Thanh niên say rượu đập vỡ kính xe cứu thương có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Với hành vi đập vỡ kính xe cứu thương, gây hư hại nghiêm trọng và gây thương tích cho tài xế, nam thanh niên ở Trà Vinh có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Như PLO đã đưa tin, hôm qua (2-6), trên mạng xã hội xôn xao với video có nội dung một thanh niên mang khẩu trang, mặc áo trắng cầm ghế sắt từ lề đường lao ra chặn xe cứu thương và định đập kính xe.

Khi đó, hai phụ nữ đi cùng chạy ra ngăn cản người thanh niên và giật lại chiếc ghế. Thanh niên này đã chỉ vào mặt tài xế và lớn tiếng hù dọa.

Xe cứu thương tiếp tục lăn bánh thì người thanh niên điều khiển xe máy chạy theo, sau đó cầm cục gạch to từ lề đường chạy ra và ném bể kính xe cứu thương.

Trên xe, tiếng hai phụ nữ hoảng hốt “Xe chở bệnh nhân anh ơi”. Vài giây sau, tiếng tài xế nói lớn “Ui da, chảy máu rồi”.

Sau đó, tài xế xuống xe và nói: “Trên xe chở bệnh nhân nặng lắm, có bác sĩ trên xe nữa”.

Thanh niên say rượu đập vỡ kính xe cứu thương có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự-1

Người thanh niên cầm ghế sắt chặn xe cứu thương. Ảnh: MXH

Qua tìm hiểu, PV được biết xe cứu thương trên đang chở bệnh nhân từ BV Chợ Rẫy (TP.HCM) về bệnh viện Thiên Ân - Trà Vinh vào chiều ngày 31-5. Trên đường đi thì bị thanh niên trên không nhường đường nên tài xế đã điều chỉnh còi hụ to thêm.

Đồng thời, được biết thanh niên này tên D, hiện đang làm tại cơ sở mai táng ĐCH ở TP Trà Vinh. Theo bà H chủ cơ sở mai táng, hôm xảy ra vụ việc D đi tiệc về nên trong người có rượu, không làm chủ bản thân nên gây ra sự việc đáng tiếc.

Từ vụ việc này, nhiều bạn đọc cho rằng việc cản trở xe cứu thương không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn là hành vi trái với đạo đức, trái với xã hội, không được xã hội chấp nhận.

Thanh niên say rượu đập vỡ kính xe cứu thương có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự-2

Người thanh niên cầm cục gạch ném bể kính xe cứu thương. Ảnh: MXH

Một số bạn đọc cho rằng những trường hợp cản trở xe cứu thương hoặc các loại xe ưu tiên đang làm nhiệm vụ cần phải được pháp luật xử lý nghiêm.

Bên cạnh đó, một số bạn đọc cũng thắc mắc, đối với trường hợp trên nam thanh niên thì sẽ phải đối mặt với những những tội danh nào và bị xử phạt ra sao theo quy định.

Để giải đáp thắc mắc này, luật sư Hoàng Anh SơnĐoàn Luật sư TP.HCM phân tích qua thông tin (video trên mạng xã hội, bài viết trên báo), luật sư cho rằng hành vi trên của người thanh niên rất manh động, liều lĩnh và đặc biệt nguy hiểm.

Hành vi đã trực tiếp, đồng thời cùng lúc xâm phạm nhiều khách thể được pháp luật bảo vệ: Hủy hoại tài sản; Gây thương tích cho tài xế và gây ảnh hưởng sức khỏe của mọi người trên xe hoặc có thể gián tiếp gây nguy hiểm tới tính mạng của bệnh nhân nếu không được cấp cứu kịp thời; Cản trở nhóm người thực thi nhiệm vụ cứu người. Hành vi này cần được khởi tố, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Theo luật sư Hoàng Anh Sơn, thanh niên D có thể bị khởi tố một trong những hoặc đồng thời nhiều tội danh, với khung hình phạt khác nhau, tùy thuộc kết quả của cơ quan điều tra xác định cụ thể tính chất, mức độ của hành vi phạm tội và định lượng hậu quả vật chất gây thiệt hại trên thực tế. Có thể thanh niên D có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với những vi phạm như sau:

Thứ nhất - Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản

Video cho thấy thanh niên D đã cố tình cầm cục gạch to, đập mạnh vào kính chắn phía trước và bên hông chỗ tài xế ngồi, gây nứt, hư hại nghiêm trọng kính xe cứu thương.

Theo đó, quy định tại Điều 178 BLHS 2015 (sửa đổi bổ sung 2017), người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đến dưới 50 triệu đồng.

Hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp (Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm; Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội...) thì bị phạt tiền từ 10 – 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Nếu giá trị tài sản bị thiệt hại từ 50 triệu đến dưới 200 triệu đồng thì bị phạt tù từ 2 - 7 năm (khoản 2, Điều này).

Thứ hai - Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

Hành vi của người thanh niên gây thương tích cho tài xế có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự Tội cố ý gây thương tích theo Điều 134 BLHS 2015 (sửa đổi bổ sung 2017).

Cụ thể, nếu cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% - 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp (Thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người; Có tính chất côn đồ; Đối với người đang thi hành công vụ,...) thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Trong trường hợp này, theo quy định tại khoản 4 Điều 206 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS), cơ quan điều tra bắt buộc phải giám định để xác định tính chất thương tích.

Nếu tỷ lệ tổn thương cơ thể bằng hoặc dưới 30% thì theo quy định tại khoản 1 Điều 155 BLTTHS thì chỉ khởi tố tội cố ý gây thương tích ở khoản 1 Điều 134 theo yêu cầu của bị hại (tức theo yêu cầu của người lái xe cứu thương).

Nếu tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% trở lên thì dù có hay không có yêu cầu của bị hại, cơ quan điều tra vẫn khởi tố và xử lý hành vi phạm tội theo quy định pháp luật.

Thứ ba - Tội chống người thi hành công vụ

Ở tình huống này, thanh niên D ban đầu đã dùng ghế chặn, định đập kính xe cứu thương, không cho đi qua. Sau đó, khi xe tiếp tục đi thì vẫn tiếp tục rượt theo rồi dùng gạch đập bể kính ô tô.

Theo đó, nhóm người trong xe gồm tài xế, y tá, điều dưỡng, nhân viên y tế khác đang thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp, quan trọng, có tính công vụ là cứu người, vận chuyển bệnh nhân. (Khái niệm pháp lý “người thi hành công vụ” cũng như “hành vi chống người thi hành công vụ” được nêu tại Điều 3 Nghị định 208/2013).

Hành vi thanh niên D có dấu hiệu của tội chống người thi hành công vụ theo Điều 330 BLHS 2015 (sửa đổi bổ sung 2017), sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Xử lý vi phạm hành chính

Luật sư Hoàng Anh Sơn phân tích thêm, trường hợp trong quá trình điều tra, xác minh nếu không có cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự với thanh niên D thì có thể sẽ xử lý, xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể:

Vi phạm hành chính đối với hành vi gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác theo điểm a khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021. Phạt tiền từ 3 – 5 triệu đồng đối với hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cá nhân, tổ chức, trừ trường hợp vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều 21 Nghị định này.

Bị xử phạt hành chính đối với hành vi cố ý gây thương tích theo điểm a khoản 5 Điều 7 Nghị định 144/2021, bị phạt tiền từ 5 – 8 triệu đồng.

Hoặc bị xử phạt hành chính với hành vi chống người thi hành công vụ, căn cứ tại điểm a khoản 3 Điều 21 Nghị định 144/2021, phạt tiền từ 6 – 8 triệu đồng.

Ngoài ra, thanh niên này có thể còn bị xử phạt hành chính đối với hành vi điều khiển xe máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ. Căn cứ khoản 4 Điều 7 Nghị định 100/2019 (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021). Phạt tiền từ 800.000 đồng - 1 triệu đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ.

Đồng thời theo thông tin được cung cấp có thể thấy cậu thanh niên này không được tỉnh táo vì vậy ngay sau khi vụ việc xảy ra cần tiến hành xác mình xem liệu người điều khiển xe có sử dụng chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn và chất kích thích khác hay không.

Nếu xác định tình trạng nồng độ cồn trong máu vượt quá mức quy định thì tùy theo mức độ vi phạm mà người vi phạm sẽ bị phạt tiền hoặc tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe theo quy định tại Điều 5 Nghị định 100/2019 (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021).

Theo PLO

Xem link gốc Ẩn link gốc https://plo.vn/thanh-nien-say-ruou-dap-vo-kinh-xe-cuu-thuong-co-the-bi-truy-cuu-trach-nhiem-hinh-su-post736283.html

xe cứu thương


Cảnh giác chiêu lừa của người nước ngoài giả vờ mua hàng, đổi ngoại tệ
Thủ đoạn của các đối tượng người nước ngoài lợi dụng các điểm bán hàng hoặc các điểm dịch vụ đổi tiền có ít người quản lý, giả vờ vào mua hàng hoặc đổi tiền, sau đó tạo các tình huống khiến người bán hàng phân tâm, mất cảnh giác để chiếm đoạt tài sản.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.