Giải pháp nào cho phụ nữ bị bạo lực gia đình?

Để tránh bạo lực gia đình, bản thân người phụ nữ cần phải tự trang bị các kiến thức pháp luật cần thiết, tự chủ về kinh tế...

Vừa qua, vụ việc chị Bùi Thị Tuyết G (sinh năm 1987, huyện Hòn Đất, Kiên Giang) đang mang thai 7 tháng bị chồng hành hạ, tra tấn dã man đã gây xôn xao dư luận. Theo kết quả điều tra, chồng chị đã dùng tay, chân, lược chải tóc, thắt lưng da một đầu có khóa bằng kim loại, dây nồi cơm điện,… thậm chí lấy móc treo quần áo bằng kim loại hơ qua lửa để đánh chị G.

Kết luận giám định xác định, chị G có 62 vết bỏng da, 143 vết xước da, bầm tím trên khắp cơ thể (vết dài nhất lên tới 12cm). Tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể là 29%.

Trước đó, đã có không ít vụ việc đau thương từ bạo lực gia đình xảy ra mà đối tượng gánh chịu bạo lực không ai khác là người phụ nữ. Sau khi trở thành nạn nhân của bạo lực, người mạnh mẽ thì vượt qua nhưng vẫn còn đó những ám ảnh quá khứ, người yếu đuối lại chọn cái chết.

Một số bạn đọc cho rằng nên có những giải pháp thiết thực, cụ thể để bảo vệ phụ nữ, không để xảy ra hậu quả đáng tiếc như các vụ việc vừa qua. Đồng thời, xử lý nghiêm những thủ phạm đã gây ra bạo lực gia đình.

Giải pháp nào cho phụ nữ bị bạo lực gia đình?-1

Chị G với chằng chịt vết thương do chồng bạo hành. Ảnh: AH

- "Là vợ chồng với nhau rồi thì biết bao tình nghĩa sâu nặng vậy mà kẻ ác này lại dẫm đạp lên, đánh đập tàn nhẫn. Phụ nữ luôn là người chịu thiệt thòi, vậy nên tốt nhất phải độc lập tài chính để không bị xem thường" - bạn đọc Thu Trần.

- "Hành vi bạo hành như thế này mà xử không đủ sức răn đe thì sẽ còn nhiều trường hợp thương tâm như thế. Đánh đập thật dã man, ngược đãi phụ nữ mang thai nữa chứ, xót xa thật. Đề nghị cơ quan chức năng xử phạt thật nặng trường hợp này" - bạn đọc Minh Minh.

- "Đây không biết là vụ bạo lực gia đình thứ bao nhiêu tại Việt Nam rồi. Phụ nữ nên nhìn vào những vụ việc này mà cảnh tỉnh, bản thân phải có kiến thức, có hiểu biết, có kinh tế,... để bảo vệ chính mình. Những vết sẹo trong tâm hồn và tinh thần thì giám định làm sao đây? Thể xác có thể chữa lành chứ tâm hồn thì không" - bạn đọc Hân Di.

- "Sao thời buổi này lại còn có loại người tàn ác, đánh vợ như vậy được nhỉ? Đàn ông mà như vậy thật tệ hại. Bạo lực cứ liên tiếp diễn ra như thế thì biết đến bao giờ xã hội mới được văn minh và phát triển đây. Nên có giải pháp nào đó để bảo vệ phụ nữ, không để những chuyện tương tự hay những hậu quả đáng tiếc xảy ra" - bạn đọc Anh Duy.

Trao đổi với PV, Ths tâm lý Nguyễn Thị Đào Lưugiảng viên trường Đại học Văn Lang, cho biết đặc điểm chung của những người chồng bạo hành thường là những người thiếu kiểm soát về hành vi, lời nói. Khi có những mâu thuẫn hay có điều gì đó không hài lòng sẽ đánh vợ như một hành vi quen thuộc.

