Những mẩu chuyện đáng yêu của Văn Toàn qua lời kể của bố mẹ: 'Nhuộm tóc bị chê già, nhưng bố thấy con đẹp trai không?'

Văn Toàn của năm 11 tuổi bật khóc khi nghĩ về con đường trước mắt không có trái bóng tròn.

Văn Toàn của năm 11 tuổi bật khóc khi nghĩ về con đường trước mắt không có trái bóng tròn. Không ai ngờ, Văn Toàn của năm 22 tuổi bỗng chốc hoá người hùng trong lòng hàng triệu người hâm mộ nước nhà.

"Anh Đức! Xà ngang!... Vàooo, vào rồi! Văn Toànnnn".

Anh Đức thiếu một chút may mắn để bóng tìm đến xà ngang, nhưng đấy lại là cách các vị thần công bằng mỉm cười với Văn Toàn. Phút thứ 82 có sự đổi người từ phía đội tuyển Việt Nam.

Từ trước giờ người ta vẫn đánh giá cao sự bố trí lực lượng và con mắt nhìn người chuẩn xác của huấn luyện viên Park Hang Seo. Lần này cũng thế, Toàn ra - Phượng vào. Cặp bài trùng ăn ý nhường cơ hội bứt phá cho nhau.

Và rõ ràng là Toàn đã thể hiện được bản lĩnh của mình ở phút thứ 108 đầy nghẹt thở.

Bùi Tiến Dũng phất đường chuyền dài từ phần sân nhà. Anh Đức bứt tốc lao xuống chọn đúng điểm rơi để thực hiện pha tâng bóng qua đầu thủ môn Syria. Bàn thắng đến với hàng triệu người hâm mộ Việt Nam bởi Văn Toàn có mặt đúng lúc để đá bồi tung lưới trống.

1 - 0 cho Việt Nam. Cú dứt điểm "quý như vàng" đưa đội nhà chính thức bước vào trận bán kết gặp đội tuyển Hàn Quốc.

Bố mẹ Văn Toàn: "Con trai thường vừa tắm vừa nghe Kpop, đổi màu tóc cho nghệ sĩ tí". Thực hiện: Minh Nhân

Chân dung tiền đạo trẻ tuổi - Nguyễn Văn Toàn.

Không thể ngừng khóc vì quá xúc động

Thành phố Hải Dương, 11h đêm 27/8. Văn Toàn gọi điện về cho bố mẹ, cười vui sướng:

- Con chào bố mẹ.

- Ừ bố chào con, chào con trai của bố. Phấn đấu thế là đã mang vinh quang về cho Tổ quốc rồi đấy!

Toàn cười qua màn hình điện thoại. Bao giờ cũng thế, sau mỗi trận đấu anh đều gọi điện về cho bố mẹ trước tiên. Dĩ nhiên đêm lịch sử xướng tên Việt Nam vào bán kết ASIAD cũng không phải ngoại lệ.

Chỉ có điều vì vui quá, hạnh phúc quá mà câu chuyện ngắn hơn mọi ngày.

"Giây phút Toàn ghi bàn thật ra khó tả lắm. Tức ngực, mà chú càng vỗ tay thì nước mắt lại càng rưng rưng, không thể ngừng khóc vì quá xúc động. Anh em bạn bè ôm nhau chúc mừng, cả nhà ai cũng hạnh phúc".

Bố mẹ Văn Toàn hạnh phúc hết cỡ giây phút con trai ghi bàn thắng quyết định.

Chú Tạo và cô Đua nhớ rõ thời khắc con trai mình chính thức bước vào sân cỏ. Đấy là phút thứ 82 của trận đấu khi Phượng - Toàn đổi vị trí cho nhau.

Qua nhiều lần phải ngồi dự bị, có không ít đồn đoán về việc chàng cầu thủ 22 tuổi bị "thất sủng" dưới thời Park Hang Seo. Nhưng có lẽ họ đã nhầm, Văn Toàn - tiền đạo chủ chốt của đội tuyển Olympic Việt Nam, là một thứ vũ khí đặc biệt của vị HLV người Hàn Quốc.

Toàn đá tổng cộng 40 phút trong đêm tứ kết gặp Syria, duy chỉ có một giây anh làm nên lịch sử. Dù vào sân từ băng ghế dự bị nhưng không một ai có thể phản pháo trước sức mạnh tiềm tàng của tuyển thủ trẻ tuổi này.

Dù có tỏa sáng hay không, thì anh vẫn luôn là lý do để bố mẹ và người thân hướng tới một kỳ ASIAD đầy tự hào và cảm xúc.

