Tình yêu đậm sâu của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với cô gái Huế xinh đẹp và "bài học buông tay" có 1-0-2

"Anh xin cảm ơn 4 năm ròng rã nâng niu tình yêu đó. Cũng xin cám ơn những buổi đợi chờ thật dịu dàng không bao giờ còn có được", Trịnh Công Sơn viết.

Nếu tính thời gian thì là 37 năm, tính số bức thư là 300, nhạc sĩ nổi tiếng Trịnh Công Sơn đã viết cho mối tình không trọn với cô gái Huế 16 tuổi - Ngô Vũ Dao Ánh.

Dao Ánh là em gái của Ngô Vũ Bích Diễm - nhân vật chính trong ca khúc Diễm xưa. Khi mối tình Trịnh - Diễm không thành, Dao Ánh đã viết thư động viên Trịnh Công Sơn. Tình cảm chân thành của cô gái 15 tuổi đã khiến cho chàng nhạc sĩ sau đó thương nhớ cô gái dường như cả 1 đời.

Mối tình kéo dài gần 4 năm đã cho thấy tình cảm đậm sâu của Trịnh Công Sơn thời thanh xuân. Dao Ánh không chỉ nhận 300 bức thư tình của cố nhạc sĩ mà còn là nguồn cảm hứng để ông viết nên những ca khúc nổi tiếng như: Còn tuổi nào cho em, Lặng lẽ nơi này, Mưa hồng, Tuổi đá buồn...

Mối tình của Trịnh Công Sơn và Dao Ánh được cho là kéo dài 4 năm nhưng phần nhiều hơn dường như là 1 tình yêu đơn phương. Dường như có thể thấy, đây chính là tình cảm đã choán hết suy nghĩ của ông. 4 năm với những nhớ mong, những thiết tha, kỳ vọng và những bức thư tình tuyệt tác viết bằng 1 trái tim yêu tuổi trẻ đã ra đời.

Tình yêu đậm sâu của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với cô gái Huế xinh đẹp và bài học buông tay có 1-0-2-1
Chân dung Dao Ánh

Lúc đó Trịnh Công Sơn chỉ là 1 chàng trai trẻ 25 tuổi đang dạy học tại Lâm Đồng. Có lẽ cảnh quan núi đồi bàng bạc sương mờ khiến cho tình yêu ấy càng đầy lên hơn bao giờ hết, một khoảng trời tình yêu vừa trong trẻo, vừa vấn vương nỗi buồn thương được gửi gắm hết cả vào câu chữ, cả những lời hờn dỗi đẹp đẽ thể hiện sự mong chờ "đã mười ngày chưa thấy thư của Ánh".

Những bức thư được gửi đi, nhận lại là tất cả những gì hạnh phúc của niềm vui, nỗi buồn, của sự thương nhớ Trịnh Công Sơn dành cho Dao Ánh.

Trong 1 bức thư khi đã lấy hết can đảm ông tỏ tình: “Có một điều không nên nói ra mà phải nói và phải nói trong lúc uống thật say để có đủ can đảm nghe lời phủ nhận hay cái gật đầu. Anh yêu Ánh. Chỉ có đơn giản thế thôi mà phải dè dặt, phải cân nhắc, phải chạy thoát ra ngoài cái tỉnh”.

Dù là yêu, dù là giận hờn, dù tỏ tình, cách thể hiện của Trịnh Công Sơn đều là 1 tình yêu đầy cao thượng, đẹp đẽ.

Tới cách chia tay đẹp đẽ

Nhưng có 1 điều đáng nói người ta thường dạy nhau hoặc nói với nhau về cách yêu để bền lâu và tươi đẹp nhưng không mấy ai nói nhiều về cách chia tay đẹp đẽ. Trong khi rõ ràng không phải tình yêu nào có thể đi cùng nhau từ đầu chí cuối cũng là tươi đẹp.

Khác hẳn với cách yêu đương mặn nồng chia tay thì "ném đá vỡ đầu nhau ra", cách của Trịnh Cộng Sơn lúc đang yêu, lúc thương nhớ và kể cả khi chia tay, người ta vẫn thấy là... một tấm lòng!

Có những tình yêu dù kết thúc, dù vấn vương nhưng cái còn lại dù có nhớ thương, nhưng sự tôn trọng và tình yêu dành cho nhau dường như vẫn còn mãi mãi.

