Lương vợ quá cao, chồng cảm thấy mất mặt đề nghị ly hôn: “Tôi uất nghẹn hơn 30 năm, giờ không thể chịu đựng được nữa”

“Vợ nhà nào cũng hơn bà”, chồng bà thường nói với bà câu này. Thậm chí ông còn muốn ly hôn bà.

Bà Lý năm nay 60 tuổi. Bà và chồng kết hôn hơn 30 năm, sinh được một trai một gái, các con cũng đã sớm có gia đình riêng. Gần đây bà Lý cảm thấy vô cùng uất ức, cứ nhắc đến chồng là lại muốn khóc.  

“Vợ nhà nào cũng hơn bà”, chồng bà thường nói với bà câu này. Thậm chí ông còn muốn ly hôn bà. Bà Lý không chỉ thấy rất tổn thương mà còn bị xúc phạm mạnh. Bà tìm đến chồng, hỏi: “Tôi có điểm nào không tốt? Rốt cục tôi làm sai ở đâu mà ông nói vợ nào cũng tốt hơn tôi?” Bà bù lu bù loa lên nói chồng lúc nào cũng chỉ biết đòi hỏi, không muốn hy sinh, cũng không thấy biết ơn hay tôn trọng vợ, lúc nào cũng chống đối và lạnh lùng với vợ…

Bà nói chồng mình có rất nhiều thiếu sót, ban đầu bà định liệt kê tới 10 tội lỗi của chồng nhưng cuối cùng rút gọn lại còn… 9. Như thế đã là quá rộng lượng.

Lương vợ quá cao, chồng cảm thấy mất mặt đề nghị ly hôn: Tôi uất nghẹn hơn 30 năm, giờ không thể chịu đựng được nữa”-1(Ảnh minh họa)

Đối với chuyện đòi ly hôn, cô con gái út của bà Lý nói vốn dĩ cha mẹ cô luôn như vậy, Mỗi khi tức giận lên là lại đem hai chữ “ly hôn” ra nói. Chồng bà Lý lắc đầu ngao ngán nói mâu thuẫn của ông bà không phải là ngày một ngày hai mà là đã tích lũy từ rất lâu. Tóm lại là hiện tại ông không muốn sống trong căn nhà này cùng bà nữa, ông đã chịu khổ quá nhiều rồi.

Thông qua lời kể của chồng bà Lý thì vợ chồng ông bà sống cùng con trai cả và con dâu. Hôm trước ông vừa rời giường, bà đã liền kêu ông đi lau nhà. Nhưng vì con dâu còn ở toilet rửa mặt bận rộn chuẩn bị đi làm, cho nên ông muốn chờ con dâu xong việc rồi mới đi lau. Nhưng bà lại cứ thúc giục, tới lần thứ 3 thì cuối cùng cơn giận của ông cũng bộc phát, đem cây lau nhà ném gãy làm đôi.

Với ông thì lau nhà là việc không quá quan trọng, không làm trước thì sau, không như việc ở cơ quan, nhất định phải làm lúc mấy giờ. Vậy mà bà cứ thúc giục, lải nhải mãi, ông liền có cảm giác bà luôn nhìn chằm chằm giám sát ông. Là ông tự nguyện làm, không thích vợ ở phía sau chỉ huy!

Không chỉ là chuyện lau nhà, ông nói nhiều năm như vậy bà luôn thích “chỉ tay 5 ngón” với ông. Ví dụ, ông muốn đi làm chút chuyện riêng của mình, còn phải nói cho vợ biết đi làm gì. Hay như lúc nấu cơm, bà lúc thì nói “cho ít dầu thôi”, lúc lại bảo “ít muối một chút”... tóm lại là gia vị phải dựa vào lời của bà mà nêm nếm. Ông nghĩ thầm: “Bà giỏi thế, sao không tự làm luôn đi?”

Về chuyện lau nhà, bà Lý cho rằng chỉ cần chồng nói một câu: “Tôi làm sau”, bà sẽ không nói nhiều. Về chuyện nấu cơm, bà cho rằng đây là chuyện “lông gà lông vịt”, không đáng nói đến. Bà vì gia đình hy sinh nhiều như vậy, tại sao luôn bị chồng chỉ trích? Rốt cuộc bà đã phạm sai lầm gì?

Nhưng chồng bà Lý lại cho rằng chính những việc bà cho là “lông gà lông vịt” này lại là nguyên nhân khiến ông khổ tâm. Chính vì vợ hay cằn nhằn, ông mới có cảm giác cuộc sống hoàn toàn bị bà giám sát. 

Nói về mẹ mình, cô con gái cho rằng trong cuộc sống hàng ngày mẹ mình có chút cường thế. Trong khi bà Lý cho rằng mình là mạnh mẽ chứ không áp đảo hay ngạo mạn.

Tại sao nhiều người lại thấy bà Lý cường thế hơn phụ nữ khác. Tất cả là có nguyên do! 

