chị ở cùng con đúng 2 ngày 1 đêm, rồi đứa bé được người ta bế đi.
Chị về nhà người phụ nữ kia nghỉ ngơi 1 tuần rồi lại tự bắt xe về nhà như lúc đi. Chỉ khác là lần này, chị cầm trong tay 60 triệu đồng - số tiền mà có lẽ cả đời chị chưa từng có.
Trong căn nhà sàn của bố mẹ đẻ, chị C. đang cho một đứa trẻ uống sữa bình. Chị giới thiệu đây là đứa con của người em trai chồng. Bố thằng bé đang ngồi tù, mẹ bỏ đi từ khi nó mới được 2 tháng tuổi.
Hiện chị C. đang nuôi 2 đứa con ruột và thằng bé này ở căn nhà của bố mẹ đẻ. Bố chị cũng đang ngồi tù vì ma tuý. Căn nhà chỉ có 2 người phụ nữ và 3 đứa trẻ.
Chồng chị lên Hà Nội làm phụ hồ đã 7 tháng nay, chưa một lần về thăm nhà. Trong 7 tháng, anh gửi tiền về được 2 lần - một lần 3 triệu, một lần 2 triệu.
Sinh năm 1992 nhưng ngoại hình của chị già hơn rất nhiều so với tuổi. Lấy chồng nhưng chưa có nhà riêng để ở, vợ chồng chị vẫn ở nhà ngoại. Một năm làm rẫy, chị chỉ thu về được 2-3 yến thóc, nuôi thêm mấy con gà, 1-2 con lợn. Bao nhiêu việc nặng trong nhà chị đều phải làm hết để kiếm chút cơm cháo nuôi con, thậm chí nuôi cả chồng, vì anh mắc bệnh lao phổi, không làm được gì.
Sau chuyến sang bên kia biên giới bán con, chị mới có tiền để chữa bệnh cho chồng, nên bây giờ anh mới ra ngoài đi làm thuê được.
Hỏi chồng chị có ủng hộ chị làm như thế không, chị bảo: ‘Anh có biết nhưng không nói gì’.
Cũng giống như chị C., chị Lư Thị L. (sinh năm 1987) cũng mang bụng bầu 4 tháng sang bên kia biên giới vào giữa năm 2018. Sinh xong, chị và con được chăm sóc rất tốt. 3-4 ngày sau, người ta bế con chị đi.
Tháng 11 chị trở về với 60 triệu đồng trong tay.
Khác với chị C., sinh con xong, chị L. khóc. Nhưng nghĩ đến món nợ 30 triệu xây nhà, chị vẫn quyết làm theo kế hoạch.
Bây giờ nhà chị đã trả hết nợ, số tiền còn lại ăn tiêu cũng hết từ lâu.
Chị bảo, chồng chị không cho đi nhưng không có tiền trả nợ, không có tiền nuôi con, nhà không có gì ăn… chị đành nhắm mắt làm liều.
Lúc chúng tôi tới thăm nhà, chị L. đang ở nhà với đứa con 2 tuổi. Chồng chị đi làm rẫy. Chị còn 2 đứa lớn - 13 tuổi và 11 tuổi, đang tuổi ăn tuổi lớn.
Cách nhà chị L. mấy bước chân là nhà của bà mẹ trẻ Mo Thị T. Mới 21 tuổi nhưng T. đã lấy chồng được 8 năm. Chồng T. năm nay 29 tuổi.
Dù đã là mẹ của 3 đứa con nhưng gương mặt cô vẫn toát lên nét thanh tú của một cô gái có nhan sắc. Với vóc dáng và đường nét trên khuôn mặt này, T. có lẽ đã là một cô gái đẹp đang phơi phới thanh xuân nếu may mắn sinh ra ở một nơi khác.
Hai vợ chồng T. làm rẫy, sống cùng bố mẹ chồng. T. đã sinh được 2 đứa con- một trai một gái. Đứa thứ 3, T. sang Trung Quốc sinh và bán cho người ta.
‘Nhà em con bò không có, con lợn không có, con gà không có… Nhà khó khăn quá nên không thể nuôi con. Sau khi em sinh con, họ không cho đủ tiền như đã hứa. Họ nói là con em có bệnh, họ không muốn lấy’.
‘Em ôm con về thì không có tiền và cũng không có tiền nuôi nên đành để lại và họ chỉ đưa cho em 20 triệu đồng. Đó là một bé trai’ - T. kể.
20 triệu đồng ấy T. đã mua gạo, mua thức ăn hết từ lâu. Bây giờ nhà còn đang nợ cửa hàng vài trăm nghìn tiền gạo.
Nói là không có tiền nuôi con nhưng T. lại đang mang bầu đứa bé thứ tư. Cái thai đã được 8 tháng. Và T. đang là một trong những trường hợp được chính quyền xã lưu ý và giám sát đặc biệt để ngăn chặn hành động tương tự xảy ra.
