Vui như bà con Chương Mỹ sau trận lũ lịch sử: 'Mấy đứa cháu được về rồi, nhà cửa rộn ràng hẳn lên!'

Có lẽ hình ảnh đẹp nhất cho đến thời điểm hiện tại, chính là nụ cười và sự lạc quan của bà con nơi đây.

Một buổi chiều cuối ngày ở Nam Phương Tiến, trời hửng nắng vàng ươm sau cơn mưa rào. Cầu vồng lên cao sau nhiều ngày màn đêm u tối. Có lẽ hình ảnh đẹp nhất cho đến thời điểm hiện tại, chính là nụ cười và sự lạc quan của bà con nơi đây.

Xã Nam Phương Tiến chiều 9/8 - đúng 17 ngày sau trận lũ lịch sử. Khắp các nẻo đường vốn dĩ trước đây là những "con sông", nay đã được trả về đúng hình hài ban đầu của nó. Người dân đi lại bằng xe máy, xe đạp, xe công nông, thay vì phải chèo thuyền, đẩy thúng. Đã hơn 2 tuần trôi qua, cuộc sống nơi đây đang bắt đầu "hồi sinh".

Kể từ sáng 8/8, nước ngập ở các vùng "rốn lũ" thuộc huyện Chương Mỹ (Hà Nội), đặc biệt tại xã Nam Phương Tiến đã rút gần hết. Chỉ còn lại một số vùng trũng, và nặng nhất vẫn là thôn Nhân Lý.

Trên đường chính dẫn vào xã Nam Phương Tiến - nơi từng ngập sâu 1,5 mét, khắp các góc làng, người dân đang hò nhau dọn dẹp sau lũ. 

Vui như bà con Chương Mỹ sau trận lũ lịch sử: "Mấy đứa cháu được về rồi, nhà cửa rộn ràng hẳn lên!". Thực hiện: Kingpro.

Xã Nam Phương Tiến nhìn từ trên cao, những con đường làng đã lộ rõ hình hài.

Các thôn tại xã hầu như đều đã rút nước.

Sau cơn mưa, trời lại sáng!

Đám trai làng thôn Nam Hài hả hê phi xe giữa đường không sợ chết máy. Chỉ mới mấy ngày trước, đoạn đường bê tông dài chừng 300 mét này chẳng khác gì một cái bẫy đối với họ. Cứ đi đến giữa chặng, xe bỗng dưng "chết ngủm" vì "sặc nước". Người kéo phía trước, kẻ đẩy phía sau, cả đám ì ạch đưa xe tới đầu làng tầm một cây số để "bảo dưỡng".

Còn mấy chị gái đang ung dung ngồi đan mây tre nứa trước cửa nhà, những ngày đầu lũ, buồn đến độ chả có tâm trạng để nói chuyện hàn huyên với nhau. Ấy thế mà lũ vừa rút, dọn dẹp nhà cửa xong xuôi, chị nào chị nấy đều vui vẻ hân hoan. 

- "Này mấy em, vào đây đánh bát mì tôm trứng đã". Ai cũng một lời "dạ dạ", "vâng vâng", không khí vừa náo nhiệt vừa sôi động chẳng khác gì hội làng.

Con đường tới ủy bản xã đã hoàn toàn khô ráo.

Trứng của ốc bươu vàng bám thành từng mảng trên tường nhà dân sau khi nước rút.

Ở một số nơi nước vẫn chưa kịp rút hết.

Chẳng ai ngờ, cách đó chừng 2 ngày, cả một bầu trời đen tối vẫn đang che lấp ánh sáng ở Nam Phương Tiến. Nhưng rồi sau cơn mưa, trời sẽ lại sáng! 

Nhận lệnh giúp dân ổn định cuộc sống sau lũ, ngay trong sáng 8/8 hàng trăm cảnh sát cơ động, cảnh sát PCCC và công an huyện Chương Mỹ có mặt tại xã từ 7h sáng để dọn dẹp từ Ủy ban nhân dân huyện, trường học, tới trạm y tế. Việc cấp thiết ngay lúc này là làm vệ sinh trường Mầm non và trường Tiểu học Nam Phương Tiến. Các cô giáo cùng lực lượng thanh niên tình nguyện đang rất gấp rút để có thể đón các em học sinh quay lại trường học trong thời gian tới.

Cán bộ y tế phun thuốc khử trùng toàn xã.