Vì thế hãy đọc bức thư chia tay Trịnh Công Sơn viết cho tình yêu 4 năm đầy thương nhớ, đầy tâm huyết như thế này để thấy có những cách chia tay đẹp đẽ khôn cùng:

Tình yêu đậm sâu của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với cô gái Huế xinh đẹp và bài học buông tay có 1-0-2-2


"Huế, 25/3/1967

Ánh yêu dấu,

Anh sang Trang vì nghe anh Cường bảo Ánh có gửi thư về đó. Nghe Trang kể lại những điều Ánh viết trong thư anh vừa thất vọng vừa buồn.

Bây giờ đã quá khuya. Chương trình chủ đề về tình yêu còn để lại một vị đắng rất mỏng. Mọi người cũng đã ngủ từ lâu và anh cũng phải quyết định một lần cho cả Ánh lẫn anh, một quyết định thật khó khăn mà chẳng ai trong cuộc dám dứt khoát với chính mình. Quyết định nào cũng có sự khổ sở của nó. Anh cam đành làm kẻ bội bạc để mở ra cho Ánh sự ngạt thở bấy lâu trong đó người này hay kẻ kia đã cố đóng cho trọn vai của mình. Cho đến phút này anh vẫn cảm thấy chỉ riêng anh đã sống thật hồn nhiên trong tình yêu đã qua.

"Chúng mình chấm dứt tình yêu đó ở đây". Hãy xem mọi lầm lỗi đều ở anh cả. Và bên sau quyết định này là một lối ngõ thênh thang trên đó Ánh hãy đi vào những phiêu lưu mới đừng ăn năn, đừng băn khoăn gì cả.

Tất cả đã rõ như một khoảng trắng.

Cũng đành vậy thôi.

Anh đang nhìn tình yêu ở một độ cao nhất của thủy triều. Quyết định như không thuộc về anh.

Anh xin cảm ơn bốn năm ròng rã nâng niu tình yêu đó. Cũng xin cám ơn những buổi đợi chờ thật dịu dàng không bao giờ còn có được.

Để vĩnh biệt nhau trong tình yêu đó anh chỉ muốn khuyên Ánh trong tương lai hãy tự tin hơn và bớt suy tính.

Anh đã bất lực không cứu vãn được gì nữa cho tình yêu của mình. Thêm một lần đánh mất và thất lạc những vàng son.

Đã viết quá dài ngoài ý muốn nhưng nói một lần mà cho tất cả về sau.

Cầu mong thật nhiều bình an cho Ánh và đời đời hạnh phúc trong những dự tính mới ở tương lai.

Thân yêu,

Anh,

Trịnh Công Sơn

(Trích Thư tình gửi một người, Trịnh Công Sơn)

Có sự xót xa không khi ông viết: "Anh đã bất lực không cứu vãn được gì nữa cho tình yêu của mình. Thêm một lần đánh mất và thất lạc những vàng son"?

Có sự cao thượng trong đó: "Chúng mình chấm dứt tình yêu đó ở đây. Hãy xem mọi lầm lỗi đều ở anh cả" và "Cầu mong thật nhiều bình an cho Ánh và đời đời hạnh phúc trong những dự tính mới ở tương lai".

Có sự tôn trọng ẩn chứa: "Anh xin cảm ơn bốn năm ròng rã nâng niu tình yêu đó. Cũng xin cám ơn những buổi đợi chờ thật dịu dàng không bao giờ còn có được".

Tình yêu đậm sâu của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với cô gái Huế xinh đẹp và bài học buông tay có 1-0-2-3
Tranh của họa sĩ Lê Sa Long

Còn yêu, còn thương nhưng vẫn phải nói ra lời chia tay cay đắng và đẹp đẽ. Cách chia tay của Trịnh Công Sơn cho thấy đó là tình yêu, là sự cao thượng mà không dễ gì ai cũng gặp ở người đàn ông mình từng thương.

Chia tay mà tình cảm vẫn đong đầy, mà nhận mọi lỗi lầm về mình, mà chân thành như thế... nên sau này dù không còn yêu nhưng họ vẫn còn 1 tình bạn, 1 tình tri kỉ đẹp đẽ?!

Năm 1993, ông có gửi cho bà 1 lá thư sau khoảng thời gian dài không gặp, tình cảm ông dành cho bà dường như vẫn không nhiều thay đổi: "Ánh bảo anh viết thật dài cho Ánh nhưng những dòng chữ không thể dài bằng nỗi nhớ được. Nỗi nhớ đã đi qua hết những quãng đời dài hơn 20 năm. Đi từ Huế lên Đà Lạt về Sài Gòn vẫn âm ĩ như một dòng nước ngầm không quên lãng. Nhớ Ánh vô cùng nhớ".

Chia tay để vẫn còn lại sự đẹp đẽ, đến ngay cả nỗi buồn, đến cả sự thương nhớ và tôn trọng vẫn ở đó.

