Những chuyện trộm xác ly kỳ ở nghĩa địa toàn tội nhân nổi tiếng

Ông Ba Son tiết lộ, riêng việc mang xác ông trùm giang hồ ấy ra khỏi trường bắn, thân nhân của Năm Cam đã phải chi 200 triệu đồng cho “đội quân kền kền”

Ông Ba Son tiết lộ, riêng việc mang xác ông trùm giang hồ ấy ra khỏi trường bắn, thân nhân của Năm Cam đã phải chi 200 triệu đồng cho “đội quân kền kền”

Kỳ 1: Cao thủ trộm xác

Trong từ điển tiếng Việt chắc chắn chẳng có định nghĩa về cái nghề lạ lùng và kinh hãi này: Nghề trộm xác tử tù. Thêm một sự chắc chắn nữa, chẳng điểm thi hành án tử hình nào lại có đội quân sống nhờ xác chết như ở trường bắn Long Bình. Tử tù đền tội ác, xã hội thở phào vì đã loại khỏi cộng đồng một tên tội phạm nguy hiểm không thể giáo dục, cảm hóa, thế nhưng, mừng vui nhất có lẽ lại là những người “ăn theo xác chết” sống bâu quanh khu trường bắn hoang lạnh này.

Cứ xuống tiền thì xác tử tù nào cũng móc

Thình lình xuất hiện ở trường bắn, rồi hương khói cho mấy ngôi mộ nằm khuất lấp dưới những ngút ngát cỏ tranh, bất kể ai trong số chúng tôi đều thấy rờn rợn. Cảm giác khó tả ấy không đến từ sự hoang vu, u tịch ở nơi chỉ có những nấm mồ bị người đời khinh bỉ, căm phẫn này và cũng chẳng đến từ hương nhang nồng nặc mà đến bởi những ánh mắt cú vọ đang dõi theo nhất cử nhất động của chúng tôi - những người lạ mặt từ phương xa tới.

Những ánh mắt đó đã “đi theo” chúng tôi ngay từ ngoài cổng trường bắn, khi đoàn chúng tôi dừng lại mua nhang. Tuy nhiên, sự sợ hãi mơ hồ ấy đã nhanh chóng vụt đi bởi bằng cảm giác nghề nghiệp, chúng tôi biết những ánh mắt đó hoàn toàn vô hại với mình. Thậm chí, họ là những người mà chúng tôi đang cần gặp để tìm hiểu một nghề rất lạ trên cõi dương thế này, nghề “trộm xác tử tù”.

Trước khi đến nơi tiễn các tử tội về bên kia thế giới này, chúng tôi đã được nghe nhiều chuyện có thực mà như bịa về những phu mộ, những người sống nhờ xác chết tử tội nơi đây. Theo những thông tin mà chúng tôi tìm hiểu được thì sau khi tử tù bị xử bắn, nếu thân nhân muốn đưa thi hài của tử tù đó về quê thì phải làm rất nhiều thủ tục và đương nhiên, thi hài tử tù phải nằm lại ở nghĩa địa này một thời gian nhất định chứ không thể “rước” ngay đi được.

Những chuyện trộm xác ly kỳ ở nghĩa địa toàn tội nhân nổi tiếng-1

 Hương khói trước khi bốc trộm mộ.

Tuy nhiên, ở trường bắn này, nhờ đám phu mộ, bất cứ xác tử tù nào cũng có thể được “bế” đi vào bất cứ thời gian nào mà không cần phải đơn từ xin phép nhiêu khê. Các phu mộ ở đây làm việc theo nguyên tắc “chồng đủ tiền thì người nằm dưới đất có là ai đi chăng nữa cũng được quật lên, nằm gọn trong tiểu sành chỉ trong vòng có vài chục phút”. Có một điều nguy hiểm là nhiều phu mộ ở đây chỉ cần biết đến tiền chứ họ cũng chẳng cần quan tâm xem người đến thuê họ trộm xác là ai, có quan hệ thế nào với người “tựa cột”.

Sau khi hương khói và ghi lại những tư liệu cần thiết xong, chúng tôi vội vã rời trường bắn. Ra tới cổng, chỉ bằng vài động tác nghề nghiệp, chúng tôi đã khiến những kẻ bám theo mình suốt hơn một giờ đồng hồ ấy xuất đầu lộ diện. Một người đàn ông chạy chiếc xe gắn máy đã cũ táp thẳng đầu xe chúng tôi và đưa ra một câu hỏi đầy sự thăm dò: “Đi thăm người thân hả, cần chúng tôi giúp gì không?”.

