Cho chúng tôi xem những clip quay lại các vụ y - bác sĩ tại khoa Cấp cứu của BV Việt - Tiệp bị lăng mạ, rượt đuổi, hành hung, bác sĩ Trần Thị Thanh Thủy - Trưởng khoa Cấp cứu bệnh viện - cho biết: "Đây là chuyện xảy ra thường xuyên tại khoa".
Chỉ tính riêng mấy tháng đầu năm 2014, tại khoa đã có 13 vụ
gây rối trật tự phải báo công an phường. Năm 2013 có 10 vụ gây rối, đánh
bác sĩ, phá tài sản của khoa; 2 vụ mang súng đe dọa, 2 vụ có dao, 2 vụ
đánh nhau có vũ khí. Có lần cả khoa phải nghỉ trực để bảo toàn tính
mạng...
Bị “ăn chửi” thường xuyên
Bác sĩ Trần Thị Thanh Thủy cho biết: Về vấn đề bác sĩ bị đe dọa, hành hung ở bệnh viện chúng tôi xảy ra thường xuyên. Hình thức nhiều nhất, thường xuyên nhất là bị người nhà bệnh nhân chửi bới, đe dọa. Có nhiều trường hợp cán bộ y - bác sĩ đã bị hành hung.
Theo bác sĩ Thủy, trung bình mỗi tháng, khoa Cấp cứu của Bệnh viện Việt - Tiệp đón tiếp, cứu chữa cho khoảng 3.500 lượt bệnh nhân. Mỗi ngày cũng phải đón từ 110 – 120 bệnh nhân, trong khi đó, cả khoa chỉ có 44 cán bộ y - bác sĩ nên cường độ làm việc rất căng.
Nếu chia ca ra, lượt cán bộ bác sĩ trực sẽ ít hơn. Tuy nhiên, tại khoa, do diện tích chật hẹp, cơ sở vật chất còn chưa được đầy đủ, người nhà nạn nhân ra vào quá nhiều, dẫn đến việc thăm khám chữa bệnh của bác sĩ bị hạn chế. Mỗi một người vào cấp cứu có tới vài người nhà đi kèm, gia đình đông có tới hàng chục nên tại khoa luôn trong tình trạng ồn ào.
![]() |
Vết thương do người nhà bệnh nhân hành hung của một bác sĩ. |
Tuy nhiên, bác sĩ Thủy cho biết, điều làm các y bác sĩ tại khoa ngán ngại nhất là tình trạng người nhà bệnh nhân sẵn sàng chửi bới, lăng mạ và đe dọa hành hung bác sĩ vì cho rằng “không quan tâm đến người nhà họ”.
Ngay như sáng 28.7, có hai ca cấp cứu vào khoa cùng lúc: Một ca chấn thương ngực bụng, gãy xương quai hàm và chấn thương sọ não; ca còn lại bị lòi ruột ra ngoài. Trước tình hình đó, chúng tôi chẩn đoán và cấp cứu lập tức cho ca chấn thương sọ não và lồng ngực, vì ca lòi ruột kia ít nguy hiểm hơn. Thế nhưng, khi bác sĩ đang ép tim nạn nhân chấn thương sọ não, tay vẫn còn đầy máu thì bị người nhà nạn nhân lòi ruột lao vào phòng chửi bới, lăng mạ vì cho rằng không cấp cứu người nhà họ. Chúng tôi lại phải giải thích, người nhà họ có thể cấp cứu trì hoãn, họ mới chịu ra ngoài.
Chị Lê Thị Thu Lan - Y tá trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Việt - Tiệp - cho biết: Hầu hết các y - bác sĩ tại khoa đều thường xuyên bị “ăn chửi”. Chỉ tính riêng mấy tháng đầu năm 2014, tại khoa đã có 13 vụ gây rối trật tự phải báo công an phường. Năm 2013 có 10 vụ gây rối, đánh bác sĩ, phá tài sản của khoa; 2 vụ mang súng đe dọa, 2 vụ có dao, 2 vụ đánh nhau có vũ khí. Có lần cả khoa phải nghỉ trực để bảo toàn tính mạng. “Còn lại thường xuyên là tình trạng người nhà nạn nhân to tiếng, chửi bới. Chúng tôi nghe chửi nhiều đến nỗi chẳng phản ứng được, cứ thế làm việc thôi” – y tá Lan nói.
Được phân về khoa Cấp cứu, nghỉ làm luôn
Bác sĩ Trần Thị Thanh Thủy cho biết: Không những bị chửi bới, đe dọa, các y - bác sĩ tại khoa Cấp cứu còn bị hành hung, gây thương tích. Cho đến giờ, các cán bộ của khoa Cấp cứu vẫn còn nhớ lần bị “giang hồ” dí súng vào đầu mấy năm trước.
Chẳng là có một “đại ca” tên L của đất cảng bị đối thủ bắn vào đầu. Khoảng vài chục đàn em của “đại ca” này đưa đàn anh đến bệnh viện trong tình trạng gần như ngừng thở. Bác sĩ thực hiện các biện pháp cấp cứu nhưng không có kết quả. Lập tức, một đối tượng đã rút súng dí vào đầu các y - bác sĩ đe “nếu không cứu được đại ca sẽ bắn chết hết”. Chỉ đến khi công an có mặt, nhóm người trên mới giải tán. Tình trạng các nhóm va chạm, đâm chém khiến bị thương, khi được đưa đến bệnh viện lại gây rối, la hét, đe dọa bác sĩ trong bệnh viện cũng thường xảy ra.
Cũng tại đây, cách đây vài năm, một bác sĩ của khoa trong lúc đang làm việc đã bị người nhà của bệnh nhân đấm thẳng vào mặt. Hậu quả của cú đấm đã làm bác sĩ này bị bong võng mạc, tổn hại 17% sức khỏe. Sau đó, đối tượng hành hung đã bị cơ quan công an bắt giữ, ra tòa. Hiện tại, bác sĩ này đã chuyển khỏi khoa Cấp cứu. Ngoài vị bác sĩ này ra, còn có bác sĩ khác bị chém vào tay, khâu nhiều mũi; Chuyện nữ y tá bị người nhà tát…
Việc các y - bác sĩ chuyển khỏi khoa Cấp cứu cũng rất nhiều. Theo bác sĩ Trần Thị Thanh Thủy, vài năm trước, có một bác sĩ mới ra trường được phân công về khoa Cấp cứu của bệnh viện, làm việc được mấy hôm, cậu ấy nghỉ luôn vì không chịu được áp lực.
Theo bác sĩ Thủy, để các y - bác sĩ làm việc tại khoa Cấp cứu yên tâm
làm việc, cần phải có lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp. Và hiệu quả hơn
nữa nếu có mặt của lực lượng công an, vì thường là sau khi xảy ra các vụ
lăng mạ, hành hung cán bộ y - bác sĩ xong rồi, lực lượng công an mới có
mặt. “Sau mỗi vụ bị hành hung, chúng tôi kiến nghị, nên có đợt công an
hình sự thành phố đã cử lực lượng đến túc trực cả tháng trời. Nhưng khi
họ rút đi, lại đâu vào đấy” – bác sĩ Thủy nói.
Theo Lao động