Và Toàn đã thực sự toả sáng, theo cách của riêng anh. Việt Nam nhờ anh đã có thêm một đêm không ngủ dõi theo những người hùng lịch sử.

"Nói thật lúc Quang Hải bị thương, chú lo cho con trai và đồng đội nhiều lắm. Bóng đá thì tránh sao được chuyện va chạm.

Văn Toàn đá trận này may mắn không bị chấn thương, gia đình đỡ lo. Nhớ lại trận đá Nhật Bản, con bị xoạc đau phải đi tập tễnh. Lúc ấy, chú sang Indonesia vào khách sạn của Toàn. Con bảo không sao là mừng".

Chú Tạo lo lắng cho chấn thương của Quang Hải cũng như tình hình sức khoẻ của cả đội tuyển.

Văn Toàn đam mê bóng đá từ nhỏ, mẫu giáo đã biết ôm bóng khư khư. Lên lớp 2, trong suy nghĩ của cậu thiếu nhi ấy, chỉ có mỗi ăn với bóng đá. Mỗi khi chú Tạo đi đá bóng, Toàn lại lững thững theo chân cha.

Năm 11 tuổi, sự toả sáng của cầu thủ nhí Văn Toàn đã giúp tỉnh Hải Dương giành chức vô địch giải bóng đá nhi đồng Toàn quốc. Học viện bóng đá HAGL khi ấy vội gửi giấy mời Văn Toàn nhập học.

"Nói thật ra thì chú không cấm cản vì bản thân chú cũng mê thể thao. Nhưng ông nội chỉ có mỗi mình Toàn là cháu đích tôn nên không cho đi, sợ cháu theo nghiệp bóng đá mang nhiều thương tích".

Toàn của năm 11 tuổi bật khóc khi nghĩ về con đường trước mắt không có trái bóng tròn. Anh van xin ông nội cho mình được theo đuổi đam mê.

Cho đến khoảnh khắc Toàn chạy khắp xóm hò hét, mọi người chợt nhận ra HAGL đã có thêm một nhân tài. Đúng 11 năm sau, Văn Toàn chính thức ghi tên mình vào danh sách người hùng của đội tuyển Việt Nam.

Gia đình hạnh phúc xem lại khoảnh khắc tuyệt vời của Văn Toàn.

"Nhuộm tóc bị chê già, nhưng bố thấy con đẹp trai không?"

Toàn vốn là người trầm tính, cái gì đáng nói anh sẽ nói, điều gì không đáng sẽ bỏ qua. Trước giải vô địch U23 châu Á, người ta không nhắc nhiều tới cái tên Văn Toàn.

Bởi thế, anh luôn là một ẩn số! Và ngay sau đấy anh cũng chỉ là một vệt sáng mờ tại Thường Châu, xuất hiện nhạt nhoà tổng cộng 114 phút, chủ yếu từ băng ghế dự bị.

Đùng một cái, Toàn đổi màu tóc.

Những người hâm mộ khó tính không hề ưa thích sự đổi mới này. Họ cho rằng đó là sự phá cách thái quá và anh dễ bị dụ vào con đường showbiz mà trước đấy Công Phượng đã từng.

Trong cách suy nghĩ của nhiều người, đã là tuyển thủ thì chỉ nên tập trung vào bóng bánh. Họ chỉ mới nhìn thoáng qua cái vỏ bọc bên ngoài của Toàn rồi tự cho mình cái quyền đánh giá bản chất bên trong của anh.

Hình ảnh Văn Toàn ngày bé.

Bằng khen treo khắp nhà.

"Khi Toàn về nước nhuộm tóc, cả gia đình không biết. Vì con lớn rồi, bố mẹ cũng cần tôn trọng sở thích của Toàn. Đến khi mạng xã hội đồn ầm lên, Toàn mới chụp ảnh về cho bố mẹ xem.

Toàn có hỏi chú là bố thấy con đẹp trai không, đương nhiên trong mắt mình con lúc nào chả đẹp. Nhưng chú cũng buồn vì người hâm mộ chê con trai già".

Với một tiền đạo như Văn Toàn, sự thể hiện ở Thường Châu được nhận định... là một thất bại. Chú Tạo và cô Đua thương con trai mình. Toàn thích làm gì, nhuộm tóc màu nào cô chú cũng đồng tình. Khi ngồi riêng 2 bố con với nhau, chú hỏi con trai.

- "Sao con lại nhuộm tóc?"

- "Con muốn đổi mới, muốn khác người một chút để tự tin trong đợt tập trung này. Đội tuyển có hàng tiền đạo đông lắm nên cạnh tranh cũng nhiều, nhuộm tóc sẽ giúp con tự tin hơn. Khi nào xong giải con sẽ về cắt và nhuộm lại".

