Lấy phải cô vợ sòng phẳng, anh chồng kêu trời vì suốt ngày phải làm việc nhà vì một lý do

Nói đến nam nữ bình đẳng, nhất là trong việc nhà có lẽ chị em nào cũng thích, tuy nhiên các đức ông chồng có vẻ lại khó chấp nhận hơn. Câu chuyện dưới đây là một ví dụ.

Theo như lời kể của anh chồng, phu nhân của anh là một người phụ nữ vô cùng sòng phẳng, từ lúc yêu cho tới lúc khi về chung một nhà. Điều đó khi yêu chắc hẳn đã làm anh thấy hài lòng, thế nhưng sau khi kết hôn chính điều đó lại khiến anh thấy bất công và khổ sở.

Lấy phải cô vợ sòng phẳng, anh chồng kêu trời vì suốt ngày phải làm việc nhà vì một lý do-1

Nguyên văn câu chuyện như sau:

“Khi nào lương anh cao hơn em thì em sẽ làm nhiều việc nhà hơn

Có anh em nào ở đây đi làm lương thấp hơn vợ không nhỉ? Mình và vợ lấy nhau được gần 1 năm. Chuyện là mình và vợ bằng tuổi, đều ra trường đi làm cùng 1 thời gian nhưng đến giờ 2 đứa bước sang tuổi 27 thì vợ mình lương được khoảng 3x, còn mình chỉ quanh quanh mức 25 triệu. Thấp hơn nhiều so với vợ mà vợ mình tính lại rất sòng phẳng.

Hồi sinh viên thì yêu nhau ăn uống cái gì cũng chia đôi, không cho mình mời, cũng không cần mình mời, bảo là “Em với anh đều sinh viên, làm gì có thừa tiền, ăn uống phải chia đôi chứ!” sau này nói mới kiểu mình mời 1 bữa, vợ mời 1 bữa.

Quà cáp mình tặng y như rằng sẽ tặng lại món tương tự hoặc tương đương.

Sau này 2 đứa lấy nhau, tiền thì dùng chung 1 quỹ, không ai cầm cả nhưng muốn lấy ra tiêu thì vợ phải nói với chồng và chồng phải nói với vợ.
Đến việc nhà và việc kiếm tiền thì, vợ mình rất sòng phẳng, bảo là bây giờ ai kiếm nhiều tiền hơn sẽ được làm ít việc nhà đi, ai làm lương thấp hơn thì sẽ phải làm nhiều việc nhà lên… và nếu muốn làm ít việc nhà thì phải cố gắng, cố gắng kiếm thật nhiều tiền.

Và thế là từ lúc lấy nhau về đến giờ, mình đi chợ nấu cơm, vợ chỉ phải rửa bát, mình giặt quần áo và phơi rồi rút, vợ chỉ cần gấp, mình lau nhà quét nhà, vợ thi thoảng mới phải lau……

Nhất là đợt dịch này nghỉ dịch ở nhà với nhau, phần lớn việc nhà vào tay mình, tự nấu cơm đi chợ quét nhà lau nhà các thứ đều vào tay mình hết….
- Ô không đi quét nhà lau nhà đi.
- Ô anh chuẩn bị đi nấu cơm đi nhớ.
- Ô giặt quần áo chưa mà đã ngồi đây.
- Ô đi chợ đi, còn ngồi đấy.
…v…v…
Công bằng ở đâu”

Lấy phải cô vợ sòng phẳng, anh chồng kêu trời vì suốt ngày phải làm việc nhà vì một lý do-2

Như vậy, triết lý và quan điểm sống của người vợ luôn luôn rõ ràng, từ thời con gái và đến khi kết hôn, tức là nam nữ bình đẳng và sòng phẳng, kể cả việc kiếm tiền hay việc nhà. Do đó, cô đã quy định, 2 vợ chồng ai lương thấp hơn thì phải làm nhiều việc nhà hơn và ngược lại. Điều đáng nói, bản thân chủ top là chồng lại thu nhập ít hơn vợ nên anh luôn là người làm việc nhà nhiều hơn.

Theo như chủ top phàn nàn là kể cả đợt này nghỉ dịch ở nhà với nhau, cô vợ vẫn theo sách cũ mà làm và luôn miệng nhắc chồng phải làm việc nọ việc kia khiến anh cảm thấy bức xúc vì bất công.

