Tình yêu giữa thầy và trò: Có nên nghiêm cấm?
Dân cư mạng chưa hết xôn xao chuyện tình thầy trò Khánh Thi - Phan Hiển đã tiếp tục tranh cãi về quy định "cấm thầy yêu trò" của trường CĐ Nghề Việt Mỹ.
Dân cư mạng chưa hết xôn xao chuyện tình thầy trò Khánh Thi - Phan Hiển đã tiếp tục tranh cãi về quy định "cấm thầy yêu trò" của trường CĐ Nghề Việt Mỹ.
Quy định cấm thầy cô trong trường có quan hệ yêu đương với học sinh, nếu để xảy ra chuyện này, dù dưới bất kỳ hình thức nào, giáo viên vi phạm đều buộc phải nghỉ việc. Ngay khi thông tin này đưa ra đã dấy lên cuộc tranh luận với ý kiến trái chiều: người đồng tình, người thì không.
Để nhìn nhận vấn đề một cách đa chiều, chúng tôi đã tìm tới một số người đã và đang làm thầy giáo để nghe họ chia sẻ ý kiến cá nhân của mình.
Trái với đạo đức thì không thể chấp nhận được
Cựu giáo chức, ông Lai Đức Thụ - khoa lịch sử trường Đại học sư phạm 1 bày tỏ quan điểm:
"Theo tôi, Luật pháp Việt Nam không có bộ luật nào cấm quan hệ yêu đương nam nữ khi hai người không có quan hệ huyết thống, đủ độ tuổi kết hôn và không vi phạm luật hôn nhân gia đình.
Trong lĩnh vực giáo dục, quan hệ yêu đương giữa thầy và trò nếu tình cảm đó trong sáng, không ảnh hưởng đến học tập và vị thế của người thầy trên bục giảng vẫn có thể chấp nhận được.
Tuy nhiên, trong thực tế có nhiều trường hợp thầy giáo lợi dụng cái uy của người làm thầy mà vượt quá giới hạn cho phép, trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục: quấy rối tình dục, ngoại tình, ép buộc học sinh có quan hệ tình cảm với mình, quan hệ đổi chác... thì không thể chấp nhận được."
Hoàn toàn không nên vì ảnh hưởng đến cả thầy và trò
Giảng viên thỉnh giảng trường Cao đẳng phát thanh Truyền hình trung ương 2, TP. HCM, ông Nguyễn Đức Liên chia sẻ:
"Theo tôi, trong môi trường sư phạm người giảng viên là một chuẩn mực đạo đức, là tấm gương có ảnh hưởng trực tiếp đến học sinh, sinh viên về thế giới quan và nhân sinh quan.
Bản thân người thầy giữ vai trò truyền đạt kiến thức đến các em học sinh, sinh viên đã tự ý thức mình là một nhà sư phạm cho nên đạo đức và tư cách của người thầy không cho phép những phát sinh tình cảm không trong sáng đối với học sinh. Khi xuất hiện tình cảm giữa thầy - trò khiến cho học sinh, sinh viên có cái nhìn không đúng đắn về người thầy của mình và tình cảm đó làm ảnh hưởng đến quá trình dạy học của người thầy và khiến học sinh không có kết quả tốt trong học tập. Theo tôi, thầy phát sinh tình cảm với học trò là điều hoàn toàn không nên. Bản thân người thầy phải có bản lĩnh, giữ vững thái độ và tư cách để không cho tình cảm thầy trò đi quá giới hạn."
Không nên làm mất tình cảm trong sáng của thầy-trò
Trao đổi về việc này, bạn Thành Công, sinh viên trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội bày tỏ ý kiến:
"Theo em, vấn đề thầy yêu trò em không tán thành vì nếu tình yêu xảy ra giữa thầy - trò sẽ dẫn tới nhiều điều không công bằng với các bạn sinh viên khác. Khi yêu nhau, đương nhiên thầy sẽ ưu ái học sinh kia hơn, sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho bạn đó. Hơn nữa, từ xưa đến nay, truyền thống tôn sư trọng đạo đã là một nét đẹp của dân tộc Việt Nam. Vì thế, em nghĩ không nên để tình cảm yêu đương xen vào tình cảm trong sáng thầy - trò.
Theo các bạn, có nên cấm tình yêu giữa người thầy và trò không? Tình cảm yêu đương giữa thầy - trò liệu có ảnh hưởng gì đến quá trình học tập hay nhân cách người thầy không? Ở các nước phương Tây đã có quy định cấm thầy trò yêu nhau, vậy ở nước ta, quy định đó có phù hợp không?
Bạn nghĩ sao về vấn đề này? Hãy chia sẻ quan điểm của bạn với Tintuconline qua địa chỉ email tintuconline@vietnamnet.vn hoặc comment dưới bài viết. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn! |
Hải Anh/VietNamNet