"Con trai, đừng coi vợ như người thân" - 3 câu nói của người mẹ thức tỉnh tất cả mọi người

Nghe có vẻ vô lý nhưng 3 câu nói của người mẹ này chính là “bí quyết vàng” cho một cuộc hôn nhân hạnh phúc, bền lâu.

Anh bạn thân của tôi vừa kết hôn và tôi đến dự đám cưới với tư cách khách mời đằng trai. 

Trong ngày tổ chức tiệc cưới, bạn tôi và cô dâu cười vang tới tận trời. Cha mẹ của anh tóc đã điểm bạc thì ngồi khóc.

Tôi nghĩ kết hôn, đối với bạn tôi là bước vào một hành trình mới của cuộc đời, nhưng đối với cha mẹ anh ấy, đó là sự kết thúc của một sứ mệnh nào đó. Vì vậy, trong những giọt nước mắt của người lớn tuổi, vừa vui mừng, vừa xúc động lại có chút lo lắng. 

Vào ngày cuối trước khi dã từ cuộc sống độc thân, tôi và anh bạn đã có một cuộc trò chuyện tâm huyết rất lâu về những vấn đề như lịch sử tình trường, kế hoạch sau kết hôn… của anh ấy. 

Bởi vì nội dung cuộc trò chuyện khá lộn xộn, không sắp xếp theo trật từ nào nên nhiều thứ cứ từ từ mờ đi trong tâm trí tôi, nhưng chỉ với 3 câu mẹ bạn tôi nói với anh ấy, dù thời gian trôi qua bao lâu, tôi vẫn nhớ như in. 3 câu này là lời căn dặn chí lý của người mẹ về gia đình gốc, về việc quản lý quan hệ vợ chồng và về việc nuôi dạy con cháu đời sau, rất đáng suy ngẫm.

Câu đầu tiên: Sau kết hôn, bạn và cha mẹ bạn không còn là một gia đình.

Con trai, đừng coi vợ như người thân - 3 câu nói của người mẹ thức tỉnh tất cả mọi người-1
 

Vào đêm trước đám cưới, mẹ của bạn tôi đã cùng anh ấy ngồi xuống tâm sự một chút. Bà kể cho bạn tôi nghe câu chuyện về một cậu bé tên An, cứ ngày càng xa lánh mẹ khi lớn lên. 

Khi An còn học tiểu học, cậu bé sẽ luôn quay đầu ngoái nhìn mẹ mình trước khi bước vào cổng trường. Nhưng về sau khi cậu sang Mỹ với tư cách là sinh viên diện trao đổi năm 16 tuổi, đến cái ôm tạm biệt mẹ ở sân bay, cậu bé cũng chỉ làm một cách miễn cưỡng. Khi An 21 tuổi, cậu trở về nước và đăng ký vào học ở trường Đại học nơi mẹ mình dạy. Suốt những năm tháng học ở đây, cậu thà tự đi xe buýt đến trường hơn là đi xe của mẹ.

Cách dẫn dắt câu chuyện của mẹ bạn tôi rất khéo léo, bà đọc một đoạn văn đầy cảm xúc như sau: "Tôi chậm rãi, chậm rãi hiểu được, cái gọi là mẹ - con, chẳng qua có nghĩa là duyên phận của tôi và đứa trẻ chính là đời này kiếp này không ngừng nhìn theo bóng lưng con dần xa cách. Tôi đứng ở đầu này của con đường, nhìn đứa trẻ dần dần biến mất ở ngã rẽ vào những ngả đường khác nhau. Và đứa trẻ như đang lặng lẽ nói với tôi bằng bóng lưng của nó: “Mẹ, không cần phải đuổi theo con nữa”. 

Tôi nghĩ rằng mẹ của bạn tôi muốn dùng câu chuyện của An để nhắc nhở bạn tôi rằng: “Con trai, bây giờ con đã kết hôn, chúng ta làm cha mẹ, cũng nên ngừng đuổi theo con được rồi!”

Quả thật, đối với cha mẹ, kiếp này được định là người thân với con cái, phải hoàn thành 2 nhiệm vụ: Nhiệm vụ đầu tiên là gần gũi và chăm sóc cho trẻ lớn lên; nhiệm vụ thứ hai là tách khỏi trẻ và để trẻ tự lập.

Vì vậy, mẹ của bạn tôi đã nói với anh ấy rằng: “Từ nay, con và chúng ta không còn là một gia đình, gia đình của con là vợ của con”.

Tôi nghĩ, chỉ với câu nói này, mẹ của bạn tôi phải là một người mẹ vô cùng tuyệt vời. Bà là người đưa ra lời khuyên, lên kế hoạch, hướng dẫn con nhưng không làm thay con, không lấy quyền làm mẹ mà can thiệp vào đời sống riêng của con... Nhưng đương nhiên, bà cũng là người mẹ mà nếu con trai thấy nhớ bà, bà vẫn sẵn sàng ở lại nhà con trai, nấu cho anh ấy món canh khoai sọ anh yêu thích.

Câu thứ hai: Sau kết hôn, xin đừng coi vợ như "người thân"!

“Người thân” ở đây là chỉ người ruột thịt, họ hàng gần; thường là những người chúng ta đã quá quen thuộc đến mức có thể đối xử một cách tùy tiện, suồng sã, nhiều khi không buồn quan tâm đến suy nghĩ, cảm xúc của đối phương.

Câu nói thứ hai của mẹ bạn tôi khiến tôi nhớ đến một bộ phim ngắn ở Đài Loan từng khiến vô số người xem phải khóc. 

Trong phim, người chồng ban đầu đối xử với vợ như “người thân”, "người trong nhà", không có sự dịu dàng, không che chở, nói chung rất tùy tiện. Cuối cùng, anh ta coi vợ như “người lạ” và làm ngơ với cô ấy.