Câu chuyện thú vị đã nhận được rất nhiều bình luận của cư dân mạng và nó cũng khá gần gũi với cuộc sống của các gia đình trong dịch. Điều bất ngờ là có khá nhiều những ý kiến khác nhau xung quanh tình huống của chủ top và lập luận nào cũng có lý lẽ thuyết phục riêng.

Không ít ý kiến đồng tình và tán dương cách làm của người vợ bởi họ cho rằng xưa nay nhiều ông chồng có suy nghĩ coi việc nhà là của vợ nên cứ phải rõ ràng thế này để đỡ lười biếng hay ỷ lại. Một số khác cũng động viên chủ top rằng giúp đỡ vợ là chuyện bình thường và hãy coi như đây là động lực để bản thân anh phấn đấu thêm trong sự nghiệp.

- Chồng mình thu nhập cao gấp đôi mình thì về nhà vẫn đi chợ, gấp quần áo, rửa bát, lau dọn nhà đều đều, dù toàn đi sớm về muộn. Lấy nhau thì nên chia sẻ việc nhà chứ không nên phân chia lương cao lương thấp để làm việc nhà.

- Thì anh phải cố gắng mà phát triển trong công việc hơn chị thôi, chị tạo động lực vậy còn gì.

- Được ở nhà nấu ăn, giặt giũ cho vợ là 1 hạnh phúc rồi. Ông còn than gì nữa nhỉ.

- Lương cao hơn thì không phải làm việc nhà à? Mấy ông nên bỏ cái suy nghĩ việc nhà là của phụ nữ dần đi là vừa, tư tưởng từ thời phong kiến rồi. Kể cả lương thấp hay cao hơn thì cũng cần làm việc nhà tùy theo thời gian rảnh. Không  muốn làm thì đầu tư mua máy móc.

- Sức đàn ông làm cố thêm 1 - 2 việc cũng không sao đâu mà lại đỡ đần được cho vợ. Vợ khỏe thì chồng cũng khỏe, gia đình lại hạn phúc nữa.

Tuy nhiên cũng có nhiều bình luận phản bác lại quan điểm của người vợ, họ cho rằng việc phân chia công việc nhà dựa trên thu nhập là thiếu hợp lý. Thậm chí còn có những lời cảnh báo tới người vợ rằng đừng sòng phẳng quá mà mất chồng…

- Nếu cứ như bà vợ thì nhiều chị em lương thấp hơn chồng cứ mãi làm kiếp osin à. Mình thấy không ổn lắm, cái này chỉ nên áp trong từng gia đình, từng hoàn cảnh thôi.

- Mọi thứ nên xuất phát từ tình cảm và tình yêu thương thì tốt hơn. Cùng chung tay vì nhau mà san sẻ việc thôi. Lấy tiền ra để chia việc thì cũng hơi khó hiểu thật.

- Lương ai cao hơn ai, cái đó không quan trọng, hôn nhân hạnh phúc theo t là từ chữ thương, thương đối phương. Hôm nào chồng tăng ca vất vả mệt mỏi thì việc nhà mình làm và ngược lại. Còn bình thường tranh giành chia việc nhà cho vui cửa vui nhà cũng được, không cần quá gay gắt.

- Thế mới biết tại sao nghỉ dịch xong lại lắm đôi chia tay. Chị vợ đừng nên sòng phẳng quá thành ích kỷ, ai đời việc gì cũng bắt chồng làm hết đến lúc anh ta không chịu được nữa lại cãi lộn, chia tay thì dở đấy…

Thế mới thấy việc yêu đương để dẫn đến hôn nhân đã khó, việc xây dựng và duy trì một gia đình hạnh phúc còn khó hơn rất nhiều. Khi đã là vợ chồng không thế cái gì cũng sòng phẳng hay sống theo bản năng được, mà cần có sự chia sẻ, cảm thông và bao dung lẫn nhau. Nhất là trong thời kỳ dịch bệnh này, các cặp vợ chồng ở nhà với nhau nhiều hơn, nên càng cần có sự nhường nhịn và thấu hiểu cho nhau hơn, tránh vì cá tính riêng hay những xung đột nhỏ mà dẫn đến mâu thuẫn hoặc đổ vỡ không đáng có.

Theo V.K - Vietnamnet


chuyện vợ chồng


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.