Bị vợ cằn nhằn đến mức trầm cảm

Người đàn ông được chẩn đoán trầm cảm sau thời gian dài bị vợ chỉ trích, cằn nhằn.

Ông Nga (70 tuổi, ở Hà Nội) lập gia đình với bà Hà (cũng là bạn học) vào 45 năm trước. Họ có với nhau một trai, một gái, đều đã lập gia đình. Ông Nga và ở cùng vợ chồng con trai và ba cháu.

7 năm trước ông Nga thôi việc bàn giấy về nghỉ hưu an dưỡng tuổi già, nhưng từ lúc nghỉ việc ông và vợ xảy ra nhiều xung đột từ những việc nhỏ trong gia đình.

Bà Hà thường xuyên nói chồng giả bệnh, lười không muốn làm việc nhà. Để tránh xung đột, mỗi lần cãi vã ông Nga thường đi ra ngoài, nhưng trở về ông tiếp tục bị vợ chì chiết, mắng nhiếc "không làm ra tiền còn trốn việc đi chơi". Lời cằn nhằn của vợ lặp đi lặp lại trong thời gian dài khiến tình cảm vợ chồng ông căng thẳng.

Trước đây khi còn đi làm ông Nga luôn là người chăm chỉ, hoàn thành công việc đúng thời hạn, nhưng qua lời nói của vợ, ông bắt đầu nghĩ bản thân thật sự kém cỏi. Người đàn ông 70 tuổi rơi vào trạng thái mất ngủ kéo dài, căng thẳng tăng dần, sụt cân mất kiểm soát.

Ông đi thăm khám nhiều nơi nhưng không ra bệnh, cho tới khi khám tâm thần, ông được chẩn đoán rối loạn trầm cảm do chịu bạo lực ngôn từ trong thời gian dài, chỉ định sử dụng thuốc chống trầm cảm.

Bác Vũ Thu Thủy, khoa Sức khỏe Tâm thần Bệnh viện E cho biết, người đàn ông đến trong tâm trạng buồn chán, không có động lực làm việc, khuôn mặt trầm buồn, ít nói, "chưa từng thấy bệnh nhân cười”.

Sau khai thác tiền sử bệnh, bác sĩ Thủy trao đổi với vợ người đàn ông về bệnh trạng, để bà hiểu được vấn đề chồng đang gặp phải. Bác sĩ cũng chỉ ra việc dùng lời nói chỉ trích cũng là một kiểu bạo lực tâm lý, việc này diễn ra trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ tinh thần của người khác.

“Người vợ đã nhận ra vấn đề của bản thân, và có sự thay đổi”, bác sũ Thuỷ nói và cho biết, sau khi được điều trị bằng thuốc và tư vấn tâm lý bệnh nhân đã có chuyển biến tích cực. Hai vợ chồng kết nối được với nhau, ông Nga cũng không còn mất ngủ, cười nhiều hơn.

Bị vợ cằn nhằn đến mức trầm cảm-1
 Bạo lực bằng lời nói khiến người khác dễ rơi trạng thái trầm cảm. (Ảnh minh hoạ)

Theo bác sĩ Thủy, bạo lực tâm lý là việc dùng lời nói tác động đến tâm lý của đối phương, khiến đối phương cảm thấy kém cỏi mất tự tin. Hệ quả của việc này khiến cho người bị bạo lực tâm lý trở nên tự ti, nhút nhát. Một số trường hợp sẽ có cảm xúc bùng nổ hơn như gây hấn, kích động. Ở mức độ nặng có thể dẫn tới những rối loạn tâm thần (trầm cảm, lo âu).

"Trước đây, bạo lực về tâm lý thường gặp ở phụ nữ nhiều, nhưng gần đây số nam giới bị bạo lực đang tăng dần tăng lên", vị chuyên gia tâm lý nói.

Xã hội phát triển nam, nữ ngày càng bình đẳng, việc nam giới bị bạo lực ngày càng gia tăng là điều dễ hiểu. Việc bạo lực gia đình không chỉ đơn thuần là tác động vật lý còn bao gồm cả về tâm lý.

Để tránh bạo lực tâm lý nói riêng và bạo lực gia đình nói chung, chuyên gia cho rằng vợ chồng cần ngồi lại nói chuyện với nhau để giải quyết khúc mắc gặp phải, cả hai bên cần tôn trọng, thấu hiểu nhau.

Khi nhận biết được gia đình đang có vấn đề bạo lực tâm lý thì cần phải có sự hỗ trợ từ người thân, bạn bè. Nếu có vấn đề tâm lý tâm thần kèm theo thì phải có sự hỗ trợ của bác sĩ tâm lý, tâm thần.

Ngoài ra, bác sĩ Thủy cho rằng, cần có sự tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa về bình đằng giới để mọi người cùng biết và phòng tránh bạo lực tâm lý. Không phải việc kiếm tiền là của đàn ông, việc nhà là của người vợ, hay chồng đi làm về phải đưa tiền cho vợ giữ, và chồng có quyền trách mắng vợ vì không làm việc nhà.

Sáng 22/5, Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023. Báo cáo cho thấy, năm 2023 có hơn 3.100 hộ xảy ra bạo lực gia đình với hơn 3.200 vụ (năm 2002 hơn 4.400 vụ). Trong đó, bạo lực thân thể xảy ra nhiều nhất với 1.520 vụ, tiếp đến là bạo lực tinh thần 1.400 vụ, bạo lực kinh tế 230 vụ và bạo lực tình dục 110 vụ.

Trong gần 3.200 nạn nhân của bạo lực gia đình thì nữ 2.600, nam 565 (chiếm 17,7%; năm 2022 là 481 người chiếm 12,27%). So với 2022, số vụ và số nạn nhân của bạo lực gia đình đều giảm, song tỷ lệ nạn nhân là nam giới tăng. 

* Tên nhân vật đã thay đổi

Theo VTC News

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vtcnews.vn/bi-vo-can-nhan-den-muc-tram-cam-ar873456.html

bạo lực gia đình


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.