Phòng Cảnh sát PCCC số 9 đã huy động 40 chiến sĩ, 2 xe chuyên dụng đến phun nước, rửa sạch khuôn viên trụ sở UBND xã Nam Phương Tiến và một số tuyến đường trên địa bàn xã. Trung tâm y tế huyện Chương Mỹ cấp phát hơn 700 đơn vị thuốc chữa các bệnh ngoài da cho người dân. Sau lũ, đơn vị này cũng tiến hành phun khử trùng dọc đường làng, ngõ xóm, trường học. 

Đối với nhà dân, với phương châm nước rút đến đâu vệ sinh tới đó, người dân tích cực dọn dẹp để tránh phát sinh những dịch bệnh. Cùng với sự giúp đỡ của cộng đồng, bà con vùng "rốn lũ" đang nỗ lực khắc phục khó khăn và tiếp tục cuộc sống sinh hoạt bình thường của mình.

Lực lượng dân quân giúp dân.

Tất cả mọi người chung tay dọn vệ sinh. 

Nụ cười Nam Phương Tiến 

Xã Nam Phương Tiến 2 ngày nay không còn cảnh bà con tay xách nách mang, hò nhau í ới chạy lũ. Họ thực sự bình tĩnh hơn và cười nhiều hơn. Lũ rút rồi, dù vẫn còn nhiều nỗi lo thường trực nhưng trước mắt mình cứ phải cười cái đã!

Bà Chuyên (67 tuổi) vui mừng đón 2 đứa cháu về nhà sau thời gian di tản. 17 ngày trôi qua, chưa có thời điểm nào bà bỏ căn nhà cấp 4 ủ dột của mình để rời đi. Bà tiếc cái tủ lạnh mới mua, rồi cả con bò trước cửa. Lũ lên, bà lấy đá kê giường thật cao để ngủ cho ngon giấc. Nước vào đến tận phòng khách, mấy bao tải gạo bị ẩm nặng, bà Chuyên tính chừng ngày mai đem đi vứt cả. 

"Có giữ lại cũng không dùng được nữa. Nhưng quan trọng là mấy đứa cháu về rồi, vui nhà vui cửa hẳn lên" - bà Chuyên nói. 

Bà Chuyên vui vì đón được 2 đứa cháu về nhà.

Người dân quét rác quanh khu vực sinh sống.

Cán bộ y tế khử trùng trong các lớp học.

Bé Mi (3 tuổi) nhìn thấy ống kính máy ảnh liền hét toáng: "Cô ơi, chụp ảnh cho cháu!". 

- "Ừm, thế cười lên!".

Mi vội chạy vào nhà lôi đứa em gái đang khóc đòi sữa ra sân bằng được. Hai chị em đứng sát cạnh, ôm nhau rồi cùng cười. Trẻ con ở Nam Phương Tiến, hình như bé nào thấy máy ảnh đều tự động cười rõ tươi. Ngày trước, con đường trước nhà Mi chỉ toàn nước thôi. Từ ngày nước rút, cuộc sống của mấy mẹ con em nhẹ nhàng hơn hẳn. 

Nụ cười hồn nhiên của lũ trẻ nhỏ. 

Cuộc sống của người dân nơi đây lại được trở về như trước.

Cô Lan (43 tuổi) hì hục cúi người, ôm cổ con chó nhà mình băng qua đoạn đường ngập chưa đến đầu gối. Cô tính ra trạm y tế xin ít thuốc về bôi chân, ai dè con chó lẽo đẽo bám theo. "Thằng Đức đâu, ra đưa chó về cho mẹ!". Nhưng cô Lan cứ gọi miết cũng không thấy thằng Đức thưa. Thương con cún, cô đưa nó về tận nhà, xích lại một chỗ rồi mới quay ra trạm y tế.

Cô Lan đưa con chó cưng về nhà.

Một buổi chiều cuối ngày ở Nam Phương Tiến, trời hửng nắng vàng ươm sau cơn mưa rào. Cầu vồng lên cao sau nhiều ngày màn đêm u tối. Có lẽ hình ảnh đẹp nhất cho đến thời điểm hiện tại, chính là nụ cười và sự lạc quan của bà con nơi đây. Mưa gió bão lụt có thể làm gián đoạn cuộc sống sinh hoạt của họ, nhưng chẳng thể dập tắt đi nụ cười và sự lạc quan đó. Bà con với lòng nhiệt thành, thật thà và luôn hiếu khách, vẫn luôn cười tươi gọn lỏn mỗi khi chia tay.

"Ngày mai, các cháu lại tới thăm Nam Phương Tiến nhé!".

Theo Trí Thức Trẻ


Chương Mỹ

ngập lụt

mưa lũ


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.