Chú bé Văn Toàn dễ thương ngày nào.

Văn Toàn đã thực sự chứng minh màu tóc chả liên quan gì tới sức mạnh tiềm tàng trong anh cả. Từ ngày có "quả đầu" mới, fan thân thương hay gọi anh là "cụ".

Ai đời lại để "cụ" ông mang quần đùi áo số chạy lon ton trong sân như thế! Giờ thì người hâm mộ hoàn toàn tin tưởng, Văn Toàn thích nhuộm tóc màu gì họ cũng ưng hết.

Trước khi biết được ý nghĩa thật đằng sau màu tóc mới của Văn Toàn, người hâm mộ từng đặt giả thiết về nét hao hao minh tinh Hàn Quốc của anh. Ít ai biết, Toàn là một fan Kpop chân chính.

"Con mê lắm, nhất là nhóm BigBang ý. Mỗi lần đi tắm đều mở điện thoại vừa tắm vừa nghe. Chắc là do sở thích nên mới đổi tóc cho nghệ sĩ tí".

Những ngày đầu Văn Toàn làm quen với bóng đá.

Cho đến cúp vàng to gần bằng người anh.

Tiền thưởng có bao nhiêu, Toàn đem tặng họ hàng, anh em hết!

Theo nghiệp quần đùi áo số, Văn Toàn vắng nhà quanh năm. Kể cả dịp Tết, phải đến 27, 28 Tết anh mới được về, rồi qua mùng 4 lại phải vào Gia Lai.

Trước thềm sang Indonesia thi đấu, cả đội tuyển về Hưng Yên tập luyện. Văn Toàn được thầy Park cho về thăm nhà một buổi chiều Chủ nhật. Nhưng còn chưa kịp đưa cháu đi chơi, 2 tiếng sau đã phải tập hợp cùng đồng đội.

Chú Tạo và cô Đua có tổng cộng 4 người con: 3 gái, 1 trai. Văn Toàn là người con thứ. Xa nhà một mình vào Gia Lai từ bé, Toàn là đứa trẻ có tính tự lập rất cao.

Dù gặp bất cứ chuyện gì, kể cả chấn thương, anh đều giấu nhẹm với bố mẹ. Nếu có "bị" hỏi thăm, Toàn đều đáp: Con không sao cả, bố mẹ đừng lo lắng.

Loạt thẻ thi đấu của cầu thủ Nguyễn Văn Toàn.

Từ thời tiểu học, Văn Toàn đã là một cầu thủ xuất sắc.

"Toàn sống biết điều. Đợt từ Thường Châu về, tiền thưởng có bao nhiêu Toàn đem tặng họ hàng, anh em. Anh có điện thoại iPhone 7 thì em gái cũng có.

Ai đến nhà chơi Tết cũng đều có tiền mừng tuổi. Nhất là khi đón tiếp người hâm mộ, con rất hoà đồng, không mắc bệnh ngôi sao. Kể cả khi mới ngủ mà fan đến con lại xuống, cười nói vui vẻ".

Để chuẩn bị là hậu phương tốt nhất cho con trai cùng đồng đội trong trận bán kết sắp tới, chú Tạo và cô Đua quyết không sang Indonesia.

Dù bố tuyển thủ Lương Xuân Trường có lời mời, nhưng bố mẹ Văn Toàn muốn ở nhà đón tiếp bạn bè, người thân đến cùng xem trận đấu.

Có lẽ, đó cũng là cách cô chú không muốn tạo áp lực cho con trai mình. Đã yêu thương thì dù có cách sân vận động Bogor hơn 4.000 km, niềm tin và những ánh mắt hy vọng vẫn luôn dõi theo Văn Toàn và đồng đội.

Vậy là, bóng đá Việt Nam một lần nữa viết tiếp lịch sử khi có mặt ở 4 đội cuối cùng môn bóng đá nam ASIAD 2018.

Dù đối thủ sắp tới là Olympic Hàn Quốc thì vào lúc này chúng ta vẫn có quyền mơ về những kỳ tích tiếp theo. Đây không phải lần đầu chúng ta rơi nước mắt vì bóng đá, nhưng nước mắt của những giây phút thăng hoa mãi mãi là niềm tự hào.

Cảm ơn Văn Toàn cùng đồng đội, vì tất cả.

Hàng triệu người hâm mộ vẫn luôn sát cánh và đón chờ những niềm vui mới từ đội tuyển Olympic Việt Nam.

Theo Trí thức trẻ


Olympic Việt Nam

ASIAD 2018

Văn Toàn

U23 Việt Nam


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.