Biết “cá” đã “cắn câu”, chúng tôi vội dừng xe để một đồng nghiệp xuống ghé tai nói nhỏ với người đàn ông đó bằng bộ mặt đầy quan trọng : “Vâng, chúng tôi có người anh em nằm ở đây. Có gì nhờ các anh hương khói giúp, nhà ở tận ngoài Bắc, đi lại tốn kém quá!”. “Thế ông ấy là ai, tên là gì!? Sao không đưa về mà cứ để nằm đây mãi thế!?”. Mắt sáng rực, người đàn ông ấy dồn dập hỏi. “Đưa về!? Đưa về thế nào?”.

Chúng tôi cũng làm bộ như người chết đuối vớ được cọc. Nhỏ to, mừng rỡ, lo lắng, hoan hỉ một thôi một hồi nữa, người đàn ông ấy đã đưa cho tôi số điện thoại của một người mà theo như ông ta thì bây giờ, muốn đưa bất cứ xác ai ra khỏi trường bắn thì phải gặp người này. “Tui gọi điện cho ổng ý rồi, ông ấy đang chờ các anh đó. Các anh cứ liên lạc vào số này, xem ổng ở đâu rồi đến bàn cụ thể hen!”. Nói vừa dứt câu, lại thấy có người đang lơ ngơ trước cổng nghĩa địa, người đàn ông này vội ngoắt đầu xe vọt tới chỉ kịp dặn với chúng tôi một câu: “Nhớ gọi cho ổng hén, ổng đang chờ đó!”.

Số máy người đàn ông đó đưa cho chúng tôi đẹp hệt số của những người giàu có, sành điệu. Bấm máy, đầu dây bên kia là một giọng lạnh lùng: “Các anh qua đây đi, tôi nghe nói rồi, không phải trình bầy nữa. Qua đi!”. Theo chỉ dẫn, từ cổng trường bắn, theo con đường nhựa xuyên qua vườn điều xanh mướt, chúng tôi rồ ga xe chạy miết vào trong. Tới ngã ba, điểm hẹn, vừa dừng xe thì người chúng tôi vừa điện thoại khi nãy đã đến đón. Anh ta dẫn chúng tôi vào một quán cà phê gần đó để… bàn công chuyện.

Sau những lời chào hỏi khô khan, sau những cái nhìn sắc lẹm khắp lượt chúng tôi, người đàn ông ấy tự giới thiệu mình tên H., người phường Long Bình. Theo ông H. thì trước đây, ở quanh trường bắn này, nhiều người làm nghề như ông. Tuy nhiên, từ khi việc thi hành án được chuyển qua hình thức tiêm thuốc độc, trường bắn không có thêm… ma mới, hết đất kiếm ăn nên nhiều người đã chuyển qua làm nghề khác.

“Bây giờ nằm lại đây đa phần toàn ma đói không à? Những người gia đình có điều kiện thì đã được chuyển đi hết rồi, toàn người nghèo nằm lại thôi. Tôi thấy có người cả năm còn chẳng có ai đến thắp hương nữa cơ. Không có tiền đâu, khổ lắm! Chúng tôi cũng chẳng muốn làm nữa, nhưng các anh nhờ thì cố gắng vậy thôi!”. H. xổ ra một tràng dài. Và, như để không mất thời gian, sau màn quảng cáo ấy, “kền kền” này vào ngay việc chính: “Các ăn cần lấy xác ai? Bao giờ lấy?”.

Đã chuẩn bị từ trước, tôi đọc bừa một cái tên ghi trên bia mộ mà khi nãy vào nghĩa địa chộp được. “À, ông ấy à, ông ấy bị xử vì buôn ma túy mà. Cả con ông ấy cũng nằm ở đây. Lâu lắm không thấy ai đến hương khói! Bây giờ nhé, tôi nói luôn để các anh tính toán nhé, trọn gói là 8 triệu đồng, các anh cứ báo ngày, chỉ mộ, đêm nào vào thì báo cho chúng tôi, làm gọn gàng đâu ra đó!”.