Lương Thị C., Lư Thị L. và Mo Thị T. là 3 trong số 22 người phụ nữ của xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An vác bụng bầu sang bên kia biên giới để bán đứt đứa con ngay khi vừa sinh ra vào năm 2018.
Cả ba đều lý giải về hành động của mình là do ‘hoàn cảnh khó khăn quá’, ‘bị nhỡ kế hoạch’.
Về huyện Kỳ Sơn, khi nhắc đến câu chuyện ‘bán bào thai’, ai cũng chỉ ‘xã Hữu Kiệm là nhiều nhất’. Nhiều người dưới xuôi lên thị trấn Mường Xén làm ăn, nhận xét: ‘Đồng bào trên đây lạ lắm. Bán con dứt ruột đẻ ra nhưng họ không suy nghĩ nặng nề như mình đâu. Họ chỉ nghĩ là không nuôi được thì cho người khác nuôi, cho con mình có cuộc sống sung sướng hơn’.
‘Thế mới có chuyện ông bố khoe là ‘con gái tao vừa sang kia bán con, mua cho tao cái xe máy mới’’ - một người dân Kỳ Sơn kể chuyện.
Anh Nguyễn Văn Trường, Phó Trưởng Công an xã Hữu Kiệm cho biết, không khó để phát hiện ra một gia đình có người vừa sang bên kia bán bào thai. ‘Hầu hết các hộ đều thuộc hộ nghèo, bỗng nhiên có tiền mua sắm, ăn uống… Thấy dấu hiệu lạ, chúng tôi gọi lên hỏi chuyện là họ thừa nhận ngay vừa sang Trung Quốc bán con’.
Cả xã Hữu Kiệm có tất cả 10 bản với 943 hộ dân, hầu hết đều làm ruộng và chỉ khoảng 30% là học hết cấp III. 3 thôn là điểm ‘nóng’ của nạn buôn bán bào thai gồm thôn Đỉnh Sơn 1, Đỉnh Sơn 2 và thôn Huồi Thợ.
Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm - ông Nguyễn Hữu Lượng cho biết, trong khoảng thời gian từ cuối năm 2016 đến hết năm 2018 xuất hiện tình trạng phụ nữ ra nước ngoài tham gia mua bán bào thai.
Theo thống kê, có 22 trường hợp phụ nữ người dân tộc thiểu số trên địa bàn xã đã thực hiện giao dịch này.
‘Hầu hết người dân nghe đối tượng môi giới dụ dỗ bán con sang bên kia để con sống sung sướng hơn là họ tin ngay’.
Ông Lượng cũng cho biết việc kiểm soát những đối tượng sang bên kia biên giới rất khó, bởi vì họ sang khi vẫn còn đang mang bầu, có thể theo đường chính ngạch hoặc không chính ngạch.
‘Các đối tượng môi giới thường không xuất đầu lộ diện ở Việt Nam, mà chỉ đạo, liên lạc qua điện thoại từ bên kia. Người bán sẽ tự đi ra khu vực cửa khẩu, sau đó có người đón hoặc hướng dẫn. Cũng có nhiều đối tượng môi giới là người địa phương, nay đã sang bên kia làm ăn’.
Vị chủ tịch xã cho biết, để giấu chính quyền địa phương, những phụ nữ này chỉ cần làm giấy tạm vắng, thông báo là đi làm ăn xa, đi xuất khẩu lao động nhưng thực chất là đi bán con.
‘Thậm chí, có gia đình cả 2 vợ chồng cùng đi. Lúc đi còn chưa có bầu, nhưng sang bên kia có bầu rồi đẻ ra, bán luôn. Lúc về người không, coi như không có chuyện gì xảy ra’.
Theo ông Lượng, nguyên nhân của tình trạng này là do sự nhẹ dạ, nhận thức hạn chế của người dân. ‘Họ nghĩ là con mình sẽ được sống trong môi trường tốt hơn, văn minh, hiện đại hơn’.
Mức giá bán con tuỳ thuộc vào giới tính của đứa trẻ, và tuỳ thuộc vào thoả thuận giữa người mua và người bán. ‘Con gái sẽ có giá cao hơn con trai, dao động từ 40-80 triệu đồng’.
‘Họ mang tiền về, người thì trả nợ, người thì xây sửa nhà, mua tivi, xe máy, ăn uống… vài tháng, nửa năm cũng hết. Rồi nghèo vẫn hoàn nghèo…’
Chủ tịch xã Nguyễn Hữu Lượng cho biết, từ khi vấn nạn này xuất hiện trên địa bàn xã Hữu Kiệm, chính quyền xã đã thực hiện mạnh mẽ công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, thậm chí là theo dõi sát sao. ‘Chúng tôi thường xuyên tổ chức tuyên truyền cho phụ nữ ở 3 bản này, đặc biệt là những đối tượng đã từng buôn bán bào thai trở về, những người đang mang thai hoặc đang trong độ tuổi sinh đẻ’.