Được biết, ngày trước sau khi tốt nghiệp Đại học, bà Lý vào giảng dạy tại một trường tiểu học Tư thục. Thâm niên ngày càng cao, thu nhập của bà cũng ngày càng tăng, mà chồng bà chỉ là một công nhân sơn. Khi ấy, tiền lương của ông chỉ 3 triệu, trong khi thu nhập của bà là 7 - 8 triệu, nhiều lúc cộng tiền thêm nếm, có thể lên tới cả chục triệu. Hiện tại bà đã nghỉ hưu, lương hưu cũng được khoảng 7 triệu, mà ông đi làm bảo vệ, một tháng thu nhập cũng chỉ 4 triệu. 

Bà Lý cho rằng bà đã trả giá cho gia đình nhiều hơn ông nhưng kết cục là ông lại không cảm nhận được sự hy sinh của bà. Nói đến đây có chút không cam lòng, bà chất vấn chồng: “Mỗi tháng ông chỉ cho tôi 2 triệu, tất cả chi phí gia đình này thực ra đều là tôi bỏ ra. Thế nhưng tôi chưa bao giờ cao ngạo. Vì gia đình này, tôi có thể nén giận, nhẫn nhục gánh nặng.

Ông tự hỏi mình đi. Mấy chục năm qua, tôi có làm việc không? Tôi có từng chưa làm việc nhà không? Tôi có không trông lũ trẻ không? Tôi có kiếm được tiền không? Tại sao ông lại nói vợ nhà nào cũng tốt hơn tôi? Rằng ông cưới tôi là sai lầm mù quáng?”

Bà Lý càng nói càng thấy vô cùng uất ức, tâm tình ngày càng kích động.

Thế nhưng chồng bà lại giữ nguyên quan điểm của ông. Ông cho rằng bà kiếm được nhiều tiền, ông thì kiếm được ít khiến ông không còn địa vị trong gia đình. Trong lòng ông từ lâu đã không phục, việc gì cũng không muốn bị bà áp đảo.

Lương vợ quá cao, chồng cảm thấy mất mặt đề nghị ly hôn: Tôi uất nghẹn hơn 30 năm, giờ không thể chịu đựng được nữa”-2(Ảnh minh họa)

Bà Lý nghe xong thấy rất không phục. Bà nói mình chưa từng ghét bỏ chồng kiếm được ít tiền hơn, hy vọng ông có muốn chỉ trích bà thì đưa ra bằng chứng rõ ràng, đừng chỉ nói miệng. 

Đã như vậy, ông cũng không khách khí kể lại một chuyện xảy ra ngay trong dịp tết nguyên đán năm nay, cũng là chuyện khiến trong lòng ông lấn cấn mãi.

Thì ra ông bà có một cậu cháu trai 2 tuổi. Ngày Tết, thường thì ông bà sẽ lì xì chung một phong bao cho cháu là đủ. Bà bảo mỗi người cho một bao, ông cũng đồng ý nhưng lì xì bao nhiêu bà lại không muốn nói. Kết quả là ông mừng tuổi cháu trai 500 nghìn, bà lại cho những 1 triệu. Mặc dù con trai và con dâu không so đo chuyện ông mừng ít hơn nhưng trong mắt ông, bà làm như vậy là không tôn trọng chồng, làm cho ông mất mặt, “bôi tro trát trấu” vào mặt ông. 

Hơn nữa trong cuộc sống hàng ngày, bà Lý cũng thường có ý chê bai và thiếu tôn trọng ông. Là đàn ông, ông rất cần sự tôn nghiêm. Mặc dù thu nhập của ông không nhiều, nhưng ông cũng đóng góp tất cả thu nhập của mình cho gia đình. Vì vậy đối mặt với sự công kích bằng lời nói của vợ cả ngày, ông cuối cùng cũng sụp đổ.

Sự việc xảy ra đến bây giờ rơi vào bế tắc. Đối với bà Lý , bà luôn nhấn mạnh mình thu nhập cao, trả giá cho gia đình rất nhiều, nhưng lại khiến chồng từ nỗ lực của bà cảm thấy một cảm giác áp bức, một loại ràng buộc. Hơn nữa, bà Lý khi trình bày sự hy sinh của mình luôn vô thức đi kèm với những lời chỉ trích, vì vậy chồng bà sẽ sử dụng im lặng và “ác ngữ” để chống lại.

Đối mặt với thái độ như vậy của chồng, Bà Lý cũng không hiểu, những lời nói uất ức với chồng cũng ngày càng nhiều. Dưới vòng luẩn quẩn như vậy, chồng bà đề nghị ly hôn. Trên thực tế hai vợ chồng đều có khát vọng được công nhận, khát khao được quan tâm, nhưng lại lựa chọn phương thức sai lầm, vô tình đẩy đối phương càng ngày càng xa.

Trong thực tế cuộc sống, tất cả mọi người đều cần phải được công nhận, năng lực càng lớn trách nhiệm càng lớn, nhưng không phải năng lực lớn mà có thể tùy ý chỉ trích hạ thấp người khác. Vợ chồng ở bên nhau là để đánh giá cao lẫn nhau, khuyến khích lẫn nhau, hỗ trợ lẫn nhau.

Theo Bảo Châu - Vietnamnet


Ly hôn


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.