Bé Nguyễn Vân Nhi (12 tuổi, ở Hà Nội) đã hiến tặng lại giác mạc cho những người không may bị mù lòa có cơ hội nhìn thấy ánh sáng trước khi tạm biệt cõi đời.
Vân Nhi được phát hiện mắc bệnh Papylome (u nhú dây thanh quản) từ năm 2 tuổi và đã điều trị tại nhiều bệnh viện. Đây là bệnh hiếm nên y học vẫn chưa có phương pháp điều trị hiệu quả.
Hơn 10 năm qua, tháng nào Vân Nhi cũng phải đến bệnh viện điều trị. Sau thời gian dài chống chọi với bệnh tật, bé Nguyễn Vân Nhi đã trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Nhi Trung ương lúc 11 giờ ngày 2-7. Nguyện vọng của bé và gia đình là hiến tặng giác mạc cho những bệnh nhân cần ánh sáng. Ngân hàng Mắt Bệnh viện Mắt Trung ương đã đến Bệnh viện Nhi nhận giác mạc hiến của bé Vân Nhi.
Mẹ bé, chị Nguyễn Thị Hải Vân, tâm sự trước khi cháu mệt nặng, gia đình đã nói với cháu về chuyện hiến giác mạc sau khi mất và bé Nhi vui vẻ đồng ý. Có thể cháu chưa hiểu rõ được về việc mãi mãi rời xa cuộc đời này nhưng trái tim nhân hậu của bé muốn làm một điều tốt đẹp.
PGS-TS Nguyễn Xuân Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Mắt trung ương, chia sẻ mỗi lần nhận những cuộc gọi khẩn cấp, yêu cầu đi lấy giác mạc của các em bé mất vì bệnh tật, ông và đồng nghiệp lại nhói lòng.
"Thật khó diễn tả nổi cảm xúc khi đến gia đình, chứng kiến sự đau đớn khi chia lìa con trẻ của các bậc cha mẹ, lặng nhìn gương mặt xinh đẹp thiên thần như đang say ngủ của các em. Nhưng chúng tôi vẫn phải gạt đau thương để trân trọng đón nhận giác mạc của các bé, để các em đem lại ánh sáng cho người khác, để các em tiếp tục cho đôi mắt của các em tiếp tục nhìn ngắm cuộc đời này" – bác sĩ Hiệp nói.
Hằng ngày, các bác sĩ chuyên khoa mắt chạy chữa cho hàng trăm đôi mắt. Ngày nào, bác sĩ Hiệp cũng chứng kiến những cảnh đời khổ sở, đau đớn vì mù lòa. Có rất nhiều cô bé, cậu bé luôn mở to cặp mắt đen láy, cười thơ ngây với bác sĩ nhưng thực ra các em không có ánh sáng.
Lại có những thanh niên đang ở độ tuổi lao động, bỗng nhiên gặp tai nạn rơi vào cảnh mù lòa, phải sống cuộc đời lệ thuộc nên rất buồn khổ. Lúc đó, người thân của họ luôn sẵn sàng nhường một con mắt, thậm chí cả đôi mắt cho người thân nhưng bác sĩ đành bất lực. Nếu những người mất đi mà hiến lại giác mạc của mình thì sẽ có hàng ngàn người có thể sáng mắt, sống cuộc đời có chất lượng hơn.
Giác mạc được đưa về Bệnh viện Mắt để ghép cho bệnh nhân
Không như nhiều người cho rằng hiến giác mạc là "cho cả đôi mắt", hiến giác mạc là hiến tặng lớp mỏng trong suốt nằm phía trước lòng đen và một phần củng mạc (lòng trắng) đi kèm. Hiến tặng giác mạc sau khi qua đời không hề làm ảnh hưởng đến khuôn mặt người hiến tặng . Đến nay, y học chưa thể làm ra giác mạc nhân tạo mà phải hoàn toàn trông chờ vào sự "để lại" của những người đã mất.
Theo PGS Hiệp, hơn 10 năm sau khi thành lập, tuyên truyền vận động liên tục, được nhà nước tạo hành lang pháp lý để hoạt động, Ngân hàng mắt của Bệnh viện Mắt Trung ương mỗi năm chỉ thu nhận được chưa đến 100 người hiến tặng giác mạc.
Con số đó chẳng thấm vào đâu so với sổ đăng ký chờ hiến giác mạc của bệnh viện lúc nào cũng hơn 1.000 người. Trong cộng đồng thì có khoảng 300.000 người mù do bệnh lý giác mạc đang chờ người hiến mắt, chẳng biết bao giờ vận may mới rơi vào mình. Mỗi năm con số đó sẽ bổ sung khoảng 15.000 trường hợp mắc mới.