Như chẳng cần biết thái độ của chúng tôi ra sao, H. cứ liến thoắng. “Trời, sao đắt dữ vậy, lấy thấp thôi anh hai, chúng tôi chỉ là anh em xã hội với anh ấy thôi, thương anh ấy nằm đây lạnh lẽo nên muốn đưa anh ấy về chứ có phải người nhà đâu!”. Một đồng nghiệp của tôi làm bộ lên tiếng kì kèo. “Không được đâu, đó là giá thấp nhất rồi, trước đây tôi làm toàn từ mấy chục, thậm chí cả trăm “chai” (triệu) lận. Tôi không làm thì không ai… dám làm đâu!”. Mặt đanh lại H. nói. “À này, nhưng tôi không phải người nhà ông ấy thì có lấy được xác ra không? Có cần người nhà vào không?”. Nghe câu hỏi ấy của tôi, H. xua tay: “Khỏi cần, xác vua tôi còn mang ra được nữa là. Không cần vào làm gì cho mệt, các anh cứ đặt cọc tiền, mà không cần đặt cũng được. Hôm nào vào lấy xác thì báo trước, tôi làm xong thì đưa tiền cũng “ô kê”. Điện thoại đấy, cứ điện một câu là xong tất!”.


Những chuyện trộm xác ly kỳ ở nghĩa địa toàn tội nhân nổi tiếng-2

Một ngôi mộ mới bị đào trộm.

Khi “đầu đảng kền kền”

Trò chuyện với H. tôi được biết, anh ta cũng chỉ là dạng “cò con”, mới chập chững vào nghề ở trường bắn này. Người nổi tiếng và có thể gọi là “trùm phu mộ”, chuyên “đánh những thương vụ lớn” ở đây không ai khác chính là ông Ba Son. Theo H. thì bây giờ ông Ba Son đã giải nghệ, suốt ngày ngồi trầm ngâm ở mấy quán cà phê rồi lang thang câu cá ở những hồ lớn quanh Đồng Nai, Sài Gòn. “Ổng đi miết à, khó gặp lắm!”. Có lẽ sợ mất mối kiếm ăn nên H. đã cố giấu không muốn chúng tôi gặp người đàn ông nổi tiếng này. Tuy nhiên, trừ H. ra, ở quanh trường bắn, hỏi nhà ông Ba Son ở đâu thì ai cũng có thể chỉ vach vách dù nhà ông ở hang cùng, ngõ tận.

Lúc chúng tôi đến, ông Ba Son đang sửa soạn đi câu. Thấy khách gọi cổng, ông hé mắt qua ô kính nhìn, hỏi rõ ngọn ngành rồi mới đón chúng tôi vào nhà. Căn nhà cấp 4, nằm ngay cạnh nghĩa trang của phường, nắng quái xuyên qua cửa sổ nên cứ thấy không khí nặng nề, u ám. Ông Ba Son bảo, vợ ông đã mất, các con lập gia đình, ra ở riêng, giờ mình ông tự do tự tại trong căn nhà tuy bé mà lúc nào cũng thấy trống trải, thênh thang này.

Nói về nghề “bám riết” đời mình suốt mấy chục năm qua, ông Son bảo, đó là duyên phận, dù muốn dù không ông vẫn phải làm. Mấy năm nay, thấy mình đã có tuổi, lại thêm trường bắn đóng cửa, tử tù không được đưa về để hành quyết nữa, ông đã tuyên bố giải nghệ. Thế nhưng, việc ấy chẳng dễ dàng gì. Thân nhân tử tù vẫn cứ tìm đến ông, vẫn nằng nặc nhờ ông làm những việc liên quan đến người đã nằm yên dưới ba tấc đất đó. Trước sự van vỉ của họ, ông bảo, ông không thể chối từ. “Tiền bây giờ tui cũng không thấy quan trọng nữa, nhưng tình cảm thì khó đỡ lắm. Người ta thống thiết nhờ mình, mình ngó lơ sao được!”. Rít một hơi thuốc dài, ông Ba Son thong thả nói.


Những chuyện trộm xác ly kỳ ở nghĩa địa toàn tội nhân nổi tiếng-3

Ông Ba Son.