‘Tuần nào, anh em công an cũng xuống tận bản để cập nhật xem trong bản hiện có bao nhiêu chị em phụ nữ mang thai, nắm bắt tâm tư của họ để phát hiện nhanh nhất những dấu hiệu họ chuẩn bị đi sang bên kia, tìm cách giữ họ lại, buộc họ phải sinh ở Việt Nam. Khi họ đã sinh con ở đây rồi thì rất khó đưa đi bán. Bán người thì khó nhưng mang bào thai sang bên kia bán thì rất dễ’.
Ông Lượng cũng cho biết, nhờ công tác tuyên truyền, giám sát chặt chẽ mà từ đầu năm 2019 đến nay chưa phát hiện trường hợp nào tái diễn.
Chủ tịch xã Hữu Kiệm cũng thừa nhận: ‘Khi hội phụ nữ, công an vào cuộc, nói nhiều thì họ ngại chứ không phải là họ không biết mình làm sai. Chúng tôi mà lơ là là họ lại đi đấy!’.
‘Họ nói nguyên nhân là do khó khăn, nhưng không đến mức không có gạo ăn, con không có sữa uống phải bán con đi đâu. Tôi nghĩ là do bà con ta nghĩ rất đơn giản: muốn nâng đời cái xe máy, làm lại cái mái nhà, mua tủ lạnh, tivi… và nghĩ rằng mình cho người khác nuôi con mình thì đời nó sẽ bớt khổ’.
Phó Trưởng Công an huyện Kỳ Sơn, ông Lô Văn Thao cho biết, cái khó trong việc xử phạt những đối tượng liên quan tới mua bán bào thai là chưa có chế tài xử lý.
‘Chúng tôi sử dụng khái niệm ‘mua bán bào thai’ cũng chưa hẳn chính xác. Bởi vì rõ ràng khi đứa trẻ được sinh ra mới thực hiện trao đổi mua bán, chứ không phải mua bán bào thai khi chưa thành hình. Nhưng khi sang biên giới, họ không mang người sang mà chỉ mang bào thai sang nên cũng không thể quy vào tội buôn bán người qua biên giới’.
‘Theo luật quy định thì đứa trẻ sinh ra ở đâu có thể mang quốc tịch ở đó, nên đứa trẻ sinh ra ở bên kia sẽ mang quốc tịch bên kia. Chúng tôi không thể xử phạt về tội buôn bán người được. Mặc dù đã đề xuất nhiều rồi nhưng chưa có quy định nào xử lý cho đúng luật’.
Chính vì thế, hiện tại những đối tượng môi giới người để bán thai nhi mới sinh đang bị khép vào tội tổ chức cho người khác vượt biên trái phép. ‘Nếu không làm như thế thì không xử lý được’.
‘Mà tội này thì hình thức xử phạt nhẹ - không quá 7 năm tù, vì thế không đủ tính răn đe’ - ông Thao cho hay.
Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Văn Lượng cho rằng, chính quyền rất muốn xử thật nghiêm những trường hợp phụ nữ mang thai sang bên kia biên giới bán con nhưng không có quy định xử phạt.
‘Họ mang cái thai sang bên kia, chưa biết bào thai ấy có được sinh ra hay không, và quan trọng nhất là không được khai sinh ở Việt Nam, chưa được công nhận là công dân Việt Nam, vì thế chúng tôi không thể xử phạt’.
Đó cũng là lý do mà 22 người phụ nữ ở Hữu Kiệm mặc dù thừa nhận đã mang con sang bên kia bán nhưng vẫn ‘bình yên vô sự’ trở về và sống tiếp như chưa có chuyện gì xảy ra.
Phó Trưởng Công an huyện Kỳ Sơn - ông Lô Văn Thao nói, '3 bản ‘nóng’ của xã Hữu Kiệm về tình trạng buôn bán bào thai cũng chính là những ‘điểm nóng’ về tình trạng buôn bán phụ nữ trước đây. Và có vẻ như hình thức buôn bán này được ưa chuộng hơn vì mức xử phạt thấp, chi phí đi lại thấp, hoạt động giao dịch lại dễ dàng hơn'.
Ông cũng cho biết, mới đây Công an Trung Quốc cũng phát hiện một đứa trẻ hơn 1 tuổi trong diện tình nghi là nạn nhân của buôn bán bào thai. ‘Trong vài ngày tới, họ sẽ trả về đây và muốn xác định xem đứa trẻ có phải là con của gia đình mà họ nghi ngờ không. Nếu đúng, họ sẽ trao trả về gia đình’.
Theo VietNamNet