Cũng có một số người không có khả năng chứng tỏ bản lĩnh ở ngoài xã hội thì sẽ về chứng tỏ uy quyền với vợ con bằng đòn roi và chửi mắng nhằm thỏa mãn cảm giác có người “sợ mình”. Hoặc bản thân người chồng gặp nhiều áp lực cuộc sống không biết cách giải tỏa đã trút giận lên người vợ.

Ngoài ra, cũng không ít trường hợp người chồng nghiện rượu, nghiện chất kích thích khiến thần kinh ức chế rồi dẫn đến bạo lực...

Ths Nguyễn Thị Đào Lưu cho biết thêm khi xảy ra bạo lực, có thể người phụ nữ sẽ rơi vào tâm lý dễ lo lắng, sợ hãi và luôn trong sống trong tâm thế “không biết lúc nào mình sẽ bị đánh nữa” hay không dám làm điều gì trái ý chồng vì sợ bị đánh.

Lâu dần, họ mất đi khả năng tự chủ, sinh ra cảm giác tự ti, thu mình và sống khép kín. Những tổn thương về mặt thể xác và tinh thần sẽ tích tụ khiến họ có những suy nghĩ và hành động gây hại cho chính mình hoặc người khác như cảnh “tức nước vỡ bờ” khiến hậu quả nghiêm trọng.

Cũng theo Ths Nguyễn Thị Đào Lưu mọi người phải chung tay đồng hành và bảo vệ sự an toàn cho người bị hại đến lúc họ đủ khả năng tự bảo vệ mình. Cần phải động viên, vực dậy tinh thần của người bị bạo lực gia đình để họ cảm thấy tự tin và được đồng cảm. Không mang câu chuyện của họ ra để bàn tán, phán xét, không dùng những lời nói, hành động khơi gợi những chuyện đã qua.

"Tiếp đến, hãy trao cơ hội cho họ có được việc làm, có nguồn thu nhập để có thể độc lập cả về tài chính lẫn suy nghĩ" - Ths Nguyễn Thị Đào Lưu lưu ý.

Cách bảo vệ bản thân tránh bạo lực gia đình

Để phòng, chống bạo lực gia đình xảy ra, bản thân người phụ nữ cần phải tự trang bị cho mình các kiến thức pháp luật cần thiết như Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Nghị định 144/2021 về xử phạt vi phạm hành chính về gia đình. Bên cạnh đó, người phụ nữ cũng cần nâng cao vị thế của mình trong gia đình, tránh bị lệ thuộc quá nhiều vào thành viên khác, nhất là về kinh tế.

Các chị cũng cần xây dựng thêm các mối quan hệ xã hội, tham gia các tổ chức đoàn thể để được chia sẻ, động viên và giúp đỡ kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh trong cuộc sống.

Người bị bạo lực gia đình có thể gửi thư, điện thoại hoặc trình báo trực tiếp đến UBND phường, công an phường, tổ trưởng tổ dân phố, người đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội phường nơi xảy ra vụ việc.

Khi phát hiện hoặc tiếp nhận trường hợp bị bạo lực gia đình, Hội LHPN sẽ báo ngay cho Chủ tịch UBND phường nơi xảy ra vụ việc để can thiệp xử lý theo quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình theo chức năng, nhiệm vụ của tổ chức mình.

Bà BÙI THANH MAI TUYẾNChủ tịch Hội LHPN quận Phú Nhuận, TP.HCM.

Theo PLO

Xem link gốc Ẩn link gốc https://plo.vn/giai-phap-nao-cho-phu-nu-bi-bao-luc-gia-dinh-post735096.html

bạo lực gia đình


Đưa hôn nhân qua mùa... thất vọng
Thất vọng là một "liều thuốc độc" của hôn nhân. Nó không gây ra cái chết ngay lập tức mà từ từ ngấm vào cuộc hôn nhân và đến một ngày, nếu không phát hiện ra mà "chữa" kịp thời, hôn nhân sẽ tử vong…

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.