Theo người đàn ông có khuôn mặt hầm hố, phong trần này thì dù đã “rửa tay gác kiếm” nhưng khi thân nhân tử tù yêu cầu, ông vẫn nhiệt tình giúp đỡ. Trước hôm chúng tôi đến vài ngày, ông cũng đã đón tiếp một đoàn khách lạ. Đoàn khách đó đã cố tìm ông khi ông đang lang thang cà phê ở mấy quán ngoài đầu phố. Sau khi hỏi thăm, biết chắc ông là Ba Son, một phụ nữ tuổi chừng gần 40 đã sụt sùi lên tiếng: “Chú có biết vụ án nghệ sĩ cải lương Thanh Nga bị sát hại không?”. Thấy ông gật đầu, người phụ nữ này quệt nước mắt nói tiếp: “Cháu chính là con gái Nguyễn Thanh Tân, người bắn nghệ sĩ Thanh Nga đây. Ba cháu bị tử hình hơn 30 năm rồi, hồi đó cháu còn bé, nhà lại nghèo khó quá, không lên hương khói cho ba cháu được. Bây giờ cháu mới có điều kiện để lên đây, nhưng không biết ba cháu nằm ở đâu. Hỏi mọi người thì được biết ở đây chỉ có chú là rành nhất. Chú giúp cháu với, cháu khổ quá chú à!”.

Nhắc tới vụ án nổi tiếng này, ông Ba Son bảo, hơn 30 năm trước, ông cũng từng xem việc thi hành án với 2 tên tử tù từng khiến cả nước căm phẫn. Vì âm mưu bắt cóc tống tiền, chúng đã đang tâm sát hại nghệ sĩ cải lương được nhiều người mến mộ. Bởi chứng kiến buổi thi hành án đó nên ông biết rõ Nguyễn Thanh Tân cùng đồng phạm Nguyễn Văn Đức được chôn cất ở vị trí nào giữa trường bắn mênh mông này.

Tuy nhiên, thời gian phôi xóa, giờ mộ phần cũng đã bị lấp bằng, muốn tìm đích xác thì chỉ có khoanh vùng, khai quật rồi đem mẫu xương đi xét nghiệm AND thì may ra mới tìm được đích xác. Công việc ấy đòi hỏi ông phải bỏ nhiều tâm sức, thời gian.

Tâm sự với chúng tôi, ông Ba Son bảo, nếu như trước đây, nếu là người khác giàu có, ông phải thét giá đến mấy chục triệu, nhưng nhìn mấy người trong đoàn đi tìm kiếm xương cốt tử tù nổi tiếng một thời ấy ai cũng nhếch nhác, khắc khổ, tiều tụy nên ông sẽ giúp không công. “Chuyện đã qua mấy chục năm rồi, người chết thì coi như đã đền tội, mình cũng không nên nặng oán thù. Giúp là giúp người sống thôi, họ đáng thương và chẳng có tội tình gì!”. Trầm ngâm, ông Ba Son bảo.


Những chuyện trộm xác ly kỳ ở nghĩa địa toàn tội nhân nổi tiếng-4

Ông Ba Son được "phong" là trùm phu mộ ở nghĩa địa trường bắn Long Bình.

Ông Ba Son bảo, nghề của ông là nghề độc, nghề không dành cho những người yếu bóng vía nên trước đây chẳng ai dám làm. Bởi một mình một sân nên thu nhập cũng thuộc dạng… siêu khủng, hơn cả cát sê của những ngôi sao ca nhạc nổi tiếng ở đất Sài thành.

Trường bắn Long Bình được thành lập từ năm 1976, theo ông Son thì tử tù “xông đất” trường bắn này là một giang hồ mà nhiều người nghe tên đều thấy sợ hãi, khiếp kinh. Hắn là Phạm Bá Y, (tức Y “cà-lết”, một tướng cướp khét tiếng, người từng hạ sát trùm giang hồ Sơn Đảo). Bởi bản tính hiếu động, gan lì nên ban đầu, thấy có người nhờ thì ông giúp không công. Sau này, trường bắn đông khách, khó khi có tháng đến cả chục tử tù được đưa về tựa cột, được nhờ nhiều nên ông đã ra giá kiếm tiền.

Trong suốt mấy chục năm theo nghề, ông bảo, ông thích nhất những “khách hàng” có thân nhân là tử tù vướng vào các tội danh liên quan đến kinh tế. Những khách hàng này tiền nhiều như nước, lên ngựa xuống xe nên trả thù lao cho ông cũng hậu hĩnh lắm. Còn với những khách hàng có thân nhân là tử tội vướng án hình sự, đầu trộm đuôi cướp thì gia cảnh cũng chẳng khá khẩm gì, ông làm cũng chỉ vì tình vì nghĩa.