Khó khăn là vậy nên phẫu thuật ghép giác mạc cho dù không phức tạp lắm vẫn chưa cứu chữa được nhiều người mù. Rất nhiều người đang phải chịu cảnh mù lòa hay sẽ chết già mà chẳng có một ngày được nhìn đời, nhìn người thân…
Các bác sĩ làm thủ thuật lấy giác mạc của bé Vân Nhi để hiến cho các bệnh nhân kém may mắn khác
Sau bao năm miệt mài vận động hiến tặng giác mạc, đặc biệt sau trường hợp hiến tặng giác mạc của bé Hải An (7 tuổi, đã qua đời vì bệnh ung thư) đã tạo nên một làn sóng lan tỏa trong cộng đồng về việc hiến tặng mô tạng nói chung và hiến tặng giác mạc nói riêng. Riêng 6 tháng đầu năm 2018, số lượng người hiến tặng giác mạc đã chạm con số 60, gần bằng tổng số người hiến năm 2017.
Câu chuyện về bé Vân Nhi hiến tặng giác mạc của mình sau khi mất đã khiến nhiều người xúc động. Đôi mắt của em sẽ đem lại ánh sáng cho 2 người mù lòa, cho họ điều kỳ diệu được nhìn lại cuộc đời đầy màu sắc rực rỡ này sau thời gian dài chìm trong bóng tối.
Sáng 5-7, rất đông người thân, bạn bè và cả những người xa lạ đã có mặt tại nhà tang lễ để tiễn đưa bé Vân Nhi về nơi an nghỉ cuối cùng.
Nhiều hàng xóm, người bạn… đã đến ôm động viên chị Hải Vân (mẹ cháu) sớm vượt qua nỗi đau mất con. Hơn 10 năm qua, chị Hải Vân đã luôn nắm chặt tay con gái cùng chiến đấu với bệnh tật. Chị Nguyễn Trần Thùy Dương (mẹ bé Hải An) đã đến viếng, tiễn biệt bé Vân Nhi lần cuối. Chị Dương nắm chặt tay chị Hải Vân. Hai người mẹ ấy ôm nhau khóc trong một nỗi đau chung. Phút cuối đời, 2 con của họ đã nhường ánh sáng cho những bệnh nhân mù lòa thiếu may mắn khác.
|
Tang lễ của bé Vân Nhi có rất đông người đến dự. Chị Thùy Dương (mẹ bé Hải An) đã ôm chầm lấy chị Hải Vân (mẹ bé Vân Nhi) trong nỗi đau chung
"Chẳng áo trắng nào muốn nhấc bỏ một phần cơ thể của những sinh linh bé nhỏ vốn đã thiệt thòi vì chẳng còn có mặt trên đời bao lâu nữa. Nhưng chúng tôi hy vọng những đôi mắt trong veo đó rồi một ngày gần đây sẽ lại hiện về thấm đẫm hồn người. Cám ơn các bé, tạ ơn các bậc sinh thành ra các cháu! " - PGS Hiệp tâm sự.
Trước đó, trong nỗi đau mất đi đứa con gái bé bỏng, chị Hải Vân hy vọng chỉ nay mai đôi mắt của Vân Nhi sẽ hồi sinh, đem lại ánh sáng cho những người bệnh khác.
Mẹ Hải Vân trò chuyện với con gái trước khi các nhân viên y tế thực hiện tâm nguyện hiến giác mạc của bé
Lúc đầu, gia đình muốn hiến nhiều bộ phận khác nhưng Vân Nhi chưa đủ 18 tuổi nên gia đình chỉ có thể hiến giác mạc. "Mẹ sẽ làm việc ý nghĩa theo đúng tâm nguyện của con để lúc nào con cũng nhìn thấy ông bà, bố mẹ và chị ở bên Vân Nhi nhé!"- chị Vân đã nói trong nấc nghẹn.
Khi Vân Nhi ra đi, con vẫn xinh lắm, gương mặt không bị biến dạng. Con như đang ngủ mà thôi. Chị Vân đặt lên má con nụ hôn vĩnh biệt mà trong lòng rối bời. Nhưng chị vẫn tin, người nhận giác mạc của Vân Nhi sẽ là người trẻ tuổi và chị vẫn có thể gặp con hằng ngày.
Theo NLĐO