Hãy chọn cách buông tay nhẹ nhàng nhất

Cách của Trịnh Công Sơn khiến người ta tin rằng vẫn có 1 cuộc chia tay trong hạnh phúc như vậy. Ai đó bảo muốn biết bộ mặt thật của người đàn ông hay đợi đến sau lúc chia tay cũng chẳng sai. Có người đàn ông sau khi ly hôn có cạy răng cũng không bao giờ nửa lời nói xấu vợ cũ. Có người chia tay ôm hết mọi lỗi lầm về mình như Trịnh Công Sơn. Cái buông tay nào cũng có lý do nhưng cách buông để nhẹ nhàng và thanh thản nhất chúng ta có thể học ở vị nhạc sĩ tài hoa này.

Tình yêu đậm sâu của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với cô gái Huế xinh đẹp và bài học buông tay có 1-0-2-4


Từ thời gian này cho đến lúc qua đời, "hai mươi năm xin trả nợ dài", thỉnh thoảng Sơn và Ánh vẫn liên lạc vẫn viết thư và gọi điện cho nhau trong một tâm thế thật khó gọi tên.

Cũng có lúc ông lại viết những lời thủ thỉ nhẹ nhàng: "Rất vui nghe nói Ánh sức khỏe bình thường mình cũng ngủ yên tâm. Càng sống, càng thấy có được một cuộc sống luôn luôn bình thường là điều may mắn lắm rồi. Cố gắng tìm niềm vui trong những điều nhỏ nhặt nhất để cảm thấy đời nhẹ nhàng hơn, thanh thản hơn".

Vào năm 1989, khi Trịnh Công Sơn đã bước sang tuổi 50 tuổi, ông viết thư gửi người tình cũ với những lời trách nhẹ: “Những kỷ niệm xưa đã nằm trong những bài hát của anh. Ánh thì chẳng giữ lại gì cả. Thế mà cũng hay. Hãy để một người khác giữ và mình thì đã lãng quên hoặc nhớ trên một văn bản không bao giờ có thực”.

Trái ngược với suy đoán của Trịnh Công Sơn, Dao Ánh vẫn giữ từng bức thư mà ông gửi bằng tình cảm và sự trân quý. Vào năm 1993, Dao Ánh trở về Việt Nam và tìm gặp lại người cũ. Trịnh Công Sơn cũng đã viết ca khúc "Xin trả nợ người" để tặng bà. Sau cuộc tái ngộ này, Dao Ánh đã ly dị chồng.

Những ngày cuối đời nhạc sỹ Trịnh Công Sơn bị ốm nặng, Dao Ánh trở về Việt Nam chăm sóc ông. Bà cũng đã gửi tặng lại gia đình nhạc sỹ này hơn 300 bức thư tình mà ông đã gửi cho bà thuở còn yêu nhau.

Ngày 08/4/2017, tại đêm nhạc Trịnh Công Sơn "Thư tình gửi một người", Dao Ánh gửi cho Trịnh Vĩnh Thúy (em gái Trịnh Công Sơn) bức thư kèm dòng chữ: "Nén hương thắp lên và ngụm rượu nhấp môi, Ánh ngày xưa cũng như Ánh hôm nay, nhớ anh hôm nay cũng như nhớ anh bao ngày, tháng, năm đã qua, những ngày tháng, năm sắp tới".

Và vào một ngày Cá tháng Tư, trái tim nồng nàn yêu đời, yêu người ngừng đập. Sinh lão bệnh tử là chuyện tất yếu, ấy thế mà vì những ca khúc, vì tình yêu và cách yêu của ông mà đến giờ vẫn nhiều người tưởng đây chỉ là 1 trò đùa.

Nguồn: Thư tình gửi một người - Trịnh Công Sơn

Theo Nhịp Sống Việt

Xem link gốc Ẩn link gốc http://nhipsongviet.toquoc.vn/tinh-yeu-dam-sau-cua-nhac-si-trinh-cong-son-voi-co-gai-hue-xinh-dep-va-bai-hoc-buong-tay-co-1-0-2-22202114235023678.htm

chuyện tình yêu

Trịnh Công Sơn


Phụ nữ cần chứng minh những gì khi chia tài sản lúc ly hôn?
Trong 14 năm hôn nhân với ông N.V, bà M. luôn vun vén, chu toàn quán xuyến mọi công việc gia đình để chồng an tâm lập nghiệp, ủng hộ sự nghiệp của chồng và đóng góp đáng kể vào tài sản chung. Thế nhưng, khi ra tòa ly hôn bà M. lại chỉ được chia 42% tài sản chung.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.