Theo ông Ba Son, thường thì sau mỗi ca hành quyết, thân nhân tử tù thường đến nhờ ông tôn tạo lại mộ phần cho người phải đền tội ác. Nói là tôn tạo mộ nhưng việc này cũng… kinh khủng lắm. Thường thì sau khi bắn xong, người mang án tử cũng đã được chôn cất tử tế ở những hố đã đào sẵn và được cắm bia, ghi rõ tên tuổi, ngày sinh, ngày… mất. Thế nhưng, không yên tâm, gia đình tử tù vẫn nhờ ông chôn cất lại.

Theo đó, ông phải khai quật mộ lên, tháo dây cột quanh người, thay quần áo, tắm rửa bằng nước thơm và lấy bông gòn dịt vào những lỗ thủng trên thi thể tử tù do đạn bắn. Sau đó, nếu gia đình nào có điều kiện thì sẽ thay cho tử tội bộ áo quan khác bền đẹp hơn, còn không thì ông lại bế thi thể đã bốc mùi ấy vào bộ áo quan “ăn theo tiêu chuẩn” đó và chôn lại. Thường thì mỗi ca như vậy, ông được thân nhân tử tù bồi dưỡng từ 3-5 triệu đồng.

Những vụ trộm xác để đời

Ông Ba Son bảo, tiền thù lao đó, sau khi chia cho anh em thì cũng chỉ đủ cho ông uống cà phê và tiêu xài hằng ngày chứ không ra tấm ra món. Ông thích những phi vụ trộm xác hơn bởi từ những phi vụ này, ông có thể bỏ túi mấy chục triệu đồng.

Mấy chục năm làm kền kền ở trường bắn, ông Ba Son biết, những người đến nhờ ông trộm xác tử tù thường là những gia đình giàu có, xuống tiền không bao giờ phải nghĩ suy, tính toán. Trò chuyện thân tình, ông Son bảo, ông chính là đạo diễn chính trong việc đưa xác của các tử tù như Phạm Huy Phước, Lê Hữu Cảnh, Trần Quang Vinh (vụ Tamexco) và TMP, Phạm Nhật Hồng (vụ EPCO- Minh Phụng) bị tử hình năm 2003… ra khỏi trường bắn.


Những chuyện trộm xác ly kỳ ở nghĩa địa toàn tội nhân nổi tiếng-5

 Một ngôi mộ tử tù mới chôn.

Với những nhân vật cỡ bự này, ông Ba Son kể, khi gặp ông, thân nhân những người này chỉ bảo, ông ráng làm cho tốt còn tiền bạc không thành vấn đề. Bởi thế khi đưa xác những tử tội trong vụ Tamexco ra khỏi trường bắn, ông và những “cộng sự” của mình đã chia cả trăm triệu đồng.

Để hợp đồng được thực hiện một cách trót lọt, theo ông Ba Son, ông không thể nào ăn cả được. “Phải chia nhiều lắm chứ, hợp đồng cả trăm triệu đấy nhưng mình có lấy được đâu, chia dọc chia ngang khi mang về còn có mấy triệu thôi à! Không chia thì làm sao lấy xác ra được!”. Ông Ba Son nói giọng đầy bức xúc. “Không làm chui được đâu, được vụ nào thì người ta biết hết à, biết thì phải chia thôi, như vụ TMP ấy, nuốt làm sao nổi!”.

Nhắc đến phi vụ trộm xác TMP, ông Ba Son bảo, đây là vụ “áp phe” đã để lại cho ông nhiều cảm xúc buồn vui lẫn lộn. Theo “hợp đồng” với người nhà đại gia từng gây thiệt hại cho nhà nước nhiều tỉ đồng này thì sau khi xác TMP được đưa ra khỏi trường bắn, “đội quân kền kền” của ông Ba Son sẽ được trả 120 triệu đồng. Tuy nhiên, khi công việc đã xong, đến lúc thanh toán tiền thì rất nhiều “thành phần” không “dính máu” cũng đến đòi… chia phần.