Vợ anh đi chợ về, từ lúc bước vào cô ấy cứ ríu ra ríu rít kể chuyện vui gặp ở đường nhưng trong phòng im phăng phắc, không một lời đáp lại.

Cô vợ này đang nói chuyện với chính mình à? Dĩ nhiên là không. Cùng với sự im lặng, tiếng gõ bàn phím đột nhiên vang lên trong phòng, khi camera chuyển động, người chồng đang ngồi trên ghế sofa tập trung vào máy tính.

Thì ra người vợ vào phòng nhưng người chồng lại coi chị như vô hình, lười phản ứng lại.

Nhiều người sau khi xem đoạn video đã nói rằng một cuộc hôn nhân như vậy thực sự rất đáng buồn.

Quả thật, hôn nhân phải dựa trên tình yêu, nên vợ không phải là “người thân” mà là “tình nhân”. Như nam diễn viên Huỳnh Lỗi (Trung Quốc) từng nói trong một cuộc phỏng vấn:

"Tôi rất phản đối việc các cặp đôi trở thành “người thân”. Người thân là người thân, mẹ là "người thân" của tôi, bố tôi là “người thân" của tôi, con cái tôi là “người thân" của tôi nhưng vợ tôi là "người yêu", là “tình nhân” của tôi. Cô ấy không giống”. 

Bởi vì khi là "tình nhân", cô ấy sẽ được che chở mỗi khi gặp nỗi đau đến cùng cực, là người bạn hết lần này đến lần khác dốc tâm sức tạo nên những khoảnh khắc lãng mạn nhất, là người bạn sẵn sàng dâng tất cả số tiền mình kiếm được để cô ấy có cuộc sống an nhàn, hạnh phúc mỗi ngày...

Con trai, đừng coi vợ như người thân - 3 câu nói của người mẹ thức tỉnh tất cả mọi người-2

Mẹ của bạn tôi cho rằng: “Khi hai người cùng nhau xây dựng một gia đình nhỏ, thì nhất định phải nhớ rằng người con gái lấy con làm chồng sẽ luôn là người xứng đáng để con lấy lòng. Cô ấy, sẽ là người con yêu say đắm, người con sẽ đồng hành cả khi vui lẫn lúc buồn.

Ngay cả khi con không thể duy trì một cuộc sống mật ngọt như lúc mới yêu thì cũng không được làm chiếu lệ, cẩu thả hay phản bội. Con phải là "người yêu", là “tình nhân” của cô ấy chứ không phải là “người thân”. 

Câu thứ 3: Sau khi làm cha, hãy là “tấm gương” cho con cái.

Câu nói thứ 3 của mẹ bạn tôi, tôi nghĩ là hơi sớm. Tất nhiên, được chuẩn bị sớm vẫn tốt hơn là luống cuống đón nhận. 

Mẹ của bạn tôi nói với anh ấy rằng có 3 cấp độ làm cha mẹ.

Cấp độ thứ 3, cấp độ thấp nhất, là làm “bảo mẫu” của trẻ. Cha mẹ coi con mình như những đứa trẻ “không bao giờ lớn”; mọi công việc như: đánh răng, rửa mặt, mặc quần áo, đăng ký tham gia các lớp học, chọn chuyên ngành…, thậm chí chọn nghề nghiệp, kết bạn, kết hôn… Cha mẹ đều có khả năng làm thay con. 

Dưới sự sắp đặt của cha mẹ, con cái sẽ trở thành những người con rể, con dâu “há miệng chờ sung”, khi bước vào xã hội thường bị động, thiếu nhiều kỹ năng sống, dễ bị đào thải… 

Cấp độ thứ hai là làm “huấn luyện viên” cho con. Loại cha mẹ này sử dụng nhiều phương pháp và phương tiện khác nhau để cố gắng hết sức ép con học các kỹ năng khác nhau để giúp chúng tốt hơn.

Trước áp lực của sự lo lắng, họ đã biến thành những ông bố bà mẹ cực kỳ mạnh mẽ và hà khắc với những đứa con của mình. 

Cấp độ cao nhất là trở thành “hình mẫu” cho trẻ. Những bậc cha mẹ như vậy sẽ làm gương và giúp con cái họ không ngừng nâng cao sự tu dưỡng bản thân, dùng "lời nói" và "tấm gương" để giáo dục trẻ, từ những chi tiết nhỏ nhất trong cuộc sống.

Sự phân chia cấp bậc cha mẹ của mẹ bạn tôi khiến tôi nhớ đến một luận điểm trong tâm lý học trẻ em: thành công của một đứa trẻ có nhiều yếu tố, nhưng tác động sâu sắc nhất đối với nó chính là cha mẹ, người thầy đầu tiên từ khi còn nhỏ. Từ cha mẹ, đứa trẻ học được quan điểm về cuộc sống và hình thành thế giới quan.

Mẹ của bạn tôi dùng 3 cấp này để nói với anh ấy rằng khi nuôi dưỡng thế hệ tiếp theo, “nuôi mà không dạy” hay “dạy mà không dỗ” đều là những quan niệm sai; chỉ có cấp thứ 3 - “Làm gương” - mới là đúng đắn nhất.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

 

Theo V.A - Vietnamnet


chuyện hôn nhân


Không muốn làm mẹ vì nỗi đau quá khứ đeo bám
Anh đã đến phá "lớp băng giá" quanh cô. Và cô đã hoàn toàn đổ gục vì anh đồng ý chỉ cần hai vợ chồng là đủ. Nhưng mới cưới hơn 2 tháng thì cô đã dính bầu. Cô thực sự không muốn sinh con vì những ám ảnh trong quá khứ…

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.