Ngậm ngùi chia đều cho họ, đến lượt mình, còn mấy triệu trong tay, ông Ba Son nói: “Các anh làm thế coi sao được, công tôi như thế mà được có ngần này à, thôi các anh lấy luôn đi!”. Nghe ông than vãn thế, người nhà TMP đã dúi cho ông thêm ít nữa và bảo: “Chú Ba không lo đâu, công lao của chú Ba tôi biết mà!”. Tưởng họ nói vậy chỉ để động viên nào ngờ…

Sau đó chừng một tháng, một buổi sáng đang nhâm nhi cà phê, ông thấy điện thoại rung bần bật. Người nhà của TMP gọi nói rằng mời ông ra quán cà phê trước đây hai người từng ngồi để nói chuyện. Ngỡ tưởng việc bốc xác TMP có chuyện gì không phải, ông ra mà nơi hẹn mà tim đập chân run.

Tới nơi, mời ông gói thuốc lá thơm, “đối tác” của ông bảo: “Mấy lần tính đến cám ơn chú Ba nhưng bận quá nay mới tới được, chú Ba thông cảm nhé!”. Nói rồi, người ấy dúi vào tay ông chiếc phong bì. Nhận món quà ấy, ông thấy người mình nhẹ bẫng. Khi người khách ấy đi khỏi, cầm phong bì trong tay thấy mỏng, ông đoán hơn triệu bạc nên cũng chả bóc làm gì. Về nhà, nằm dài trên ghế, nhớ tới món quà ấy, ông mới lần dở ra xem. Và, ông đã rú lên sung sướng khi thấy trong phong bì ấy là 20 tờ tiền Mỹ, mỗi tờ có mệnh giá là 100 USD. Ông Ba Son bảo, đã mấy lần ông định gọi điện cảm ơn người hảo tâm đó nhưng điện thoại đều không liên lạc được.

Xác trùm giang hồ Năm Cam có giá… 200 triệu đồng

Theo ông Ba Son, TMP là vụ có thù lao lớn nhất mà ông từng làm. Tuy nhiên, nếu so với vụ lấy xác Năm Cam và đồng bọn thì chẳng thấm tháp gì. Ông Ba Son tiết lộ, riêng việc mang xác ông trùm giang hồ ấy ra khỏi trường bắn, thân nhân của Năm Cam đã phải chi 200 triệu đồng cho “đội quân kền kền”. Tuy tiền đè chết người nhưng ông Ba Son đã từ chối vụ đó. Ông bảo, giữa ông và ông trùm Năm Cam là chỗ quen biết nên đứng ra làm không tiện nên ông chuyển cho các chiến hữu của mình. Tuy nhiên, khi mọi việc xong xuôi, đám lâu la ấy cũng “lại quả” cho ông 5 triệu gọi là tiền môi giới.

Ông Ba Son bảo, ở trường bắn Long Bình, sẽ chẳng có xác tử tù nào có giá cao như Năm Cam nữa. “Nếu gia đình họ có điều kiện thì họ đã đưa thân nhân của mình về từ lâu rồi chứ chả để ở đó làm gì. Phải nằm lại đây đa phần là những tử tù ở xa, nhà nghèo nên không đưa về được thôi!”. Ông Ba Son nhận định. Có lẽ, chính bởi lý do đó mà ông đã tuyên bố rửa tay gác kiếm, từ bỏ cái nghề độc dị có thể kiếm bộn tiền này.

Quy định hiện nay của pháp luật về việc giải quyết xác tử tội không rõ ràng và lạc hậu. Văn bản duy nhất điều chỉnh vấn đề này là Chỉ thị 198 do Bộ Công an ban hành từ năm 1974. Theo đó, xác tử tội phải được chôn tại pháp trường. Văn bản này không đề cập đến việc sau đó có cho thân nhân cải táng, đem đi chôn ở nơi khác hay không. Quy định không cụ thể đã phát sinh những chuyện làm nặng lòng người trong, ngoài cuộc và nảy sinh nhiều sự việc tiêu cực.

Còn tiếp…

Theo VTC News


trộm xác

nghĩa địa

giang hồ

Ông trùm


Cảnh giác chiêu lừa của người nước ngoài giả vờ mua hàng, đổi ngoại tệ
Thủ đoạn của các đối tượng người nước ngoài lợi dụng các điểm bán hàng hoặc các điểm dịch vụ đổi tiền có ít người quản lý, giả vờ vào mua hàng hoặc đổi tiền, sau đó tạo các tình huống khiến người bán hàng phân tâm, mất cảnh giác để chiếm đoạt tài sản.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.